Nguồn Gốc Truyện Kiều - Lê Hữu Mục

                                       Nguồn Gốc Truyện Kiều
                                                                 Lê Hữu Mục



Nguyễn Du đã thai nghén Truyện Kiều vào thời Lê mạt. Khi xã hội bị cực kì phân hóa vì chiến tranh, nó đã đặt ra cho ông những vấn đề bức thiết về sự sống. Điều chắc chắn là ông đã hoàn thành tác phẩm ấy vào những năm đầu của thế kỉ XIX khi Gia Long vừa thống nhất được đất nước, đã mang đến cho ông một vài tia hi vọng về cuộc đời. Cái không khí bi thảm, đen tối trong phần đầu tác phẩm (và ngưng kết trong bài nhạc Một cung bạc mệnh của Thúy Kiều) phản ánh tình hình chính trị và xã hội rối ren thời Lê mạt. Ngược lai, những ngày tái hợp đầy tiếng cười và ánh nắng của gia đình họ Vương nói chung và của Kim Trọng và Thúy Kiều nói riêng, hồi quang những năm đầu tiên của thời kì Nguyễn sơ, thời kì đẹp nhất của triều đình nhà Nguyễn khi Gia Long lên ngôi kêu gọi toàn dân đại đoàn kết để xây dựng đất nước. Tiếng đàn của Thúy Kiều trước kia tiêu tao bao nhiêu, sầu thảm bao nhiêu, bây giờ lại vui vầy, lại não nùng xôn xao bấy nhiêu.
Cũng vì tiếng nhạc này mà nguyên tác của Nguyễn Du mang nhan đề có vẻ triết học là Đoạn  Trường Tân Thanh, tiếng nhạc mới, tiếng nói mới về sự đau lòng đứt ruột. Tại sao lại có chữ tân nghĩa là mới? Chỉ vì tác phẩm của Nguyễn Du được viết dựa vào một tác phẩm cổ của đời Minh tên là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử. Cuốn này là một cuốn chép tay hiện một bản còn giữ được tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp dưới ký hiệu A 953, và bản này đã được Tô Nam Nguyễn Đình Diệm và Hàm Cố Bùi Quang Tung dịch sang tiếng Việt, có đăng trên Văn Hóa Nguyệt San số 45, 47, 48, 49, 50, 52, 55, 56 của Bộ Giáo Dục và Thanh Niên, năm 1971 được Nha Văn Hoá Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá in thành sách có kèm theo bản chữ Hán.
Về tên của tác giả Kim Vân Kiều Truyện, từ trước đến nay giới nghiên cứu vẫn cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân (hoặc Thanh Tâm Tài Tử) là Từ Văn Trường, tức Từ Vị. Đó là chủ trương của Lý Nhân Phủ, căn cứ vào hai tác phẩm Từ Văn Trường Tập và Thanh Đằng Lộ Sử Phân Thích, nhưng thuyết này đã bị Ông Lý Trí Trung năm 1983 bác bỏ. Viết sau phần dành cho cuốn Kim Vân Kiều Truyện, do nhà xuất bản Xuân Phong Trung Quốc và Mỹ Quốc nhưng không thấy Kim Vân Kiều Truyện ở sau Từ Văn Trường Tập và Thanh Đằng Lộ Sử Phân Thích. Trong các tác phẩm biết chắc là của Từ Vị, thái độ của tác giả đối với Hồ Tôn Hiến trái ngược hẳn với thái độ của Thanh Tâm Tài Nhân. Do đó, không thể kết luận Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị. Cuối cùng, Từ Vị là một nhà văn rất lớn đời Minh không thể đồng hóa ông với Thanh Tâm Tài Nhân là một tác giả vô danh (x. Phan Ngọc, Lời giới thiệu cuốn Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế, NXB Hà Nội, 1991).
<< Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vốn bắt nguồn từ một câu chuện có thật do Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lai trong sách Kí tiễu trừ Từ Hả bản mạt. Câu chuyện này về sau được nhiều người viết đi viết lại. Chẳng hạn Lý Thúy Kiều Truyện của Đới Sĩ Lâm, Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài, v.v... Nói chung những tác phẩm này tình tiết có thay đổi ít nhiều, nhưng tuyến chính của câu chuyện vẫn là mối quan hệ giữa Thúy Kiều và Từ Hải: Thúy Kiều là một kĩ nữ tài hoa bị Từ Hải, viên chủ tướng của một đám giặc cướp bắt được. Từ Hải hết lòng yêu mến Thúy Kiều, sau Thúy Kiều bị mua chuộc, đã dụ Từ Hải ra hàng. Kết quả là Từ bị giết, Thúy Kiều bị bắt. Trong bữa tiệc hạ công, Thúy Kiều phải đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến, viên quan đã giết chồng nàng. Sau đó, viên quan này bắt nàng lấy một tù trưởng người dân tộc thiểu số, Thúy Kiều đau khổ, nhục nhã, đã nhảy xuống sông tự tử.
Vào khoảng cuối đời Minh, Thanh Tâm Tài Nhân viết lại chuyện này một lần nữa. Lần này, câu chuyện có bề thế hơn trước rất nhiều. Tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân không còn là một truyện ngắn, mà trở thành một tiểu thuyết dài, tất cả 20 hồi. Kim Vân Kiều Truyện có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện. Đặc biệt trong Kim Vân Kiều Truyện, quan hệ Từ Hải-Thúy Kiều không phải là tuyến chính, mà tuyến chính là cuộc đời mười lăm năm chìm nổi của Thúy Kiều. Tác phẩm không phải kết thúc ở chỗ Kiều tự tử trên Sông Tiền Đường, mà còn có đoạn Thúy Kiều được vớt lên, được cứu sống, và về sau tái hồi Kim Trọng.
Nói chung, cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện giống với cốt truyện trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nguyễn Du không phải  << hoàn toàn sáng tác  >> như Phan Khôi nói, cũng không phải chỉ lấy đề tài trong văn học nước ngoài giống như nhiều tác giả phương Tây thời Phục hưng, hay thời kì chủ nghĩa cổ điển đã làm, mà ông dựa khá sát vào một câu chuyện có sẵn. Nhưng Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không phải là một tác phẩm xuất sắc trong văn học cổ Trung Quốc, còn Truyện Kiều của Nguyễn Du lại là một kiệt tác. Chỉ riêng điều đó cũng đã nói lên rằng, mặc dù dựa khá sát vào câu chuyện Trung Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn không phải là một phóng tác, lại càng không phải là một truyện dịch.>> (x. Nguyễn Lộc, Văn Học Việt Nam tập II, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr. 63-64).


         Truyện Kiều được viết vào năm nào?
         Có bốn giả thuyết:
      1- Năm 1814, khi đi sứ về (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Lê Thước, Nguyễn Quảng Tuân).
          2- Năm 1805 (Nguyễn Văn Thắng, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn).
          3- Năm 1802 (Lê Thành Khôi).
          4- Năm 1796 (Trương Chính).
         Phải thú nhận rằng tình trạng văn bản học hiện nay về Truyện Kiều chưa cho phép giới nghiên cứu khẳng định một cách khoa học bất cứ một vấn đề gì, huống chi là vấn đề soạn niên của tác phẩm. Các giả thuyết nêu trên đều có lí do tồn tại nhưng cũng rất dễ bị bác.
         Nhận định:
         1- Không thể và không cần tìm một soạn niên chính xác
         a- Truyện Kiều là một tác phẩm lớn, có tính quốc tế, có giá trị nhân văn cao độ, không thể giam hãm nó trong một khung cảnh lịch sử nhất định nào. Các vấn đề nêu trên đều có giá trị muôn thuở, lâu dài, liên quan đến nhiều hạng người, trải ra trong nhiều thế hệ. Để hoàn tất tác phẩm, Nguyễn Du phải đầu tư một lượng thời gian tương xứng, nghĩa là rất lớn.
         b- Nguyễn Du chắc chắn đã không viết nổi tác phẩm trong một đêm như đã có người gợi ý. Đây là một tác phẩm dài 3254 câu lục bát, không thể trong một vài trống canh (nghĩa là trong khoảng 4 giờ) mà đọc xong, huống chi là viết.
          c- Quả quyết Nguyễn Du đã viết tác phẩm sau khi đi sứ về, tức sau năm 1814, có thể giải thích được một vài trường hợp sáng tác của nhà thơ, như ông mô tả Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san, hay nói về Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu thì phải quan sát tại chỗ, đúng như Học Giả Nguyễn Quảng Tuân đã nghĩ, tức là phải ở Trung Quốc mới có kinh nghiệm trực tiếp để viết. Những suy nghĩ này rất khoa học, nhưng lại phủ nhận truyền thống sáng tác dựa vào ước lệ của các nhà thơ Nho điển sính văn chương Trung Quốc. Ngay trong thơ Nguyễn Trãi, một nhà văn chống Trung Hoa triệt để cũng tràn ngập màu tuyết trắng, nói gì Nguyễn Du. Học Giả Bác Sĩ Trần Văn Tích đã hùng hồn bác bỏ ý kiến của Học Giả Nguyễn Quảng Tuân mặt dầu những ý kiến này, dựa vào văn bản của chính Nguyễn Du, đã có nhiều điểm thuyết phục.
2- Nguyễn Du đã thai nghén tác phẩm từ 1796 và hoàn tất nó năm 1814
a- Thai nghén từ 1796, đúng như Trương Chính đã gợi ý, vì vào năm này, Nguyễn Du đã tròn 30 tuổi, cái tuổi đã chín chắn, đã già giặn, đã có khả năng đề cập tới những vấn đề quan trọng của đời người. Nếu cần có văn bản để chứng thực điều này, ta có thể dẫn chứng một số câu thơ chữ Hán trong Thanh Hiên Thi Tập, nhất là những câu thơ 3-4 trong Truyện Kiều: Trải qua một cuộc bể dâu, một cuộc bể dâu là một thế hệ, gồm khoảng 30 năm. Những điều trông thấy: đó là cảnh thất bại nhục nhã của vua Lê, chúa Trịnh, loạn Kiêu Binh năm 1784, sự thăng hà của Vua Quang Trung năm 1792, người vợ yêu quý mệnh chung năm 1795, thái độ ưu ái của Thận Quận Công, tướng Tây Sơn. Mà đau đớn lòng: chữ mà ở đây là một động từ quen thuộc ở Miền Trung, như nói mà mắt, rà tay vào mắt làm cho mắt mờ đi, ở đây mà lòng là làm cho tâm hồn nao nao rung động. Và rung động một cách đau đớn.  Như vậy, không phải vì vô lí mà Trương Chính đề nghị coi năm 1796 là soạn niên của Truyện Kiều, nhưng nếu muốn cho hợp lí hơn, chúng tôi chủ trương chỉ nên coi năm 1796 là năm khởi sự đi vào sáng tác, có lẽ sau khi Nguyễn Du tình cờ tìm được  một bản Kim Vân Kiều Truyện chép tay nào đó.
Năm 1796 thuộc vào thế kỉ XVIII. Tác phẩm của Nguyễn Du chứa đựng nhiều từ ngữ của thế kỉ XVIII như: cới trêu, nung sừ, náp, tạn, nghỉ (nó), nghỉ (dễ), xoang, xe châu (nhà táng), giàm buộc, dìu dắng, giòn, vếch đốc, giống (đồ vật), dẫy (đầy), liên lỉ, hãy (còn), vĩ chi, mắng (nghe), dã dề (nhiều), giàm, dằm (êm đằm), dàu (xàu, nhàu), xõ (gày), bờ (nhiều), ngừng (nước mắt), min, dẽ (nghiêm trang), giày giày (hài hòa, đều đặn), tri tri, nhơn nhơn, lụn (tháng lụn), bưng-tinh (tinh-tinh, rạng đông), giớp nhà (gia biến)...
Năm 1796, vào khoảng cuối năm, Nguyễn Du rời Quỳnh Côi về Tiên Điền. Những ngày tiếp xúc với đồng bào nơi quê hương cũ đã làm cho Nguyễn Du nhớ lại những từ ngữ địa phương tưởng là đã bị vùi dập trong lòng tiềm thức, như: nghễ (ngấp nghé), nhằm (đúng), doi (hay soi, thoi), nen, gon (gon lại), bâu (chia bâu). Câu: Trời làm chi cực bấy trời, vang vọng những cung bực của tiếng nói Miền Trung. Ngay từ đàn trong câu: Gươm đàn nửa gánh, có thể là chữ giàng (cái cung) của Miền Trung. Chữ giàng rất dễ lầm với chữ đàn 彈 đọc âm cuối theo âm hưởng Miền Trung. Chúng tôi vẫn duy trì chữ đàn theo ý muốn của Chị Nhung cũng như chúng tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ về chữ đàn hay giàng bí hiểm này. Chữ tâng công chúng tôi viết theo chính tả Miền Bắc (tâng có g), nhưng trong bản Nôm, chữ tâng được viết là tân, rõ ràng là viết theo cách phát âm Miền Trung. Về vần, hơn một câu thơ đã hạ vần in / inh, inh / ang, ghi sâu-đậm ảnh hưởng của tiếng nói Miền Trung.
Cuối cùng, Truyện Kiều còn được viết với những từ ngữ cổ. Tỉ dụ: bâng khuâng (nghĩa cổ là một ý muốn mạnh mẽ), bát ngát là lo bát ngát (lo lắng nhiều điều), chán chường (loã lồ một cách trơ trẽn ngay trước mắt người xem), liên lỉ (luôn luôn không ngớt), cho liên (không khi nào ngừng). Những từ với ý nghĩa cổ nay đã dần dần mai một từ thời Nguyễn Du. Ta không lạ gì khi thấy tác giả tùy nghi sử dụng những từ ấy. Nhận xét này tăng cường quan điểm của chúng tôi: Nguyễn Du hoàn thành tác phẩm của ông song song với quá trình biến nghĩa của những từ ngữ ấy, nghĩa là trong một thời gian khá dài. Ta còn thấy trong tác phẩm lẫn lộn những từ đọc theo ngữ âm của hai miền. Tỉ-dụ: từ bể là từ quen thuộc của Miền Bắc cũng có khi được viết là biển, từ của Miền Trung, nhưng đây là trường hợp không phổ biến.
b- Nguyễn Du hoàn thành tác phẩm trong những năm 1797-1802-1805
Đó là thời gian chiến thắng của nhà Nguyễn. Các chúa Nguyễn đã thực hiện được nhiều công trình vĩ đại, và thực sự đã đáp ứng được nhiều nguyện vọng của nhân dân. Trong thời Nguyễn Sơ, Gia Long tiếp tục thành tựu những vĩ tích của tổ tiên, nhưng dần dần, kể từ năm 1803, những cảnh biển dâu mà Nguyễn Du đã trông thấy giữa triều đình nhà Lê, ở Phủ Liêu chúa Trịnh, ngay cả giữa triều đại Tây Sơn, đã làm cho ông đau đớn hơn. Ông ít nói vì không nói thực được lòng mình. Ông luôn luôn xin về quê vì chỉ có ở đó ông mới tìm được sự yên ổn của tinh thần. Bao nhiêu buồn thương nhớ tiếc gậm nhấm linh hồn ông. Ông sống trong một hoàn cảnh bế tắc về mọi phía. Đường đời ông đi đầy cát bụi và không đưa ông đến thiên thai ông ước mơ. Những xôn xao của thời đại mới vang dội trong lòng ông như trong một chiếc bình thủy tinh. Tác phẩm của ông ấp ủ những suy tư ấy, những lo lắng ấy về vận nước, về con người Việt Nam, về loài người. Đào Duy Anh đã theo Nguyễn Văn Thắng quả quyết Nguyễn Du đã hoàn tất tác phẩm tại Huế. Quả thực, cơ ngơi của quan Lại Bộ Thượng Thư dễ tìm thấy ở Huế hơn đâu hết. Giọng nói của Hoạn Bà, của Hoạn Thư là giọng các bà mệ. Một buổi diễn kịch của sinh viên ở Sài Gòn đã cho Hoạn Bà và Hoạn Thư nói giọng Huế rất được các thính giả hoan nghênh. Nguyễn Du đã qua đời tại Làng An Ninh, nơi có Trường Quốc Tử Giám, trường mẹ của họ Mã, có Chùa Linh Mụ, hình ảnh Quan Âm các của Hoạn Thư. Huế còn là kinh đô của biết bao tài tử như Kim Trọng, của biết bao giai nhân như Thúy Kiều. Như vậy, chủ trương của Đào Duy Anh cho Nguyễn Du hoàn thành tác phẩm khi đương làm Đông Các Học Sĩ là hợp-lí. Tuy nhiên, nói hoàn thành là đúng. Nói hoàn tất là sai.
c- Nguyễn Du hoàn tất tác phẩm khi đi sứ về
Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện cho biết Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi đi sứ về, tức năm 1814. Lê Thước chấp nhận điều ấy, không ghi chú một sự kiện nào mới. Học Giả Nguyễn Quảng Tuân căn cứ vào bản thân tác phẩm khẳng định Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều khi đi sứ về, không nói rõ trong trường hợp cụ thể nào, với hàm ý là Nguyễn Du khởi sự viết khi đã hết bận bịu với việc sứ trình. Như đã nói ở trên, một tác giả, nhất là những tác giả nổi tiếng, không cần phải có cảnh mới có tình. Óc tưởng tượng của họ tăng cường cho những kiến thức sách vở. Họ không cần trông như người thường. Họ thấy như đã bằng trực quan những gì mà người thường chỉ có một cảm giác mông lung mờ nhạt. Nguyễn Du chỉ cần đọc thơ Đường cũng đã đủ nhắc lại tất cả những gì mà thơ Đường chứa đựng. Có điều khi ông sang Trung Quốc, tai nghe mắt thấy những gì xẩy ra bên Trung Quốc, những mầu sắc rực rỡ hơn. Do đó, ông có điều kiện tu chỉnh lại  những phác hoạ đầu tiên của mình.  Nói như vậy là chúng tôi chủ trương rằng khi đi sứ, ông đã hoàn thành Đoạn Trường Tân Thanh gần như trọn vẹn. Tiếng đàn mà ông dành cho Thúy Kiều diễn tấu tuy cũng có những nét giống như tiếng đàn của cô Kìm mà ông mô tả trong Long Thành Cầm Giả  Ca làm vào thời gian trước khi ông đi sứ, nhưng được tăng cường bằng những âm thanh mới, những tiết điệu phong phú hơn, những tốc độ uyển chuyển với những âm sắc đa dạng mà chắc chắn ông đã được nghe trong những ban nhạc đại hòa tấu ở Bắc Kinh mới có được những kinh nghiệm cụ thể. Nhờ thế, ông đã hoàn tất tác phẩm một cách vinh quang. Phần cuối cùng của tác phẩm với những cung nhạc Bắc rộn ràng và với những bữa yến tiệc ánh sáng rực rỡ mang đậm đà màu sắc của cuộc hành trình đi sứ nước người, bầu không khí nhộn nhịp vui tươi khác hẳn cái không gian lạnh lẽo âm u của những phần đầu tác phẩm. Ta có thể căn cứ vào tác phẩm để kết luận, khi đi sứ về, Nguyễn Du đã hoàn tất một tác phẩm mà ông đã khởi sự từ năm 1796, đã hoàn thành suốt những năm từ 1797 đến 1814. Thời gian đó tương ứng với với thời gian lưu lạc của Thúy Kiều: 15 năm.



















                             

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.