Tiếng Đàn Của Kim Trọng (cc. 2849-2856) Lê Hữu Mục

Tiếng Đàn của Kim Trọng

Tiếng Đàn Của Kim Trọng
(cc. 2849-2856)


Lê Hữu Mục



    Kim Trọng là một văn nhân tài ba. Thúy Kiều đã yêu cái dáng “cây quỳnh cành dao” của chàng. Nàng càng yêu chàng khi sang nhà người bạn trai, nàng đã thấy chiếc đàn nguyệt treo ở hiên sau. Kim trọng đã mời Thúy Kiều đánh đàn. Chơi đàn xong, Kiều đã không mời lại Kim Trọng như ta thường thấy trong các buổi thanh niên họp mặt, nhưng cũng không vì thế mà vội kết luận rằng Kim Trọng không biết đánh đàn. Từ câu 2849 đến câu 2856, tất cả 8 câu, Nguyễn Du đã giới thiệu tài âm nhạc của Kim Trọng.

    Bố cục (2849-2856): Gồm 3 phần.

           1- Mở đầu (2849-2850):
    Kim Trọng nhớ Thúy Kiều. Trong phòng học, chàng trịnh trọng đốt hương và giở đàn ra độc tấu: Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa. Chữ ngày xưa gợi lên bao kỉ niệm cũ, bởi vì chính Thúy Kiều đã tỏ tình với chàng trên những phím đồng của cây đàn này.

           2- Thân bài (2851-2854)
    Tiếng đàn dìu dặt trổi. Mấy dây tơ rung rinh; tiếng nhạc nhè nhẹ như thì thầm, ngân vang lên một cách du dương, êm dịu. Bẻ bai là lả lướt, ngả nghiêng, du dương, réo rắt (Từ Điển Tiếng Việt); bẻ bai cũng có nghĩa là nhịp nhàng (Taberd), các âm tiết đưa đi đưa lại một cách đều đặn và ăn khớp với nhau chặt chẽ. Nguyễn Thạch Giang hiểu bẻ bai là buồn mà có ý phân vân về nhiều mối (X. Truyện Kiều, Hà Nội, 1973, tr. 470). Xuân Phúc cũng đồng ý như thế khi ông dịch câu 2851 là “les cordes de soie faisaient entendre leur voix triste, chargée de reproches”. Chỉ có Đào Duy Anh không chấp nhận từ bẻ bai: ông phiên âm hai từ này là bẽ bài và hiểu là bẽ bàng nói chệch ra, có ý tủi thẹn (X. Từ Điển Truyện Kiều, tr. 32). Dù cho từ bẽ bài là một từ có thực đi chăng nữa, cái ý nghĩa tủi thẹn không thể ăn khớp được với từ tiếng tơ. Nói về tiếng tơ là nói tới âm thanh, mà đặc điểm của âm thanh là nhịp điệu. Từ bẻ bai diễn đạt tiết tấu của tiếng tơ đồng, hiểu đó là một từ biểu thị tình cảm làm sai lạc hẳn ý nghĩa của câu thơ. Cũng như từ bẻ bai, từ rủ rỉ là một động từ liên quan đến những âm thanh nhỏ nhẻ, nói dịu dàng bên tai một người thân yêu những câu nói thân mật, riêng tư, cũng như ta thường nói thủ thỉ, thỏ thẻ, giọng nói rất nhỏ cốt chỉ để cho hai người nghe thấy những chuyện tâm tình. Kim Trọng nhớ Kiều nên chàng đánh đàn, cốt là mượn tiếng tơ để nói chuyện với Thúy Kiều. Chàng tin rằng chiếc đàn mà Thúy Kiều đã so dần dây vũ dây văn chính là hiện thân của nàng. Bởi vậy, phải nói là tiếng tơ rủ rỉ mới thật là hiểu tâm sự của Kim Trọng. Nhiều nhà nghiên cứu đã không chấp nhận từ rủ rỉ này mà Trương Vĩnh Ký, Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim, và Nguyễn Thạch Giang đã dùng. Họ phiên âm là rầu rĩ. Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Xuân Phúc đã đồng ý với nhau như thế. Nhìn vào bản m năm 1902 và năm 1906, ta phải nhất trí với họ. Nhưng còn những bản Nôm khác thì sao, những bản Nôm mà Trương Vĩnh Ký và những người đến sau ông đã dùng? Nếu ta căn cứ vào phương pháp mô tả của Nguyễn Du, ta sẽ thấy rằng bao giờ nhà thi hào của chúng ta cũng mô tả một cách khách quan trước, sau đó mới đề cập tới vật được mô tả trong ảnh hưởng và liên hệ của nó đối với các vật chung quanh. Ta đã tiếp cận kĩ thuật này trong phần nói về tiếng đàn của Thúy Kiều. Xét như vậy, từ rầu rĩ biểu lộ tâm trạng buồn bã, đau khổ của một người khó có thể phù hợp với tiếng tơ bằng từ rủ rỉ là tiếng thở than của chính tiếng tơ đó. Câu bẻ bai rủ rĩ tiếng tơ nhất định có giá trị văn chương hơn những câu bẻ bai rầu rĩ tiếng tơ hay câu bẽ bài rầu rĩ tiếng tơ. Bẻ bai liên quan đến nhịp điệu, rủ rỉ liên quan đến âm sắc, cả hai tác động vào sự vật trong gian phòng. Do đó mới có cái cảnh: Trầm bay lạt khói, gió đưa lay rèm. Nói đến trầm mà thực ra không phải là tả trầm, mà là gián tiếp tả tiếng đàn. Nói đến gió mà không phải tả gió, mà chính là để gián tiếp tả tiếng đàn của Kim Trọng. Đó là kĩ thuật mô tả bằng tác dụng mà ta thấy có rất nhiều trong Truyện Kiều. Kim Trọng liên tưởng đến Kiều, và chàng có cảm tưởng như là Kiều đã đáp ứng nguyện vọng của chàng. Kiều đã hiện về trên nóc nhà, trước thềm nhà. Nàng lên tiếng gọi; xiêm y của nàng bay phấp phới. Kiều chính là cây đàn mà Kim Trọng đang ôm ấp trong tay; tiếng nói của nàng là tiếng tơ. Tiếng đàn đã được đồng hóa với đối tượng mà tiếng đàn diễn tả.

    3- Kết luận (2855-2856)
    Tác giả giải thích lí do của biến cố vừa xẩy ra. Vì nhớ tưởng đến Kiều mà Kim Trọng thấy nàng trở về với chàng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.