Kim Kiều Hạnh Ngộ (cc. 133-170) - Phạm Thị Nhung

Kim Kiều Hạnh Ngộ
(cc. 133-170)
Phạm Thị Nhung

    Xuất Xứ
    Nhân dịp Lễ Tảo Mộ, ba chị em Kiều đi du xuân. Buổi chiều trên đường về, Kiều nhìn thấy ngôi mộ hoang thì động lòng trắc ẩn. Vương Quan, em trai nàng, cho biết đó là mộ của Đạm Tiên, một ca nhi tài sắc bạc mệnh. Kiều quá thương cảm, than khóc chung cho số kiếp đàn bà hồng nhan bạc phận rồi băn khoăn lo lắng cho tương lai.
     Kiều còn thắp hương và làm thơ viếng mộ ; Đạm Tiên hiển linh, Kiều càng thêm xúc động, bồi hồi…
    Đại Ý
    Giới thiệu Kim Trọng cùng mô tả mối tình đầu chớm nở giữa Kim Trọng và Thúy Kiều.

    Bố Cục
    Đoạn thơ này có thể chia làm 3 phần:
    I - Câu 133-146 Kim Kiều hội ngộ .
    a/ 133-134 Tiếng nhạc ngựa báo hiệu Kim Trọng xuất hiện.
    b/ 135-144 Hình dáng, phong thái Kim Trọng.
    c/ 146-146 Kim ra mắt chị em Kiều.

    II - Câu 147-162 Giới thiệu Kim Trọng.
    a/ 147-152 Gia thế, tài mạo
    b/ 153-158 Tính tình.
    c/ 159-162 Kim thỏa lòng ao ước được gặp hai Kiều.

III - Câu 163-170 Mối tình chớm nở giữa Kim và Kiều.
    a/ 163-168 Tâm trạng ngây ngất, lưu luyến giữa Kim và Kiều.
    b/ 169-170 Cảnh đẹp chiều xuân.

    Phân Tích
    I - Câu 133-146
    a) Tiếng Nhạc Vàng (133-134)
    Chị em Kiều đang lưỡng lự nửa muốn chiều theo ý Kiều nán lại thêm bên mộ Đạm Tiên, nửa muốn theo ý Vân Quan ra về thì bỗng có tiếng “nhạc vàng” đâu đây vẳng lại. Nhạc vàng chỉ âm thanh của những cái chuông con con bằng đồng màu vàng, buộc thành vòng lục lạc đeo quanh cổ ngựa, rung lên tạo thành những tiếng nhạc trong trẻo, ròn tan, rộn ràng khua vang trong không gian. Nó như có phép mầu xua tan tức khắc cái âm khí nặng nề u ám tỏa ra từ ngôi mộ Đạm Tiên. Đồng thời, nó khiến Kiều lãng quên câu chuyện thương tâm, sầu thảm vừa qua. Tâm hồn nàng trở lại tươi mát, trong sáng.
    b) Hình Dáng, Phong Thái Kim Trọng (135-144).
    Chị em Kiều hướng nhìn về phía có tiếng nhạc ngựa. Không bao lâu, trước mặt họ đã hiện ra một trang thanh niên, có vẻ là khách trí thức văn học. (Vân, Quan có lẽ chẳng ai chú ý theo dõi và ngắm nhìn chàng bằng con mắt ngưỡng mộ như Kiều). Chàng ta đang “lỏng buông tay khấu”, là đang nới tay thả chùng dây cương cho ngựa đi thong thả từng bước trên cánh đồng cỏ bằng phẳng (dặm băng), tiến dần về phía chị em Kiều.
    Con người ấy đúng là một công tử hào hoa phong nhã ; đồng thời còn là một văn nhân nghệ sĩ nữa. Sau chân ngựa có vài thằng nhỏ theo hầu, trên vai xách theo túi thơ để chàng du xuân vịnh cảnh. Dễ thường chàng cũng đã sáng tác được nhiều, “lưng túi gió trăng” nghĩa là đầy nửa túi thơ vịnh cảnh gió trăng (nói chung về cảnh đẹp thiên nhiên).
    Con tuấn mã chàng cưỡi có vóc dáng vừa trẻ, vừa khỏe (ngựa câu), vừa đẹp (giòn). Nhất là bộ lông trắng toát như tuyết của nó càng làm nổi bật màu áo xanh rất mực thanh lịch của chàng, một màu xanh pha trộn rất khéo giữa sắc lục của cỏ bắt vào một chút xanh lơ của nền trời. Từ đằng xa, khi vừa nhận ra chị em Kiều, chàng đã lịch sự xuống ngựa, đi bộ tới để trò chuyện. Kiều âm thầm dõi nhìn đôi giày thêu vân nổi (hài văn) của chàng, đang khoan thai bước lần trên nền cỏ biếc… Cho đến khi chàng sắp tới gần, Kiều thực sự đã bị xúc động trước vẻ đẹp có phong thái thần tiên của chàng. Dáng chàng vung tay bước đi trông thật đẹp, như cành ngọc dao, như cây ngọc quỳnh hiển hiện, chẳng khác nào Vương Diễn đời xưa. Theo Thế thuyết: Vương Nhung từng khen Vương Diễn :  “Vương Diễn thần thái như quỳnh lâm, dao thụ...” nghĩa là tinh thần và hình dung của Vương Diễn đẹp như cây dao ở rừng quỳnh. Vậy, chính Vương Diễn đẹp chứ không phải cảnh vật chung quanh đẹp. Kim Trọng cũng vậy.
          c) Kim Ra Mắt Chị Em Kiều (145-146).
    Vương Quan nhận ra người quen vội tiến lên chào, trong khi hai Kiều thấy chàng trai lạ đến gần thì thẹn thùng, vội vàng nép mình dưới bụi hoa.

    II - Câu 147-162
    a) Giới Thiệu Gia Thế, Tài Mạo Kim Trọng (147-152).
    Chàng văn nhân mà Kiều vừa có dịp chiêm ngưỡng đó chẳng ai khác hơn là chàng Kim Trọng, người học cùng thầy, cùng trường với Vương Quan nên hai người có biết nhau. Họ chỉ biết, chỉ “quen mặt” nhau thôi chứ không thân thiết. Điều này cho thấy tuy học cùng thầycùng trường vì đọc sách cùng một cửa sổ (đồng thân cũng như đồng song), họ có thể học khác trình độ nhau. Chúng ta hẳn biết, ngày xưa một thầy đồ, nhất là một vị thầy giỏi từng đỗ đại khoa, khi về trí sĩ mở trường thường dạy một lớp có nhiều cấp bực khác nhau. Từ đó suy ra, Kim Trọng là bật đàn anh của Vương Quan, và ít nhất cũng đồng trang lứa với Kiều, khoảng 16, 17 tuổi chứ không chỉ 13, 14 tuổi bằng Vương Quan như một số sách đã giải thích.
    Như thế, qua Vương Quan, hai Kiều chắc đã từng nghe về tài văn chương lỗi lạc của Kim, con người nổi tiếng văn hay, chữ tốt trong trường (bậc tài danh).
    Kim Trọng vốn người ở gần vùng nhà Kiều. Chàng thuộc dòng dõi quý tộc (trâm anh), giầu có, và phúc đức (phú hậu). Chàng chẳng những nổi tiếng văn chương hay, “văn chương nết đất” là văn chương có truyền thống gia tộc, nhờ mồ mả của tổ tiên được đất tốt ; chàng còn có trí thông minh Trời cho. Nói chung, về dáng dấp, tài trí, diên mạo thì Kim Trọng “tót vời”, là hơn hẳn mọi người. Đến nết ăn ở của chàng cũng thật đáng khen - “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Phong nhã là chữ viết tắt của Quốc Phong, Đại Nhã, và Tiểu Nhã, ba thiên trong Kinh Thi ; do đó, hai từ phong nhã để chỉ việc văn chương, thơ phú. Hào hoa là rộng rãi, lịch sự trong cách cư xử. Cả câu ý nói Kim Trọng đối với bản thân (vào trong) chỉ thích chuyện văn chương tao nhã. Đối với người khi giao thiếp (ra ngoài), chàng ăn ở hết sức rộng rãi, lịch sự.
    b) Tính Tình Kim Trọng (153-158)
    Kim Trọng thường nghe bà con xóm giềng (hương lân) đồn khen nức nở về gia đình họ Vương có hai cô con gái đẹp sống cấm cung. Câu “Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều” lấy chữ từ câu thơ của Đỗ Mục (đời Đường):
        Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
        Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.
nghĩa là, nếu gió đông không giúp Chu Du (tướng quốc Đông Ngô phóng hỏa phá được Trận Xích Bích) thì hai chị em họ Kiều (Đại Kiều và Tiểu Kiều) đã bị (Tào Tháo,Tể Tướng chuyên quyền nhà Hán) bắt về khóa kín trong Đài Đồng Tước.
    Mượn chữ câu thơ họ Đỗ, Nguyễn Du muốn nói một cách bóng bẩy là hai cô gái đẹp nhà họ Vương đang sống cấm cung. Cũng vì hai chị em Kiều sống cấm cung nơi buồng thêu, nên tuy ở gần Kim vẫn khó lòng gặp mặt, khiến chàng có cảm tưởng đôi đàng như cách trở đến bao nhiêu sông núi. Chàng chỉ còn biết thương trộm yêu thầm, kể đã bao lâu rồi (chốc mòng).

          c) Kim Thỏa Lòng Ao Ước (159-162)
    Hôm nay, nhân tuần Đố Lá, nói chung là nhân Hội Đố Lá (vào Tháng Ba, có từ đời Đường bên Trung Quốc). Kim bất ngờ được gặp hai chị em Kiều. “Giải cấu tương phùng” là không hẹn mà gặp. Chàng mừng quá, thầm reo “may thay!”  Hai từ này đã diễn tả bao nỗi sung sướng mừng rỡ trong lòng chàng. Chàng vô cùng hả dạ, nhủ lòng: thật bõ công ao ước tìm kiếm người đẹp (tìm hoa) bấy nay!
    Mới nhìn thoáng từ xa, Kim đã nhận thấy ngay cả hai nàng Kiều đều quá xinh đẹp, duyên dáng, mặn mà. Một nàng thì rực rỡ như hoa lan mùa xuân; một nàng thì yểu điệu như hoa cúc mùa thu, đúng là “một người một vẻ, mười phân vẹn mười”!

    III - Câu 163-170
    a) Mối Tình Chớm Nở Giữa Kim và Kiều (163-168).
    Chỉ sau một giây phút ngắn ngủi, khoảng thời gian từ lúc “khách đà xuống ngựa...” đến lúc  “tới nơi tự tình”, Kim đã biết ngay ai là đối tượng của mình. Thế rồi tiếng sét ái tình cùng một lúc nổ ra cho cả Kim và Kiều:
        Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
        Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
    Tiếng sét ái tình ấy đã làm cho chàng và nàng ngây ngất, bàng hoàng, chợt mê, chợt tỉnh. May thay, họ còn chút bình tĩnh, sáng suốt mà nhận ra rằng, chiều đã muộn lắm rồi để tự nhủ không nên nán lại lâu thêm nữa (ở giữa đồng không mông quạnh này) ; phải biết lịch sự, phải biết từ tốn, phải biết đợi chờ...Do đó, dù buồn đến mấy, tiếc đến mấy, họ vẫn đành phải dứt mà ra về:
               Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
        Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
        Bóng tà như giục cơn buồn
        Khách đà lên ngựa ... người còn nghễ theo.
    Khi Kim đã lên ngựa quay đi, Kiều dù cố ý che giấu tình cảm, nàng vẫn không tránh được đã có một cử chỉ vô thức (inconscient), là liếc mắt nhìn theo                                               bóng chàng. Chính cử chỉ vô thức này đã biểu lộ rõ rệt sự hữu tình trong lòng nàng.
    b) Cảnh Chiều Xuân
    Cảnh chiều xuân lúc đó sao mà êm ái, nên thơ, và tình tứ đến thế. Dưới cầu dòng nước “trong veo” chảy; bên cầu tơ liễu theo gió “thướt tha” bay; và nắng chiều như còn lưu luyến, vương víu mãi trên mấy nhành liễu.

    Phê Bình
    Tiếng sét ái tình đã đến với Kim và Kiều một cách tự nhiên quá, nhưng thực ra nó không đến một cách ngẫu nhiên, vô tình mà tất cả đều đã được (Nguyễn Du) sửa soạn từ trước:
          * Thứ nhất là điều kiện tình cảm, tâm lí nhân vật:
    Kim và Kiều đang ở vào tuổi thanh niên bồng bột. Bản tính lại rất mực đa tình, đa cảm, lãng mạn.
         - Kiều dù đang sống dưới sự che chở, yêu thương của cha mẹ mà đã sáng tác bản đàn Một thiên Bạc Mệnh (cảm hứng qua văn chương). Nhìn thấy ngôi mộ hoang, Kiều liền động lòng trắc ẩn. Vừa nghe kể chuyện xa gần về cuộc đời bất hạnh của Đạm Tiên, Kiều đã lại “đầm đầm châu sa”, rồi khóc than chung cho số kiếp đàn bà hồng nhan bạc mệnh , rồi làm thơ viếng mộ, rồi mê mẩn tâm thần (điều này không hề thấy ở Thúy Vân).
         - Kim mới nghe đồn về tài sắc hai Kiều đã “trộm dấu thầm yêu”, khát khao gặp mặt.
          * Thứ hai là giá trị khách quan của nhân vật: Kim và Kiều đã có nhiều giá trị tương xứng.
    Họ chẳng những giống nhau về tài sắc mà còn cả về trí thông minh thiên bẩm. Kiều thì “Một hai nghiêng nước, nghiêng thành”, “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, “Thông minh vốn sẵn tính trời”, “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”, “Khúc nhà tay lựa nên xoang...”. Kim thì “Phong tư tài mạo tót vời”, “Nền phú hậu, bậc tài danh”, “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”.
    Gia thế họ không quá chênh lệch, và họ cùng có một cuộc sống rất mực phong lưu. Kiều thì “phong lưu rất mực hồng quần”. Kim thì “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”...
    Thế rồi buổi chiều trên đường dự Hội Đạp Thanh trở về, “người quốc sắc” (Thúy Kiều) “kẻ thiên tài” (Kim Trọng) bất ngờ may mắn gặp nhau (hạnh ngộ). Vừa tỏ mặt, thật ra họ cũng chỉ mới được nhìn thoáng nhau, vì khi Kim tới gần, Kiều đã “e lệ nép vào dưới hoa”. Thế nhưng, chỉ một lần ánh mắt giao nhau, qua trực giác bén nhạy, họ đã đủ cảm thông nhau sâu sắc và biết ngay là đã bị hấp lực của nhau thu hút, chinh phục hoàn toàn, do sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” tạo nên. Tiếng sét ái tình tất nhiên đã bùng nổ.
    Nói khác đi, khi đã có đầy đủ cả hai điều kiện “cần” và “đủ”, chuyện gì phải đến tất đến, theo đúng cái lí khách quan diễn tiến của sự việc.
    Thế là nhờ có cơ hội gặp gỡ, tình yêu đầu đời của Kim Kiều đã âm thầm nẩy nở trong sự đồng tình tự do chọn lựa, đồng điệu và sự tương xứng về giá trị khiến họ có đầy đủ điều kiện để trở thành một cặp tài tử giai nhân lí tưởng.
    Tình yêu ấy tự nhiên quá, trong sáng quá, và cùng nồng nàn, xốn xang quá. Tất cả đó đã được Nguyễn Du diễn tả bằng một bút pháp hết sức linh động và tế nhị.
    Giữa buổi chiều xuân êm ái như mơ ấy, tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa Kim và Kiều. Tâm hồn họ ngây ngất biết mấy. Lòng họ rung động biết mấy, và họ cũng đã trải qua cái tâm trạng xiết nỗi bàng hoàng, như mê, như tỉnh (chập chờn cơn tỉnh cơn mê). Vậy mà giữa họ không có một cử chỉ biểu lộ, một lời nói đổi trao. Tất cả đều im lặng và im lặng ; cho mãi tới khi Kim Trọng lên ngựa ra về Kiều mới liếc mắt “nghễ theo”.
    Sự im lặng này, Nguyễn Du có ý nhấn mạnh đến nỗi e ấp thẹn thùng, đồng thời cũng là sự kín đáo, tế nhị của đôi thanh niên nam nữ mới lớn nhưng có giáo dục, trước mối tình đầu vừa chớm nở. Vì quá xúc động nên họ chẳng thốt được lời nào; ví dầu họ có nói gì đi nữa, họ cũng không sao diễn tả được hết nỗi bàng hoàng, ngây ngất trong lòng họ lúc bấy giờ.  Thế nên, im lặng “nói” được nhiều hơn là lên tiếng. Nhờ vậy, lời kiệm (ít) mà ý tứ lại dạt dào. Đây chính là nghệ thuật tả tình theo bút pháp “văn hữu dư ba” mà ta thường gặp trong Đ.T.T.T.
    Thêm vào đó, Nguyễn Du còn dùng cảnh làm nền cho cuộc gặp gỡ Kim Kiều khiến cho cuộc tình của họ càng thêm thơ mộng. Nơi đây có cánh đồng cỏ xanh, có khóm hoa đẹp, có cây cầu nhỏ, có dòng nước biếc, có liễu buông tơ. Khi cuộc tình vừa nẩy nở giữa Kim và Kiều, cảnh sắc thiên nhiên bỗng như cùng rung động để chia sẻ cái hạnh phúc ngọt ngào với nhân vật: Dưới mắt Kiều lúc này dòng nước bỗng “trong veo”, tơ liễu và bóng chiều bỗng “thướt tha”... Nói đúng hơn, Nguyễn Du đã dùng hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên để diễn tả gián tiếp đời sống nội tâm phong phú của nhân vật. Nhờ đó, ta khám phá ra rằng Kiều đang yêu đời, và tình yêu của Kiều đối với Kim trong sáng quá, thanh khiết quá, dạt dào quá. Nó chính là tình yêu ban đầu của tuổi trẻ rất đỗi bồng bột, hồn nhiên, đồng thời cũng rất lãng mạn và lí tưởng.
    Nếu hình ảnh “trong veo” của dòng nước chảy, hình ảnh “thướt tha” của tơ liễu bay bay theo gió, của bóng chiều quyến luyến, vương víu trên mấy nhành liễu đã chia sẽ và phản ánh niềm hạnh phúc ngọt ngào, niềm hi vọng chứa chan của Thúy Kiều trên đường về, thì ta cũng có quyền tưởng tượng thêm rằng, tiếng nhạc rung rinh của cái lục lạc đeo quanh cổ ngựa, và tiếng vó câu nện đều đều trên mặt đường cũng đã chia sẻ, cũng đã phản ánh tiếng lòng rộn ràng yêu đương cùng niềm hi vọng dạt dào của Kim Trọng trên đường về. Đúng là lời thơ đã khép từ lâu mà âm hưởng của nó còn vang vọng mãi. Bởi thế, đây cũng là những câu thơ thuộc loại tả tình theo bút pháp nghệ thuật “văn hữu dư ba” như vừa trình bày ở trên.
    Đặc biệt để nhấn mạnh đến chuyện tiếng sét ái tình đã nổ ra cùng một lúc cho cả Kim lẫn Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng cú pháp song quan cho câu mở và câu khép của đoạn thơ này (163-168), nghĩa là câu mở và câu khép đều có cấu trúc hai vế đối xứng đặt sóng nhau. Một vế nói về Kiều còn một vế nói về Kim.
        Câu mở: Người quốc sắc | kẻ thiên tài (3/3).
        Câu khép: Khách đà lên ngựa | người còn nghễ theo (4/4).
    Còn 4 câu giữa tất nhiên để tả tâm trạng chung cho cả Kim lẫn Kiều vì cả hai nhân vật đều đóng vai chủ động.
    Riêng phần tả Kim Trọng (135-162), Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp miêu tả lí tưởng, nghĩa là tác giả Đ.T.T.T. đã dùng nhiều hình ảnh có tính cách ước lệ để mô tả từ dung mạo đến cử chỉ của nhân vật, nhất nhất đều đẹp theo thẩm mĩ cổ điển.
    Dung mạo tổng quát của Kim đẹp đến mức lí tưởng, không ai so sánh được:
        Phong tư, tài mạo tót vời.
    Cử chỉ dịu dàng, từ tốn:
        Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.
    Nhất là dáng đi khoan thai của chàng toát ra một vẻ đẹp thanh thoát, và một phong độ ung dung hiếm có:
                  Một vung như thấy cây quỳnh, cành dao.
           Bên những hình ảnh ước lệ đó, Nguyễn Du đã đưa vào một vài cử chỉ, màu sắc có tính cách miêu tả hiện thực như “lần bước”, như “một vung” (vung tay) để tả dáng đi của Kim, như “cỏ pha mùi áo nhuốm non da trời” để tả màu sắc y phục đặc biệt của Kim, khiến cho những hình ảnh ước lệ kia có được phần nào tính cách cá biệt, cụ thể, và sinh động.
    Vì đây là đoạn thơ giới thiệu Kim Trọng, một nhân vật chính của tác phẩm nên Nguyễn Du hay sử dụng cấu trúc cân đối 3/3, 4/4 trong phép hành văn khiến văn tự sự trở nên gẫy gon mà ý tứ lại thêm rõ ràng hàm súc. Ngoài ra, nhịp thơ dài 3/3, 4/4 thay thế cho  nhịp thơ ngắn 2/2/2, 2/2/2/2 cố hữu của thể lục bát đã giúp cho hơi văn chậm lại và tạo được vẻ trang trọng cho lời giới thiệu nhân vật:
        Nền phú hậu / bậc tài danh.
        Văn chương nết đất / thông minh tính trời.
        Vào trong phong nhã / ra ngoài hào hoa.

    Kết Luận
    Tóm lại, nhờ Nguyễn Du nắm vững được đời sống tâm lí tế nhị và đa dạng của nhân vật (cũng là của con người), đồng thời lại có một bút pháp điêu luyện, uyển chuyển, đoạn thơ tả tâm lí Thúy Kiều và Kim Trọng rất khéo léo, sâu sắc. Riêng đoạn tả mối tình đầu chớm nở thầm lặng giữa Kim và Kiều trong một khung cảnh chiều xuân đẹp như mơ ấy đã có giá trị của một thiên tuyệt bút. Khác hẳn đoạn văn Kim Kiều hội ngộ trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử. Ở đó, văn chương thì tầm thường, nhân vật dung tục, và tâm lí thô thiển (*)./.           

    (*) Kim mới 15 tuổi đã “mơ tưởng tới chuyện gia thất, nay nghe Thúy Kiều tinh ngón hồ cầm lại thạo thi phú thì ngày đêm ao ước... nên luôn luôn theo dõi...” (trang 28). Buổi chiều du xuân Kim chẳng ngờ gặp chị em Kiều. Vừa đến nơi đã đề nghị tới chào hai nàng và nhờ Vương Quan thông báo trước. “Nhưng Kim Trọng không đợi trả lời, cũng theo sát ngay Vương Quan, thành ra các cô không kịp tránh” (trang 33). “Kim Trọng trong khi cúi đầu chào hai ả, cậu đã trộm liếc dong quang... Cái đẹp của hai chị em nhà ấy đã làm cho chàng mê mẩn tâm hồn. Ngay giờ phút ấy, chàng đã nhẩm ở trong dạ rằng: nếu không lấy được hai cô gái này, trọn đời chàng quyết chẳng lấy ai”. “Bản tâm của chàng lúc ấy chỉ muốn kéo dài câu chuyện để hưởng thêm chút thì giờ, nhưng sợ chàng Vương không tiện đứng lâu, nên phải ngỏ lời từ biệt. Ngay lúc ấy, Vương Viên Ngoại cũng vừa cho người đến đón. Cả ba chị em lập tức lên kiệu quay về. Còn chàng Kim cũng lên ngựa rẽ đi ngả khác” (trang 34).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.