Sắc Đẹp Của Hai Chị Em Thúy Kiều (cc.15-38) Lê Hữu Mục


Sắc Đẹp Của Hai Chị Em Thúy Kiều
(cc.15-38)

Lê Hữu Mục

         I- Chú thích từ ngữ.
             C. 15: Hai cô con gái (hai ả) ra đời trước Vương Quan (đầu lòng) là hai cô con gái trắng trẻo, đẹp đẽ (tố nga: tố là trắng, nga là người con gái trẻ đẹp).
             C. 16: Người con gái lớn tuổi nhất (chị) là Thúy Kiều. Người sinh sau Thúy Kiều (em) là Thúy Vân. Tuy nói tới Thúy Kiều trước, tác giả sẽ tả nhan sắc của Thúy Vân đã, rồi mới nói tới vẻ đẹp của Thúy Kiều sau. Đây là viết đúng quy tắc hành văn hiện đại: cái không quan trọng nói trước, cái quan trọng nói sau để dễ quy chiếu vào cái trước, và để dễ so sánh, làm nổi bật những điểm khác nhau.
    C.17: Nói chung về nhan sắc của hai chị em. Cả hai điều thon thả, mảnh mai, xét về hình thức bên ngoài (mai cốt cách); cả hai đều trong trắng, ngây thơ, xét về đời sống bên trong (tuyết tinh thần).
    C.18: Giống nhau thật, nhưng hai chị em có nhiều điểm khác nhau vì đó là hai cá tính riêng biệt. Mỗi người đều hoàn toàn trong giá trị của mình.
    Đây là 4 câu mở đầu của đoạn tả sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều. Phần sau tả nhan sắc Thúy Vân:
    C19: Từ câu 19 đến câu 22, tác giả nói về Thúy Vân.
    Điểm nổi bật của Vân là trang trọng, nghĩa đen nhấn mạnh về bề ngang (trang) và sức nặng (trọng). Do đó, trang trọng là đức tính của một người sống bằng lí trí có tiêu chuẩn nhất định, cử chỉ lúc nào cũng nghiêm chỉnh, tính tình thẳng thắn, đi đứng chỉnh tề, tuyệt đối không có những tình cảm lãng mạn, những hành động vượt ra ngoài lễ giáo. Chữ khác vời đi sau chữ trang trọng nhấn mạnh đến tính tuyệt đối ấy.
    C.20: Tính trang trọng tuyệt đối này gợi ra ở Thúy Vân những hình tròn đều đặn. Đầu tiên là dễ thấy hơn cả là hình tròn của nét mặt: khuôn trăng dầy đặn, nét mặt mang hình một cái khuôn, có gốc độ, có bề dọc bề ngang, có cái dáng tròn của trăng rằm. Cái khuôn trăng ấy rất đầy, nghĩa là ở trạng thái không có thể chất chứa gì hơn nữa. Trạng thái đầy đặn, nghĩa là no đủ một cách cùng khắp, không có chỗ nào khuyết vào, không có chỗ nào lõm xuống. Một khuôn mặt bầu bĩnh, khuôn mặt của những người tính tình hiền lành phúc hậu.   
    Hình tròn còn hiển hiện trong đôi lông mày cong vút của Thúy Vân: nét ngài nở nang. Nét ngài là mày ngài, dịch từ chữ Hán nga mi. Ngài là con bướm mới nở từ con tằm mà ra. Đầu có hai cái râu dài và cong, thường được dùng trong văn chương để ví với cái lông mày của các cô con gái có nhan sắc. Lông mày của Thúy Vân nở nang vì nó dài, thanh, và cong cong như hình trăng khuyết. Nở là đẻ ra, sinh ra như nói: nở con tức là sinh con, đẻ con. Nở còn có nghĩa là tăng thêm thể tích, kích thước được phát triển hơn trước, như nói: ngực nở. Chữ nang tự nó thì không có nghĩa gì. Nếu chữ Hán, là cái túi (cẩm nang). Nếu là tiếng gốc Mã Lai, nghĩa là cây cau (mo nang). Ở đây, nang được hình thành từ âm gốc của nó là nở, được tạo ra để tăng cường âm thanh và í nghĩa của từ nở. Do đó, nở nang có nghĩa là nở rất to, rất nhiều. Chữ nang trong nở nang, chữ sang trong sửa sang, chữ bàng trong bẽ bàng, phàng trong phũ phàng, đều nằm trong quy tắc tạo từ này. Do đó, có nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã giải thích nhóm từ nét ngài nở nang bằng thành ngữ hán ngọa tàm mi, nghĩa là mày tằm, lông mày giống như con tằm nằm. Hiểu như vậy có lẽ hơi quá đáng, và có thể làm cho khuôn mặt tròn trặn, đẹp đẽ của Thúy Vân thành nặng nề giả tạo như khuôn mặt của các đào hát.
    Có người, như Học Giả Trương Vĩnh Ký, có lẽ cũng vì từ  nở nang này mà đã phiên âm cả câu TK 20 là: Khuôn lưng dầy đặn, nét người nở nang. Rất có thể là họ Trương, vì là một học giả uyên thâm về ngôn ngữ học, đã hiểu nỡ nang là một từ chỉ tính hoạt động, dễ phù hợp với thân thể hơn là với lông mày mà tính cốt yếu là phải mềm mại, nhẹ nhàng, và thanh thanh. Khuôn trăng thành khuôn lưng, bởi vì, theo mặt chữ Nôm, chữ trăng và chữ lưng cùng mang một tự dạng là (vì bộ nhục dễ lầm với bộ nguyệt). Cũng có thể nhà ngôn  ngữ học họ Trương đã biết rõ phương ngữ Nghệ Tĩnh không phân biệt hai từ người và ngài. Đối với dân của địa phương này, con ngài là con người, như nói: tốt con ngài hơn dài quần áo, tức là tốt con người, hơn dài quần áo. Như vậy, từ nét ngài tiến sang nét người chỉ có một bước .
    Bà Giáo Sư Phạm Thị Nhung cũng giống như Ông Phạm Xuân Hy đã bác bỏ cách hiểu của Trương Vĩnh Ký. Họ cho rằng hiểu như vậy là hạ thấp tấm nhan sắc thanh cao của Thúy Vân.
    C.21: Hình tròn vẫn tiếp tục được thể hiện trong tiếng cười như hoa nở của người con gái (hoa cười), trong tiếng nói trong trẻo như tiếng ngọc của nàng (ngọc thốt). Tất cả điều đoan trang, nghĩa là đều vẹn vẽ, đều chính đính, đàng hoàng, tròn trặn.
    C.22: Hình tròn còn được tô đậm nét trong sự liên hệ của Thúy Vân với môi trường chung quanh, nhất là với môi trường thiên nhiên. Áng mây bay ở trên trời có nhiều màu sắc, nhưng màu đen vẫn được coi là màu chính của mây. Do đó, có chữ hán vân phát là tóc mây, tức là tóc dài và đen như mây trời. Tóc của Vân còn dài và đen hơn mây nữa, cho nên mới nói là mây thua nước tóc. So với màu tóc mượt mà và rung rinh ánh sáng của Vân (nước tóc), mây trời óng ả là thế mà cũng chịu thua, chịu ở vào một mức độ thấp hơn, đành để cho màu đen của tóc Vân giành phần thắng lợi. Tuyết là tinh hoa của trời đất. Dưới vòm cầu này không có gì sánh được với màu trắng của tuyết. Thế mà tuyết phải dành phần trắng cho da Thúy Vân: tuyết nhường màu da. Tóc đen, da trắng là biểu hiện của người con gái đẹp. Thúy Vân hội đủ hai điều kiện cần và đủ này. Như vậy, thiên nhiên đã đầu hàng nàng. Tuyệt nhiên không có sự tranh chấp nào giữa thiên nhiên và Thúy Vân. Nàng cố sống một cách hồn nhiên, ngây thơ, trong một môi trường dành riêng cho nàng, với một nguồn hạnh phúc bất diệt mà không một người thiếu nữ nào khác có thể có thể so sánh được.
    C.23: Thế mà vẫn có một thiếu nữ sắc sảo mặn mà hơn Thúy Vân. Người đó chính là chị nàng; Nguyễn Du đã quả quyết như thế: Kiều càng sắc sảo. Từ càng vừa được dùng để chuyển câu, vừa nhấn mạnh về sự sai biệt giữa Thúy Vân và Thúy Kiều. Sự sai biệt ấy rất lớn và rất rõ. Đầu tiên là về tính sắc sảo, nghĩa là sự bén nhậy về nhận xét sự vật chung quanh, về khả năng ứng phó lanh lợi và thông minh trước những thử thách của cuộc đời. Nhờ tính sắc sảo của nàng, Thúy Kiều đã đi vào thế giới nghệ thuật một cách dễ dàng. Đặc biệt là nhờ tính sắc sảo đó, nàng đã làm chủ được cây đàn nguyệt cầm như ta đã thấy sau, điều mà Thúy Vân, vì kém sắc sảo hơn Thúy Kiều, không bao giờ làm được. Kiều còn hơn Vân về tính mặn mà. Mặn là có nhiều chất muối, hay mòi (mặn mòi) là biến âm của từ muối. Vậy, mặn mà là tính có đủ chất muối. Nói về thực phẩm, mặn mà là mặn vừa đủ, càng ăn càng thấy ngon. Nói về liên hệ xã hội, mặn mà là nhiệt tình, sốt sắng, là thắm thiết đối xử với người khác một cách khít khao. Nói về cá nhân, mặn mà nói về tính tình của một người càng gần càng thấy dễ thương, càng nhìn càng thấy xinh đẹp, càng tiếp xúc càng thấy nồng nàn. Với cái vẻ tròn của nàng, Thúy Vân khó có thể sắc sảo và mặn mà, nghĩa là khó có thể thông minh và có duyên như Thúy Kiều. Tại sao?
    C.24: Tại vì nàng chỉ có sắc mà không có tài. Về điểm này, Thúy Kiều vượt hẳn Thúy Vân.
    C.25: Trước hết, chỉ nói về sắc đẹp thôi, Thúy Kiều hơn hẳn Thúy Vân vì nàng có đôi mắt to và sáng. Nguyễn Du viết: làn thu thủy. n là sóng lan ra. Thu thủy là nước thu, trong xanh và sáng láng. Các nhà chú giải Truyện Kiều đều dẫn chứng câu: “Nhãn như thu thủy, mi tự xuân sơn” (mắt như nước thu, mày tựa núi xuân) trong Tình Sử đã giải thích mệnh đề làn thu thủy. Mặc dầu trong nhóm từ này, ta không hề thấy có từ mắt. Chữ làn của Nguyễn Du rất sáng tạo vì tự nó đã đủ gợi ra sức mạnh thu hút của sóng mắt. Lông mày của Thúy Kiều không đậm và dài như nét ngài nở nang của Thuý Vân. Nó chỉ là nét xuân sơn, một vệt của núi xuân, xanh nhạt, mỏng manh như phơn phớt đến từ một nơi xa. Các nhà chú giải cũng đã dẫn điển “Xuân sơn đạm bạc nhi như tiếu” của Quách Hi trong sách Sơn Xuyên Huấn để chứng thực trong nhóm từ nét xuân sơn mà Nguyễn Du đã lấy trong Tình Sử có cái màu nhợt nhạt của một trái núi ở xa. Cả hai trộn lại thành nét mày thanh thanh cuả Thúy Kiều. Có thể Nguyễn Du đã lấy điển tích trong sách vở Trung Quốc, nhưng ta phải nhận rõ điểm này là nét độc sáng của Nguyễn Du: nhà thơ tài ba của chúng ta đã biết dùng màu nhạt của lông mày để làm cho đôi mắt của Thúy Kiều đã to lại càng to hơn, đã sáng càng sáng rõ hơn nữa. Một đôi mắt quá đẹp mà khi nhìn vào, ta phải quay đi vì nhãn lực của ta không chịu nổi những ánh rực rỡ của đôi mắt chiếu tỏ ra, nhưng ta vẫn phải nhìn vì đôi mắt quá hấp dẫn.
    C.26: Ta không dám nhìn vào đôi mắt ấy đã đành, nhưng chính thiên nhiên cũng vì con người Thúy Kiều mà ghen tương mà hờn giận.
    Đầu tiên là hoa ghen thua thắm. Ta thường hiểu thắm là màu đỏ (x.Lê Văn Hòe, Truyện Kiều Chú Giải, Quốc Học Thư Xã, Hà Nội,1953), nhưng sự thực thắm chỉ có nghĩa là tươi tắn, rực rỡ (Alexandre de Rhodes), và đỏ thắm mới là đỏ tươi. Màu tươi và rực rỡ là độc quyền của hoa. Thế mà Thúy Kiều lại tươi đẹp hơn hoa thì làm sao hoa không ghen, không bực tức lồng lộn với cái đứa dám giày đạp lên độc quyền của mình? Xanh là màu của lá liễu, thế mà tóc của Thúy Kiều lại xanh hơn thì làm sao liễu không hờn, không uất ức căm thù sâu sắc? Vào thời Nguyễn Du, màu xanh và màu đen còn được dùng lẫn lộn. Từ Điển Việt Bồ La (in năm 1651) còn ghi râu xanh là râu đen, thế mà tóc của Thúy Vân đen hơn mây thì không bị mây ghen. Tóc của Thúy Kiều xanh hơn liễu thì bị liễu ghen lồng ghen lộn! Thúy Vân hòa đồng với thiên nhiên; Thúy Kiều suốt đời bị thiên nhiên đố kị! Chỉ vì nét mặt nàng quá tươi! Chỉ vì tóc nàng quá mượt!
    C.27: Nhất là chỉ vì đôi mắt nàng quá thu hút! Nàng nhìn một cái, nước nghiêng. Nàng nghểnh lại nhìn một cái nữa, thành đổ. Đó là tác dụng ghê gớm của làn thu thủy trong vắt và sáng chói mà chỉ một mình Thúy Kiều được sử dụng. Thật nàng đúng là một giai nhân tuyệt thế của phương Bắc ngày xưa mà Lí Diên Niên đã từng mô tả trong sách Hán Thư: “Bắc phương hữu giai nhân, Tuyệt thế nhi độc lập, Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc”. Chữ nhất cố và tái cố được Nguyễn Du dịch rất sát là một hai, cũng có sách viết rất đúng là một đôi, vì đôi tiếng cổ nghĩa là hai (x. Từ Điển Việt Bồ La). Một hai cũng có thể là một khẳng định về địa vị đệ nhất hoa khôi của Thúy Kiều.
    C.28: Rõ ràng nhan sắc của Thúy Kiều là vô địch. Đành nghĩa là rõ ràng, như ta nói đành rành, rành rành; đòi là từ biểu thị tính lặp đi lặp lại một cách định kì theo từng đơn vị thời gian được nói tới, như nói đòi ngày. Alexandre de Rhodes cho biết đòi ngày đồng nghĩa với hằng ngày. Như vậy, đòi một có nghĩa là thường thường chỉ có một mình Thúy Kiều là cô con gái có nhan sắc kiều diễm nhất, còn ngoài ra không có ai đẹp như nàng nữa. Câu này nhấn mạnh về sự kiện Kiều là người duy nhất được coi là đẹp. Đó là nói về sắc đẹp. Về tài, Kiều là một bậc thiên tài quán thế: tài đành họa hai. Họa ở đây có nghĩa là hiếm, nghĩa là rất ít có, rất ít xảy ra. Lê Văn Hòe (1953) và Đào Duy Anh (1971) đều hiểu đòi (trong đòi nợ) là nhiều, và họa (trong họa hai) là may ra. Vì không sành từ Việt cổ có ghi trong Từ điển của Alexandre de Rhodes (1651), Taberd (1838), Génibrel (1898), Huỳnh Tịnh Của 1898-1899), các nhà chú giải Truyện Kiều đã làm sai lạc nội dung của câu thơ nói trên, làm cho tài sắc của Thúy Kiều bị hạ thấp.
    C.29: Tài của Thuý Kiều bắt nguồn từ óc thông minh thiên bẩm của nàng. Kiều thông minh vì trí óc nàng sắc sảo. Nàng tiếp thu nhanh, hiểu biết dễ dàng ngay từ khi mới sinh, từ những ngày còn bé. Có thể nói nàng là một thiên tài, được Trời an bài từ kiếp trước một chương trình đã được thiết kế hoàn bị.
           C.30 : đó là chương trình thi, họa, ca, ngâm đã được thiết bị đầy đủ cho nàng tự bao giờ.
    C.31: Nàng là một nhạc sĩ lớn. Đầu tiên, nàng rất giỏi kí âm pháp. Đó là điều kiện đầu tiên mà một nhạc sinh phải biết. Ngũ âm là năm bực trong âm giai của âm nhạc Á Đông, còn gọi là ngũ cung hay năm cung (X.câu 3205: Lọt tai nghe suốt năm cung ) là cung, thương, giốc, chủy, vũ. Làu nghĩa là thuộc lòng và đọc nhanh, hay tức tấu (déchiffer), nghĩa là nhìn vào nhạc là đọc suốt và tấu được ngay không vấp váp. Làu bậc ngũ âm là đọc dễ dàng từ giọng thổ, là giọng thấp nhất, lên giọng cao hơn là giọng kim, thứ nữa là lên giọng sừng, không cao không thấp, lên đến giọng mỏ chim, cao hơn, cuối cùng là giọng chim vỗ cánh để bay lên, tức là giọng cao nhất. Thúy Kiều thuộc làu làu các loại giọng này và mọi cấu trúc âm thanh do chúng xác lập.
    C.32: Bước qua giai đoạn kí âm pháp, Kiều đi vào ngành sử dụng nhạc khí. Nàng là nhạc sĩ chơi hồ cầm, tức nguyệt cầm, hay kìm trăng (X.câu 467: Hiên sau treo sẵn kìm trăng), thứ đàn ngày nay chỉ có hai dây, nhưng vào thời Nguyễn Du có 4 dây (X. câu 472: Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương). Nàng là một nhạc sĩ độc tấu vô địch vì đó là nghề riêng của nàng, mà nàng ăn đứt, tức là nàng sử dụng nhạc khí chuyên môn một cách vô cùng điêu luyện. Kĩ thuật diễn tấu của nàng không ai bì kịp. Hồ cầm một trang là một cây hồ cầm. Chữ trang (hay trương) là một loại từ chỉ vóc dáng, nói theo Huỳnh Tịnh Của là “một tiếng nhắm vóc, nhắm xốc, như nói bằng trang cái thung”, hay như ta thường nói: y trang (đọc sai là y chang). Các nhà nghiên cứu đều đọc trang thành trương (Xuân Phúc, Đào Duy Anh). Xuân Phúc không cho biết trương nghĩa là gì, chỉ dịch hồ cầm một trương là “Virtuose de la guitare des Hồ”, tức là mới chỉ dịch ngữ ăn đứt (X. Xuân Phúc, Kim Vân Kiều, Thanh Long, 1986, tr.5). Đào Duy Anh định nghĩa “trương là giăng ra, căng ra, căng lên, tỉ như trương dây đàn, theo phép chuyển nghĩa, dùng làm loại từ để chỉ cái đàn” (X. Từ Điển Truyện Kiều, tr. 423). Loại từ trang hiểu theo định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của phù hợp sít sao với cây đàn hồ cầm. Nếu ta có thói quen dùng loại từ trang để chỉ một nhân vật mà ta quý mến, như nói: một trang anh hùng, một trang thục nữ, ta cũng có quyền nói về một nhạc cụ mà ta quý mến là một trang hồ cầm hay hồ cầm một trang. Vả lại, Hán Văn vẫn có thành ngữ: cầm nhất trang, kì nhất cục.
    C.33: Điều kiện thứ 3 của một nhạc sĩ lớn là phải có thiên tài sáng tác âm nhạc diễn tấu, tức âm nhạc dành riêng cho một nhạc cụ. Tỉ dụ hồ cầm; đây là một loại nhạc thuần túy chỉ có âm thanh và nhịp điệu chứ không có lời, vì nhạc có lời chỉ là một ca khúc. Gia đình Thúy Kiều có truyền tụng một bài ca quen thuộc, đó là Khúc N, một bài hát của gia đình. Từ ca khúc đó, Thúy Kiều tay lựa nên xoang, tức là nàng tự soạn. Nàng tổ chức lại cơ cấu âm thanh của bài ca để sáng tác một bản nhạc diễn tấu dành riêng cho hồ cầm. Chữ xoang này, trước kia được phiên là chương, mới đây mới được phiên một cách hợp lí là xoang (X. Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, Hà Nội,1973, tr.165 và Kim Vân Kiều, Xuân Phúc pháp dịch, Thanh Long,1986,tr.4).M Xoang là một thuật ngữ âm nhạc học, chương chỉ là một danh từ chung.
    Điều kiện thứ tư của một nhạc sĩ thiên tài là gây được một ảnh hưởng to lớn đối với thính giả. Bản nhạc của Thúy Kiều được nhan đề là Một Cung Bạc Mệnh, cũng có sách nói là Một Thiên Bạc Mệnh, nhưng thiên chỉ là một danh từ chung. Cung mới là một thuật ngữ âm nhạc học để chỉ rõ điệu nhạc thuộc về loại nào, loại vui hay buồn. Xuân Phúc tuy đã phiên cung bạc mệnh thiên bạc mệnh, nhưng đã dịch một thiên là un air (tức một cung), và bạc mệnh là destin malheureux. Bài nhạc với những hài âm bức xúc đã làm cho mọi thính giả phải não lòng, tâm hồn xao động cùng cực. Não nhân là có tác dụng làm cho người nghe buồn rầu, đau đớn đến thảm thiết, đã được Xuân Phúc dịch rất sát là aux accords pathétiques, làm cho ta liên tưởng đến những bản nhạc nổi tiếng của Beethoven, của Tchaikovski. Trong luận văn tốt nghiệp Âm Nhạc Viện Quốc tế Paris, Nhạc Sư Nguyễn Khắc Cung đã thử viết bài Một Cung Bạc Mệnh bằng kí âm pháp Tây Phương, dành riêng cho vĩ cầm. Bài nhạc mô phỏng bản độc tấu của Thúy Kiều viết cho hồ cầm đã +làm xúc động toàn thể ban giám khảo gồm các giáo sư âm nhạc lừng danh của nước Pháp.
    Cc. 35-38: Đây là 4 câu thơ kết luận. Hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân sống nhàn hạ trong một gia đình trưởng giả bậc trung. Hai nàng đã đến tuổi lấy chồng, nhưng trong khung cảnh sang trọng của một nếp sống êm đềm, hai nàng vẫn chưa để ý tới một chàng con trai nào cả.

    II- Bình Luận Sơ Lược.
    Đoạn văn này rất quan trọng để hiểu rõ tâm lí của hai chị em Thúy Kiều. Bên cạnh Thúy Kiều là vai chính, Thúy Vân chỉ đóng một vai trò rất phụ thuộc, nhưng nhờ Thúy Vân, ta mới có thể đi sâu vào những động lực bên trong thúc đẩy Thúy Kiều suy nghĩ và hành động.
    -Hai chị em, hai tính tình:
    Thúy Vân là một cô gái có tâm hồn giản dị, lí trí tỉnh táo. Nàng sống thiết thực; nhiều khi nông cạn, tầm thường, không bao giờ nghĩ ngợi xa xôi. Nguyễn Du đã vẽ cho Thúy Vân một vòng tròn và nàng chỉ quanh quẩn trong vòng tròn ấy, không bao giờ có ý định tìm cách đi ra ngoài. Nhiều hành động của Thúy Vân sau này sẽ chứng thực cho những nhận xét này là đúng. Tỉ dụ, nàng nực cười khi thấy chị khóc Đạm Tiên (c.105). Cô còn nói thêm một câu có vẻ trách móc chị chỉ đi làm những việc không đâu, những chuyện không liên quan gì đến mình: khéo dư nước mắt (c.106), nhưng cũng chính nhờ lời trách móc này mà ta hiểu được tại sao ở Vân, tất cả đều là hình tròn, cái vòng tròn mà thiên nhiên đã ấn định cho nàng mà không bao giờ nàng muốn ra khỏi. Để nhấn mạnh về điểm này, Nguyễn Du đã dùng những từ ngữ rất quý phái: trang trọng (c.19), đoan trang (c.21). Thúy Vân đại diện cho giới phụ nữ bình thường, có nhan sắc nhưng không quyến dũ, có suy nghĩ nhưng không sâu xa, lúc nhỏ thì sống với cha mẹ, đến tuổi thì lấy chồng dù chồng là tình cũ của chị cũng không sao, nhất là khi có lời ủy thác của chị thì lại càng phải lấy. Đến khi chị lưu lạc trở về, Vân sẵn sàng trả người tình lại cho chị (X.cc. 3063-3076). Tuy Vân đã “tàng tàng chén cúc dở say” (c.3061), thái độ của nàng rất chững chạc, lời nói của nàng rất trong sáng, có pha đôi chút lí luận tuy không chặt chẽ lắm, nhưng đó là một cách lí luận của nàng để thuyết phục chị trở về với anh. Nàng dùng những từ như: vậy, cũng là, những là, biết bao nhiêu, bây giờ. Những từ này nối tiếp nhau xoáy vào một vòng tròn là “liệu xe tơ kịp thì” (c.3076), tìm cách mà kết duyên với Kim Trọng đi. Đôi khi nàng cũng biết tỏ ra hùng biện. Ba chữ “còn”mà nàng dùng ở các câu 3073,3074 (Còn duyên, còn vừng trăng, còn lời nguyền) có tính cách thật sự thuyết phục.
    Làm thế nào mà Vân thuyết phục được Kiều. Chuyện mà Vân tưởng là thời sự đã bị Thúy Kiều cho là lạc hậu: “Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ” (c.3078). Qua lời nói này, ta đo được phản ứng tâm lí của hai chị em khác nhau như thế nào. Nó khác nhau một trời một vực, chẳng khác gì khoảng cách của 15 năm với muôn năm cũ. Nói như các nhà tâm lí học ngày nay, ở Thúy Vân chỉ có phản ứng, ở Thúy Kiều, mọi phản ứng trở thành đối ứng. Phản ứng là chung cho mọi sinh vật. Nó tức tốc và ngẫu nhiên. Tác dụng của nó mau lẹ và tạm thời; đối ứng chỉ dành cho những con người có lí trí, có nội tâm, và đời sống tâm linh sâu xa. Ở Kiều chẳng hạn, mọi phản ứng của con người bình thường đều biến thành đối ứng của một con người có suy nghĩ. Tâm hồn nàng như được đúc bằng pha lê. Mọi màu sắc, âm thanh, và nhịp điệu của đời sống đều vang dội trong lòng nàng, và ngân nga, và kéo dài, và liên tục vô cùng tận. Học Giả Phạm Quỳnh đã có lần so sánh cuộc đời của Thúy Kiều với một bản đàn sầu não bi ai. Giáo Sư Phạm Thế Ngũ có cảm tưởng rằng trái tim của cô gái ấy dệt bằng những sợi tơ siêu vi, lúc nào cũng sẵn sàng rung lên trong những thổn thức, bàng hoàng, thương tiếc, rên la. Ở một mảnh đất dễ thọ cảm như vậy, bất cứ cái gì gieo vào, một lời đoán của anh thầy tướng, một nắm mồ bên đường, một bóng văn nhân, cho đến mảnh trời thu, tiếng chim kêu, chiếc lá rụng, tất cả đều là cơ hội để gây ra ba động xốn xang, xoáy vào thành ưu tư ám ảnh” (X. Phạm Thế Ngũ, Lịch Sử Văn Học Việt Nam Giản Ước Tân Biên, II,tr. 376).
    -Hai chị em, hai lối sống:
    Vân là một con người ưa thực tế. Nàng không mơ mộng hão huyền. Nàng sinh sống một cách đơn sơ, không cường điệu, không chống đối, không bao giờ có những ý nghĩ hay những hành động quá khích. Cuộc đời nàng trôi chảy êm đềm như dòng nước dưới nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh. Thúy Kiều thì khác hẳn: nàng khóc ròng khi thấy Đạm Tiên sống một đời nghệ sĩ cô độc. Nàng thương cảm không phải chỉ không phải cho nàng mà cho cả thế giới phụ nữ. Nàng đã lớn tiếng trách Trời đối xử bất công. Nàng đã xông xáo vào mặt trận ái tình với tính cách chủ động. Nàng đã chà đạp lên lễ nghi để được tự do yêu đương và thực hiện hạnh phúc của cá nhân mình. Cũng vì bảo vệ quyền sống mà nàng đã trở thành gái giang hồ, đã quyết liệt quyên sinh khi bị Tú Bà ép buộc ra tiếp khách. Cũng vì muốn thực hiện quyền sống, Kiều phải từ bỏ cuộc đời trinh bạch, phải ăn cắp, phải sống giả dối, phải báo oán để cho mọi tội lỗi phải bị trừng phạt và công lí được bảo vệ. Kiều đã không bằng lòng với một cuộc sống êm đềm như cuộc sống của Thúy Vân. Cuộc đời đã đặt ra cho nàng những vấn đề mà nàng phải giải quyết. Chữ tình, chữ hiếu, chữ nhân ái, chữ từ bi, chữ nghĩa đã đẩy con người vào những bước  đường cùng. Trong đó con người tự cảm thấy bị áp bức, bị dọa đày, bị chà đạp đến nghẹt thở trong chính môi trường sống của mình. Kiều đã thực sự đấu tranh cho bản thân nàng được thoát khỏi nanh vuốt của xã hội và của định mệnh. Khi Nguyễn Du mô tả nhan sắc của Thúy Vân, ông đã nhấn mạnh đến thái độ đầu hàng của thiên nhiên (mây thua, tuyết nhường) đối với nhan sắc của nàng. Riêng đối với Thúy Kiều, thiên nhiên lại có thái độ khác hẳn: hoa ghen, liễu hờn. Vì sắc đẹp của mình, Thúy Kiều đối với thiên nhiên là một địch thủ mà thiên nhiên phải đấu tranh để loại bỏ.
    Nguyên nhân đã gây đau khổ cho đời Thúy Kiều chưa phải là nhan sắc mà chính là tài năng âm nhạc tuyệt vời của nàng. Nguyễn Du đã liệt kê 4 điều kiện tạo thành con người nhạc sĩ: thông suốt nhạc lí, độc tấu chuyên môn một nhạc cụ, khả năng sáng tác nhạc hòa tấu, và cuối cùng hoàn thành được một bản nhạc mang những nét tư tưởng lớn của loài người. Nhìn vào các nhà sáng tác âm nhạc cổ điển, tỉ dụ: J.S. Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, Tchaikovski vv..., ta thấy các tác giả ấy đều có đủ 4 điều kiện mà Nguyễn Du đã đề xuất. Nhìn vào cuộc đời của những tác giả có 4 điều kiện nói trên ta thấy họ thường bị trả giá rất đắt, và đời của họ cũng tối tăm nghèo khổ như cuộc đời của Thúy Kiều. Về điểm này, phải công nhận Nguyễn Du đã nhận định rất chính xác khi ông viết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” (c.3248). Đoạn văn này rất quan trọng để cho ta thấy vai trò của âm nhạc trong đời sống của Kiều. Có thể nói rằng nhờ những âm thanh khi thì êm đềm, khi thì cuồng nộ trong Truyện Kiều, nhờ những buổi hòa nhạc đã được mô tả nhiều lần trong Truyện, ta có thể mệnh danh Truyện Kiều là một bản giao hưởng vĩ đại. Trong đó, chủ đề Đoạn Trường Tân Thanh đã được khai triển trong nhiều biến thể rất hòa hợp.
          - Giá Trị của Lời Thơ:
    Lời thơ của Nguyễn Du nổi bật nhờ sự sắp đặt khéo léo và những từ Hán và Nôm đan xen vào nhau một cách tuyệt diệu. Những từ Hán như: tố nga, mai cốt cách, tuyết tinh thần, trang trọng vv... không bao giờ đứng một mình. Bao giờ chúng cũng được tô điểm bằng những từ Nôm để cho màu sắc của chúng được tô đậm hơn, tiết điệu được nhịp nhàng cân đối hơn. Tỉ dụ: ả tố nga, trang trọng khác vời, hoa cười ngọc thốt đoan trang vv... Một chữ Nôm đứng trước một chữ Hán bao giờ cũng tăng thêm kích thước cho chữ ấy. Tỉ dụ: làn thu thủy, nét xuân sơn, rất mực hồng quần, tới tuần cập kê.
    Nhiều từ Nôm thuần túy, tức Nôm lõi, đã được sử dụng một cách trân trọng: mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười. Nhiều đối ngữ đã làm cho lời thơ bật sáng:
        Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang.
    Nhiều động từ Nôm gọi dậy được những ý nghĩ tưởng là bị chìm đắm trong không khí u trầm của thế giới trừu tượng:
        Mây thua nước tóc / tuyết nhường màu da.
        Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh.
    Nhiều phó từ mang sức sống đến cho các động từ: ăn đứt, êm đềm trướng rủ màn che; hoặc ngược lại: làu bậc ngũ âm.
    Nhiều từ ngữ có phụ âm đầu giống nhau tạo ra những âm thanh thích hợp: xuân xanh xấp xỉ, bốn chữ X có tác dụng làm cho câu thơ xôn xao một tình cảm rất trẻ. Nhiều từ lấp láy làm cho câu thơ nhịp nhàng và đầy màu sắc: đầy đặn, nở nang, sắc sảo, mặn mà, xấp xỉ. Cuối cùng, nhịp điệu của câu thơ được tăng cường nhờ rất nhiều tiểu đối: hoa cười / ngọc thốt, trướng rủ / màn che, ong bướm / đi về.
          - Tính cân đối của bố cục:
    Nguyễn Du là một nhà vô địch về phương pháp phối trí các đoạn văn. Toàn thể tác phẩm được cấu trúc chặt chẽ nhờ muôn ngàn bố cục nhỏ đan chéo nhau, làm cho kiến trúc toàn bộ của tác phẩm rất vững vàng. Ta thấy:
                   + Nhập đề (4 câu đầu, từ 15-18): giới thiệu tổng quát hai chị em Thúy Kiều.
        + Thân bài (từ 19-34): gồm 3 phần:
        1- Nhan sắc Thúy Vân (19-22).
        2- Nhan sắc Thúy Kiều (23-28).
        3- Tài nhạc của Thúy Kiều (29-34).
               + Kết luận (từ 35-38).
   
    III- Tổng Kết
    1- Về nội dung: đoạn văn tuy rất ngắn nhưng chứa đầy đủ nội dung của tác phẩm và thông điệp của nhà văn qua tâm lí của hai nhân vật đối lập nhau về chí hướng và hành động.
    2- Về hình thức: rõ ràng là Nguyễn Du, nhờ sự phối trí hài hòa các từ Hán và Nôm, nhờ sự khai thác tài tình các đặc điểm của từ Nôm và tiếng Việt, đã tạo ra một ngôn ngữ mới khác hẳn trước và có tác dụng làm mẫu mực về kĩ thuật hành văn cho các thế hệ nhà văn đến sau.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.