Lời Nói Đầu



Lời Nói Đầu


          Mỗi lần nghe thấy một thanh niên hay thiếu nữ Việt Nam bập bẹ một câu tiếng Việt, những người Việt Nam ở hải ngoại  thường lo âu: làm sao cho con cái của chúng ta vừa giật được những mảnh bằng chuyên môn của các nước trên thế giới, vừa hiểu và yêu văn hóa nước nhà? Làm sao cho con em chúng ta vừa nói thông thạo các tiếng trên thế giới, vừa nói giỏi tiếng Việt và không bao giờ coi thường tiếng mẹ đẻ?
          Chúng tôi gặp nhau thường hỏi nhau như thế khi gặp mặt ở Paris. Lúc thì hội họp tại nhà Anh Chị Đặng Quốc Cơ; lúc thì tại nhà Anh Chị Nguyễn Đại Dzương và Phạm Thị Nhung; lúc thì kéo nhau đến nhà Anh Đặng Vũ Nhuế. Khi thưởng thức món cá bỏ lò tuyệt vời của anh, chúng tôi mới giác ngộ rằng, muốn cho văn hóa Việt Nam được giới trẻ ở hải ngoại ưa thích, phải phổ biến nó theo cung cách hấp cá của Anh Đặng Vũ Nhuế, nghĩa là không cần biết con cá ấy là con cá gì, chỉ cần làm sao cho nó thành một món cá Việt Nam, ăn với rau ngò, rau húng, và chấm nước mắm có giằm ớt.
          Chúng tôi đã làm như vậy, và chúng ta đồng ý chọn Truyện Kiều để làm một bước thí nghiệm đầu tiên. Chúng tôi đã chọn nhan đề cho tác phẩm là Truyện Kiều và Tuổi Trẻ Hải Ngoại. Sau đó, vì chữ hải ngoại bị chê là dài dòng quá, chúng tôi thu ngắn nhan đề thành Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Qua nhan đề này, chúng tôi muốn giúp cho các bạn thanh niên hiểu rõ Truyện Kiều, đi sâu vào bản thông điệp của Nguyễn Du gửi cho thanh thiếu niên, yêu cầu họ tin tưởng vào tuổi trẻ của mình, sống thành thật với bản thân một cách tự do, và biết đấu tranh quyết liệt với mọi trở ngại, đầu tiên là với chính mình, để có thể sống một cách trong sạch. Muốn như vậy, các bạn trẻ phải hết sức can đảm, phải khai triển hết sức mạnh của ý chí. Đồng thời, họ phải tin vào thế giới bên kia, vào một lực lượng siêu nhiên nhất định. Tỉ dụ, người đi đạo Phật phải tin tưởng vào Phật, người đi đạo Chúa phải trông cậy vào tình yêu của Chúa, người theo đạo Khổng phải sống theo đạo đức của Khổng Tử, v.v. Con người phải sống tự do, nhưng trong một quan niệm tự do có kỉ luật, có trách nhiệm, có tổ chức, đồng thời phải có ý thức hợp quần, sống chung với nhau trong hòa bình và tình nhân loại chân thật. Triết lí của Nguyễn Du rất đơn giản: ông kêu gọi mọi người đối xử với nhau với một chút thiện tâm, với một chút lòng vừa đủ để cho tình yêu thương nhen nhúm. Chủ trương tôn giáo của ông chú trọng về sự hòa đồng. Nếu thế kỉ XXI là thế kỉ của tôn giáo, công phu hòa giải của Nguyễn Du rất ích lợi để xây dựng một nền hòa bình vững chắc.
         Lời nói cuối cùng của Nguyễn Du là ông cầu chúc cho mọi người được trở về làng cũ, về ngôi nhà của mình ngày xưa, để sống trong sự chở che đùm bọc của làng xóm láng giềng. Tiếng nói của Nguyễn Du là tiếng nói của Holderlin, của Whitman, của những Thi Sĩ lỗi lạc nhất thế giới. Cho đến nay, cuốn Truyện Kiều không phải chỉ là cuốn sách bói cho những người mê tín. Nó đã trở thành một cuốn Kinh Thi và đang được cả thế giới tôn trọng như một cuốn Thánh Kinh mới.
          Để hoàn thành tác phẩm này, chúng tôi đã đọc tất cả các sách nghiên cứu về Truyện Kiều (với tên cũ là Đoạn Trường Tân Thanh, Truyện Kim Vân Kiều, Truyện Thúy Kiều), đã kiểm soát, điều chỉnh, và thống nhất các cách phiên âm, căn cứ trên những bản Nôm mà chúng tôi có trong tay. Chúng tôi cũng may mắn được đọc nhiều tác phẩm có giá trị về nghiên cứu Truyện Kiều mới được xuất bản. Tỉ dụ Triết Lí Nhân Bản Nguyễn Du của Tiến Sĩ Vũ Đình Trác (Tokyo 1984, Hoa kì 1990), Nguyễn Du, Đại Thi Hào Dân Tộc của Triết Gia Phạm Công Thiện (USA,1996). Chữ Mệnh Trong Truyện Kiều của Tiến Sĩ Trần Văn Đoàn (Vietnamologica, Montre'al, 1997). Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Học Giả Phan Ngọc (Hà Nội, 1985). Nhờ những công trình nghiên cứu có tầm vóc quốc tế nói trên, chúng tôi phát hiện được những nét hiện đại trong tư tưởng cũng như trong kĩ thuật hành văn của Nguyễn Du. Qua đó, chúng tôi dám khẳng định việc giải quyết một vấn đề mà thế giới ngày nay đang quan tâm.
          Về phía ngoại ngữ, chúng tôi chú trọng đến 4 tác giả và dịch giả. Đầu tiên là Tiến Sĩ Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Etude litte'raire, philosophique et scientifique du Kim Vân Kiều, Sài Gòn, France Vietnam, 1954; nhà Việt Nam Học Pháp Maurice Durand, tổng tài cuốn Mélanges sur Nguyễn Du, EFEO, Paris, 1966; Học Giả Huỳnh Sanh Thông, tác giả bản dịch Truyện Kiều ra Anh Văn The  Tale of Kiều, Yale University,1984. Cuối cùng, Học Giả Xuân Phúc, tức Paul Schneider, tác giả cuốn Kim Vân Kiều, roman-poème, Thanh Long, 1986. Hai Học Giả Huỳnh Sanh Thông và Xuân Phúc đã cho phép chúng tôi toàn quyền sử dụng các bản dịch của quý ông, với những sửa chữa được điều chỉnh cho phù hợp với bản văn của chúng tôi, được phiên âm theo thứ tự trong các bản Nôm hiện hành và sự gợi ý của nhiều Học Giả khác, đặc biệt là sự gợi ý của Nhà Nôm Học Nguyễn Quảng Tuân.
          Để soạn thảo cuốn Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, chúng tôi đã phân công như sau:
         Phần dẫn nhập gồm hai phần nhỏ. Phần một được viết bằng tiếng Việt do Ông Lê Hữu Mục và Bà Phạm Thị Nhung chấm bút. Phần 2 do Ông Đặng Quốc Cơ phụ trách viết bằng tiếng Pháp. Bản này được Ông Đặng Vũ Nhuế phiên dịch ra tiếng Anh.
          Phần Giảng Văn do Bà Phạm Thị Nhung và Ông Lê Hữu Mục đồng đảm nhiệm.
          Phần Văn Bản do Ông Đặng Quốc Cơ khảo đính và chú thích.  Ông Lê Hữu Mục hiệu đính phần phiên âm chữ Nôm và phần Khảo Chú. Phần Phụ Lục chú trọng vào việc trích thêm một số câu thơ trẻ trong Truyện Kiều do Ông Đặng Quốc Cơ thực hiện và đặt tiêu đề cho những đoạn văn trích. Phần Tranh Ảnh ngoài bìa và trong sách do Ông Đặng Quốc Cơ phụ trách, với sự giúp đỡ tận tình của Ông Thanh Tuệ và Ông Nguyễn Thiện Ngọc đã thực hiện hình bìa và hình trong sách.
          Để hoàn thành tác phẩm này, chúng tôi đã được sự hỗ trợ tích cực của quý ông bà sau đây :
          Kĩ Sư Đặng Vũ Nhuế, Họa Sĩ Tú Duyên, Học Giả Paul Schneider Xuân Phúc, Học Giả Huỳnh Sanh Thông, Bà Dược Sĩ Đặng Quốc Cơ, Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, Giáo Sư Đặng Vũ Biền, Giáo Sư Nguyễn Đại Dzương, Bà Hồ Văn Liên, Nhạc Trưởng Lê Như Khôi, Tiến Sĩ Thái Văn Kiểm, Giáo Sư Võ Thu Tịnh, Giáo Sư Nguyễn Thị Hoàng, Tiến Sĩ Âm Nhạc Học Trần Quang Hải, Ông Phan Đình Thìn (ThinArt), Bà Quả Phụ Xuân Phúc, Ông Bà Hà Ngọc Tuấn, và Bác Sĩ Nguyễn Minh Tân.
          Chúng tôi xin cám ơn Cô Ngọc Lan, Bà Trương Tuệ, Ông Từ Ngọc Lê, Ông Lê Văn Tứ đã vui lòng giúp đỡ chúng tôi về phần đánh máy.
          Cuối cùng, chúng tôi thành kính thắp nén hương lòng tưởng niệm hương hồn Tiến Sĩ Nghiêm Xuân Việt, một Học Giả uyên bác đã góp nhiều phần quan trọng vào công cuộc nghiên cứu Truyện Kiều và đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý giá chưa xuất bản về Truyện Kiều cũng như về văn học Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi xin nghiêng mình trước linh cữu Học Giả Paul Schneider Xuân Phúc vừa mãn phần tại Nice. Học Giả P. Schneider, một Nhà Nôm Học có uy tín, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nghiên cứu về Chữ Nôm và Văn Học Việt nam có giá trị khoa học. Riêng cuốn Nghiên Cứu Truyện Kiều của ông là một cống hiến quan trọng cho Khoa Văn Bản Học Việt Nam đang được xây dựng.
          Bây giờ, xin kính mời quý vị độc giả và các bạn trẻ cùng chúng tôi đi vào thế giới của Truyện Kiều. Tác phẩm của chúng tôi chưa gọi được là một cảo thơm cho nên còn tồn tại nhiều khuyết điểm. Chúng tôi mong sẽ được sự góp ý của quý vị và các bạn trẻ để bổ khuyết. Xin thành thực cám ơn quý vị và các bạn trẻ.

                      Paris, ngày 23 tháng 8 năm 1998
                                        Các tác giả
       LÊ HỮU MỤC, PHẠM THỊ NHUNG và ĐẶNG QUỐC CƠ






Lời Nói Đầu của Bản In Lần Thứ Hai



        Từ khi Truyện Kiều được hành thế đến nay, quần chúng độc giả đã tự chia ra làm 3 phe: phe triệt để tán thưởng, phe chống đối quyết liệt, và phe trung dung. Ba phe ấy lại được chia ra làm 2 phe nhánh: nhánh quá khích và nhánh ôn hòa. Hai nhánh nầy còn tự động chia ra làm nhiều khuynh hướng, nhiều sắc thái, và nhiều quan niệm. Người khen thưởng tìm được trong Truyện Kiểu rất nhiều yếu tố để khen. Người chê cũng tìm được đủ mọi lí lẽ để chê bai, dè bỉu. Chị Giáo Sư Phạm Thị Nhung và tôi là thầy giáo Quốc Văn. Không năm nào chúng tôi không gặp những chuyện lôi thôi rắc rối về việc dạy Truyện Kiều. Xin nói riêng về trường hợp tôi.
        Năm 1954, tôi giảng về đoạn Kiều Khuyên Từ Hải Ra Hàng cho học sinh lớp Đệ Nhị C Trường Trung Học Khải Định. Trong lớp có nhiều học sinh ngay thời đó đã nổi tiếng về văn chương như Tạ Ký, Thế Viên, Nguyễn Xuân Thiệp, và Bùi Thị Vân Trà. Khi tôi đang chăm chú giảng bài, có một học sinh giơ tay xin hỏi. Tôi vui vẻ trả lời từng câu hỏi của anh, nhưng càng ngày anh càng đưa cuộc tranh luận về chính trị, đến nỗi Tạ Ký phải can thiệp và yêu cầu anh học sinh ra khỏi lớp để cho các học sinh được tiếp tục nghe giảng. Sau đó, tôi được biết anh được sự đỡ đầu của một giáo sư đồng nghiệp của tôi, Giáo Sư nầy (Tôn Thất Dương Kỵ) tuy được tiếng là một giáo sư rất giỏi, nhưng có khuynh hướng thiên tả. Vấn đề được đưa ra Hội Đồng Kỷ Luật. Tôi nhân dịp xin từ chức và không chịu dạy chung trường với Giáo Sư Dương Kỵ. Cuối cùng, Giáo Sư Dương Kỵ bị ngưng chức, bị tống xuất khỏi Huế cùng với một số nhân sĩ trong Phong Trào Hòa Bình. Sau đó mấy năm, bị trục xuất khỏi Miền Nam.
        Như vậy, rõ ràng là việc giải thích Truyện Kiều về nội dung bao giờ cũng dễ gây ra một phản ứng nào đó về phía những người có quan điểm đối lập. Cường độ của phản ứng tăng trưởng theo mức độ đối lập của tư tưởng. Một khi tư tưởng xuất phát từ một hệ ý thức chính trị, phản ứng bùng nổ như tên đạn ở chiến trường. Lúc ấy, phê bình văn học trở thành huyết chiến.
        Năm 1956, Linh Mục Nguyễn Văn Thích vào Sài Gòn đích thân gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm yêu cầu loại bỏ Truyện Kiều ra khỏi chương trình Tú Tài I. Lệnh truyền xuống Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục với câu hỏi tại sao lại lấy chuyện một con đĩ ra mà dạy cho học trò. Các Giáo Sư Quốc Văn phải trả lời câu hỏi đó. Riêng ở Trường Khải Định, tôi được lệnh hội họp với các Giáo Sư Việt Văn để làm báo cáo lên Bộ về vấn để nầy. Tôi nhớ có các Giáo Sư Phạm Ngọc Hương, Phan Văn Dật, Bửu Kế, Nguyễn Sĩ Hải, Văn Đình Hy, Trần Đình Bá v.v… và Linh Mục Nguyên Văn Thích. Sau khi tôi tuyên bố lí do buổi họp, các Giáo Sư quyết định từ chức hàng loạt nếu Truyện Kiều bị loại bỏ. Rồi các Giáo Sư lần lượt ra về. Chờ cho các Giáo Sư đi khỏi, Linh Mục Nguyễn Văn Thích chỉ mặt tôi: “Anh là người phản đạo”. Tôi cười và hỏi lại: “Đạo gì vậy, thưa Cha?” Câu hỏi ấy và câu trả lời của tôi vẫn còn hằn sâu trong óc tôi cho đến ngày nay.
        Nếu đạo ấy là Tống Nho, người phản đạo là Nguyễn Du chứ không phải là tôi. Còn cái đạo mà tôi dùng để hỏi lại Linh Mục Thích, tôi cho đó là cái đạo làm người mà Nguyễn Du chủ trương. Mà đạo làm người là gì nếu không phải là nỗ lực bảo vệ nhân quyền? Là gắng sức sống trong sạch và quyết liệt chống lại những chế độ, những chính sách, những con người đã phá hoại đời sống trong sạch của mình, dùng sức mạnh của tội ác để tước bỏ những nhân quyền mà chính mình được hưởng?
        Vẩn chưa hết những cái rắc rối về Truyện Kiều. Năm 1963, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đến nói chuyện với các Giáo Sư và sinh viên Viên Đại Học Huế. Câu chuyện về học hành lại lan man đến Truyện Kiều. Không hiểu tại sao vừa nói đến Truyện Kiều, Đức Cha thóa mạ Thúy Kiều dữ dội. Những từ ngữ xấu xa như: “con đĩ Kiều” đến đứa con gái “dâm đãng, bệnh hoạn” v.v… không ngớt được phát ra một cách hung hãn, trái ngược hẳn với nét mặt hiền lành và tác phong nghiêm nghị mà Đức Cha vẫn có. Ở hàng ghế Giáo Sư, các anh Lê Tuyên, Nguyễn Hữu Trí, Tôn Thất Hạnh v.v… yêu cầu tôi lên tiếng vì lúc ấy, trong Trường Đại Học Sư Phạm Huế, tôi là Trưởng Phòng Nghiên Cứu Việt Văn và chữ Nôm. Chẳng đặng đừng, tôi men ra đến hàng ghế ngoài cửa, rồi định tiến lên máy phóng thanh. Một ông Công An chỉ vào khẩu súng đeo ở hông yêu cầu tôi về chỗ ngồi. Tôi phải về chỗ, nhưng những từ ngữ ghê gớm kia cứ xoay vào óc tôi cho đến bây giờ vẫn chưa hết. Đức Giám Mục về sau sang Mỹ, chống lại Giáo Hội và bị dứt phép thông công. Trước khi qua đời, ngài đã được hòa giải với Giáo Hội. Nghĩa là ngài đã được Giáo Hội tha thứ. Tôi không biết lúc được Giáo Hội rộng lòng tha thứ cho ngài mọi tội khiên, ngài có nghĩ đến “con đĩ Kiều” đã bị nhiều oan khiên không? Không biết trước khi về với Chúa, ngài có rộng lòng tha thứ cho nó không?
        Đây là chuyện cuối cùng liên quan đến Truyện Kiều. Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tháng Sáu, 1975. Trường bị chuyển về Trường Đại Học Vạn Hạnh. Tôi bị kẹt lại nên phải đến trình diện và phụ trách dời thư viện của trường về trường mới. Một nữ sinh mời tôi ra một góc sân và nói nhỏ với tôi: Mai con vào Tòa Đại Sứ Pháp. Tôi hỏi: Chị được chính phủ Pháp cho đi à? Cô cười như mếu: Vâng, nhưng phải bán trinh cho một thằng làm ở đó. Tôi tỏ vẻ không hiểu. Cô nhắc tới: Thầy quên câu nói của Kim Trọng khi gặp lại Kiều hay sao? Rồi cô đọc: Như nàng lấy hiếu làm trinh. Bụi nào cho đục được mình ấy vay. Kiều lấy hiếu làm trinh. Con lấy tự do làm trinh, có được không thưa thầy?Tôi tắc họng, nhưng cũng chính nhờ câu nói đó mà tôi hiểu rõ hơn tầm quan trọng của hai chữ “tự do”. Bây giờ, chúng ta được may mắn sống hạnh phúc trong bầu không khí tự do của các quốc gia dân chủ. Ta có yêu tự do hơn cô nữ sinh viên xấu số kia không? Ta có hiểu hết nội dung ý nghĩa của hai chữ “tự do” hay không? Một khi tự do của ta bị xâm phạm, ta có can đảm tranh đấu như Thúy Kiều để bảo vệ tự do của ta và chống lại những người phá hoại tự do của ta không?
        Trong lần tái bản nầy, chúng tôi xin phép được cảm ơn các Hội Đoàn và các bằng hữu đã giúp chúng tôi ra mắt sách Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Đầu tiên, chúng tôi xin cám ơn cộng đồng người Việt Vùng Montréal, dưới quyền lãnh đạo của Giáo Sư Bác Sĩ Nguyễn Lương Tuyền đã phối hợp với Hội Y Sĩ; Chủ Tịch Bác Sĩ Nguyễn Thanh Bình; Hội Khuyến Học và Phát Huy Văn Hóa Việt Nam; Chủ Tịch Bác Sĩ Đặng Phú Ân tổ chức cho chúng tôi một buổi ra mắt sách đồ sộ. Dưới quyền điều động của Thi Sĩ Nguyễn Bá Dĩnh, và với sự hiện diện của đông đảo thanh niên và các Bác Sĩ tên tuổi như các Bác Sĩ Từ Uyên, Thân Trọng An, Phạm Hữu Trác; các Giáo Sư Võ Thi, Thái Công Tụng, Hồ Mạnh Trinh; các Cụ Ngô Văn Chụ, chùa Quan Âm, Cụ Mai Xuân Lâm; cộng đồng Công Giáo Montréal. Buổi ra mắt sách đã trở thành một hội luận về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Bác Sĩ Nguyễn Thanh Bình đã nhận xét rất kĩ về các chi tiết của tác phẩm liên quan đến Hán học sở trường của ông. Bác Sĩ Đặng Phú Ân đã ân cần nhắc nhở đến sự nghiệp nghiên cứu chữ Nôm của Lê Hữu Mục và đào sâu những vấn đề liên hệ đến Truyện Kiều. Bác Sĩ Nguyễn Lương Tuyền giới thiệu Bản Nghiên Cứu Truyện Kiều do Giáo Sư Đặng Vũ Nhuế viết bản Anh Văn theo bản Pháp Văn của Dược Sĩ Đặng Quốc Cơ. Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Mạnh Trình tiến hành về phần nghiên cứu Truyện Kiều của Dược Đặng Quốc Cơ, được viết bằng Pháp Văn với một phong cách rất trong sáng. Số sách mang đến trưng bày trong những phòng họp đã được bán hết.
        Buổi ra mắt sách thứ hai được tổ chức tại Oklahoma City do Hội Văn Hóa Việt Mỹ tổ chức, phối hợp với Thanh Khí Hoa Tiên Thi Hội và các nghệ Sĩ địa Phương, trong đó có Nữ Nghệ Sĩ Kim Dung với tiếng hát tiên nga cao vút và thần đồng Thùy Trang trong những màn vũ dân tộc độc đáo. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ Tịch VAALA, Thi Sĩ Hoài Việt. Nhà Hán Học Phạm Thế Phiệt đã lần lượt lên sân khấu nói về các thể thơ dân tộc, công trình thi ca Hán Văn của Nguyễn Du và cuốn Truyện Kiều danh tiếng của ông. Đêm văn nghệ bắt đầu từ 19 giờ, và dự định chấm dứt vào lúc 23 giờ.Tuy nhiên, nó được kéo dài đến 5 giờ sáng tại nhà một độc giả Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Thật là buổi ra mắt độc đáo được tổ chức trong tình nghĩa văn nghệ thân thiết khó quên.
        Ngay sau đó, tôi lên máy bay đến Cali để dự Lễ Ra Mắt Sách Truyện Kiều và Tuổi Trẻ được tổ chức đồng thời với phần biểu diễn Nhạc Họa Truyện Kiều của Nhạc Sĩ Phạm Duy. Hội trường mới xây cất của đôi vợ chồng thi sĩ nổi tiếng Trần Dạ Từ và Nhã Ca rộng lớn là thế mà chẳng mấy chốc đã đông nghẹt. Theo lời mời của Bác Sĩ Chủ Tịch Hội Nhớ Huế Võ Văn Tùng và của một nhóm cựu học sinh Quốc Học và Đại Học Sư Phạm Huế như Bác Sĩ Hà Thúc Như Hỷ, và Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác, các Nghệ Sĩ, Giáo Sư Việt Văn, các nhà văn, nhà thơ hưởng ứng rất đông. Tỉ dụ: Nữ Nghệ Sĩ Kiều Chinh, Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Ca Sĩ Kim Tước và Bích Ngọc, Nhà Văn Võ Phiến, Duy Lam, Nhà Thơ Trần Hồng Châu, Cao Tiêu, Nhà Giáo Hà Như Chi, Phan Ngô, Nguyễn Văn Mỹ, Lê Văn, Đoàn Khánh. Mở đầu chương trình, Ca Sĩ Kim Tước hát bài Hẹn Một Ngày Về để giới thiệu Lê Hữu Mục. Ca Sĩ Bích Ngọc hát bài Tình Ca để giới thiệu Phạm Duy. Phần tiểu sử của Lê Hữu Mục được Kĩ Sư Nguyễn Đình Cường trình bày với những chi tiết chưa bao giờ được công bố. Phần tiểu sử của Phạm Duy do Nữ Nghệ Sĩ Kiều Chinh giới thiệu. Kiều Chinh phân tích tài năng âm nhạc độc đáo của một nhạc sĩ lão thành. Sau cùng là bài nói chuyện của tác giả Truyện Kiều và Tuổi Trẻ và bài trình diễn Nhạc Họa Truyện Kiều. Nhiệt  tình của ban tổ chức và ban thực hiện đã biến buổi ra mắt sách và trình diễn nhạc họa thành một buổi chiều văn nghệ rất hấp dẫn. Riêng về số sách mang tới hội trường để bán đã được các khán giả và bằng hữu chiếu cố tận tình.
        Cuối cùng, tôi xin nói tới buổi ra mắt sách tại Louisiana do Hội Sinh Hoạt Văn Hóa Louisiana tổ chức và do Nhà Văn Hoàng Hạc Vũ Như Sơn, tức Giáo Sư Võ Tòng Chính đứng mời. Nhờ khả năng điều động của Nhà Văn Hoàng Hạc và các bạn, nhờ tiếng hát quyến rũ của hai chị em Cô Tạ Kim Oanh, nhờ tài hùng biện của Linh Mục Nhà Văn Trần Cao Tường và Nhà Báo Nguyễn Trọng ở Oklahoma sang, số sách mang đến chẳng những đã bán hết mà mấy cuốn còn lại đã được bán theo lối đấu giá. Tưởng cũng nên nói thêm rằng chính nhờ tài năng phỏng vấn của Kí Giả lão thành Nguyễn Trọng mà không khí hội trường sôi nổi. Ông đã phỏng vấn Cô Quỳnh Như, sinh viên Tiến Sĩ báo chí học tại Đại Học Chicago. Cô Quỳnh Như ít nói được tiếng Việt nên buổi phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Mỹ, xoay quanh Truyện Kiều mà Quỳnh Như chưa đọc nhưng được kí giả hướng dẫn thế nào mà cô phải tìm mua cuốn Truyện Kiều và Tuổi Trẻ. Phần tiếng Anh trong cuốn sách do Kĩ Sư Đặng Vũ Nhuế viết đã làm cho cô rất thích thú.
        Cuộc tranh luận về Truyện Kiều chưa chấm dứt và sẽ không bao giờ chấm dứt được nếu không phải vào năm 2105 là năm thứ 300 mà Tố Như đã tiên đoán. Vào thời gian xa xôi ấy, mọi hệ ý thức sẽ tiêu vong. Người Việt Nam sống tự do trên đất nước thân yêu của mình, trong một quốc gia mà ta hi vọng là sẽ dân chủ và phú cường vào bậc nhất Đông Nam Á Châu. Vào thời điểm đó, ta mới có điều kiện đi sâu vào thông điệp của Nguyễn Du gởi gắm trong Truyện Kiều. Ta sẽ không chê Thúy Kiều là một con điếm nữa. Ta sẽ thấy nàng là nạn nhân của một xã hội đã phá sản, của một hệ ý thức đã lỗi thời, và nàng là cô gái can đảm suốt đời đã tranh đấu chống lại tội ác để được sống một cuộc đời trong sạch. Muốn trình bày một nhân vật anh hùng như vậy, để bảo vệ giá trị làm người của mình, Nguyễn Du đã phải trả một giá rất đắt. Ông đã phải nghiến răng bẻ gãy cái hệ ý thức đã làm vẻ vang cho dòng họ ông, gia đình ông, và cha mẹ anh em ông. Ông đã phải xét lại giá trị của nền văn hóa đương thời. Ông bắt đầu tin vào sức mạnh của nền văn hóa dân gian: Ông thấy một cách cụ thể rằng nền văn hóa bác học, trong đó ông đã sống, không thể đứng vững một mình như vào đời Lý, đời Trần, hay đời Lê Sơ. Nó đã suy thoái và muốn tồn tại nó phải được phối hợp với nền văn hóa nhân gian, đặc biệt là nền văn học Nôm na đang phát triển và đang đẻ ra những giá trị mới, khỏe mạnh, và bền vững. Thúy Kiều, đứa con tinh thần của ông, sẽ là tác nhân và chứng nhân của nền văn hóa mới đó.
        Hiện nay, thế giới đang chú trọng về nhân quyền. Nhiều người, trong đó có một số người Việt Nam, lầm tưởng rằng nền pháp chế về nhân quyền chỉ được xác lập trên những truyền thống Âu Mỹ. Các Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài, Trần Văn Liêu, và sau đây những chuyên viên về Pháp Học như Robert Poster, người Mỹ, Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào, hoặc về chính trị như Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ, đã chứng minh với thế giới rằng từ năm 1483, Việt Nam đã phát huy một quan niệm rõ ràng về nhân quyền và đã đứng trên quan niệm ấy để soạn thảo Quốc Triều Hình Luật, gọi tắt là Luật Hồng Đức. Các nhà văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn vô danh thế kỉ XVII, đã nổi dậy chống lại bản tuyên ngôn văn hóa của chính quyền nhà Lê ban bố năm 1663 dưới quyền điều động của Chúa Trịnh Tạc và thường được gọi là Lê Triều Tứ Thập Thất Điều Lệ. Phong trào văn học mới quyết liệt chống trả văn học Nho Điển chủ trương sáng tác bằng Hán Văn. Ngôn ngữ văn chương mới được gọi là Nôm Na càng ngày càng được các nhà văn và độc giả hưởng ứng. Cuối thế kỉ XVIII, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du tham gia phong trào và đã đưa phong trào thực hiện được những thành tựu to lớn. Người Việt chúng ta sống ở hải ngoại trong sự bảo vệ của một nền pháp lí dân chủ, tôn trọng nhân quyền, không nên quên rằng tổ tiên đã tranh đấu trong những hoàn cảnh khó khăn để phát hiện và bảo vệ những nhân quyền. Bất kì từ gốc độ ý thức nào, ta đừng bao giờ quên công trình của Nguyễn Du trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền của người phụ nữ nói riêng, và của con người nói chung. Cũng không nên quên rằng sợi chỉ đỏ xuyên qua lịch sử văn hóa Việt Nam không phải là “chủ nghĩa yêu nước”. Sợi chỉ đỏ ấy là nỗ lực bảo vệ nhân quyền.

Thay mặt các bạn
Phạm Thị Nhung Đặng Quốc Cơ

 Lê Hữu Mục



Chú thích:

Thánh Kinh (Bible). Định nghĩa :

1 /Bible: Sách gối đầu giường, livre de chevet (Larousse Dictionnaire Encyclope'dique 1985, tome I p.361). Các học-giả:
Phạm Quỳnh, Hélen West,.. coi Truyện Kiều là Thánh Kinh.

2/ Sách tham chiếu, livre de référence que tous consultent .
Ex. Ce livre de timbres est la Bible des collectionneurs. Sách sưu tầm về tem này là Thánh Kinh của nhà sưu tập tem. (Hachette)

3/ Kinh đạo Gia Tô, Hồi Giáo, Nho Giáo... Kinh Dịch, Kinh Thi.
( V.N. Từ Điển Lê Văn Đức, tr.1515)

Ngẫm mình võ vẽ bút nghiên/ Biết đâu Kinh Thánh, Truyện Hiền
là đâu? (Hoa Tiên c.404).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.