Thay lời Bạt

 Thay lời Bạt

Cuộc Hội Thảo của Sinh Viên Đại Học
Hè Nancy 1998 về Truyện Kiều và Tuổi Trẻ
Lê Hữu Mục



Hằng năm, Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ tổ chức ở Âu Châu những lớp Đại Học Hè vào Tháng Tám. Mục đích trang bị cho thanh thiếu niên Việt Nam những kiến thức cơ bản về văn hoá Việt Nam. Trong các khoá Đại Học Hè 1996 và 1997 tổ chức tại Orsonnens (Thuỵ Sĩ), tôi đã thuyết giảng về Lịch Sử Văn Học Việt Nam.Từ thế kỉ X,XI,XII,XIII (Văn Học Thiền Tông), thể kỉ XIV,XV,XVI (Văn Học Nho Điển). Trong khoá Đại Học Hè 1998 tổ chức tại Nancy (Pháp), tôi giảng về Văn Học Nôm Na (các thế kỉ XVII, XVIII, XIX) và để minh hoạ cho tính siêu việt của nền Văn Học này, tôi đã trình bày cho các sinh viên ở hải ngoại thấu triệt cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều. Tôi cũng tiện dịp này tổ chức một cuộc triển lãm bỏ túi để giới thiệu với các bạn trẻ các bản Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, các bản phiên âm ra chữ Quốc Ngữ từ thời Trương Vĩnh Ký, các bản phiên dịch ra ngoại ngữ. Cuộc triển lãm rất thành công nhờ sức thu hút của hàng trăm bức tranh liên quan đến các nhân vật Truyện Kiều mà Dược Sĩ Đặng Quốc Cơ, một nhà Kiều Học ẩn danh ở Paris, đã sưu tập âm thầm từ nửa thế kỉ. Sau khi đã xem triển lãm, các sinh viên trở về đại giảng đường hội thảo về Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi. Tôi chỉ xin ghi lại đây những ý chính mà các sinh viên đã phát biểu.
Thuyết trình viên: Còn nhiều vấn đề phải bàn cãi giữa các anh chị em sinh viên và chúng tôi. Vì thời giờ có hạn cho nên nhân tiện, chúng tôi có lời đề nghị thiết tha của Anh Nguyễn Thế Quang, tức Cha Quang, tôi thấy cần phải kết luận để kết thúc buổi hội thảo hôm nay.
Giáo Sư Hồng Kim Linh (linh mục, Tiến Sĩ văn chương): Xin Giáo Sư thuyết trình viên cho tôi nói một chút. Trong giáo trình, Giáo Sư đã nói tới các hệ tư tưởng đã cấu tạo nên nội dung tư tưởng của Truyện Kiều. Tôi thấy Giáo Sư cố ý tránh không đề cập tới Nguyễn Du như là một triết gia  mặc dầu theo tôi, ta có thể đề cập, nhưng trong cương vị là một Giáo Sư văn chương. Giáo Sư chỉ nói tới tư tưởng của Nguyễn Du như là tất cả nội dung của tác phẩm. Thường thường, khi bàn về vấn đề này, ngoài những Giáo Sư triết như các Giáo Sư Vũ Đình Trác, Phạm Công Thiện, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, ấy là chưa kể ngày xưa có các Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Sử Gia Đào Duy Anh, và ở Hà Nội có Giáo Sư Phan Ngọc, Học Giả Hoài Thanh, Nguyễn Quảng Tuân, Giáo Sư Mai Quốc Liên, tất cả đều chỉ nói tới tam giáo là Nho, Phật, Lão như là nền tảng tư tưởng của Truyện Kiều. Bây giờ, Giáo Sư thêm Ki Tô Giáo vào tam giáo thành ra tứ giáo. Việc làm đó có chủ quan không? Có khiên cưỡng không? Giáo Sư đã căn cứ vào đâu để khẳng định một sự kiện quan trọng như vậy? Là một Linh Mục thiệp liệp quốc văn, tôi cũng muốn ủng hộ quan điểm của Giáo Sư, nhưng hình như môn võ mới mà Giáo Sư muốn biểu diễn chưa được kín lắm nếu không nói là có nhiều sơ hở!

Thuyết trình viên: Xin cám ơn cha và sự lo ngại rất có sơ sở của cha. Thực ra, tư tưởng hay hệ tư tưởng của tác phẩm có thể tìm thấy ở 3 điểm. Điểm quan trọng nhất là chính tác phẩm, điểm thứ yếu nằm về phía những tác phẩm đồng thời, và cuối cùng cũng là ở người đọc. Trong đó có các nhà phê bình.

Về nội dung, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đặt rõ ràng vấn đề xung đột giữa con người và số kiếp, giữa cá nhân và định mệnh, giữa tự do vá tất yếu. Tác giả đã quan niệm con người như thế nào? Ông nói về Đạm Tiên qua nhận định của Thuý Kiều. Kiều rằng: Những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh (cc.115-116). Thể phách là phần vật chất của con người. Phần này sẽ bị chết, bị tiêu huỷ, bị tan tành thành tro bụi. Cái vẫn sống mãi không bao giờ chết là tinh anh, là phần linh thiêng của con người, là linh hồn. Ta có cảm tưởng đọc một đoạn văn triết của các tác gia Hy Lạp, nhưng trong những lần xuất hiện của Đạm Tiên, ta thấy Đạm Tiên đến với Thuý Kiều không phải chỉ với phần tinh anh mà là cả với thể phách nữa, chứng cớ là khi nàng hiển linh lần đầu tiên cho Thuý Kiều xem. Thời gian lúc ấy là buổi chiều chứ chưa phải là đêm. Nàng hiển hiện một cách cụ thể như một người sống. Nàng báo hiệu cho chị em Thuý Kiều biết là nàng hiển linh (c.120). Mọi người nghe thấy tiếng gió thổi và tiếng lá rụng (c.121). Mọi người đều ngửi thấy mùi hương từ người nàng toả ra (c.122). Mọi người điều trông thấy vết chân và dấu giày của nàng lần lượt in trên nền cỏ xanh (c.123).

Như vậy, thời gian xuất hiện của nàng là vào buổi chiều, chứ không phải vào ban đêm như các bóng ma. Nàng xuất hiện trước sự chứng kiến của nhiều người đang tỉnh thức chứ không phải chỉ cho một người nào đó đang ngất ngư trong tình trạng hôn mê. Những người đó đều cảm thấy ngũ quan của mình bị dao động, từ thính giác, khứu giác đến thị giác, và cả tâm thức nữa (c.125). Sự hiển linh của Đạm Tiên tuy không gọi là vật chất vì nó rõ ràng có tính cách linh thiêng. Không phải vì thế mà ta phủ nhận phần thể phách của nàng đã hiển linh đồng thời với phần tinh anh. Nguyễn Du quan niệm phần thể phách và phần tinh anh của Đạm Tiên tạo thành một tổng thể duy nhất là Đạm Tiên. Nhận xét này có mâu thuẫn với câu thơ: Thác là thể phách mà Nguyễn Du đã viết ở câu 116 không? Thưa không, nhất định không. Trong câu sau, khi mai một thể phách đã được phục sinh, nó không chỉ định một phần của con người, đối lập với phần tinh anh. Nó có tham dự vào sự cấu hợp toàn bộ của con người nhưng dưới góc độ mong manh dễ hư nát. Bộ phận mong manh này của con người khi được phục sinh sẽ lấy lại được toàn bộ của nó và sẽ không hư nát và trở thành bất tử như phần tinh anh. Tuy Nguyễn Du đã dùng rất nhiều từ ngữ Phật Giáo, ông không hề tin vào hư vô. Ông không hề chủ trương rằng con người mà ta có duy nhất đây sẽ bị tan loãng và mất hút trong đại ngã. Ông cũng không hề thấy rằng con người chỉ có một làn sóng, một ngày nào đó sẽ trở về với nước trong lòng đại dương. Nàng Đạm Tiên của Nguyễn Du sẽ mãi mãi là Đạm Tiên với tất cả những mối liên hệ mà nàng đã đan dọc thêu ngang được, với tất cả lịch sử mà nàng đã sống dù đó chỉ là lịch sử của một Hội Đoạn Trường. Đạm Tiên còn hiện ra với Thuý Kiều nhiều lần để thông tri cho nàng biết những sự kiện sẽ xảy ra cho nàng trong tương lai. Vai trò của Đạm Tiên không khác gì vai trò của thiên thần Ga-biên trong Thánh Kinh. Từ một Đạm Tiên huyền hoặc trong KVKT, xuất phát từ Lão Giáo dân gian, Đạm Tiên  trong Truyện Kiều trở thành một nhân vật tiên tri nối kết hai không gian u hiểm thành một, với mục đích ẩn tàng là chứng thực sự can thiệp của Trời vào cuộc sống củacon người.
Giáo Sư Hồng Kim Linh: Như vậy, ông Trời mà Nguyễn Du nói tới là một ông Trời hữu ngã (personnel) như của Ki Tô Giáo?

Thuyết trình viên: Thưa, khi linh mục gọi Trời là ông Trời thì tính hữu ngã của Trời là hiển nhiên. Điều đó chính linh mục cũng nói chứ không phải chỉ có tôi.

Giáo Sư Hồng Kim Linh (cười): Thì tôi gọi theo dân gian khi họ nói Lạy Trời mưa xuống...

Thuyết trình viên: Linh mục có thuộc bài Thăng Thiên Vấn Bần không? Bài vè này dài hàng trăm câu, trong đó có nói về Trời rất rõ. Tỉ dụ:

Năm giờ sáng tầu vừa tới đấy,
Liền chắp tay vái lậy Trời già,
Từ trời đông Trời mới hiện ra,
Trời mới hỏi: “Đi đâu mà sớm thế?”
Ông trí thức bình dân này tâu Trời rằng có “nhân gian sự thế” muốn hỏi Trời. Rồi ông chất vấn Trời rất gay gắt :

Trời đã công sao lại ở riêng tây
Cho bận bã lòng này chi lắm tá?
Những lời công kích của ông làm cho Trời nổi giận:
Trời đỏ mặt mắng thằng nói bướng...

Linh mục thấy không, quả thật dân chúng có một cái nhìn rất cụ thể về một ông Trời hữu ngã.
Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc: Do đó mới có những câu của Nguyễn Du:

Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Sinh Viên Nguyễn Thị Bích Trâm: Con thấy nếu Nguyễn Du công nhận có một ông Trời, ông Trời của nhà thơ độc tài quá, chuyên chế quá, cái gì mà nghe ra như “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”...

Thuyết trình viên: Cô Bích Trâm đã suy nghĩ đúng như nhà Bác Học Einstein, không nhận có một ông Trời thưởng phạt nghiêm khắc, làm cho con người mất cả tự do, trở thành vô trách nhiệm chẳng khác gì một đồ vật vô tri vô giác, một con vật hành động theo những quy luật tất yếu kể cả về bên ngoài lẫn bên trong. Nhà bác học cha đẻ của thuyết tương đối đã phải viện đến cả Spinoza lẫn Phật Giáo để bảo vệ lập trường của mình, nhưng đó là trước 1945. Sau khi bom nguyên tử đã nổ ở Hỉroshima, trước những tiến bộ vượt bực của môn vật lí học lượng tử, Einstein đã suy nghĩ lại đấy, cô Bích Trâm ạ.

Theo tôi, chữ bắt trong câu thơ Nguyễn Du có tính cách cưỡng bách thực, nhưng xin hỏi khi chúng ta sinh ra, chúng ta có tự do không? Chúng ta có quyền nói: tôi từ chối không sinh ra không? Như vậy, câu Trời kia đã bắt làm người có thân diễn tả đúng cái ý sáng tạo là một hành động tự do về phía Trời; vả khi đã thụ tạo, tức là tiếp nhận hành động sáng tạo của Trời, tự do không ở về phía con người chúng ta rồi! Cô Bích Trâm đừng cải nữa, cô phải nhận rằng; nói như Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, cô là: Cái quay búng sẵn trên trời. Lờ mờ nhân cảnh như người đi đêm. Tất cả chúng ta đều là những con quay, một đồ vật vô tri vô giác đúng như Einstein đã nói. Trời hay Tạo Hoá đã điều động chúng ta hết thảy, bắt ta khổ thì ta phải khổ (phong trần), cho phép ta được hạnh phúc thì ta có hạnh phúc (thanh cao). Nghe ra có vẻ định mệnh khắt khe quá phải không? Nhưng đó là nói đi, còn nói lại nữa chứ? Phải có tính bổ túc (complémentarité) giữa ông Trời định mệnh này với loài người là tất cả chúng ta chứ? Ta sẽ thấy Nguyễn Du chứng thực rằng ông Trời bao hàm tất yếu và tự do, lí và luận, phổ biến và tất định, vô ngã và hữu ngã khi ông nói: Có Trời mà cũng tại ta (c. 2657), hoặc có khi ông còn phán quyết một cách dữ dội hơn nữa về sự chiến thắng của con người đối với định mệnh: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều (c. 420). Tuy nói vậy, Nguyễn Du công nhận sự can thiệp thường xuyên của Trời vào mọi  hoạt của con người: Rủi may âu cũng sự Trời (c. 817), Tác nhân âu cũng có Trời ở trong (c. 1018), Trời làm chi đến lâu ngày càng thương (c. 2649), Trời còn để có hôm nay (c. 3121). Sự can thiệp của Trời gần gũi đến nỗi có khi Nguyễn Du thân mật đồng hoá người với Trời và Trời với người. Cả hai không phải những nguyên nhân đối lập cạnh tranh với nhau nữa, như kiểu người thắng thì Trời bại, người bại thì Trời thắng. Vì Nguyễn Du coi Trời là Tạo Hoá tạo dựng ra con người: Trời kia đã bắt làm người có thân (c. 3242), Rằng trong các hợp cơ Trời (c. 3068) v.v... cho nên Trời là nền tảng, là cái giá để nâng đỡ cho con người trong công cuộc đi tìm ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời và sự sống. Rõ ràng là Trời không mất mát gì cả khi con người chiến thắng, mà Trời còn thắng lợi nhiều nữa khi con người thắng lợi. Nguyễn Du quan niệm Trời hết mực tự do: Ngẫm hay muôn sự tại Trời (c. 3241), Người dù muốn quyết, Trời nào đã cho (c. 998). Không phải vì thế mà Trời toả chiết quyền tự do của con người, bởi vì, như ta đã thấy qua đời sống của Thuý Kiều, chính Trời đã nhiều lần can thiệp để cho tự do của cô được bảo vệ. Nếu nhiều khi các nhân vật trong Truyện Kiều cảm thấy quyền tự do của mình chỉ là tương đối. Do đó, có khi họ kêu Trời: Trời làm chi cực bấy Trời (c. 659), Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa (c.596). Có khi còn trách Trời: Phũ phàng chi bấy Hoá Công (c. 85), Ông tơ gàn quải chi nhau (c. 449), nhưng không bao giờ họ cảm thấy bị đè đẹp bởi quyền tự do tuyệt đối của Trời. Nguyễn Du chứng thật các nhân vật đã sống trọn vẹn quyền tự do ấy, đến nổi họ đã phải thốt lên những lời đầy biết ơn: Duyên ta, mà cũng phúc Trời, chi không (c. 2694), Dễ đem gan óc đền nghì Trời mây (c. 2416), những lời dâng hiến đầy tin tưởng: Tấm lòng phó mặc trên Trời dưới sông (c. 2634).

Cho phép tôi được kết luận, một khi Phật Giáo không công nhận có một ông Trời sáng thế, một khi Nho Giáo công nhận có một ông Trời vô ngã, tức là không có ngôi vị, Nguyễn Du đã trình bày thành công một quan niệm về một ông Trời vừa vô ngã như Nho Giáo vừa hữu ngã như Ki Tô Giáo, tức là nói theo nhà thần học Hans Kung, tác giả cuốn Có Trời Không? (Dieu existe-t-il, Seuil, Paris, 1981), là liên ngã (transpersonnel,sđđ, tr.732). Từ liên ngã của Hans Kung chưa được ai chấp nhận, nhưng trước đấy hơn một thế kỉ, nó đã được Nguyễn Du quan niệm và phát biểu rõ ràng.

Giáo Sư Hồng Kim Linh: Tôi cũng chưa chấp nhận từ liên ngã lạ lùng này, nhưng tôi có hai nhận xét:

1. Bây giờ, tôi mới thấy rõ ý của Nguyễn Du muốn gởi gắm vai trò gì cho Đạm Tiên. Đúng như Giáo Sư Mục đã thuyết giảng, qua nhân vật Đạm Tiên, Nguyễn Du muốn định nghĩa thế nào là con người. Con người là một hợp thể duy nhất được cấu tạo bởi thể phách (hiểu là xác) và tinh anh (hiểu là hồn). Khi con người qua đời, thể phách tạm rời tinh anh, nhưng sau đấy lại được phục sinh để kết hợp với tinh anh như trước. Khi nghe giáo sư giảng, tôi không hiểu nhờ vào sức mạnh gì mà thể phách lại được phục sinh và trở thành linh thiêng bất tử như tinh anh, nhưng bây giờ tôi hiểu. Đó là nhờ sự can thiệp của Trời. Căn cứ vào điểm này, tôi thấy có thể chấp nhận quan điểm của Nguyễn Du về con người rất giống của Ki Tô Giáo.

2. Ông Trời của Nguyễn Du có tính hữu ngã thì đúng là ông Trời của Thiên Chúa Giáo, và có lẽ phải có một quan niệm thần học như Nguyễn Du mới giải thích được vấn đề định mệnh. Nếu không giải thích được tính hữu ngã của Trời, định mệnh sẽ chỉ là kết quả của ngẫu nhiên và đã là ngẫu nhiên thì làm sao tránh được sự mù quáng và khe khắt? Tôi thấy đây cũng là một quan điểm của Thiên Chúa Giáo. Không biết giáo sư còn tìm ra được những điểm nào nữa?

Thuyết trình viên: Chắc linh mục thừa biết trong các đạo đều truyền bá lòng từ bi, bác ái, nhân nghĩa, nhưng chỉ có Thiên Chúa Giáo chủ trương yêu thương kẻ thù. Điều này có được chép trong Kinh Thánh (Lu-ca: 6,27,28, 32, 36; Mác: 5, 38, 48, 7, 12a). Có ai tìm được điểm này trong Truyện Kiều không?

Cả lớp im lặng. Có người giơ tay rồi lại hạ xuống.
Thuyết trình viên: Vậy, tôi xin nói. Thuý Kiều đã tha chết cho Hoạn Thư, kẻ thù không đội trời chung của nàng. Đó là một hành động quá đẹp, xuất phát từ một lòng từ bi cao độ.

Sinh Viên Đoàn Thị Quỳnh Trang: Đúng rồi. Hoạn Thư vì ghen với Thuý Kiều đã hành hạ nàng gần chết. Con có đọc bài giảng văn của Cô Phạm Thị Nhung, và con thấy tức chảy nước mắt khi thấy Kiều bị Hoạn Thư bắt hành bắt tỏi. Thế mà, khi có đầy đủ uy quyền trong tay, Kiều lại tha cho “chính danh thủ phạm” Hoạn Thư. Phải công nhận rằng Nguyễn Du phải có tâm đạo lắm mới viết nổi đoạn này.

Thuyết trình viên: Đúng vậy, Nhưng cũng xin lưu ý Cô Quỳnh Trang là chuyện tha bổng này không phải Nguyễn Du nghĩ ra đâu. Trong chính truyện đã viết như thế rồi. Có điều Nguyễn Du thay đổi các chi tiết và sắp đặt lại cách đối đáp giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư cho nên câu chuyện hấp dẫn hơn thôi, làm nổi bật vẻ đẹp của hành động tha thứ. Còn một trường hợp nữa, ai biết?

Ông Lê Thọ, (80 tuổi, sinh viên đặc biệt, tự lái xe từ Grenoble lên): Tôi thuộc vào một gia đình quan lại. Bố tôi làm quan cho nên ông chẳng ưa gì mấy ông lộn xộn chỉ thích làm loạn. Do đó, tôi thấy rằng nếu Nguyễn Du làm quan mà lại viết văn đề cao một anh tướng cướp, ông ấy phải yêu kẻ thù lắm!

Thuyết trình viên: Hay quá. Xin hoan nghênh “cụ”. Bây giờ ta kết thúc được chưa?

Giáo Sư Phạm Hồng Lam: Còn 10 phút nữa. Tôi xin nói một điểm nhỏ thôi. Trước hết, tôi xin hoan nghênh sự can đảm của thầy Mục là dám lồng tư tưởng Thiên Chúa Giáo vào nội dung Truyện Kiều. Việc làm ấy rất chính đáng và có giá trị là cùng với các tôn giáo cổ truyền, Thiên Chúa Giáo cũng có công đóng góp phần của mình vào một tác phẩm lớn của dân tộc. Việc Nguyễn Du có đọc sách của Thiên Chúa Giáo không thì tôi chắc là có vì vào đầu thế kỉ XIX, Đạo Công Giáo đã được truyền bá từ 3 thế kỉ rồi, đã có nhiều cuốn Cựu Ước và Tân Ước được dịch ra chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ và được phổ biến rộng rãi như cuốn Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan chẳng hạn. Một người đọc nhiều như Nguyễn Du chắc đã không bỏ qua những tác phẩm ấy. Ông đọc và chịu ảnh hưởng là lẽ đương nhiên. Diểm thứ hai tôi muốn hỏi là tại sao với một văn tài kiệt xuất như vậy mà Nguyễn Du lại phải căn cứ vào một cuốn truyện tầm thường là cuốn Kim Vân Kiều Truyện là tại sao.

Thuyết trình viên: Vấn đề này tôi đã trình bày và giải quyết trong giáo trình, xin miễn nhắc lại. Chỉ có điều này tôi muốn nói thêm là nhân câu hỏi của Giáo Sư Lam, tôi muốn nhắn các chị em sinh viên ở hải ngoại là khi các anh chị đọc được một cuốn sách hay, xin đừng quên bắt chước Nguyễn Du chịu khó soạn lại và trình bày cuốn sách ấy bằng tiếng Việt cho đồng bào chúng ta thưởng lãm. Cốt chuyện là của chung, ai cũng viết được, nhưng viêc soạn lại các tình tiết phù hợp với tinh thần và tình cảm người Viêt Nam mới là chuyện khó. Các anh chị gắng học tập Nguyễn Du để làm lại công việc của ông thì là điều may mắn cho văn hoá Việt Nam.

Còn 5 phút nữa, tôi xin phép các giáo sư và các anh chị sinh viên tổng kết buổi nói chuyện hôm nay. Truyện Kiều đã đưa ra một vấn đề rất hiện đại. Thanh thiếu niên phải gắng sức sống trong sạch dù cho xã hội có xấu xa đến đâu cũng không làm nhụt chí khí của tuổi trẻ được. Để truyền thông tư tưởng ấy. Nguyễn Du đã xác lập trên Nho Giáo, Lão Giáo. Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, và Đạo Ông Bà của dân tộc để lập ngôn và lập thuyết. Nghĩa là ông đã giải quyết một vấn đề xã hội bằng cách kêu gọi sự hợp tác của các tôn giáo. Ông đã chất lọc những tinh hoa của các tôn giáo để đúc kết lại thành một cương lĩnh gửi đến tay các thanh thiếu niên Việt Nam. Hiện nay, đứng trước sự hấp hối của thế giới, tây cũng như đông, các nhà trí thức mà đại diện là hai Giáo Sư Hans Kung và Karl Josef Kuschel, năm 1993, đã đứng ra tiếp tục hoạt động của Nghị viện các tôn giáo thế giới tiến hành soạn thảo bản Tuyên Ngôn cho một đạo tắc liên hành tinh (Manifeste pour une éthique planétaire). Tôi đã đọc bản Tuyên Ngô  ấy, và tôi sung sướng nhận thấy nội dung của nó hoàn toàn là nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tôi thấy chỉ cần thay thế chữ Éthique Planétaire trên tấm bảng Les religions et l'éthique planétaire bằng chữ Đạo Tắc của Nguyễn Du là ta có thể hình thành một tấm bảng như sau:



ĐẠO TẮC CỦA NGUYỄN DU
  ( quyền sống của con người)


Đạo Do Thái Đạo Ấn Độ Đạo Nho
Đạo Thiên Chúa Đạo Phật Đạo Lão
Đạo Hồi Đạo Cao Đài Đạo Ông Bà
Đạo Hoà Hảo

Hiện đã có nhiều nhân vật tên tuổi kí vào bản Tuyên Ngôn. Thế giới càng chú trọng đến bản Tuyên Ngôn ấy bao nhiêu, ta càng thấy sự hợp thời của Truyện Kiều bấy nhiêu trên diễn đàn văn học quốc tế.

Sau cùng, để chứng thực tầm ảnh hưởng của chính sách liên tôn, tôi xin đan cử một trường hợp cụ thể liên quan đến uy tín càng ngày càng to lớn của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về phương diện truyền bá đạo pháp. Ngày 12.4.1998, Bà Lê Kim Huê ở Oklahoma City chịu rửa tội tại nhà thờ Giáo Xứ An-rê Dũng Lạc. Sau khi bà đại diện cho anh chị em tân tòng đoc diễn văn cám ơn cha Quản Nhiệm, ban Giảng Huấn Lớp Giáo Lí và các cha mẹ đỡ đầu, tôi hỏi bà ta vì lí do gì bà trở lại Công Giáo, trong khi tôi biết rõ bà đã đọc một cách say mê tất cả các tác phảm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Bà Huê trả lời: "Chính vì tôi say mê đọc sách Thầy Thích Nhất Hạnh mà tôi theo Đạo Công Giáo". -Tại sao đọc sách Phật mà lại theo Đạo Công Giáo? -Vì thầy Thích Nhất Hạnh nói rất nhiều đến Công Giáo. Thầy rất thích đạo Công Giáo cho nên tôi đã theo thầy. Thầy chú trọng đến hiện tại, giờ phút này đây, cho nên tôi cũng theo gương thầy chia sẻ hạnh phúc hiện tại với chồng tôi là giáo dân Lê Văn Lộc. Có thế thôi.

Vâng, chỉ có thế thôi, nhưng đó là kết quả quý giá của chính sách liên tôn, của ý chí đoàn kêt tôn giáo, điều mà Nguyễn Du đã đề xuất để cứu vãn xã hội Lê mạt; và hiện đang được hậu thế tiếp tục để tiến hành cứu nguy thế giới. Bản thân tôi, tôi đã tham gia vào phong trào liên tôn từ thời tôi ngồi dạy học tại Huế. Bộ ba anh em kết nghĩa chúng tôi: Linh Mục Trần Thái Đỉnh, Thượng Toạ Thích Trí Quang, Giáo Dân Lê Hữu Mục. Chúng tôi kết nghĩa tại chùa Từ Đàm để cùng làm việc cho các tôn giáo, nhất là cho Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Cuốn biên khảo cúa tôi về Khoá Hư Lục của Trần Thái Tôn, được sự chứng giám của Thượng Toạ Thích Thanh Kiểm và Thích Trí Quang, đã giật được giải thưởng Mai Thọ Truyền năm 1970. Cuốn biên khảo về tác phẩm Cả Blả Ơn áng ná cực nặng của Nguyễn Trãi (tức Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh) do tôi phiên âm từ Chữ Nôm ra Quốc Ngữ đã được đăng tải trên các Báo Làng Văn, Quê Mẹ. Tôi đã được mời thuyết pháp tại nhiều chùa (tỉ dụ Chùa Quan Âm ở Montréal). Tôi đã thọ Bát Quan Trai tại Chùa Hoa Nghiêm ở vùng núi Fort Belvoir, Virginia cùng với các Tu Sĩ Nguyên Nghĩa và Nguyên Tu, với sự chứng giám của Thầy Thích Kiến Khai và Thích Kiến Như. Tôi đã áp dụng phương pháp chánh niệm và tỉnh thức trong từng giây phút ở hiện tại mà tôi đã học được ở Chùa Hoa Nghiêm để áp dụng vào cuộc tĩnh tâm thường niên của Dòng Phan Sinh tại thế, Huynh Đệ Đoàn I-sa-ve vùng Montréal. Tôi công nhận các phương pháp quán tưởng đã giúp tôi quán chiếu nội tâm một cách có hiệu quả. Tôi tin rằng, đúng như André Malraux đã nói, thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của tôn giáo, mà tôn giáo trong tương lai, theo tôi nghĩ, phải là tôn giáo thần bí và đi vào nội tâm, đúng như Đạo Phật và Đạo Chúa đã định nghĩa và đúng như Nguyễn Du đã dự kiến.

Lời bạt: Từ khi Trịnh Tạc ra lệnh đốt các sách Phật, Lão, Thiên Chuá Giáo năm 1663, các nhà trí thức trẻ đã kịch liệt phản đối. Điều này chúng ta đã biết. Sau khi đạo tắc liên tôn của Nguyễn Du được công bố, các nhà trí thức đến sau vẫn tiếp tục thực hiện chính sách liên tôn của ông. Trong Trại Về Nguồn 1998 tổ chức tại Tennessee, trên Núi Hun (Smoky mountain), trước sự hiện diện của Kĩ Sư Lâm Văn Trung, Bác Sĩ Lê Văn Lân, Nhạc Sĩ Trần Quang Hải, các Kí Giả Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyên Hương và hàng 300 sinh viên tham dự, tôi đã nói về tinh thần liên tôn đó qua sự nghiệp của Nguyển Công Trứ. Nhà trí thức này đã viết bài Kẻ Sĩ năm 1833, tuyên ngôn của Nho sĩ thế kỉ XIX, nhưng ông đã viết bài Vịnh Phật, khoảng năm 1848, để chứng nhận Đạo Phật là đạo của , của chân không diệu hữu chứ không phải của hư vô, và chân không diệu hữu chuyển sang ngôn từ hiện đại, đó là tâm linh, nội tâm thiêng liêng, hiển hiện ở Đạo Phật, Đạo Chúa và các tôn giáo chân chính khác. Tất cả những điều chúng ta vừa nói đã được Nguyển Du đề cập tới trong Truyện Kiều, trực tiếp hay gián tiếp, và tư tưởng của Nguyễn Du vẫn tiếp tục có giá trị để cứu vãn cơn hấp hối nguy kịch của thế giới và nhân loại hiện nay đang điễn ra một cách đáng lo ngại. Các bạn trẻ phải đứng lên để khẳng định và thông đạt tư tưởng của Nguyễn Du trên khắp thế giới, bằng các thứ tiếng mà các bạn đang nói. Thế kỉ 21 sẽ là thế kỉ của tôn giáo. Về phần các bạn trẻ Việt Nam, các bạn hãy tích cực đấu tranh cho thế kỉ 21, cũng là thế kỉ của Nguyễn Du và của nước Việt Nam tự do thân yêu của chúng ta.

692 Cần Hình                                                                                                                    

Thay lời Bạt 2

Phạm Thị Nhung
Góp ý về bài
TIẾNG ĐÀN TÁI NGỘ của THÚY KIỀU
(cc. 3191-3214)


Đọc bài bình giảng của Giáo Sư Lê Hữu Mục về Tiếng Đàn Tái Ngộ của Thúy Kiều, chúng tôi thấy có nhiều điểm tương đắc, nếu không muốn nói là tâm đắc. Nhân đấy cũng muốn góp thêm một số ý kiến.

1)Tiếng Đàn Vui của Thúy Kiều

Bốn câu thơ trong bài Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn (danh sĩ đời  Đường):
           Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng Để xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

  Không được nhắc tới trong Kim Vân Kiều truyện, nguyên tác chữ  Hán của Thanh Tâm Tài Tử (TTTT),Trung Quốc; trong khi ấy lại được Nguyễn Du tái tạo thành sáu câu thơ lục bát, để tả Tiếng Đàn Tái Ngộ đặc biệt này cùa Thúy Kiều trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT) của ông:

Khúc đâu đầm ấm dương hoà
Ây là hồ điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ây hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao, châu nhỏ doành quyên
Ấm sao, hạt ngọc Lam Điền mới đông.

Từ đó, một số nhà phê bình Văn Học dựa vào ý thơ của Lý Thương Ẩn suy diễn vào thơ Nguyễn Du, nên cho rằng: “Tiếng Đàn Tái Ngộ của Kiều vui đượm lẫn buồn” và “Văn lý mơ hồ, viển vông, khó hiểu” (Lê Văn Hoè, Truyện Kiếu Chú Giải); hay “Đây chỉ là một sự tập cố ít nhiều không tránh khỏi tính chất hình thức chủ nghĩa. Do đó, thiếu sự thuần nhất về nội dung cảm xúc.” ( Đặng Thanh Lê, Truyện Kiếu và Thể Loại Truyện Nôm)...

         Thực sự, bài thơ Cẩm Sắt (Đàn gấm) đã gợi hứng cho Nguyễn Du viết đoạn tả Tiếng Đàn Tái Ngộ của Thúy Kiều. Chuyện này đã hiển nhiên. Song Nguyễn Du đã không lấy ý thơ buồn thảm, tả nỗi tiếc nuối của họ Lý trước mối tình đầu tan vỡ, mà  Nguyễn Du chỉ mượn chất liệu trong đó, rồi bằng những sáng tạo riêng, ông lái câu thơ họ Lý theo chủ đích của mình, để phục vụ cho tiếng đàn vui của Thúy Kiều.

          Bởi thế, Tiếng Đàn Tái Ngộ của Nàng Kiều đã khác hẳn ý thơ trong nguyên tác. Điều này quá rõ ràng:

          Hai câu thơ đầu bài Cẩm Sắt, Lý Thương Ẩn bàn về tính chất bản đàn:
           Câu 1:
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp

          Nghĩa là, Trang Sinh sáng sớm ngủ mơ còn mê mải mình là bướm.
Tác giả nhắc lại một câu chuyện trong Sách Trang Tử, Thiên Tề Vật Luận. Trang Sinh tức Trang Tử đời Chu, ngủ mơ thấy mình hóa bướm; tỉnh dậy lấy làm ngờ, tự hỏi, không biết mình đã mơ hóa bướm, hay bướm đang mơ hóa mình?
           Ý thơ tiêu cực, không phân biệt tỉnh với mộng. Nói khác đi là coi đời không khác gì mộng.

Khi sang thơ Nguyễn Du:

                              Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ây là hồ điệp hay là Trang Sinh?

Câu trên, Nguyễn Du ca ngợi khúc đàn nghe sao mà đầm ấm, chan hòa tình yêu thương như nắng xuân trải rộng khắp không gian. Đoạn tiếp vào ý câu sau: Không nên phân biệt hồ điệp với Trang Sinh, vì hồ điệp hay Trang Sinh chỉ là một.
         Ý thơ tích cực, hai câu này ca ngợi tình yêu thương bao la, bình đẳng, đối với mình, với người cũng như đối với muôn loài chúng sinh không có sự khác biệt. Ý thơ tương tự như trong câu tục ngữ: - Thương người như thể thương thân-  mà các cụ ta xưa thường dùng để giáo huấn con cháu.
Câu 2:

Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Nghĩa là, Vua Vọng Đế nước Thục gửi tình xuân, tức tấm lòng thương nhớ nước cũ vào chim đỗ quyên. Câu này nhắc chuyện vua nước Thục mất nước, hồn hóa làm chim đỗ Quyên, còn gọi là chim quốc, ra rả kêu thương nhớ nước.
          Cũng như tác giả Lý Thương Ẩn gửi niềm thương tiếc mối tình nồng thắm thuở  thanh xuân vào bài thơ Cẩm Sắt.
          Ý thơ thật buồn thảm, đau xót.

Còn thơ Nguyễn Du thì sao?

Khúc đâu êm ái xuân tình
Ây hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?

Câu trên, Nguyễn Du ca ngợi khúc đàn nghe êm ái, như chan chứa tình yêu thương hồn hậu, trong sáng của tuổi trẻ (xuân tình).
         Câu dưới, cũng ca ngơi tình yêu thương vị tha không phân biệt đối đãi như cặp thơ trên. Vì hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên cũng chỉ là một.

Riêng hai câu 3+4 trong bài thơ Cẩm Sắt, Lý Thương  Ẩn, nhằm tả tính chất tiếng đàn:
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

            Có nghĩa, chốn bể rộng, trăng sáng, hạt châu (ngọc trai) như có nước mắt / Nơi núi Lam Điền, dưới nắng ấm mặt trời, hạt ngọc (ngọc thạch) bốc hơi trông như khói. (Núi Lam Điền thuộc Tỉnh Thiểm Tây, nhờ có khí hậu ấm áp, nổi tiếng sinh được nhiều ngọc quý).
             Thì được Nguyễn Du lấy gần như nguyên ý:

Trong sao, châu nhỏ doành quyên
Ấm sao, hạt ngọc Lam Điền mới đông.

           Nhưng Nguyễn Du đã thêm vào hai từ “trong” và “ấm” là những thuật ngữ của âm nhạc, làm cho tính chất tiếng đàn của nàng Kiều thêm rõ ràng:

-Tiếng đàn mới “trong” làm sao, như “châu nhỏ doành quyên”, là như hạt ngọc trai tinh khiết, trông tựa giọt lệ khi nhỏ xuống vùng biển có ánh trăng soi.
          -Tiếng đàn mới “ấm” làm sao, như “hạt ngọc Lam Điền mới đông”, là như hạt ngọc trên Núi Lam Điền, dưới nắng ấm mặt trời, vừa đông lại (còn đang bốc hơi). Nói khác đi, Nguyễn Du đã cụ thể hoá tính “trong” và “ấm” của tiếng đàn qua hai hình ảnh trong sáng vá ấm áp tuyệt vời này.

 Với những câu thơ tả tiếng đàn trong, ấm, vui tươi, nhẹ nhàng thanh thoát như thế; với ý đàn ca ngợi tình yêu thương hoà ái, vị tha, xây dựng tình người, tình nhân loại, tình yêu thương chúng sinh như thế, tất phải hay, phải vui là lẽ đương nhiên, làm sao có thể pha lẫn ý buồn trong đó được!
           
2)  Kiều có thực sự an vui hạnh phúc đúng như Tiếng Đàn Tái Ngộ đã       phản ảnh qua nhận xét của Kim Trọng không?

   Chàng rằng: Phố ấy tay nào
   Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy!
   Tẻ vui bởi tại lòng này
   Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

    Thưa đúng như vậy. Đúng cả về lý đời lẫn lý đạo.

a. Lý đời.

- Thuý Kiều suốt mười lăm năm luân lạc, bơ vơ nơi xứ người, phải trải qua biết bao cảnh ngộ đắng cay, tủi nhục. Giờ đây nàng đã hoàn toàn tai qua nạn khỏi, còn được gặp lại mẹ cha, các em, và chàng Kim Trọng, người yêu xưa; rồi lại được cùng họ đoàn tụ dưới một mái ấm gia đình, tràn ngập yêu thương. Trước một sự thật quá đẹp như trong giấc mộng, bảo sao Kiều không vui?
   Chính nàng đã thú nhận:
                                   Tưởng bây giờ là bao giờ
     Rõ ràng trước mặt còn ngờ chiêm bao!

- Kiều tự xét thân thế mình từ ngày lưu lạc đến giờ, bao phen bị lừa đảo, áp bức đã đẩy Kiều vào kiếp gái lầu xanh, phải “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”, với “Biết bao bướm lả, ong lơi/ Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đem”. Riêng Kiều “Vui là vui gượng kẻo là”, còn trong lòng thì “ Thờ ơ gió trúc, mưa mai” với những tủi buồn da diết “thương mình, xót xa” hay “ ôm lòng đòi đoạn”. Chẳng vì chữ hiếu, Kiều phải bán mình chuộc cha mới ra nông nỗi?

             -Về chuyện tình ái, Kiều yêu Kim Trọng nhưng vẫn biết giữ phẩm cách đứng đắn, thanh cao. Khi gặp cảnh gia biến, Kiều mới buộc lòng phải phụ tình Kim.
              Tuy ngoài Kim Trọng, Kiều còn dan díu yêu thương Thúc Sinh, sau lại đến Từ Hải. Nhưng thử hỏi ai trong cảnh ngộ thân gái lạc loài, bị sa chân vào chốn ô trọc, được người cứu vớt, thực lòng thương yêu, mà không có quan hệ tình nghĩa?
               Đối diện với lương tâm, Kiều biết mình trong sạch, xử sự đúng đạo nghĩa làm  người. Nay Kiều lại được chàng Kim hết lời bênh vực:
                                 Như nàng lấy hiếu làm trinh
   Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
                Nên Kiều mới dám nói tới chữ trinh:
                                   Chữ trinh còn một chút này.
                Nàng quyết tâm bảo vệ nó, thuyết phục bằng được chàng Kim phải chấp thuận giải pháp “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”, nghĩa là đổi tình chăn gối vợ chồng ra tình bạn bè. Kiều đã thành công! Nhờ vậy, nàng được “gạn đục khơi trong”, tránh khỏi mang tiếng “một đời lưu đãng, tà dâm” như một số nhà Nho cố chấp thường lên án.
          Tranh đấu bảo vệ được thanh danh cho mình như vậy, Kiều không vui sao được?

        - Lại nữa, cũng nhờ Kim Trọng thoả thuận cho Kiều thoát khỏi vòng ân ái vợ chồng, xem nhau như bạn:
                                   Ai ngờ lại họp một nhà
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!
            Kiều mới giữ vẹn được tiết nghĩa với Từ Hải, người chồng anh hùng, Kiều đã may mắn được gặp trên bước phong trần. Từ Hải chẳng những chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cho chung hưởng những tháng năm cực kỳ hạnh phúc, quyền quý cao sang. Từ còn là vị đại ân nhân của Kiều, giúp nàng trả được ân oán, giải cho nàng bao nỗi uất hận trong lòng. Đã vậy, Từ còn vì quá yêu Kiều, “Nghe lời nàng nói mặn mà” mới ra đầu hàng triều đình, khiến bị Tổng Đốc Hồ Hiến lừa mà phải chết oan, chết uất giữa trận tiền. Kiều đau đớn, ân hận biết dường nào?!
             Nợ tình, nợ nghĩa ai Kiều cũng đã chu tất.
                   Như với Thúc Sinh:
                                  Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
   Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là.
                   Với Kim Trọng, Kiều đã nhờ Thúy Vân gá nghĩa thay nàng:
                                   Ngày xuân em hãy còn dài
     Xót tình máu mủ thay lời nước non.
                   Riêng với Từ Hải, nợ tình chưa trả, nợ nghĩa chưa đền. Bởi thế, khi Kiều phải chấp nhận cùng chàng Kim nên duyên vợ chồng trước sức ép của gia đình (Vì theo họ, có vậy, từ nay Kiều mới được yên ấm, hạnh phúc) và người tình  xưa ( buộc nàng vào lời thề cũ); Kiều chẳng đã vô cùng bứt rứt, khổ sở:
                                   Hết lời khôn lẽ chối lời
    Cúi đấu nàng những vắn dài thở than.
            Có lẽ một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của Kiều lúc đó chính là vấn đề Từ Hải. Vì đang ở trong một hoàn cảnh tế nhị, Kiều không thể nói ra. Nên khi vừa nghe Kim Trọng tuyên bố chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng:
                                   Lọ là chăn gối mới ra vợ chồng.
            Kiều mừng quá đến nỗi cúi đầu sát tận đất để thâm tạ Kim Trọng:
                                   Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng.

Trong hoàn cảnh mọi chuyện khổ tâm đều đã được giải quyết một cách ổn thỏa, tốt đẹp như thế, Kiều vui hay buồn? Hỏi là đã trả lời rồi vậỵ

            Chúng ta cũng nên biết thêm, trong đêm động phòng hoa chúc ấy, nhân vật Thúy Kiều trong nguyên tác chữ Hán của TTTT đã viết một bài thơ dài 10 đoạn dể trần tình cùng Kim Trọng. Nơi đoạn sáu, nàng Kiều Trung Quốc đã mạt sát Từ Hải thậm tệ:
                                   Phong trần duyệt nhân đa
    Hồ dĩ duyệt cuồng bạo
    Nhược bất tạm tương tòng
    Thâm cừu hà dĩ báo.
                 Được dịch như sau:
                                   Phong trần lịch duyệt bao người
              Với quân cường bạo nhẽ tôi vui lòng.
    Ví không tạm gá chữ đồng
    Thù sâu, oán cũ còn hòng trả sao.
[trích Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử, bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Nhà Văn Hoá Phủ Quốc Vụ Khanh xb, Sài Gòn 1971].
               Nàng Kiều của Trung Quốc không hề yêu Từ Hải. Nàng lấy Từ chẳng qua vì muốn mượn tay Từ để mưu chuyện trang trải những món nợ ân oán xưa. Trong thơ nàng ta đã nói trắng ra như vậy, cốt trần tình với chàng Kim, ra cái điều trước sau nàng chỉ yêu có mình chàng Kim mà thôi. Theo thiển ý, dù thế nào, nàng ta cũng chẳng nên tỏ thái độ miệt thị một người mà nàng đã từng chịu nhiều ơn sâu nghĩa nặng, đã cho nàng chung hưởng mọi phú quý cao sang; huống chi người ấy lại vì nàng ta mà phải chết oan ức, tức tưởi. Thử hỏi khi nàng ta cố ý mạt sát Từ Hải là quân "cuồng bạo" như thế, nàng có tự thẹn với lương tâm hay không? Và tránh sao khỏi mang tiếng là kẻ vong ân bội nghĩa?
  
   Trong ĐTTT, đêm động phòng hoa chúc, nàng Kiều của Nguyễn Du chỉ khẩn cầu Kim Trọng cho đổi tình “cầm sắt” ra "cầm cờ", và hoàn toàn không nhắc gì tới Từ Hải. Chuyện đó không thể coi là Nguyễn Du vô tình, mà trái lại, ông rõ ràng đã ngầm biểu lộ một thái độ bất đồng ý kiến với TTTT. Đồng thời, họ Nguyễn muốn cho ta thấy, nàng Kiều của ông đã xử sự rất tế nhị, lại có tình, có nghĩa, đúng với đạo lý làm người, phản ảnh nếp sống văn hóa cao và đầy nhân bản tính của dân tộc VN.
              Về phương diện tâm lý, Nguyễn Du để cho nàng Kiều giữ vẹn được lòng ngưỡng mộ (trước sau gì, Kiều vẫn xưng tụng Từ Hải là "Đấng anh hùng") và lòng tiết nghĩa với Từ Hải, gọi là trả chút nghĩa người. Có như vậy, mỗi khi chợt nhớ đến họ Từ, Kiều mới không bị lương tâm cắn rứt, mà có thể an lòng chung hưởng hạnh phúc với chàng Kim,dẫu chỉ là bạn“ tương tri " nhưng vẫn trong danh nghĩa vợ chồng.

 - Điểm cuối cùng sắp được trình bày sau đây cũng là một vấn đề đáng lưu tâm đối với Thúy Kiều.
             Thời gian Kiều ở thanh lâu tỉnh Lâm Truy, nàng được Thúc Sinh say mê, chuộc ra khỏi chốn bùn nhơ và lấy làm vợ bé.
              Kiều từng nghe nói, vợ cả Thúc, nàng Hoạn Thư, con quan Lại Bộ Thượng Thư, là một người đàn bà rất đanh thép - " Ở vào khuôn phép/ Nói ra mối rường". Để tránh bớt hậu họa, Kiều đã năn nỉ Thúc Sinh về thú thực cùng nàng Hoạn. Thúc Sinh vì quá sợ vợ, đã dấu nhẹm việc này, làm nàng Hoạn càng uất ức mới rắp tâm trả thù. Nhưng điều Kiều không thể ngờ được là nàng Hoạn lại quá đỗi hiểm sâu, khiến Kiều trở thành một nạn nhân thê thảm trước trận đòn ghen thâm độc, tinh quái của nàng ta. Nàng Hoạn đã sai đầy tớ phả thuốc mê, bắt cóc Kiều về cho Hoạn Bà đánh đập, uy hiếp, huấn nhục, rồi đầy vào vai thị tỳ. Khi Thúc Sinh trở lại quê nhà, gặp được Kiều, thì hỡi ơi! trước cảnh ngộ trớ trêu - Con ở / Chúa nhà - nên hai bên chỉ còn biết âm thầm đau khổ, chớ không thể nhận nhau. Nàng Hoạn còn đày đoạ Kiều da diết, bắt hầu rượu, hầu đàn vợ chồng nàng. "Bắt khoan, bắt nhắt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay"... Làm cho Kiều phải "than hoán tê mê", Thúc phải "gan héo ruột đầy", phải "cay đắng lòng"...Kiều còn bị nàng Hoạn cho người rình rập từng bước, đến nỗi Thúc Sinh phải ra người bó tay. Cuối  cùng, chàng đành dứt tình và khuyên Kiều bỏ trốn. Vậy mà trong phiên toà đền ơn báo oán, Kiều đã tha bổng nàng ta, chỉ vì...câu nói đạt tình, thấu lí của nàng ta:
                                  Nhớ cho khi các viết kinh
   Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
   Lòng riêng, riêng những kính yêu
           Nhưng:
                                  Chồng chung, ai dễ ai chiều cho ai!

Cái tâm trạng bừng bừng sát khí khi Kiều gọi đích danh thủ phạm Hoạn Thư, kẻ bị điệu lên đầu tiên trong danh sách những người bị nàng trả thù:
                                   Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra
     Chính danh thủ phạm kia là Hoạn Thư!
Đủ rõ Kiều đã quyết tâm hạ thủ nàng Hoạn đích đáng, cho thỏa lòng căm hận bấy lâu. Ấy vậy mà giờ đây lòng Kiều bỗng chùng xuống...cảm thông!Vì Kiều chợt hiểu ra rằng, nàng không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân của cảnh ghen tuông. Chắc chắn Kiều đã làm cho Hoạn Thư trong bao tháng trời nay phải khốn khổ "ngứa ghẻ hờn ghen" vì Thúc Sinh mê Kiều, ăn ở đơn bạc với vợ nhà.
           Bản chất Kiều là con người đa cảm, nhân hậu, nên nàng biết lắng nghe, dễ cảm thông và tha thứ. Do đó, Kiều đã tức khắc truyền lệnh tha bổng nàng Hoạn:
                                   Đã lòng tri quá thì nên
    Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
           [Trong khi ấy, ở bản nguyên tác chữ Hán, nàng Kiều của TTTT chỉ tha tội chết chứ không tha tội sống cho nàng Hoạn: "Vương phu nhân truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm, chỉ để cho một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà...đánh như con đỉa bỏ thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Đánh đủ trăm roi. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn". (KVK,sđd)
            Cũng vì sự khác biệt này, Nguyễn Du bị nhiều nhà phê bình Văn học XHCN chê trách, là ông còn bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến. Âu cũng là điều dễ hiểu.]

             Nhớ lại chuyện xưa, Thúy Kiều nhận thấy, không chỉ riêng nàng và Hoạn Thư mà cả Thúc Sinh đều là nạn nhân đau khổ của cảnh ghen tuông. Thế nên giờ đây, Kiều quyết không để hoàn cảnh tương tự xẩy ra trong cuộc sống tay ba, giữa Kim Trọng và hai chị em nàng. Nàng thuyết phục bằng được chàng Kim phải đổi tình "cầm sắt" ra "cầm cờ". Thúy Vân không bị chị chia sẻ tình yêu chăn gối với chồng, hẳn sẽ thương chị hơn, yêu quý chị hơn.
              Vậy, ai là người hưởng lợi nhất trong cuộc dàn xếp này? Chắc chắn không phải Thúy Vân, và càng không phải Kim Trọng. Người ấy chính là Thúy Kiều, bảo sao nàng không vui?
              Khi nêu lên điểm trên, chúng tôi chỉ muốn trình bày cho hết lý lẽ mà thôi; chớ thực ra, một khi Kiều đã từng tu học theo đạo giải thoát, và "đã đạt tới một trình độ giác ngộ rất cao" (như lời Thiền Sư Nhất Hạnh đã nhận xét trong bài nói chuyện về Kiều và Văn Nghệ Đứt Ruột), tâm Kiều nay đã được thanh tịnh, an lạc, thì nàng đâu còn để ý đến những lời thị phi khen chê. Nàng đâu còn thắc mắc đến những tranh chấp của thế nhân trong vòng tục lụy nữa?

 b. Lý Đạo

            -Nhân quả nghiệp báo

             Đạo Phật tin vào thuyết luân hồi, nhân quả nghiệp báo. Vì cho rằng, chúng ta có tự do nên phải lãnh trách nhiệm, và nhận hậu quả những gì mình làm. Thân, khẩu, ý của ta chính là nguồn cội tạo thành một cái lực gây nên nghiệp nhân, chi phối cuộc đời ta.
             Cuộc đời sướng khổ, may rủi của ta trong kiếp này là quả báo do nghiệp nhân tốt hay xấu ta tạo ra từ những kiếp trước. Kiếp này ta trả nghiệp nhân cũ, nhưng đồng thời cũng tạo nên nghiệp nhân mới. Sự vật nhân quả liên hệ chằng chịt với nhau. Do đó, ta phải chìm đắm mãi trong vòng nghiệp báo sinh tử luân hồi, cho tới khi không còn tạo nghiệp nữa mới thực sự được giải thoát.
              Luật nhân quả không hạn định thời gian, tùy nhân duyên tạo tác mà hậu báo trong những kiếp lai sinh hay hiện báo ngay trong một kiếp.

   Trong tác phẩm ĐTTT của Nguyễn Du, cuộc đời của nàng Kiều đã chứng minh cho luận điểm này: Sau khi Thúy Kiều đi du xuân, viếng mộ Đạm Tiên trở về, bóng ma Đạm Tiên đã báo mộng cho nàng hay, nàng có tên trong sổ đoạn trường, là quả báo do những nghiệp nhân xấu mà nàng đã tạo ra từ những kiếp trước:
                                  Mà sao trong sổ đoạn trường có tên
    Âu là quả kiếp nhân duyên.
              Khi biết bị Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa vào thanh lâu, Kiều đã cầm dao tự vẫn nhưng không chết. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, Kiều lại được một bóng ma hiện ra rỉ tai:
                                  Dạy rằng: Nhân quả dở dang
    Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
              Khoảng mười năm sau, Sư Bà Giác Duyên, sau khi dự phiên tòa Kiều Trả Ân Báo Oán trở về; nhân dịp gặp Tam Hợp Đạo Cô, một nhà tiên tri, bèn hỏi giùm Kiều về vận mệnh tương lai của nàng. Đạo Cô Tam Hợp phán xét rằng: - Kiều còn phải "sống đọa, thác đầy cho hết kiếp này...". Nhưng không sao, nhờ tạo được nhiều nhân duyên tốt -Hiếu,Nhân, Nghĩa...đủ đường, nên nàng sẽ được chuyển nghiệp xấu thành tốt:
                                   Thử công đức ấy ai bằng
     Túc kiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
      Khi nên Trời cũng chiều người
      Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.

   Quả không sai. Sau khi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến bội ước, lừa bắn chết; Kiều hết phải hầu rượun đến hầu đàn trong bữa tiệc khao quân của hắn, rồi còn bị hắn gán ghép cho tên thổ quan.Quá đau khổ, Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự trầm. May có sư Giác Duyên nghe theo lời tiên đoán của Tam Hợp Đạo Cô, thuê bọn thuyền chài giăng lưới trực sẵn, cứu sống. Kể từ đấy, bao nhiêu tội lỗi cũ Kiều tạo ra từ những Kiếp trước coi như đã trả xong, thân được nhẹ nhàng.Bao nhiêu nhân duyên tốt Kiều tạo ra trong kiếp này được trời đền bù cho hưởng nhiều phúc lành về sau.Nhờ vậy, Kiều được Sư Bà Giác Duyên đưa về Thảo Am, dẫn dắt cho tu hành; rồi có ngày được gặp lại gia đình, và được sống thảnh thơi, an lạc bên chàng Kim, trong tình bạn tâm giao tri kỉ, tương kính, tương tri:
                                  Ba sinh đã phỉ mười nguyền
                                  Duyên đối lứa cũng là duyên bạn bầy.
          - Những trải nghiệm khổ đau và hạnh phúc của sự tỉnh thức

Từ khi được cứu sống, Kiều nhờ có Sư Bà Giác Duyên dẫn dắt cho tu học đạo giải thoát của Đấng Thế Tôn. Đồng thời, Kiều cũng nhờ từng trải qua bao nhiêu kinh nghiệm sống chết nên đã sớm tỉnh thức mà hiểu được rằng, con người vì chấp ngã, từ đó tâm sinh phân biệt đối đãi. Và để tô chuốt, bảo vệ cho cái ta của mình, con người trở nên tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tàn bạo, bất công...gây nên biết bao phiền não, khổ đau cho chính bản thân và những người xung quanh.
            Như viên quan tham nhũng, như bọn ma cô, đĩ điếm Mã Giám Sinh, Tú Bà, Bạc Bà, Sở Khanh... như bọn cường quyền mẹ con Hoạn Thư, cùng tên đại thần bất tín, vô lương Hồ Tôn Hiến...chỉ vì tham sân si, chúng đã cướp đi đời sống hạnh phúc và quyền làm người của Kiều, đã đầy đọa nàng trầm luân trong bể khổ, tưởng không thể ngóc đầu lên được. Sau đó, hầu hết bọn chúng cũng đã bị chết thảm trong phiên tòa đền ân, báo oán của Kiều hay của triều đình.

 Bản thân Kiều thì sao? Cũng vì chấp ngã, Kiều quá nhiều tham vọng, tính toán. Đó chính là những nguyên nhân đưa đẩy Kiều vào những cảnh đoạn trường.
           -Về tài sắc, Kiều tự phụ những là:
                                  Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
            Sắc khiến hoa phải ghen, liễu phải hờn:
                                  Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
            Tài thì vượt trội thiên hạ:
                                   Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trang
             Làm ai ai cũng phải say mê:
                                   Một thiên Bạc Mệnh lại càng não nhân.
             Bởi tự phụ về tài sắc đó, nên khi cha già vừa bị mắc nạn, Kiều đã tự đề nghị bán mình. Nàng tin chắc sẽ được nhiều người ái mộ, chịu bỏ số tiền lớn ra mua. Nhờ vậy, gia đình sẽ có đủ tiền để lo lót đó đây, mới mong cứu được mạng cha. Đúng thế, nhưng cũng từ đấy, Kiều mới bị mười lăm năm lưu lạc khốn khổ nơi quê người. Hai lần bị lừa đảo bán vào lầu xanh, làm gái làng chơi cho thiên hạ mua cười.

-Về tình ái, chẳng vì tham ái, Kiều hết yêu Kim Trọng, lại đến Thúc Sinh rồi tới Từ Hải. Mối tình nào cũng để lại cho Kiều rất nhiều khổ đau:

            Trên đường đi dự Hội Đạp Thanh trở về, Kiều vừa gặp Kim Trọng, một trang văn nhân hào hoa phong nhã, đã bị cú sét ái tình làm cho ngây ngất "Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê". Ngay tối hôm đó, Kiều đã tơ tưởng tới chuyện trăm năm:
                                 Người đâu gặp gỡ làm chi
  Trăm năm biểt có duyên gì hay không?
               Rồi dẫn tới việc thề nguyền, gắn bó, để chuốc lấy bao nhiêu khổ lụy, xót xa:
Khi chia tay Kim:
                                  Ngại ngùng một bước một xa
   Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.
                       Khi phải phụ tình Kim:
                                   Nợ tình chưa trả cho ai
    Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
                      Và trên bước đường luân lạc, Kiều lúc nào cũng khắc khoải nhớ thương:
                                   Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
     Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

 Cũng vì tham ái, khi ở thanh lâu nơi Lâm Truy, Kiều đã dan díu với Thúc Sinh. Rồi muốn thoát khỏi chốn lửa nồng, nàng đã cố tình quyến rũ Thúc để chàng thêm say mê, mới lập mưu đem nàng về lấy làm vợ bé. Hay đâu địa ngục thiên đường là đâu? Kiều hết bị Thúc Ông mắng đuổi:
                                    Phong lôi nổi trận bời bời
     Dạy cho má phấn lại về lầu xanh.
              Còn bị cáo quan, phải chịu phép gia hình:
                                    Dạy rằng: - Cử phép gia hình
      Ba cây chắp lại một cành mẫu đơn.
              Rồi bị Hoạn Thư,vợ cả Thúc, cả ghen, bầy mưu sâu bắt cóc về hành hạ, làm nhục Kiều trong kiếp tôi đòi.

              Trốn khỏi nhà Hoạn Thư, Kiều tìm đến nương náu tại Chiêu Ẩn Am của Sư Bà Giác Duyên. Tưởng đã yên thân, chẳng ngờ việc Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc của nhà họ Hoạn đem theo phòng thân, bị bại lộ. Để tránh phiền lụy cho nhà chùa, Kiều phải lánh nạn nơi nhà Bạc Bà. Thấy nàng "mặn phấn, tươi son", cô cháu nhà họ Bạc bèn lừa bán nàng cho một hành viện ở Châu Thai. Thế là Kiều lại thêm một phen bị đầy đọa trong chốn bùn nhơ.
              Nơi đây, Kiều được gặp Từ Hải. Mới liếc mắt thấy tướng mạo phương phi lẫm liệt của Từ, Kiều đã cảm ngay, rồi xin trao thân gửi phận, tính chuyện dài lâu.
              Cuộc đời hạnh phúc cao sang, quyền quý của Kiều bên cạnh người chồng anh hùng Từ Hải, tưởng vững vàng là thế:
                                   Triều đình riêng một góc trời
     Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
       ...........
     Trước cờ ai dám tranh cường.
              Hay đâu, chỉ năm năm sau dông bão nổi lên, trước tin dụ hàng của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vì tham vọng, ham hố những là:
                                    Bằng nay chịu tiếng vương thần
      Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì.
      Công tư vẹn cả hai bề
      Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương
      Cũng ngôi Mệnh Phụ đường đường
      Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
        ...........

      Do đó, nàng đã nỉ non khuyên Từ Hải quy hàng triều đình. Bị Hồ Tôn Hiến bội ước, Từ phải thác oan. Kiều quá đau đớn, nhưng còn muốn trở về cố hương nên đã nài xin họ Hồ:
                                   Rộng thương còn mảnh hồng quần
     Hơi tàn được thấy gốc phần là may.
                 Kiều đã phải trả giá bằng sự chịu nhục hầu rượu, hầu đàn cho kẻ thù vừa giết chồng mình. Tưởng vậy đã xong, nào ngờ, sáng hôm sau, Kiều vẫn bị hắn ép gả cho một tên thổ quan. Thế là ước muốn nhỏ nhoi cuối cùng mong được trở về cố lý cũng đã tan tành theo mây khói. Nghĩ lại, Kiều cảm thấy ân hận quá, đau đớn quá. Nàng không thể vượt qua được nổi thống khổ cùng cực nầy, nên đã chán chường tầt cả, buông bỏ hết mọi ham muốn, mọi tính toán, kể cả mạng sống của nàng, mà nhảy xuống Sông Tiền Đường tìm cái chết:
                                    Thôi thì một thác cho rồi
      Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông!
                Chính lúc Kiều đã đau khổ đến cùng tột, đã buông bỏ mọi tham muốn, mọi tính toán, kể cả mạng sống của nàng mà nhảy xuống Sông Tiền Đường tự trầm, thì hạnh phúc lại có điều kiện xuất hiện, giang tay chờ đón nàng. Như chúng ta đã biết.

     Lại nữa, cũng nhờ Kiều sớm tỉnh thức, lĩnh hội được cái triết lý nhân sinh thâm diệu của nhà Phật: Đời là bể khổ, thế giới vô thường. Con người chỉ khi nào có được cái tâm thanh tịnh, không còn phân biệt, vọng cầu, tham ái … mới mong giải thoát khỏi khổ đau và đạt tới hạnh phúc an lạc, tự tại. Kiều đã chứng nghiệm được phần nào điều nầy ngay trong cuộc sống đơn giản, thanh tịnh với Sư Bà Giác Duyên nơi thảo am:
                                   Một nhà chung chạ sớm trưa
     Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.
     Bốn bề bát ngát mênh mông
     Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.
                Thực vậy, nhờ thân tâm thanh tịnh, thư thái, an lạc, Kiều mới có thể sống hoà điệu với thên nhiên, mà tận hưởng những vẻ đẹp, những mầu nhiệm của đất trời.
                Đó cũng là lý do vì sao khi được tái ngộ với gia đình và người yêu xưa, Kiều đã xin cha mẹ cho được ở lại tiếp tục tu hành. Lòng nàng nay đã thanh tịnh. Nàng không cam tâm trở về đời sống thế tục đầy hệ lụy nữa:
                                   Sự đời đã tắt lửa lòng
               Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?
                Vương Ông phải viện đến chữ hiếu và hứa sẽ lập am, đón sư bà về chung:
                                   Phải điều cầu Phật, cầu tiên
    Tình kia, hiếu nọ, ai đền cho đây?
     Độ sinh nhờ đức cao dầy
     Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.
                Kiều mới chịu theo mọi người ra về.

     Khi tới quan nha, Kiều lại bị sức ép của gia đình và nhất là chàng Kim cứ một mực nhắc lại mối tình cũ với lời thề xưa. Kiều bất đắc dĩ phải nghe theo cùng chàng Kim làm Lễ Giao Bái nên danh nghĩa vợ chồng. May nhờ Kim Trọng là người quân tử, khi hiểu rõ ý nguyện tha thiết của Kiều là muốn đứng ngoài vòng thế tục, nên đã thỏa thuận đổi tình ân ái vợ chồng ra tình bằng hữu như Kiều đề nghị.
                Từ nay, Kiều tuy sống trong gia đình và mang danh là gái có chồng,nhưng nàng đã gở bỏ những ràng buộc của thế tình, những hệ lụy của nhân sinh; nàng vẫn được sống đời thanh tịnh, để có thể an lòng tiếp tục tiến tu, bồi dưỡng đời sống tâm linh theo sở nguyện. Trong trường hợp nầy, tâm Kiều vui là lẽ tự nhiên, không còn gì có thể nghi ngờ!

                  Tiếng Đàn Tái Ngộ, Bài Pháp Thoại

     Ca Ngợi Tình Yêu Thương Theo Giáo Lý Từ Bi Của Nhà Phật

  Trong bài nói chuyện của Thiền Sư Nhất Hạnh tại San José, California, ngày 21 Tháng Mười, 1993. Thiền Sư đã phân tích cho biết: “ Khi Thúy Kiều nhảy xuống Sông Tiền Đường tự tử, Sư Giác Duyên đã thuê hai ngư phủ giăng lưới ngang Sông Tiền Đường chờ sẵn. Họ kéo lưới vớt Kiều lên, rồi Sư đưa về Thảo Am làm Lễ Xuất Gia cho nàng và dẫn nàng tu học. Kiều đã có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi với đạo lý giải thoát … Thúy Kiều đã tìm được an lạc thật sự trong nếp sống tu hành … và Thúy Kiều đã đạt tới một trình độ giác ngộ rất cao...
            Giữa người yêu cũ và nàng bây giờ đã có một khoảng cách rất xa… Chính trong đêm đó, Thúy Kiều đã dạy cho Kim Trọng con đường tu học. Trong văn Kiều của Nguyễn Du, điều này không có nhắc tới, nhưng trong nguyên tác thì có. Đêm đó, Thúy Kiều làm 10 bài thơ để hướng dẫn Kim Trọng tu học …
             Đây là bài thơ thứ 10:
                                             Hôm nay gặp lại chàng
         Tử sinh em đã vượt
         Khuyên chàng hãy định tâm
         Một lòng sau như trước.
            (Gặp lại chàng hôm nay, em đã trải qua kinh nghiệm của sống chết. Em đã được giải thoát rồi. Vậy, chàng hãy sớn định tâm trở lại. Chàng hãy cố tu tập đi để trên con đường tâm linh chàng có thể tới gần em, làm người bạn tâm linh của em.) Bài thơ ấy nguyên tác như sau:

         Kim nhật trùng kiến lang
         Bất phục tri hữu tử
         Nguyện quân tảo định tình
         Thận chung như thận thủy.
                              ………….. ……………………..”

  Theo thiển ý của chúng tôi, trong đoạn cuối tác phẩm ĐTTT, Nguyễn Du tuy không cho Thúy Kiều làm thơ, nhưng đã cho nàng mượn Tiếng Đàn Tái Ngộ để hướng dẫn Kim Trọng trên đường tu học.

   Đời là bể khổ, lại sống trong thời mạt pháp. xã hội sa đọa, đầy dẫy những sự tham ô, tàn bạo, bất công … khổ đau của con người càng thêm chồng chất. Chính Thúy Kiều đã là nạn nhân thê thảm trong cái xã hội đó. Bởi thế, Kiều có tâm nguyện chuyển hoá những kinh nghiệm khổ đau xưa thành hạnh phúc, yêu thương. Nàng đem những gì mình học hỏi được về giáo lý từ bi của nhà Phật, thực tập trong cuộc sống để độ mình và độ người.

 Đêm nay, giữa không khí ấm cúng nơi động phòng hoa chúc, Kim Trọng và Thúy Kiều, đôi tình nhân xưa, sau 15 năm xa cách, được trùng phùng trong tình bạn tương kính tương tri. Sau khi hàn huyên đã tạm thoả thuê, Kim Trọng ngỏ ý mong được nghe lại tiếng đàn tuyệt diệu năm xưa của Kiều. Kiều đã thố lộ ngay với Kim về ảnh hưởng tai hại của tiếng đàn đối với cuộc đời nàng:

………..  Vì mấy đường tơ
Lầm  người cho đến bây giờ mới thôi.
                              Ăn năn thì sự đã rồi!

             Và Kiều muốn cho Kim hiểu, là nàng đã “ ăn năn” để tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ mê lầm.
 Nhưng đêm nay, “ Nể lòng người xưa,” nàng xin vâng lời đàn thêm một phen này nữa.
             Biết Kim Trọng cũng là một tay chơi đàn nguyệt có hạng; nhớ lại lần đầu tiên Kiều trình tấu âm nhạc cho chàng nghe, chàng đã tỏ ta là một người sành điệu, biết thưởng thức tiếng đàn và hiểu được ý đàn của nàng. Thế nên, đêm nay nàng cũng muốn mượn Tiếng Đàn Tái Ngộ, tùy duyên nói pháp; cốt dẫn dắt Kim Trọng hướng vê đạo từ bi, giúp chàng thanh lọc dần tâm tư, tình ý, để có thể gần nàng hơn trong đời sống tâm linh.

 Kiều bắt đầu đàn. Dưới những ngón tay thoăn thoắt bấm phím của nàng, tiếng đàn nhịp nhàng, êm ái vang lên … âm thanh trần bổng, lả lướt theo khói trầm bay, rồi nhẹ nhàng lan tỏa vào không gian:
                                   Phím đàn dìu dặt tay tiên
     Khói  trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa.
             Kim Trọng nghe đàn … Có khi chàng tưởng đâu như đang nghe một khúc nhạc trầm ấm thiết tha, ca ngợi lòng yêu thương bao la, chan chứa tình người gởi đến muôn loài. Chẳng khác nào nắng xuân chan hòa sưởi ấm khắp nơi nơi:
                                    Khúc đâu đầm ấm dương hòa
             Tiếng đàn còn gợi Kim nhớ đến chuyện Trang Chu đồng hóa mình với bướm, thấy bướm chẳng khác gì mình, trong tích Trang Chu ngủ mơ hóa bướm.Tỉnh dậy, lấy làm ngờ, không rõ mình là bướm hay là Trang Chu:
                                    Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?
              Ý đàn thật rõ ràng, như muốn nhắn nhũ cùng Kim, hãy mở lòng từ bi, đem tình yêu thương hướng về tất cả, từ con người đến muôn loài chúng sinh. Song muốn thực hiện tình yêu thương ấy một cách tích cực, ta phải biết dẹp bỏ cá nhân vị kỉ, dẹp bỏ cái tâm cố chấp mới có thể sống hòa đồng với mọi người, với muôn loài, và xem họ như chính bản thân ta như Trang Chu vậy. Có thế, tình yêu thương vị tha cao thượng kia mới thực sự được trải rộng, bởi không còn một kỳ thị nào, khiến tất cả mọi người cũng như muôn loài chúng sinh đều có thể nhận được ân hưởng hạnh phúc của tình yêu thương ấy.

   Kim Trọng tiếp tục nghe đàn … Có khi chàng lại tưởng đâu như đang nghe một khúc nhạc êm ái, ca ngợi tình yêu thương bồng bột, hồn hậu, trong sáng của tuổi trẻ:
                                   Khúc đâu êm ái xuân tình
              Tiếng đàn của Kiều lần nầy gợi Kim nhớ đến chuyện Vua Vọng Đế nước Thục khi chết đi, hồn hóa thành chim đỗ quyên. Vậy, hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên có khác chi đâu, tuy hai mà cũng là một?
            Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?
               Như thế, ý đàn vẫn mang chủ đề đề cao tình yêu thương bác ái, vị tha, bình đẳng như khúc đàn trước. Rõ ràng là Kiều cố tình nhấn mạnh về chủ đề nầy, như muốn nhắc nhỡ Kim hãy rán dẹp bỏ tình yêu vị kỉ mà thương rộng ra tới muôn người, tới muôn loài chúng sinh, và thương người như thể thương thân vì cũng thuộc loài hữu tình như nhau, thì ta không nên phân biệt đối đãi .

           - Còn về tính chất tiếng đàn, thì tiếng đàn tái ngộ của Thúy Kiều, Kim nghe sao mà trong vắt, tinh khiết đến thế (tức không bợn một tạp âm) khiến chàng liên tưởng đến hình ảnh những hạt ngọc trai trắng muốt (từ miệng trai) nhỏ xuống vùng biển đầy ánh trăng soi, trông càng lộ vẻ trong  trẻo thanh khiết.
        Trong sao, châu nhỏ doành quyên!
               Tiếng đàn ấy toát ra một khí vị vui tươi, thanh thoát quá chừng. Nó phản chiếu tâm hồn Kiều lúc nầy đang vui vẻ thơ thới.

               Tiếng đàn của Kiều khi lại vang lên dìu dịu, êm êm … âm hưởng của nó như còn kéo dài mãi. Kim nghe mới trầm ấm làm sao, khiến chàng liên tưởng tới hình ảnh những hạt ngọc thạch  mới đông nơi Núi Lam Điền, dưới nắng trời êm ả, ngọc mới đông như còn đang bốc hơi ấm:
                               Âm sao, hạt ngọc Lam Điền mới đông!
                Tiếng đàn ấy toát ra một khí vị hòa ái, êm đềm lạ thường. Nó biểu hiện cho trạng thái ổn định, an lạc trong nội tâm Kiều.

     Khi Kiều vừa đàn xong, Kim Trọng đã không khỏi ngạc nhiên thích thú vì chàng nhận ra ngay Tiếng Đàn Tái Ngộ đã có sự biến cung rõ rệt. Tuy vẫn bản đàn xưa (phổ ấy) và vẫn một tay Kiều gảy (tay nào), nhưng nay, tiếng nhạc nghe mới trong trẻo đầm ấm (cung bắc) mang khí vị “vui vầy” làm sao! Thật khác hẳn xưa:
                                                          ….. Phổ ấy tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy!

Liền sau đó, Kim Trọng giải thích lý do: Chẳng phải tiếng đàn của Kiều, một sản phẩm nghệ thuật chân chính, nghe buồn hay vui là do nó đã phản ảnh cõi lòng tẻ, vui của Kiều mà ra? Kiều, một nghệ sĩ chân chính, tránh sao khỏi rung động, khỏi chịu ảnh hưởng vui, buồn của hoàn cảnh?
                                  Tẻ vui cũng bởi lòng nầy
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

Nghe những lời Kim nhận xét, Kiều hẳn rất hạnh phúc, vì chàng Kim đã không phụ lòng tin tưởng, trông đợi của nàng, không những về tài thẩm âm của chàng, mà còn vì chàng tỏ ra đã hiểu rất rõ nội tâm nàng qua những tiếng đàn kia.

Thực vậy, xưa, khi Kiều sang chơi nhà Kim Trọng và gẩy đàn cho chàng thưởng thức, nhưng niềm vui nào có trọn, vì nàng đang bị “động” bởi mặc cảm đoạn trường. Kiều lo sợ cho hạnh phúc mong manh trước sự đe dọa của định mệnh tàn khốc, như đang chờ chực, xô đẩy nàng xuống vực thẳm của số kiếp bạc mệnh (Do Kiều bị ám ảnh bởi lời báo mộng vừa qua của Đạm Tiên, cùng lời tiên đoán của người thầy tướng từ thuở thơ ngây). Thế nên, tiếng đàn năm xưa của Kiều đã thoát ra những tiếng “sầu thảm” là lẽ tự nhiên. Trái lại, nay Kiều đang sống trong hoàn cảnh “khổ tận cam lai”, nàng đã xa hẳn rồi những ngày lưu lạc đoạn trường, mà còn được sum họp an vui hạnh phúc bên những ngươi thương, tiếng đàn của nàng trở nên “vui vầy” cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, Kiều còn một niềm vui lớn, phát xuất từ nội tâm. Đó là niềm vui tỉnh thức. Nhờ tỉnh thức, Kiều biết đem tình thương yêu vị tha theo giáo lý từ bi của nhà Phật hướng về tất cả, để hóa giải những khổ hận xưa; đồng thời giải thoát khỏi những giằng buộc, những hệ lụy nhân sinh hiện tại. Nhờ vậy, tâm nàng đã thực sự được thảnh thơi, an lạc. Cũng bởi nàng biết đem tình yêu thương hướng về tất cả, nên nàng cũng được hưởng sự sum vầy với tất cả trong hạnh phúc yêu thương.

Kiều thong thả tháo dây đàn rồi cuốn lại, vì hiểu rằng những điều nàng muốn tâm tình, muốn tri kỉ với chàng Kim đêm nay qua tiếng đàn tái ngộ như thế là đã hoàn tất. Chàng Kim tỏ ra đã tiếp nhận đầy đủ. Kiều hy vọng Kim Trọng sẽ tìm được niềm vui, niềm phấn khởi trong những bước đầu tu tâm, dưỡng tính; đôi bạn tương tri Kim Kiều sẽ sớm gần nhau hơn trong đời sống tâm linh và sẽ trở thành đôi thiện hữu trí thức, dắt dìu nhau trên đường tiến tu.

Ngoài ra, hành động cuốn dây đàn ở đây, Kiều còn gợi ý cho chàng Kim hiểu là nàng đã dứt khoát cắt đứt với quá khứ mê lầm:
                                  Một phen tri kỉ cùng nhau
    Cuốn dây từ đấy, về sau cùng chừa.

Tóm lại, Tiếng Đàn Tái Ngộ của Thúy Kiều không những có giá trị về nghệ thuật mà còn mang giá trị của một Bài Pháp Thoại. Một bài pháp thoại rất hay. Nó không chỉ hướng dẫn Kim Trọng mà còn cả chúng ta, những độc giả của Nguyễn Du, hướng về đạo từ bi, giúp ta tu tập bỏ dần tham-sân-si, thanh tịnh hóa dần thân khẩu ý, để biết hành xử theo tinh thần yêu thương bình đẳng, vong ngã của con nhà Phật. Nhờ đó, ta chẳng những độ được cho ta tránh bớt những sầu não, những hệ lụy ở đời, mà còn có thể ban vui (từ), cứu khổ (bi) đến cho nhiều người, nhiều chúng sinh kém may mắn hơn ta.

Đoạn kết, tác phẩm ĐTTT, Nguyễn Du viết:
                                  Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
             Là vô hình trung, tác giả đã bổ túc ý cho bài Tiếng Đàn Tái Ngộ của Thúy Kiều.

Đúng thế, chữ tâm ở đây mang nghĩa thiện tâm. Thiện tâm hay Phật tính, hay nói chung là tình thương từ bi, bác ái, cao thượng mà các tôn giáo lớn xưa nay hằng rao giảng và đề cao, đã có gốc rễ sẵn trong lòng mỗi chúng ta (câu 1).
          Vẫn hay tài năng và thiện tâm đều rất cần cho đời sống nhân loại, nhưng Nguyễn Du nhất thiết đề cao thiện tâm hơn tài năng (câu 2). Chính vì tài năng cần phải có thiện tâm hướng dẫn (từ ý nghĩ, lời nói, đến hành động) mới mong đem lại nhiều điều ích quốc lợi dân; bằng thiếu thiện tâm, nó sẽ trở thành mối nguy hại cho xã hội.
Nay nhờ hiểu rõ thiện tâm, hay tình yêu thương từ bi, bác ái cao thượng kia mới là thiết yếu, là nền móng căn bản tạo dựng hạnh phúc cho đời sống nhân loại; ta mới quyết tâm tu tập, nuôi dưỡng cho nó càng ngày càng lớn mạnh thêm, để tiến dần tới khả năng hóa giải được lòng tham lam, đố kỵ, sân hận … nơi ta; cao hơn nữa là cảm hóa được kẻ gian ác, giúp giảm thiểu những bạo lực, bất công trong xã hội. Chúng ta hãy tưởng tượng tới một ngày nào đó, từ mỗi cá nhân tới xã hội đều được chuyển hóa thành tốt, tình yêu thương vị tha, vô phân biệt được thể hiện cùng khắp… Như thế, nó không những làm vơi bớt bao khổ đau cho muôn loài, còn đem lại được sự bình an, hạnh phúc đích thực cho từng con người, từng gia đình, và từng xã hội; khiến Thiên Đường hay Niết Bàn không còn là một mơ ước viễn vông, một nơi chốn trừu tượng trên chín từng mây, mà là một hiện thực trong đời sống hằng ngày nơi thế gian nầy.

Đây chính là thông điệp cuối cùng, đồng thời cũng là thông điệp quan trọng nhất mà Nguyễn Du muốn truyền đạt đến tất cả các độc giả của ông trước khi cuốn ĐTTT được khép lại.



Tài Liệu Tham Khảo:
  • Hòa Thượng Thích Thanh Từ: Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải, Tịnh Xá Minh Đăng Quang xuất bản, Westminster California, Hoa Kỳ.
  • Hòa Thượng Thích Thiện Hoa: Kinh Kim Cang Dịch và Giảng, Chùa Khánh Anh XB, Bagneux, Pháp Quốc.
  • Thiền Sư Nhất Hạnh: Đường Xưa Mây Trắng, Lá Bối XB lần thứ nhất tại San José, California, Hoa Kỳ.
  • Kiều và Văn Nghệ Đứt Ruột (Bài nói chuyện của Thiền Sư Nhất Hạnh, tại San José, California, Hoa Kỳ, ngày 21-10-1993.
  • Lê Văn Hòe: Truyện Kiều Chú Giải, Quốc Học Thư Xã, Hà Nội XB 1953.
  • Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung, Đặng Quốc Cơ: Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Làng Văn, Toronto Canada XB lần hai, 2001.




Lược Sử Các Tác Giả:



ĐẶNG QUỐC CƠ

           Sinh năm 1926 tại Hải Dương.
Học sinh trường Albert Sarraut Hanoi, ban Cổ Điển Hy Lạp La Tinh nên rất thích văn chương từ thuở nhỏ.
           Tốt nghiệp Dược Sĩ 1954 tại Hanoi. Vào Nam lập nghiệp tại Saigon. Vừa hoạt động kinh doanh (Mở Dược phòng, lập Viện bào chế Dược phẩm Néofarma), vừa hoạt động văn hóa xã hội.
           Sau 30/04/1975, tái lập nghiệp tại Paris. Mở Dược phòng, cùng các bạn đồng nghiệp lập Hội Alphavina.
           Về Hưu,đi học bổ túc văn hóa VN tại Đại Học Sorbonne; đồng thời rất chú trọng đến vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cho đồng hương, thiết lập tủ sách Vui Sống.
Sách đã xuất bản:
    -Phòng Ngừa Bệnh Tật Để Vui Sống,  viết chung với BS Nguyễn Đại Bằng, NS Nguyễn Nhật Thăng (Paris 1991)
    -Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, viết chung với GS Lê Hữu Mục , GS Phạm Thị Nhung ( XB 3 đợt 1998, 2001 và 2011)
    - Tâm Ca Tình Nghĩa Vợ Chồng ( Dịch Chinh Phụ Ngâm của Bà Đoàn Thị Điểm sang tiếng Pháp). Bản tiếng Anh của GS Huỳnh Sanh Thông.Bản tiếng Việt có hiệu đính của GS Lê Hữu Mục (Paris 2009)
      -Phong Thủy Giản Lược , viết chung với DS Đặng Vũ Biền và BS Hoàng Đình Hiển ( Paris 2011


715 Cần hình









716 Cần hình

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.