Tham Luận - Phạm Thị Nhung Thuyết Trình Ngày 12.10.1997

Tham Luận

của Lê Hữu Mục và Đặng Quốc Cơ
về Câu Chuyện Ba Mối Tình Của Nàng Kiều
do Phạm Thị Nhung Thuyết Trình Ngày 12.10.1997
tại Cité Universitaire, Paris



          Lê Hữu Mục (LHM): Anh thấy thế nào về bài thuyết trình?
         Đặng Quốc Cơ (ĐQC): Quá hay! Phải nghe Chị Nhung nói mới thấy ba mối tình ấy đẹp như thế nào.
         LHM: Anh nghĩ sao về mối tình thứ nhất đối với Thúc Sinh?
         ĐQC: Chị Nhung cho biết rõ đó là một mối tình vì nhu cầu, a need love, như Lewis đã nói. Cả hai đã sống rất hạnh phúc. Họ thật là đôi bạn tri âm, nhưng dù sao Thúy Kiều cũng chỉ là một cô vợ lẽ.  Ở trên còn có Hoạn Thư, không bao giờ một mối tình tay ba có thể mang hạnh phúc đến cho gia đình cả.
        LHM: Cho nên cuối cùng Thúc Sinh cũng phải chịu thua vợ và lôi cuốn theo sự thất bại của Thúy Kiều.
        ĐQC: Nhưng tại sao khi báo ân báo oán Kiều lại tha cho Hoạn Thư?
        LHM: Phải tha thứ vì chính danh thủ phạm trong vụ tình này đâu có phải Hoạn Thư mà lại là Thúy Kiều! Anh nghe thấy Thúy Kiều nói không: “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”. Đây là một kinh nghiệm đau đớn cho bản thân Thúy Kiều. “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” (c.2370). Tôi thấy mỗi lần nói đến chữ chồng, phụ âm ch vang dội ở những chữ chung, chưa, chiều, cho, gây ra những tiếng gió rất mạnh có thể làm cho đối thủ là Thúy Kiều phải rùng mình.
         ĐQC: Đúng vậy anh ạ, và từ đấy chắc không bao giờ Kiều nghĩ đến chuyện làm vợ bé nữa dù là cho Kim Trọng.
         LHM: Tôi thấy Chị Nhung phân tích đoạn này rất kỹ, và ta có thể kết luận rằng mối tình của Thúy Kiều đối với  Thúc Sinh là một mối tình tri âm, có thể mang hạnh phúc đến cho hai người nhưng rất mong manh. Do đó, ta có thể nói Thúy Kiều đã rất sợ những mối tình tay ba. Cuối cùng chính nàng phải chạy trốn để cho gia cang của Thúc Sinh khỏi bị phá hoại. Như vậy, Nguyễn Du đã chống chế độ đa thê.
         ĐQC: Nghe đến đây, tôi mới hiểu rõ tại sao ở một chỗ khác Chị Nhung lại cho rằng chính Nguyễn Du đã lên tiếng chống chế độ đa thê khi để cho Hoạn Thư phải biểu lộ tất cả mọi cái độc ác của người đàn bà để bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình: Các bà vợ con nhà nề nếp phải bắt chước Hoạn Thư chứ? Tàn nhẫn với địch thủ nhưng rất dịu dàng với chồng con.
         LHM: Thúy Kiều vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của vụ đa thê này. Nàng ghê tởm chế độ đó là đúng. Nàng không chăn gối với Kim Trọng về sau này là do đó.
         ĐQC: Bây giờ, chúng mình bàn đến mối tình thứ hai. Anh đặt tên cho mối tình đó là gì?
         LHM: Thì như chính Từ Hải đã nhiều lần nói đó: mối tình tri kỷ. Nó sâu hơn mối tình tri âm. Nó bắt buộc hai người phải hiểu nhau hơn, dám nói thật với nhau hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, và…
         ĐQC: Phải chết cho nhau nếu cần. Tôi thấy Thúy Kiều và Từ Hải yêu nhau quá anh ạ. Từ Hải đã nghe lời Thúy Kiều. Dù biết rằng nghe lời nàng là chết, chàng vẫn chấp nhận để làm đẹp lòng nàng, cũng như trước kia chàng đã làm đẹp lòng nàng bằng cách cho nàng báo ân báo oán.
         LHM: Tôi thấy quan niệm của Nguyễn Du rất giống Kinh Thánh về tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn là chết cho bạn mình” (Gioan, 15, 13). Từ Hải đã chết cho Thúy Kiều, vì chàng biết rằng đời sống phiêu lưu của chàng chưa làm cho Kiều hài lòng. Chàng ngưỡng mộ Hoàng Sào là anh hùng, nhưng khi Thúy Kiều gợi ra những hình ảnh chết chóc trên Sông Vô Định, chàng hiểu rằng Kiều không muốn cho chàng giết người nữa. Chàng phải bình thường hóa cuộc sống, sống như mọi công dân trong tinh thần cộng tác chặt chẽ với nhà vua. Kiều đã nói đúng chứ, nếu không thì với cái tài lược thao siêu đẳng của chàng, Kiều làm sao mà sống được nếu nàng nói sai?
         ĐQC: Như vậy, chúng ta đồng ý với Chị Nhung cho rằng mối tình đối với Từ Hải là mối tình đẹp nhất của nàng, đẹp hơn cả mối tình đối với Kim Trọng nữa phải không?
          LHM: Đúng như vậy, và tôi nói thêm là Chị Nhung đã có lý khi chứng thực được điểm này, điều mà từ xưa đến nay chưa có một nhà khảo cứu nào chú trọng tới. Chị còn có lý hơn nữa khi chị nói thêm rằng Kiều đã giữ được chữ trinh đối với Kim Trọng vừa giữ được chữ tiết đối với Từ Hải. Có chỗ chị còn nói mối tình của Thúy Kiều đối với Kim Trọng lúc đầu rất bồng bột sôi nổi, về sau càng ngày càng lắng xuống chỉ còn lại một chữ nghĩa ngả về lý trí hơn tình cảm. Tôi cho rằng đây chính là ý muốn của Nguyễn Du. Ông muốn cho nhân vật điển hình có đầy đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa thì bây giờ, với chữ nghĩa đối với Kim Trọng, chữ trung đối với nhà vua, chữ tiết đối với Từ Hải, chữ hiếu đối với cha mẹ, Kiều là một người tài đức vẹn toàn.
        ĐQC: Như vậy, Nguyễn Du là một nhà Nho chân chính chứ có phải là một nhà Nho cách mạng đâu?
      LHM: Có là một nhà Nho chân chính mới có thể là một nhà Nho cách mạng thưa anh. Giữa nhà Nho Nguyễn Trãi và những nhà Nho đồng thời với ông, ai là nhà Nho chân chính? Người nào bị thanh toán, người ấy là người chân chính. Chân Nho Nguyễn Trãi đã bị bọn ngụy Nho thủ tiêu, nhưng bây giờ ta vinh danh ông như là một nhà trí thức lớn thời đó vì ông đã can đảm sống và chết cho chính nghĩa quốc gia dân tộc. Nguyễn Du cũng thế, ông đã sống và sẵn sàng chết để cứu vãn cho Nho Giáo chân chính khỏi bị thủ tiêu bởi bọn văn thân, bọn “biệt phái mới” chỉ biết bám vào một thứ Nho Giáo giả hiệu do nhà cầm quyền đề ra, mục đích củng cố cho chế độ độc tài của họ. Nguyễn Du cũng đưa ra những nguyên lý trung hiếu tiết nghĩa, nhưng đó là những nguyên lý không phải chỉ có bề dọc mà còn có cả bề ngang, không phải chỉ bắt buộc dân chúng tuân theo mà nhà cầm quyền phải thực sự tuân theo trước hết. Đó là cái mới của Nguyễn Du, cái táo bạo liều lĩnh của ông, cái tính cách mạng mà chúng ta đã có dịp nói tới. Vì là một Nho sĩ chân chính, ông muốn chấn chỉnh Nho Giáo theo ý muốn không phải của nhà cầm quyền mà của người dân, những người dân bị áp bức như Từ Hải, như Thúy Kiều.
         ĐQC: Trở về ba mối tình của Thúy Kiều, anh có đồng ý với Chị Nhung rằng vì thương tiếc mối tình của Từ Hải, muốn cho Kiều được giữ tiết với chàng nên Nguyễn Du đã ép Kim Trọng phải đổi tình cầm sắt ra cầm cờ chăng?
         LHM: Câu hỏi rất hay, và ngay trong câu hỏi đó, anh đã có vẻ không đồng ý với Chị Nhung phải không? Theo tôi, một tác phẩm lớn là một tác phẩm cho phép người đọc tha hồ có ý kiến, nói đầu nào cũng có nhiều bằng chứng ủng hộ do chính tác giả cung cấp cho mình, qua sự chỉ dẫn của những văn liệu phong phú. Chính Chị Nhung đã nói rõ điều ấy trong ba dòng kết luận của bài thuyết trình. Tôi thấy không thể nào nói mối tình nào đẹp hơn mối tình nào, bởi vì đẹp nghĩa là gì nếu không phải là cái gì phù hợp với hoàn cảnh bao bọc nó? Như vậy, vấn đề không phải là nói đến vẻ đẹp của mối tình, mà là tìm xem cái gì là cốt lõi của vấn đề quan điểm mà tác giả muốn đưa ra. Theo anh, cái cốt lõi đó là gì?
         ĐQC: Thú thật tôi là một nhà kinh doanh, một nhà kinh doanh khá thành công vì tôi quan niệm rằng đã gọi là kinh doanh thì phải sản xuất, mà đã sản xuất thì phải hợp thời trang, thỏa mãn nhu cầu của quần chúng, nhất là phải đưa ra được một cái gì mới, độc đáo, đặc sắc, và thực dụng. Về văn hóa, tôi thấy Nguyễn Du đã sản xuất rất nhiều, phân phối rất mau, và tiêu thụ rất mạnh, chứng cớ là sách của ông in ra nhiều mà vua chúa muốn xem cũng không có, phải sai dân chúng đi lục tìm. Như vậy, sách của ông mang đến một cái gì rất mới mà dân chúng cần biết. Cái mới đó là gì? Chúng ta đã biết rồi, là chống lại những cái lạc hậu của Nho Giáo, những tệ lậu do nó phát sinh như giáo điều, tỏa chiết mọi quyền tự do, khinh miệt phụ nữ, cấm con trai con gái không được lựa chọn người yêu, cấm đàn bà góa không được lấy chồng… Những điều đó ai cũng biết rồi. Tôi chỉ xin nhắc lại để dẫn đến điều này: Khi Nguyễn Du để cho Thúy Kiều tự vận ở Sông Tiền Đường, ta thấy Thúy Kiều muốn chết vì hối hận đã quá vị kỷ, chủ quan khiến Từ chết oan, nhất là đã giết chồng rồi còn lại lấy chồng thì thật sự là một hành động đốn mạt, mặt nào còn đứng ở trong cõi đời? Sau khi Từ Hải chết, Kiều cũng đã thấy cuộc đời đã chết hẳn với nàng. Lý tưởng đã tắt trong đầu nàng, ái tình đã tiêu tan trong tim nàng. Nàng suy nghĩ  và ném trả lại hết cho đời để nhảy xuống sông. Sông Tiền Đường không phải chỉ là một khoảng không gian. Nó là một ranh giới thời gian rõ ràng: Kiều trước khi chết và sau khi được cứu sống là hai con người khác hẳn. Con người cũ đã chết rồi; bây giờ là con người mới vừa ra đi từ lòng sông. Nước đã rửa sạch mọi tội lỗi. Từ bây giờ, mọi cái trong Thúy Kiều đều mới: tâm hồn, trí tuệ, và tình yêu. Tất cả không còn gì dính líu đến trần tục nữa. Chẳng tu thì cũng như tu mới là (c.3108). Từ bây giờ, Kiều bắt đầu nhìn lại tình yêu của mình ngày xưa.
         LHM: Anh nói hay lắm. Tôi xin nói tiếp theo. Nếu chỉ đứng về phía tự nhiên, phía trần tục, hay nói đúng hơn, về phía nhân loại, mối tình của Thúy Kiều đối với Từ Hải là cao nhất rồi, thắm thiết nhất rồi, không có gì say đắm và chứa chan hạnh phúc hơn nữa. Nhưng cũng vì hạnh phúc mà lứa đôi phải cách ly. Hạnh phúc của Từ Hải, như chính chàng nói, là muốn làm sao cho Thúy Kiều được hạnh phúc gặp lại song thân (cc.2433-2436) nhưng thương ôi, muộn dặm chưa thành một nhà, Thúy Kiều chưa may mắn thấy lại gốc phần thì chàng đã “nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng” (c.2520). Hạnh phúc trần tục thật là mong manh, và tất cả phải được chấm dứt ở Sông Tiền Đường.
         ĐQC: Thúy Kiều đã ngã xuống như một thây ma, nhưng nàng đã đứng lên như một cô gái mới. Nàng không bị lệ thuộc vào tình chăn gối như với Từ Hải nữa. Quan niệm của nàng về hôn nhân, về lễ nghi đều đã đổi mới. Điều quan trọng là nàng cảm thấy nàng vẫn còn trong sạch, được chính người yêu xưa của mình công nhận mình còn trong sạch. Đó là điều chính yếu, còn tất cả đều là thứ yếu, kể cả tình yêu theo quan niệm cũ ngày xưa.
         LHM: Tình yêu ngày xưa gọi là tình yêu tự nhiên (amour naturel), tình yêu đôi lứa (amour nuptial), hay tình yêu hôn nhân, tình yêu chăn gối như chính Thúy Kiều nói, còn tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng bây giờ là tình yêu siêu phàm (amour surhumain), tình yêu siêu nhiên (amour surnaturel) không dễ mà ai cũng có đâu, nhưng phải một lúc nào đó, ta phải có để bổ túc cho tình yêu tự nhiên của ta.
         ĐQC: Tỉ dụ?
         LHM: Muốn nói đến tỉ dụ thì nhiều lắm nếu anh quan niệm tình yêu không phải là chiếm hữu (amour possessif), và yêu không phải là biến người mình yêu thành đồ vật (objet), một món hàng (marchandise) như Thúy Kiều mà ta có thể cò kè bớt một thêm hai.
         ĐQC: Nhưng tôi vẫn muốn anh cho tỉ dụ.
        LHM: Tỉ dụ khi bạn anh đau, khi người phối ngẫu của anh bị tật nguyền, khi phu nhân của anh muốn đi tu, kiểu Đức Mẹ của đạo Công Giáo chúng tôi, kiểu bà thánh Clara, bạn thánh Phan-xi-cô, những mối tình siêu nhiên này, người Công Giáo gọi là những mối tình thánh thiện, rất đẹp, và rất thực. Tôi đã nói đó là một tình yêu hiếm có, nhưng có thể có, và nên có, để làm chứng rằng hôn nhân không phải chỉ có một đường là chấp kinh, là xướng tùy, là chăn gối! Tôi không hiểu tại sao Nguyễn Du lại có những tư tưởng giống Công Giáo thế!
         ĐQC: Như vậy, tôi hiểu thêm như thế này có đúng không. Anh còn nhớ có lần anh nói với tôi về tục thất xuất, nghĩa là đàn ông có 7 lý do chính đáng để bỏ vợ: 1/ không con, 2/ dâm nhác, 3/ không thờ cha mẹ chồng, 4/ hay nói, 5/ trộm cắp, 6/ ghen tương, 7/ có ác tật. Hai điều độc ác nhất là điều 1 và điều 7. Tôi cho rằng Nguyễn Du có ý chống lại hai điều vô nhân đạo này, chẳng hạn, khi quan niệm loại tình yêu siêu nhiên mà chúng ta đang bàn, chắc chắn ông đã nghĩ đến những người vợ có ác tật mà ông chồng có thể bỏ dễ dàng nếu họ chỉ căn cứ trên tự nhiên của tình yêu và hôn nhân. Nhưng nếu họ biết ngoài tính tự nhiên, tình yêu còn có tính siêu nhiên nữa thì làm sao họ dám đòi ly dị vợ, phải không?
         LHM: Nói là không dám không biết là có quá đáng không, nhưng nếu Nguyễn Du chứng minh được một cách cụ thể rõ ràng là có nhiều loại tình yêu và hôn nhân chứ không phải chỉ có một  loại “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, tình yêu là tình yêu của cá nhân chứ không phải là của gia đình, càng không phải là của gia tộc hay xã hội. Nguyễn Du chủ trương giành quyền tự do lại cho cá nhân bởi vì theo ông, cá nhân không có một quyền hành gì hết trong cộng đồng. Chỉ có cộng đồng là có uy quyền tuyệt đối mà thôi. Cá nhân chỉ được phép cúi đầu phục tòng, vòng tay nghe truyền lệnh, và riu ríu nghe theo. Đó là cái mà Nguyễn Du gọi là định mệnh đó, và đấy là điều mà ông muốn đạp đổ.
         ĐQC: Đạp đổ thì dễ, nhưng xây dựng mới khó khăn. Theo anh, nếu anh đã gọi mối tình giữa Thúy Kiều và  là mối tình tri âm, giữa Thúy Kiều và Từ Hải là tri kỷ, thì giữa Thúy Kiều với Kim Trọng, anh gọi là mối tình gì?
         LHM: Thưa anh, hai mối tình trên không phải tôi đặt mà do chính các nhân vật nói ra, ngay mối tình giữa Kiều và Kim, Thúy Kiều đã đặt tên cho nó là tương tri: Tương tri dường ấy mới là tương tri (c.3184). Thực ra, Kiều đã dùng chữ này từ khi mới gặp Kim Trọng: “Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri” (c.460)
         ĐQC: Hình như các nhân vật đều có nói đến chữ này cả mà, như Thúc Sinh rằng: “Từ thuở  tương tri” (c.1329). Từ Hải cũng nói thế. Từ rằng: “Tâm phúc tương tri” (c.2219). Ai cũng tương tri chứ riêng gì Thúy Kiều?
         LHM: Chịu anh đã thuộc Kiều ghê quá, nhưng xin anh phân biệt cho rằng từ tương tri ấy, Thúy Kiều chỉ dùng để nói về nàng và chàng Kim. Còn hai chữ tương tri kia, một chữ của Thúc Sinh, một chữ của Từ Hải. Hai người này đã cho họ và Thúy Kiều là tương tri, còn chính Thúy Kiều dùng chữ ấy để nói về nàng và Kim Trọng mà thôi.
         ĐQC: Đúng như thế. Tôi chịu cách dùng chữ của Nguyễn Du chính xác thực sự. Tôi là nhà khoa học mà cũng thích Truyện Kiều là vì thế. Xin anh kết luận lời tham luận của chúng ta về bài Ba Mối Tình của Nàng Kiều của Chị Nhung.
         LHM: Thì chúng mình đã nói hết rồi. Tôi xin tóm lại những ý chính nhé.
         1. Về phương diện nhu cầu, mối tình giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh rất đẹp là Kiều đã tìm được ở  một tri âm và một cứu tinh.
         2. Về phương diện tự nhiên, mối tình giữa Thúy Kiều và Từ Hải đã phát triển đến cao độ. Từ Hải là một người chồng lý tưởng hơn, hơn cả Kim Trọng. Kiều và Từ là một cặp tri kỷ. Họ đã sống và chết cho nhau. Huống chi sống vào thời chinh chiến, cuộc tình nào nếu thoát khỏi tử biệt, thì e cũng phải sinh ly.
3. Về phương diện siêu nhiên, mối tình giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là một mối tình thiêng liêng. Họ là một cặp giai nhân tài tử tương tri. Cả hai đã tha thứ cho nhau, “họ đã nhập làm một”, như Chị Nhung nói, “Tình yêu vợ chồng của họ đã được thăng hoa thành tình bạn thâm giao, tri âm, tri kỷ, và tương tri. Nhờ đó, họ đã sống trọn đời hạnh phúc bên nhau”. Tôi nói thêm, Nguyễn Du đã không gượng ép khi ông để cho Kim Kiều đoàn viên, cũng như ông đã không gượng ép khi để cho Kim Trọng đổi tình cầm sắt ra cầm cờ, vì đó là chủ trương của ông về tình yêu. Đến bây giờ, ông vẫn còn người đọc là nhờ điểm đó. Muốn hiểu rõ điểm này, xin đọc lại bài nói về quan điểm của Thúy Kiều về tình yêu và hôn nhân.
         Tôi xin nói rõ hơn, ngoài ba mối tình mà Chị Nhung đã đề cập tới, còn mối tình “dục vọng” nữa của Mã Giám Sinh, của Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến đối với Kiều, kể cả của Thúc Sinh thuở  ban đầu mới quen biết nàng. Như vậy, Truyện Kiều đã đề cập tới tất cả 4 loại tình, ấy là chưa kể loại tình cao quý của “người khách viễn phương” đối với Đạm Tiên.
         So với cuốn The Four Loves của C.S. Lewis (nxb Fontana Books, London, 1960), trình bày 4 loại tình yêu là tình yêu mến (affection), tình bạn (friendship), tình dục (eros), tình bác ái (charity), thì Nguyễn Du cũng đã đề cập tới 4 loại tình đó, nhưng trong một tác phẩm mà văn chương và tình cảm đã làm xúc động cả hoàn cầu chứ không phải chỉ là một cuốn cảo luận nhỏ như của Lewis.









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.