Tác Phẩm của Nguyễn Du - Lê Hữu Mục

Tác Phẩm của Nguyễn Du
Lê Hữu Mục



          I- Chữ Hán: 3 tác phẩm, gồm tẩt cả 250 bài thơ

          1- Thanh Hiên Thi Tập (tập thơ của Thanh Hiên, tức Nguyễn Du), được viết từ năm 1786 đến 1804, gồm 78 bài thơ.
2- Nam Trung Tạp Ngâm (các bài ngâm viết ở Việt Nam), khởi sự từ 1804, hoàn tất vào năm 1812, gồm 40 bài thơ.
3- Bắc Hành Tạp Lục (ghi vội về cuộc đi sứ  Trung Quốc), viết trong năm 1813 tại Trung Quốc, gồm 132 bài.

II- Chữ Nôm: 4 tác phẩm viết bằng các thể văn Việt Nam
1- Tác phẩm thời trẻ:
Thác Lời Trai Phường Nón (1783).
Văn Tế Hai Cô Gái Phường Vải (1783).
           2- Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (1802): thể song thất lục bát.
3- Đoạn Trường Tân Thanh (khởi thảo vào cuối thế kỷ XVIII, hoàn tất vào những năm từ 1805 đến 1813): thể lục bát, gồm 3254 câu.

III- Giá trị của những tác phẩm chữ Hán
1- Nói chung, tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du biểu thị những điều ông trông thấy về người đời và đời người và những suy tư, những cảm xúc của ông trước những điều đã trông như mọi người, nhưng đã thấy những ý nghĩa sâu xa mà người khác không để ý tới. Người thường như tất cả chúng ta chỉ thấy hiện tượng (mà nhà Phật gọi là tục đế), không trông thấy bản chất của sự kiện (danh từ Phật giáo gọi là chân đế). Ngược lại, bất cứ một sự kiện, một biến cố nào xảy ra, Nguyễn Du cũng đi sâu vào bản chất của nó để tìm hiểu, và nhờ đó, ông thường hiểu được rõ ràng ý nghĩa cuối cùng của đời người. Và ông khóc.
Dị đại tương liên không sái lệ.
Con người sống xa nhau về thời gian (dị đại), nhưng vẫn thương nhau (tương liên) và rơi lệ (không sái lệ). Tại sao thế? Có phải vì thiếu miếng cơm manh áo không? Có phải vì đạo lí điêu tàn và xã hội loạn lạc không? Hay là vì sự bế tắc của chế độ phong kiến?
2- Đây là những giải đáp của Nguyễn Du.
a- Cảnh nghèo khó là một hiện tượng phổ biến:
Việt Nam là một nước nghèo. Chung quanh ông ở khắp mọi nơi, ở đô thành đầy ánh sáng cũng như ở làng quê tối tăm, cảnh nghèo diễn ra với tất cả cái xấu xa của nó. Bên Trung Quốc cũng vậy, ông ngạc nhiên khi thấy bên Trung Quốc cũng đầy rẫy những cảnh cùng khốn như ở Việt Nam. Trong bài Thái Bình Mại Ca Giả sau khi kể lại việc ông đã gặp một ông già mù hát rong nghèo khổ, Nguyễn Du viết:
Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ơn bão,
Trung Hoa diệc hữu như thử nhân.
(Thường nghe nói Trung Hoa no ấm lắm,
Trung Hoa cũng có loại người này!)
Hết chuyện ông già mù ở Thái Bình, lại đến chuyện người kéo xe ở Hồ Nam, chuyện bốn mẹ con một người ăn xin sắp chết đói, chuyện những người lao khổ nổi dậy chống triều đình. Chung quanh ông, trên khắp đất Trung Quốc, nhầy nhụa một cái nghèo âm u thê thảm. Đó là những điều mà Nguyễn Du đã trông. Ông đã thấy gì? Ông đã thấy cái nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ. Đó là cái mầm ác trong lòng người. Chính cái ác độc ấy đã đẻ ra bọn người ích kỉ. Nhờ ích kỉ mà chúng giàu có, chúng học hành đỗ đạt, chúng ngồi trên đầu trên cổ người ta, đâu đâu cũng có mặt chúng nó. Nguyễn Du viết: Long xà quỷ vực biến nhân gian (khắp cõi người ta đầy những rắn rồng quỷ quái). Chúng nói dối để trục lợi; chúng xảo trá để cầu danh. Nguyễn Du viết: Xú danh mãn quách tằng hà dụng, Tặc cốt thiên niên mạ bất tri (Tiếng thối đầy săng giấu để làm gì? Nó chỉ còn nắm xương, ngàn đời có chửi nó, nó cũng không biết). Nó ở đây là Tào Tháo, một tên đa nghi, xảo trá đã giết hại không biết bao nhiêu người, và đã phá hoại cuộc đời của bao nhiêu người lương thiện!
b- Nguyễn Du kêu gọi những người có thiện tâm.
Đầu tiên là những người có lòng yêu thương đồng loại, những Cù Thức Tró, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Hàn Tín, Kê Thiệu, Liêm Pha, Lạn Tương Như, rồi đến các nhà trí thức, các nhà văn nhà thơ lỗi lạc như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Liễu Tôn Nguyên, Âu Dương Tu, Giả Nghị. Đây là hàng ngũ của các nhà văn hóa. Nói như Mai Quốc Liên, trong Nguyễn Du Toàn Tập: <<Đối với Nguyễn Du, cái vĩ đại là văn hóa ... Văn hóa là cuộc đấu tranh bi tráng của con người trong trường kì lịch sử để khẳng định và phát triển bản chất người. Các triều đại trôi qua, quyền lực của vua chúa, huân danh của tướng lãnh, công hầu... thảy đều trôi qua, đều tàn tụi, chỉ còn có con người, chỉ còn có nhân văn... Nguyễn Du chỉ coi trọng và đánh giá cao các nhân vật văn hoá, những anh hùng của nền văn minh nhân loại. Chắc hẳn rằng ông tiếp nối mạch suy tư của Lý Bạch: Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt, Sở vương đài tạ không sơn khâu (Từ phú Khuất Nguyên treo cao cùng nhật nguyệt, trong khi đài tạ của Sở Vương chỉ còn là Núi Gò)>> (x. Mai Quốc Liên, sđd, tr.10)
Đó là Nguyễn Du đề cao những hành động cứu đời của các nhà văn hóa. Không có những nhà trí thức có tư tưởng và hành động nhập cuộc, nếu không có các nhà văn thơ tố giác những thành phần xấu xa trong xã hội, nếu các nhà có thiện tâm không cứu giúp những người khốn cùng, cuộc đời, đúng như Nguyễn Du đã tả, chỉ là: <<Thành quách y nguyên, dân sự khóc. Cát bụi lấm cả quần áo người. Đi ra ngựa xe, về vênh váo, Vêu mặt Quỳ, Cao, tán chuyện đời. Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc. Mà xé thịt người nhai ngọt xớt>> (nt, tr. 10).
Giáo Sư Lê Trí Viễn, khi bàn về bài Phản Chiêu Hồn của Nguyễn Du, đã viết rất đúng trong Giáo Trình Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Hà Nội, 1962, tr. 156: <<Niềm cảm thông thương xót của tác giả đối với linh hồn trung nghĩa nghìn xưa, nỗi căm phẫn kín đáo ngụ trong những nhận xét sắc cạnh, đanh thép đối với bọn thống trị dã man, lòng thương cảm mênh mông đằng sau cái nhìn hiện thực đối với nhân dân nghèo khổ, như có cái gì vượt quá tầm cảm xúc đối với một cá nhân đã chết, một quốc gia và một thời đại không còn nữa, mà trở thành những cảm khái, những nhận thức đối với bọn thống trị đương thời, đối với cuộc đời trước mắt (sđd, tr.156).
Tôi nói thêm, và đối với mọi cuộc đời nói chung, mọi con người thống trị về chính trị, về ngôn ngữ, về tình cảm, cả về tôn giáo đạo đức nữa.
c- Chỉ có tình thương mới cứu được nhân loại
Từ những thể nghiệm đó trong cuộc sống, Nguyễn Du chủ trương mọi mâu thuẫn giữa cá nhân và cá nhân phải được giải quyết bằng tình thương, bằng một chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Những bài thơ ông viết về đề tài này là những bài thơ hay nhất trong số 250 bài thơ chữ Hán của ông.
Nói về Khuất Nguyên, không phải Nguyễn Du chỉ nói về số phận của những con người ưu tú, tài hoa mà thôi. Cũng không phải Nguyễn Du chỉ thấm thía một cách sâu sắc về sự không phù hợp của Khuất Nguyện đối với cuộc đời. Càng không phải chỉ thấy trong tâm trí Nguyễn Du có một sự đối lập ghê gớm giữa cái sáng trong vằng vặc của một tâm hồn là Khuất Nguyên với cái xấu xa đê tiện của cái xã hội này (x. Nguyễn Lộc, sđd, tr. 52). Phải hiểu Khuất Nguyên sâu sắc hơn. Ông đã chết để cảnh tỉnh nhân loại về sự cần thiết phải thương yêu nhau. Thiên hạ đều mê vì không biết đến chân lí đó; chỉ có ông là tỉnh (độc tỉnh) vì, qua những kinh nghiệm đau thương của cuộc đời ông, qua cái thái độ ích kỉ và kiêu ngạo của người đời không muốn tìm hiểu người khác mà chỉ muốn phê phán một cách sai lầm theo những dấu hiệu bên ngoài, Khuất Nguyên, cũng như Thúy Kiều về sau này, chỉ tìm thấy trong cái chết của mình một ý nghĩa cứu rỗi. Nguyễn Du nói nhiều về Khuất Nguyên để nhấn mạnh về điểm này: Nếu các nhà văn nhà thơ, các nhà trí thức sống về tư tưởng, các nhà văn hoá đối lập với các nhà chính trị kinh doanh hoạt đầu, nếu quý vị không can đảm như Khuất Nguyên dám chết để nói lên tình thương nhân loại của mình, nhân loại vẫn còn đắm chìm, còn giãy giụa trong bùn lầy của nghèo đói, đau khổ, và bất hạnh.
Không phải Nguyễn Du chỉ nói đến Khuất Nguyên. Ông đã nói nhiều đến Đỗ Phủ, đến cuộc đời tài hoa nhưng bạc mệnh của ông, nhất là đến nỗi đồng cảm muôn đời giữa những nhà trí thức <<khéo dư nước mắt khóc người đời xưa>>. Xin nhắc lại một lần nữa câu thơ của Nguyễn Du nói về Đỗ Phủ: Dị đại, tương liên, không sái lệ (dù sống vào những thời đại khác nhau nhưng vẫn thương nhau, và chỉ biết ứa lệ mà thôi). Câu thơ giàu tính nhân đạo làm sao! Nó cho ta thấy, giữa những người cầm bút của đời này, mẫu số chung vẫn là viết để kêu gọi con người yêu thương nhau hơn, vì đó là một chính sách duy nhất để cho loài người tồn tại.

IV- Giá Trị của Những Bài Thơ Nôm
Không kể hai bài thơ Nguyễn Du làm để đùa cho vui còn trẻ, bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh và Đoạn Trường Tân Thanh (gọi tắt là Truyện Kiều) là hai kiệt tác.
1-  Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
Còn được gọi tắt là Văn Chiêu Hồn, được phát hiện ở Chùa Diệc, chứng thực tác phẩm được viết để phục vụ mục đích cúng tế nhân dịp Lễ Vu Lan, được dân chúng gọi là Lễ Cô Hồn, được tổ chức vào Ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch.
Tác phẩm được viết theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu, chia ra làm 5 phần.
Phần 1: Nhập đề. Các Cô hồn cần phải được giải thoát (cc. 120).
Phần 2: Mười loại chúng sinh (cc.21-136):
1- Vua chúa (cc.21-32)
2- Tiểu thư (cc.33-44)
3- Quan lại (cc.45-56)
4- Tướng soái (cc.57-68)
5- Nhà giàu (cc.89-80)
6- Kẻ sang (cc.81-92)
7- Nhà buôn (cc.93-100)
8- Lính tráng (cc.101-108)
9- Kĩ nữ (cc.109-116)
10- Hành khất (cc.117-136)
Phần 3: Cảnh cùng khốn của cô hồn (137-156)
Phần 4: Mọi cô hồn phải được giải thoát (157-172)
Phần 5: Kết luận. Mời các cô hồn đến hưởng lộc.
Tác giả không phê phán các cô hồn, chỉ tỏ lòng thương xót và giải thích nhu cầu cứu vớt họ. Họ chỉ là nạn nhân của chính họ, của lòng tham dục, của tính ích kỉ, của tính kiêu ngạo chỉ biết lợi lộc của mình là tối cao và sẵn sàng làm mọi điều độc ác để chiến thắng kẻ khác:
Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông.
Nói chi đang thuở thị hùng
Tưởng khi thế khuất vận mà đau!
(cc. 21-24)
Tác giả báo động:
Cả giàu sang, nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.
(cc.27-28)
Tác giả muốn chứng thực rằng quyền lực bao giờ cũng do bất công mà có. Càng mạnh về quyền lực bao nhiêu, người ta càng xa nhân tính bấy nhiêu và càng dìm sâu nhân loại vào hố thẳm của tội lỗi và nước mắt. Làm thế nào để chấm dứt những cảnh cùng khốn của con người? Nguyễn Du trả lời: chỉ có tình thương. Đó là giải pháp duy nhất mà ông đã trình bày trong các bài thơ chữ Hán và trong  Đoạn Trường Tân Thanh.

2- Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm dùng chất liệu của một tác phẩm của Trung Quốc nhan đề là Kim Vân Kiều truyện. Tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân (ở Việt Nam gọi là Thanh Tâm Tài Tử) là một tác giả gần như vô danh, nhưng ĐTTT lại là một kiệt tác. Nội dung của tác phẩm này đề cập tới lòng hi sinh của một thiếu nữ, vì chữ hiếu mà phải sống 15 năm vất vả trong lao tù của các thanh lâu. Nhờ tính chiến đấu của cô, tuy phải sống trong bùn lầy của tội lỗi mà cô không bị tanh tưởi vì bùn. Triết lí của tác phẩm thống nhất với tư tưởng của tác giả gửi gắm trong các tác phẩm chữ Hán và trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh: muốn cứu thế gian, chỉ cần có một chút can đảm để sống trong sạch và yêu thương mọi người.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.