Buổi Trình Tấu Âm Nhạc Đầu Tiên của Thúy Kiều (cc. 463-498) - Lê Hữu Mục

của Thúy Kiều
(cc. 463-498)

Lê Hữu Mục

                 
    Bố Cục
           Đoạn này có thể chia làm 3 phần:

    1- Phần nhập đề (463-470): Kim Trọng yêu cầu Thúy Kiều đánh đàn.
    2- Phần diễn đề (471-496): gồm 3 phần nhỏ:
    a/ Bản nhạc (471-480)
    b/ Giá trị buổi diễn tấu (481-488)
    c/ Cảm tưởng của Kim Trọng (489-496)
    3- Phần kết luận (497-498): những lời trao đổi ngắn sau buổi hòa nhạc.

    Phân Tích
    1- Phần Nhập Đề (463-470):
    Kim Trọng lên tiếng ca tụng tài âm nhạc của Thúy Kiều. Chàng đã nghe thiên hạ đồn thổi nhiều về ngón đàn tuyệt diệu của nàng. Nổi tiếng cầm đài tức là trong giới sành âm nhạc, ai cũng thán phục khả năng diễn tấu âm nhạc của Thúy Kiều.
    Kim Trọng là một trong những người đó. Chàng cũng chơi đàn nguyệt. Khi dọn nhà sang gần nhà Thúy Kiều, chàng đã không quên mang theo chiếc đàn mà chàng treo ở hiên sau nhà. Chàng nói cho Thúy Kiều biết là chàng vẫn ao ước được nghe tiếng đàn nổi tiếng của cô. Chàng muốn trở thành một Chung Tử Kì, tức là một người bạn tri âm của Thúy Kiều. Nước non là từ ngữ lấy trong truyện Bá Nha và Tử Kì. Khi Bá Nha đánh đàn mà nghĩ đến núi, Tử Kì khen tiếng đàn sừng sững như núi cao (non). Bá Nha đàn mà nghĩ đến sông, Tử Kì khen tiếng đàn cuồn cuộn như nước chảy. Khi Tử Kì qua đời, Bá Nha đập đàn không chơi nhạc nữa, tự cho là đời hết tri âm. Kim Trọng nhắc lại truyện này để y tỏ với Thúy Kiều lòng ngưỡng mộ của chàng đối với cô gái nhạc sĩ. Đồng thời, Kim Trọng cũng muốn ngỏ cho cô biết nỗi ao ước của chàng được nghe cô đàn mà chưa được. Kiều trả lời rằng tiếng đàn của nàng còn tầm thường, chưa có gì đặc biệt để được khen ngợi. Tuy nhiên, nếu Kim Trọng muốn, cô xin chiều lòng. Tiện kĩ sá chi nghĩa là kĩ thuật chơi đàn còn non kém chưa có gì đáng kể. Cô đã dùng chữ dạy có vẻ khách sáo để nói lên sự bất đắc dĩ của cô phải chơi một cái đàn mà cô chưa nắm hết mọi bí quyết. Kim Trọng được Kiều ưng thuận liền mừng cuống quít. Chàng vội vàng hạ chiếc đàn nguyệt xuống, trịnh trọng đưa cho Kiều: tay nâng ngang mày là đưa đàn cho Kiều theo cung cách của nàng Mạnh Quân, nghĩa là đưa một cách cung kính làm cho Kiều cũng thấy lúng túng.
    2- Phần Diễn Đề (471-496).
    Lần lượt ta sẽ thấy ba phần hiện ra rất rõ:
    a/ Bản đàn (471-480): Bản đàn được viết theo cấu trúc cổ điển, gồm 4 phần rõ rệt:
- Phần khai nhạc (471-474): Tiếng đàn dồn dập rầm rộ như có hàng ngàn hàng vạn bước chân khua động. Đây là quang cảnh hỗn loạn của chiến trường. Quân Hán của Lưu Bang và quân Sở của Hạng Vũ đang khốc liệt giao tranh. Tiếng binh khí đủ mọi loại đang vang lên; tiếng côn bay vù vù; tiếng kiếm kêu xoang xoảng; tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Cảnh vô trật tự, vô kỉ luật thật là cùng cực. Đây là phần khai nhạc cổ điển, hơi nhạc mạnh mẽ tối đa, tiếng kèn tiếng trống dội vào nhau mãnh liệt. Nhịp điệu đổi liên tiếp nhiều lần trong những thời gian ngắn. Tốc độ của các nhạc khí phải được khai triển toàn thể. Chỉ có một mình Thúy Kiều với cây đàn nguyệt của Kim Trọng mà diễn tả được mọi âm thanh huyên náo của một trận đánh khốc liệt thì thực sự tài nhạc của Kiều quá cao siêu. Tiếng đàn vang dội trong gian phòng. Kim Trọng có cảm tưởng như đang đứng trước một ban nhạc lớn đang hòa tấu.
   
    - Phần 2 (475-476): Phần hùng tráng của đoạn mở đầu giảm nhẹ tốc độ và cường độ. Phần 2 tương phản với phần 1 về âm thanh. Khúc Tư Mã Phượng Cầu là bản nhạc Quy Phượng Cầu Hoàng của Tư Mã Tương Như. Chàng Tư Mã đã tấu bản này để tỏ tình với nàng Trác Văn Quân, bà quả phụ họ Trác giàu có và xinh đẹp đã bỏ nhà để theo Tư Mã. Thúy Kiều đã không tấu bản nhạc này, nhưng bản của nàng do chính nàng sáng tác cũng na ná tương tự như thế. Khúc đâu là nghe phảng phất như nghe, mà có cảm tưởng là. Người hỏi khúc đâu chắc chắn là Kim Trọng. Chàng cũng là tay chơi nhạc. Chàng có biết bài Quy Phượng Cầu Hoàng nổi tiếng. Chàng nghe tiếng đàn Thúy Kiều mà tưởng rằng nàng đang diễn tấu một bản nhạc cổ điển mà ai học nhạc cũng đều thuộc, có biết đâu bài nhạc này là của Thúy Kiều. Đặc điểm của phần nhạc này là khai triển cung nam, tức là nét ngả sang tình buồn. Đầu tiên là nghe ra như oán. Đây là một tình cảm mạnh, diễn tả một nỗi bất bình có lí do hiển nhiên, nhưng người cảm thấy bất bình tuy rất bực bội nhưng lại không nói rõ ra bên ngoài cái nguyên nhân đã làm cho mình khó chịu, chỉ khư khư buộc chặt nỗi căm hận vào trong lòng, để cho nó nung nấu trong lòng không muốn nói ra. Do đó, sự oán hờn càng mãnh liệt. Vậy, khi Kim Trọng nghe ra như oán là chàng thấy Thúy Kiều cố nén những âm thanh mạnh của tiếng đàn để cho tiếng đàn trở thành rủ rỉ, bẻ bai, tuồng như mọi âm lượng. Mọi thể tích của âm thanh đều bị ngón tay của nghệ sĩ đè xuống, ép xuống dây đàn và hoàn toàn bị thu nhỏ lại. Tiếng đàn như vậy là một tiếng đàn bi ai, tỉ tê, tha thiết. Kim Trọng nghe ra như sầu, nghĩa là buồn một cách sâu xa, nỗi lòng tê tái như nỗi lòng của Trác Văn Quân khi bị tiếng đàn của Tư Mã Tương Như mê hoặc!

    - Phần 3 (477-478): Nhịp điệu của bài nhạc lại chuyển động. Tốc độ của tiếng đàn tăng dần. Ta được nghe khúc Quảng Lăng của Kê Khang vì ngữ khúc đâu có vẻ mơ hồ đã được thay thế bởi từ này rất cụ thể: Kê Khang này khúc Quảng Lăng. Kê Khang là một ẩn sĩ đời Tấn. Bản nhạc nổi tiếng của ông đã được ông độc tấu trong một hoàn cảnh bức thiết thê thảm. Ở đây, Thúy Kiều chỉ cho Kim Trọng nghe những nét nhạc nhẹ nhàng như lưu thủy, tức là như nước chảy, như hành vân, tức là như mây bay. Lưu hay trôi là theo dòng nước chảy xuôi mà di chuyển từ từ. Động tự lưu trong lưu thủy vừa nhắc đến tên một bản nhạc vui, vừa gợi ra những khung cảnh sông nước mênh mông. Từ hành vân cũng vậy, vừa nhắc đến tên của một bản nhạc vui dân gian vừa phác họa được một cảnh trời mây mông lung bát ngát. Có thể khúc Quảng Lăng của Kê Khang đã được bài nhạc của Thúy Kiều mô phỏng. Không ai cấm đoán những mô phỏng tương tự trong những công trình sáng tác âm nhạc. Do đó, bài nhạc do Thúy Kiều sáng tác đã làm Kim Trọng liên tưởng đến khúc Quảng Lăng của Kê Khang. Điều đó có hay không đều không quan trọng, điều mà ta cần phải thấy rõ là phần nhạc thứ ba này gieo vào lòng người nghe những tiếng nhạc ²vui tươi, linh hoạt, nhẹ nhàng. Nó tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc trên và báo trước nét nhạc của đoạn kết.

    - Phần 4 (479-480): Đây là đoạn kết của bài nhạc. Không gian của bài nhạc mở rộng. Ta trông thấy phong cảnh của biên giới. Hình ảnh của nàng Chiêu Quân tức Vương Tường đời Hán lững lờ xuất hiện. Nàng đi cống Hồ và đã bước qua cửa ải. Quá quan là đã đi qua cửa quan, rời bỏ Nước Hán để bước vào nước Hung Nô. Lòng nàng bi sầu như bị cắt làm đôi: một phần dành cho vua nhà Hán mà nàng yêu mến. Một nửa dành cho gia đình họ Vương. Khúc nhạc biệt li thật là buồn vời vợi! Nét nhạc trầm xuống và kéo dài như vấn vương, như luyến tiếc. Bài nhạc đã chấm dứt mà âm thanh vẫn còn vang vọng trong gian phòng và trong lòng người nghe.

    b/ Giá Trị Của Bài Nhạc và Tiếng Đàn (481-488)
    Trước hết, nói về âm sắc. Tiếng nhạc thật trong trẻo, không bị nhiễu, không có tạp âm, không bị một tiếng động nào pha trộn. Trong còn có nghĩa là rõ ràng, tiếng đàn chắc nịch, ngón tay bấm vào chỗ nào là âm thanh phát ra chính xác. Trong còn có nghĩa là không có tiếng dây khi ngón tay vuốt ve dây dàn. Người thưởng thức chỉ nghe thấy âm thanh phát ra và chỉ nghe thấy âm thanh đó mà thôi, không có một tạp âm nào xen vào. Nói đến trong là nói đến thính giác, nhưng ta không phải chỉ dùng thính giác để nghe đàn. Ta còn trông thấy tiếng đàn qua tiếng kêu của hạc và dáng bay của nó ở ven trời. Dù Thôi Hiệu có cho ta làm quen với màu vàng của hạc, ta vẫn đồng hoá cánh hạc với màu trắng. Bạch hạc là một danh từ đã đi vào ngôn ngữ vủa dân tộc. Khi tiếng hạc bay qua vọng tới tai người nghe, ta thấy một âm thanh tinh khiết không có một chút gợn, một màu trắng tinh khôi không có vết loang, tính trong trẻo của âm thanh cây đàn nguyệt do Thúy Kiều sử dụng hiện ra thật rõ nét. Vậy, trong là một sắc thái căn bản của tiếng đàn. Ngược với trong là đục. Nói về nước, đục là có nhiều chất bùn vẩn lên làm cho sắc nước bị mờ, mất đi vẻ trong suốt của nó vốn có. Nói về âm thanh, đục là nói đến những tiếng trầm, nặng nề, tối tăm, gần tiếng động hơn âm thanh nhưng vẫn nằm trong phạm vi âm nhạc. Tiếng trầm trong một bản nhạc không phải ai cũng thưởng thức và phân biệt dễ dàng, nhưng chính nhờ những tiếng đục mà các tiếng trong được nổi lên rõ nét hơn. Nhờ câu: nước suối mới sa nửa vời, ta được nghe thấy những tiếng rì rầm âm u ở phần thấp của tiếng đàn.  Đồng thời, ta còn được trông thấy màu đục của âm thanh giống như màu đục của nước suối khi nó chưa rời khỏi nguồn và sắp từ trên cao dội xuống. Như vậy, về âm sắc, tính trong và đục là hai sắc thái cơ sở của tiếng đàn đã được mô tả trọn vẹn. Không có gì thú vị bằng khi tai nghe được một âm thanh của tiếng đàn mà mắt còn được trông thấy tiếng đàn nữa. Nguyễn Du thật là một thi sĩ lớn khi ông biết sử dụng quy luật tương biến của ngũ giác.
    Ngoài âm sắc, âm nhạc có giá trị là nhờ ở tiết điệu, ở nhịp khoan, và nhịp nhặt. Khoan là thong thả, chậm chạp, tiếng này cách tiếng kia trong một tiết tấu kéo dài. Nhịp khoan thường đi đôi với những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, như gió thoảng ngoài, gió nhẹ, đến nỗi không thổi thành cơn (cơn gió) thành trận (trận gió) mà chỉ lướt qua một cách hết sức nhẹ, trong một thời gian rất ngắn chỉ đủ để cảm nhận một cách sơ sài. Trái với khoan là nhặt, nghĩa là mau, tức là nói đến những nhịp điệu nhanh, có tốc độ lớn. Nhiều tiếng nhạc pha trộn vào nhau tạo thành những nhip điệu dồn dập, lôi cuốn nhau liên tiếp không dứt. Từ sầm sập và ví dụ như trời đổ mưa rất đúng để cho ta dễ hình dung những âm thanh có tốc độ mau.
    Tiếng đàn của Thúy Kiều đã được mô tả trực tiếp theo những thuật ngữ của âm nhạc như trong, đục, khoan, mau. Từ câu 485 đến câu 488, tiếng đàn được tả rõ hơn khi tác động của nó được quy chiếu vào môi trường chung quanh. Trước hết là nhờ ngọn đèn khi tỏ khi mờ. Trong Chinh Phụ Ngâm, Bà Đoàn Thị điểm đã thấy: “trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt”, thì ở đây Nguyễn Du cũng cho ta chứng kiến ảnh hưởng của tiếng đàn vào ánh đèn. Tỏ là sáng lên khi tiếng đàn mạnh và dồn dập. Mờ là tối đi, giảm ánh sáng đi. Khi tiếng đàn chìm lắng, nhẹ, và kéo dài, ánh sáng của ngọn đèn đã bị âm thanh chi phối. Tính thụ động của ánh sáng đã làm nổi bật sức mạnh của âm thanh, tạo ra cho tiếng đàn của Thúy Kiều có một mãnh lực gần như ma quái. Chính tính cách ma quái này đã ảnh hưởng tới tâm trạng của Kim Trọng. Tiếng đàn đã lấy hết sự thông minh sáng suốt của chàng, biến chàng thành một người thụ động: khi tựa gối, khi cúi đầu, chàng trở thành một trò chơi của tiếng đàn. Khi nó bắt chàng tựa gối, chàng tựa gối. Khi nó bắt chàng cúi đầu, chàng phải ngoan ngoãn cúi đầu xuống. Lòng chàng tan nát: khi vò chín khúc, tuồng như có ngọn lửa bên trong đang cắn xé chàng. Đúng như bản dịch của Xuân Phúc đã gợi ý (un feu intérieu semblait le dévororer). Cơ thể chàng rung động: khi chau đôi mày. Tiếng đàn quả thực có một sức mạnh thần thánh linh thiêng.

    c/ Cuộc Trao Đổi Ngắn Sau Buổi Hòa Nhạc:
    Tiếng đàn vừa dừng. Kim Trọng đã vội vàng lên tiếng khen hay, nhưng chàng cũng phải nhận rằng tính bi ai của cung đàn quá mạnh: nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
    Chàng hỏi Thúy Kiều tại sao nàng lại chơi những bản nhạc buồn dười dượi như thế, nó chỉ có tác dụng làm cho Thúy Kiều ủ dột cả một đời, và làm cho người khác buồn theo. Thúy Kiều trả lời là nàng đã quen như vậy rồi, vì nàng buồn hay vui là theo Trời, nhưng nàng hứa nghe theo Kim Trọng và sửa chữa nếu có thể được.

    3- Kết Luận (497-498)
    Những xúc động sau khi nghe nhạc đã làm Kim Trọng phục Kiều hơn. Sắc đẹp của người con gái nghệ sĩ cũng vì thế mà tăng thêm, và mối tình của hai người càng ngày càng say đắm hơn.

    Nhận Xét
    1- Đoạn văn tường thuật buổi trình tấu âm nhạc đầu tiên của Thúy Kiều là một sáng tác độc đáo của Nguyễn Du.
    a- Trước hết, đoạn văn này không có trong nguyên bản hán văn Kim Vân Kiều Truyện.
    Thực ra, nguyên bản có nói đến buổi trình tấu âm nhạc của Thúy Kiều. Đây, ta thử nghe Thanh Tâm Tài Tử viết: “ Kiều nói: 'thiếp đâu có tiếc một khúc đàn?', rồi nghiêng người ra đỡ lấy cây đàn. Vừa mới động dây đã bật ra những tiếng như tiếng hạc kêu, vượn hót, bỗng chậm như gió nhẹ, bỗng nhanh như mưa đổ, âm vận thê thiết, thanh luật du dương, như ai như oán, như khóc như than. Chàng Kim nghiêng tai lắng nghe, hoan hỉ vô cùng. Lúc thì vén áo ngồi ngay ngắn, lúc thì gật đầu tán thưởng, lúc thì mặc nhiên cảm thán. Cho mãi tới khi đẩu chuyển sao dời, đồng hồ điểm ba, Thúy Kiều mới ngừng tay báo cho biết là khúc đàn đã hết”. (X. Nguyên bản Hán Văn, bản của Nhà Văn Hóa, Phủ Quốc Vũ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1971, tr.67). Đoạn văn có nói tới tiếng hạc, có cho biết tiếng đàn chậm lại như gió nhẹ, nhanh như mưa đổ, làm cho người đọc có thể đối chiếu với những câu: trong như tiếng hạc bay qua, hoặc: tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa, nhưng chỉ so sánh được mấy câu đó. Nếu chỉ căn cứ trên mấy câu có thể gọi là giống nhau này, ta cũng thấy hai bản khác nhau một trời một vực. Trong khi Thanh Tâm Tài Tử chỉ viết: bật ra những tiếng như tiếng hạc, thì Nguyễn Du dùng thuật ngữ âm nhạc trong để chỉ đích danh tính chất căn bản của tiếng hạc là trong trẻo, là cao vút. Nhờ từ trong đi trước từ hạc, ta hình dung được trong trí óc, qua màu trắng của lông hạc, vẻ trong trẻo, sáng láng của tiếng đàn. Ta không cần nghe nhạc nữa.  Ta trông thấy tiếng nhạc màu trắng. Nhờ kĩ thuật chuyển hóa âm thanh thành hình ảnh mà câu thơ của Nguyễn Du vươn ra ngoài lời, chắp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào ý thơ một cách trực tiếp, điều mà bản văn của Thanh Tâm Tài Tử đã không làm được.

    b- Nguyễn Du lấy ý thơ trong bài Cầm Ca của Lý Kỳ, nhưng kĩ thuật sáng tác đã vượt xa Lý Kỳ.
        Bài Cầm Ca như sau:
        Sơ nghi táp táp lương phong động,
               Hậu tự tiêu tiêu mộ vũ linh.
        Cận nhược lưu tuyền lai bích chướng
        Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.

    Nghĩa là:
        Lúc đầu thì ngờ là gió mát thổi rì rào,
               Sau lại cho là mưa chiều rơi ào ạt.
               Gần như suối đổ xuống từ vách núi,
        Xa như tiếng hạc dội từ trời cao.   
    Bài thơ rất hay và có thể gây cảm hứng cho Nguyễn Du. Ta thấy có những nhóm từ: gió mát thổi rì rào, mưa chiều rơi ào ạt, suối đổ, tiếng hạc dội. Những chữ này đã được Nguyễn Du giữ lại trong các câu thơ của ông. Tỉ dụ: gió thoảng ngoài, trời đổ mưa, tiếng hạc bay qua, tiếng suối đổ, nhưng những chữ ấy trong bài Cầm Ca là những chữ chết, những chữ không mang đến được một âm thanh, không gợi được một màu sắc. Nguyễn Du cũng đi từ cơ sở từ ngữ ấy, nhưng nhờ những thuật ngữ âm nhạc mà ông đã biết dùng một cách đúng đắn như: trong, đục, khoan, mau, nhờ kĩ thuật bố trí từ ngữ một cách chính xác. Tỉ dụ: tiếng hạc thì trong; tiếng suối thì đục; tiếng gió thì khoan; tiếng mưa thì mau. Tất cả đã được đặt vào đúng chỗ. Một khi được phát huy tác dụng, chúng có sức mạnh để bật lên những ánh sáng, âm thanh, và nhịp điệu vô cùng hòa hợp. Bài thơ của Nguyễn Du tuy xuất phát từ bài Cầm Ca của Lý Kỳ, nhưng có giá trị hơn bài thơ của Lý Kỳ rất xa. Những chi tiết như bay qua đặt sau từ hạc, mới sa đặt sau từ nước suối, từ thoảng ngoài đặt sau từ gió, từ sầm sập đặt sau từ mau và trước nhóm từ trời đổ mưa là những chi tiết quý giá làm cho bài thơ chứa chan hình ảnh và rung rinh những âm ba nghệ thuật kì diệu. Nguyễn Du đã lấy chất liệu trong văn của Thanh Tâm Tài Tử và trong thơ của Lý Kỳ, nhưng thi ca của ông đã vược xa cái thô sơ của chất liệu để bay lên cao trong ánh sáng của các tinh thể muôn đời.

    2- Bài tường thuật của Nguyễn Du về đêm hòa nhạc của Thúy Kiều có giá trị nghệ thuật cao.
    a- Thúy Kiều đã chơi đàn gì?
    Thoạt đầu, ta có cảm tưởng Nguyễn Du rất lúng túng về vấn đề này. Ông cho biết Thúy Kiều là một tay tốc tấu (virtuose) về hồ cầm, nhưng khi sang nhà Kim Trọng, được Kim Trọng mời biểu diễn tài nghệ. Thúy Kiều đã tấu bài Một Cung Bạc Mệnh trên chiếc đàn kìm trăng của Kim Trọng. Vậy, Thúy Kiều chuyên trị đàn gì? Hồ cầm hay kìm trăng? Nếu đọc nguyên bản Hán Văn, ta biết ngay chiếc đàn của Kim Trọng thường chơi là cây hồ cầm. Chắc là chàng cũng mới tập chơi thôi vì chàng biết Thúy Kiều rất thiện nghệ về hồ cầm. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã không cho Kim Trọng chơi hồ cầm mà chơi kìm trăng tức nguyệt cầm. Vậy, câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra là tại sao Thúy Kiều chỉ có nghề riêng ăn đứt hồ cầm mà lại dám phiêu lưu sang địa hạt kìm trăng? Đọc Trung Quốc Nhạc Khí Đồ Chí của Lưu Đông Thăng, Hồ Truyền Phiên, Hồ Ngạn Cửu xuất bản tại Bắc Kinh năm 1987, ta có thể trả lời ngay hồ cầm là kìm trăng, tức nguyệt cầm. Người sáng chế ra nguyệt cầm là Nguyễn Hàm, một nhạc sĩ trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền đời Tấn. Bởi vậy, nguyệt cầm đầu tiên được gọi là Nguyễn cầm, đàn của ông họ Nguyễn. Có khi gọi tắt là Nguyễn, mà phải hiểu đó là nguyệt cầm, do nhạc công phối hợp các loại đàn cầm (7 dây), tranh (16 dây), trúc mà chế ra. Đến đời Đường vào thế kỉ thứ 7 sau công nguyên, đàn Nguyễn được gọi là Tần tì bà. Do đó, còn được gọi là hồ cầm, và đang từ 12 phím được tăng thêm một phím là 13 phím tất cả. Đến đời Tống, thế kỉ 11 hay 12 sau công nguyên, vào thời đời Lý nước ta, Tần tì bà mới được gọi là Trần. Sang Việt Nam, đàn sống theo phong tục Việt Nam, được người Việt tái chế, đổi tên là đàn song vận, đàn nguyệt, đàn kìm phân biệt với chiếc đàn nguyệt cầm gốc Trung Hoa được gọi là đàn đoản hay đàn tàu. Đàn xến là danh từ chung để gọi đàn nguyệt, kể cả đàn nguyệt gốc Trung Hoa và đàn nguyệt gốc Việt Nam. Trả lời câu hỏi Thúy Kiều đã chơi đàn gì? Giáo Sư Tiến Sĩ Âm Nhạc Học Trần Văn Khê trả lời: đàn song vận, còn gọi là đàn xến. Chiếc đàn mà Kim Trọng thường treo ở ngoài hiên và đã  trân trọng đưa hai tay cho Thúy Kiều độc tấu đêm hôm thề nguyền chính là cái đàn song vận, đàn xến. Vẫn theo lời Giáo Sư Khê, các bài bản mà Thúy Kiều chơi đêm đó thuộc về nhạc mục (répertoire) đàn cầm, đàn chuyên môn của Khổng Tử chứ không phải của Thúy Kiều. Do đó, khó mà nói được một cách chính xác theo âm nhạc học là Thúy Kiều đã đánh loại đàn gì đêm hôm ở nhà Kim Trọng. Giáo Sư Khê giải thích: Nguyễn Du đã viết về âm nhạc theo kiến thức sách vở, theo cung cách văn chương của nhà Nho chứ không viết theo phương pháp âm nhạc học.
    Tôi hoan nghênh thái độ dè dặt của nhà chuyên môn về âm nhạc học, nhưng tôi xin đứng về phía văn chương để thử đánh giá một cách đầy đủ hơn khả năng viết về âm nhạc của nguyễn Du.
    b- Thúy Kiều đã độc tấu bài Một Cung Bạc Mệnh của cô.
    Muốn biết một cách rõ ràng Thúy Kiều đã đánh đàn gì ở nhà Kim Trọng, thiết tưởng ta phải giải quyết vấn đề này trước: Kiều đã đánh bài nhạc gì? Giáo Sư Khê đã trả lời: các bài bản dành cho đàn cầm, tức là các bài Tư Mã Phượng Cầu của Tư Mã Tương Như, Quảng Lăng của Kê Khang, một nhạc sĩ chuyên về đàn cầm đời Tam Quốc, bài Chiêu Quân thuộc về nhạc mục đàn tì bà. Bài Lưu Thủy và Hành Vân có thể là những bài bản cổ điển của nhạc Huế, cũng có thể là bài Cao Sơn Lưu Thủy dành riêng cho đàn cầm (7 dây tơ) và tranh (16 dây tơ). Nếu Thúy Kiều không thể được Nguyễn Du khen ngợi là “Khúc nhà tay lựa nên xoang, Một cung bạc mệnh lại càng não nhân”, Thúy Kiều là một nhà soạn nhạc thuần túy (compositeur). Chính Giáo Sư Khê cũng đã viết: Thúy Kiều n’était pas simplement une instrumentiste virtuose du hồ cầm” (Thúy Kiều không chỉ đơn giản là một nhạc sĩ tốc tấu hồ cầm). Như vậy, tại sao lại chỉ thấy Thúy Kiều trình diễn những bài nhạc ấy mà thôi?
    Ta phải đọc kĩ câu thơ của Nguyễn Du mới thấy tài sáng tác thi ca siêu việt của ông, và mới giải đáp được câu hỏi đã đề ra. Nguyễn Du viết:
        Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
        Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
        Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
        Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
    Khúc đâu nghĩa là gì? Chữ đâu rất quan trọng để cho ta thấy sự ngạc nhiên của Kim Trọng khi nghe Thúy Kiều đàn. Bài gì vậy kìa, chàng tự hỏi. Nghe gần gần như bài... mà lại không phải. Ta nên biết Kim Trọng cũng là một người đang học đánh hồ cầm, tức Tân tì bà, tức kìm trăng. Kim Trọng phải biết những bài dành cho hay không dành cho cây đàn của chàng. Khi chàng (hay mọi người nghe) tự hỏi khúc đâu, đó là vì bản nhạc đang đánh phảng phất giống một bài nào khác đó. Có những làn điệu, những hài âm giống một bài nào khác đó. Có những làn điệu, nhữ hài âm giống nhau khiến cho người nghe ngờ ngợ mà không biết rõ là gì. Chính đó mới là cảm tưởng của Kim Trọng khi chàng nghe bài Một Cung Bạc Mệnh do Thúy Kiều sáng tác. Nói một cách khác, nếu đó là bài Hán Sở Chiến Trường, hay bài Tư Mã Phượng Cầu, Kim Trọng chả cần gì phải hỏi: khúc đâu. Vì chàng bỡ ngỡ như vậy cho nên ta biết là chàng đang được nghe một bài lạ, một bài tuy có những nét quen thuộc vì cùng là nhạc cổ điển nhưng lại không phải là những bài cổ điển mà chàng đã thuộc. Đó là bài nhạc hòa tấu do chính Thúy Kiều sáng tác vào năm chưa đầy 20 tuổi, bài Một Cung Bạc Mệnh. Mãi về sau, khi đã tấu xong bản nhạc, trong mấy phút trao đổi giữa người đàn và người nghe, Kim Trọng mới biết đó là bài nhạc do Thúy Kiều đã sáng tác. Chính Thúy Kiều đã tiết lộ cho Hồ Tôn Hiến biết bài mà nàng đã sáng tác khi còn nhỏ tuổi:
        Hỏi rằng: “Này khúc  ở đâu?
        Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay”
        Thưa rằng: “Bạc Mệnh khúc này,
        Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.
        Cung kìm lựa những ngày xưa,
        Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”.
                        (cc. 2573-2578)
    Sau khi đã biết thực bài nhạc mà Thúy Kiều đã trình tấu lần đầu tiên cho Kim Trọng nghe là bài Một Cung Bạc Mệnh, ta có thể quả quyết buổi diển tấu đã được Thúy Kiều thực hiện với đàn nguyệt, tức kìm trăng, tức đàn xến, đàn song vân, không phải đàn tì bà cũng không phải đàn cầm. Bài nhạc đó là bài nhạc của Thúy Kiều. Tôi nhắc lại một lần nữa, do chính tay nàng sáng tác, trên nền tảng của một khúc nhà, như chính Nguyễn Du đã nhấn mạnh: “Khúc nhà tay lựa nên xoang”. Chính vì vậy, khi Thúy Kiều đàn, Kim Trọng cứ tự hỏi: “khúc đâu”, vì chàng nhận thấy bài ấy nhắc cho chàng nhớ đến những bản nhạc cổ điển mà chàng đã học. Nếu  ta cho rằng Thúy Kiều đã trình tấu những bài bản ấy là ta hạ thấp Thúy Kiều từ một sáng tác gia xuống hàng một trình diễn  gia, tuy địa vị của một trình diễn gia cũng rất cao quý nhưng không thể so sánh với địa vị của một sáng tác gia  loại Bach, Mozart, Beethoven được. Đồng thời, nếu ta cho rằng buổi hòa nhạc của Thúy Kiều chỉ gồm có một số bài cổ điển ấy, hay tệ hơn nữa, một vài đoạn trích từ những bản nhạc cổ điển lớn ấy, ta lại hạ bài nhạc của Thúy Kiều xuống loại các trích tấu (pot-pourri) vô giá trị nghệ thuật. Cuối cùng, nếu ta không công nhận Thúy Kiều đã chơi bài nhạc Một Cung Bạc Mệnh của cô, ta làm sụp đổ lâu đài văn chương của Nguyễn Du được xây dựng trên nền tảng của bài nhạc ấy. Ta còn có thể kết án Nguyễn Du đã nói dối khi loan báo Thúy Kiều: “Khúc nhà tay lựa nên xoang, một cung bạc mệnh lại càng não nhân”.

    3- Thông Điệp của Nguyễn Du về Nghệ Thuật Âm Nhạc.
    Nguyễn Du viết Truyện Kiều cho tuổi trẻ, điều ấy rất rõ . Ông muốn để lại cho thanh niên một gia tài lớn. Đó là những ý kiến của ông về việc phá bỏ toàn bộ nền văn hóa cũ và xây dựng một nền văn hóa mới trên cơ sở quyền tự do của con người. Riêng về âm nhạc, thông điệp của Nguyễn Du được tóm tắt như sau:
    a- Phổ biến giáo dục âm nhạc.
    Nguyễn Du đã phát cho các bạn thanh niên trong tác phẩm của ông mỗi người một cây đàn: đầu tiên dĩ nhiên là Thúy Kiều. Với một tài năng âm nhạc mà từ trước đến nay, chưa một người Việt Nam nào có, rồi Thúy Vân, rồi Kim Trọng, với cây đàn kìm trăng thô sơ mà chàng cũng hơn một lần đã làm cho cô láng giềng xinh đẹp chú ý. Còn cây đàn của Từ Hải? Không biết ai đã cho Từ Hải một chiếc đàn bên cạnh một lưỡi gươm. Có lẽ là bạn đọc hơn là tác giả, nhưng Nhà Giáo Phạm Thị Nhung khi trả lời Bác Sĩ Trần Văn Tích đã quả quyết đó chính là Nguyễn Du. Bà nói: Nguyễn Du đã thêm cho Từ Hải một chiếc đàn.
    Một gia đình nhà họ Vương chỉ có 3 chị em mà 2 người đã được học đàn. Trong không khí coi nhẹ âm nhạc ngày xưa , xướng ca vô loài, tỉ lệ 2/3 đã là quá lớn. Càng lớn hơn khi hai ông bà họ Vương chấp nhận cho chủ nhân cây đàn kìm trăng làm rể. Đó là một chuyện động trời, và phải yêu âm nhạc cao độ như Vương Ông mới dám quyết định như thế. Khi xây dựng Truyện Kiều, nhan đề cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh một âm thanh mới, một tiếng nhạc mới về văn nghệ đứt ruột.  Nguyễn Du đã muốn nói gì nếu không là kêu gọi mọi ngươi phải chú ý đến âm nhạc? Âm nhạc là một bộ môn trong Lục Nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Khổng Tử rất giỏi về đàn cầm. Nguyễn Trãi mỗi lần đánh đàn là gọi người nhà đốt hương: “ Kìm khi đàn bắt thiếp thiêu hương”. Khi thuê nhà đàng sau nhà Thúy Kiều, Kim Trọng đã không quên “túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”. Mỗi lần thấy Thúy Kiều là anh chàng đã: “ Buông kìm xóc áo vội ra”(c.291). Khi hân hạnh được Kiều đến nhà chơi, anh mừng tíu tít mời cô đánh đàn. Cử chỉ chân thành gần như sùng kính của anh đối với tiếng đàn của Thúy Kiều đã làm cho chính nàng cũng phải bối rối: “Hiên sau treo sẵn Kìm trăng, Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày” (cc. 467-468). Rồi suốt đời Kim Trọng sống với tiếng đàn ấy. Khi ra làm quan, văn phòng của anh là một cầm đường ngày tháng thanh nhàn (c. 2875). Khi gặp lại Thúy Kiều, và thể theo lời yêu cầu của nàng, anh đã vui vẻ đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ (c.3111) và tuyên bố với người yêu: lọ là chăn gối mới ra sắt cầm (c.3178). Kim Trọng đã lớn lên trong tiếng đàn nguyệt cầm, đã sống với tiếng đàn nguyệt cầm. Cuối cùng tìm được hạnh phúc chan hòa trong tiếng đàn nguyệt cầm. Đó là ý muốn của Nguyễn Du. Người bạn trẻ của ông muốn truyền lại cho các bạn trẻ khác cái kinh nghiệm đó. Giáo dục chân chính phải được bắt đầu bằng âm nhạc. Muốn tái tạo không khí âm nhạc của tác phẩm Truyện Kiều, ta phải trả lại cho Nguyễn Du nhan đề mà ông đã đặt cho tác phẩm bất hủ của ông: Đoạn Trường Tân Thanh. Đồng thời, theo lời nhắn nhủ của Nguyễn Du, ta phải chú trọng hơn về giáo dục âm nhạc.

    b- Sáng tác âm nhạc là sáng tác âm nhạc chứ không phải là sáng tác ca khúc.
    Trong Kim Vân Kiều, truyện của Thanh Tâm Tài Tử, Thúy Kiều được mô tả như là một nữ sĩ kiêm ca sĩ. Nàng làm thơ rất nhiều. Nàng có đánh đàn cho Kim Trọng nghe những bài nhạc ấy. Ta chỉ biết đầu đề là Hồng Nhan Oán chứ không được biết ai là tác giả! Mãi đến khi bắt buộc phải đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, được hỏi về lai lịch bản đàn, Thúy Kiều mới tiết lộ cho biết bài nhạc trên là Bạc Mệnh Oán, và tác giả bài nhạc là nàng. Còn bản đàn mà Thúy Kiều chơi trong đêm tái ngộ với Kim Trọng là một bản đàn khác, bản đàn mà Thanh Tâm Tài Tử gọi là Tùy Tâm Tác Khúc (sđd, tr. 473) mà ngày nay ta gọi là một bản nhạc tùy hứng, sáng tác tại chỗ và trình diễn tại chỗ, tức là không phải là bài nhạc mà nàng đã làm thời còn trẻ và đã tấu cho Hồ Tôn Hiến nghe. Nói tóm lại, trong nguyên tác Hán Văn. Thúy Kiều được giới thiệu là nhạc sĩ giỏi chuyên về hồ cầm, có sáng tác một bản nhạc chưa có tên nhất định, và bản nhạc ấy không được chọn làm nền cho tác phẩm.
    Trong Truyện Kiều thì khác hẳn. Nguyễn Du giới thiệu Thúy Kiều là một nhạc sĩ đã được hưởng một chương trình giáo dục âm nhạc hoàn bị. Nàng có đầy đủ năm điều kiện mà một nhạc sĩ giỏi phải có. Đó là:
    1/ Thúy Kiều hoàn toàn nắm vững nhạc lí, nhất là kí âm pháp (làu bậc ngũ âm), sự hình thành của các âm giai, phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa thanh và âm, nhất là thang âm già và thang âm non, các loại điệu, còn gọi là cung (Bắc), hơi (Nam, Trung), đặc biệt là điệu Bắc (hay hơi Bắc), điệu Nam (hay hơi Nam), các loại nhịp, phách, các hình thức diễn tấu cổ điển chân phương hay tài tử hoa lá, v.vvv...
    2/ Thúy Kiều sử dụng chuyên môn một nhạc khí. Vì là chuyên môn nên gọi là nghề riêng, vì sử dụng tuyệt kĩ một nhạc khí (kiểu các Nhạc Sĩ Thể Vân hay Bằng Lăng ngày nay) nên gọi là ăn đứt. Thúy Kiều chuyên về hồ cầm. Bây giờ ta gọi là đàn kìm hay đàn nguyệt, đàn xến. Nhạc khí này so với nhạc khí Tây Phương như violon, guitare, ngay cả với mandoline nữa, khó có thể được coi là một nhạc khí hoàn bị, nếu không nói là thô sơ. Thế mà chỉ với cây đàn kiểu “đàn hướng đạo” đó mà Thúy Kiều đã cho thính giả có cảm tưởng như được nghe một ban nhạc thì ta phải hiểu Thúy Kiều đã thiện nghệ như thế nào. Cách mô tả của Nguyễn Du đã bị Giáo Sư Trần Văn Khê chê là có nhiều tính văn chương hơn âm nhạc học. Điều đó có thể đúng, nhưng nếu Nguyễn Du mô tả buổi trình tấu hồ cầm của Thúy Kiều theo thể thức âm nhạc học, chắc chắn là ngày nay chúng ta không thể có một văn bản nào giá trị để làm chứng cho khả năng âm nhạc của Thúy Kiều.     3/ Thúy Kiều sáng tác âm nhạc thuần túy: khúc nhà tay lựa nên soang. Nguyễn Du không hề nói một câu nào về tài năng ca hát của Thúy Kiều như Thanh Tâm Tài Tử đã làm. Ông đã không chú trọng đến ca, và điều này rất lạ nếu ta biết vào thế hệ Nguyễn Du, ca nhạc với những lời ca lãng mạn thống thiết đã nở rộ như thế nào. Nguyễn Du rất dễ nổi tiếng và giàu có nếu ông biết chạy theo thị hiếu của thính giả. Là một nhà trí thức chân chính, hiểu rõ sứ mệnh giáo dục quần chúng của các văn nhân nghệ sĩ, coi nặng nghệ thuật hơn thương mại và quảng cáo, Nguyễn Du đã đòi hỏi giới nhạc sĩ phải sáng tác âm nhạc thuần túy, âm nhạc không có lời ca, dành riêng cho các loại nhạc khí, các ban nhạc giao hưởng. Bản Một Cung Bạc Mệnh của Thúy Kiều không hề có lời ca, chỉ nghe bài nhạc với những chuyển cung chuyển hệ của nó. Với những âm khi to khi nhỏ (trong, đục), khi mau khi chậm (khoan, mau sầm sập) mà ta hiểu được nội dung tư tưởng và tình cảm của bài nhạc, không cần đến lời ca là yếu tố thuộc về văn chương. Chủ trương của Nguyễn Du rất đúng với chủ trương của các nhà âm nhạc học hiện đại. Ngay các nhà lịch sử văn học như cố Giáo Sư Dương Quảng Hàm cũng đã dành cho ca nhạc, như ca Huế chẳng hạn, một địa vị danh dự trong lịch sử văn học Việt Nam. Điều đó giải thích lí do thiên trọng âm nhạc hòa tấu của Nguyễn Du là chính đáng và ích lợi cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam. Sau Nguyễn Du 200 năm, không kể hàng vạn bài ca được quần chúng ưa thích, nhưng chưa chắc đã lọt vào được địa phận lịch sử âm nhạc thế giới. Chúng ta đã bắt đầu có được những nhạc sĩ sáng tác theo kiểu mẫu của Nguyễn Du như Lê Văn Khoa, Cung Tiến, Nguyễn Văn Quỳ, Đỗ Nhuận, Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, và nhiều nhạc sĩ sáng tác khác đang âm thầm xây dựng nền tảng cho âm nhạc Việt Nam trong tương lai, góp phần thực hiện dự phóng khoa học của Nguyễn Du về tiền đồ nghệ thuật Việt nam.
    4/ Bài nhạc phải khai triển những chủ đề muôn thuở của tư tưởng loài người. Tỉ dụ: tình yêu, sự chết, quyền sống tự do đối lập với định mệnh, sự mong manh của kiếp người, niềm hi vọng của loài người được giải thoát vv... Bài nhạc Một Cung Bạc Mệnh thuộc vào loại nhạc đó. Nhạc tư tưởng liên quan đến một vấn đề triết lí cao siêu về thân phận con người. Đối chiếu với các nhà sáng tác âm nhạc cổ điển Tây Phương, Thúy Kiều là một nhà trước tác âm nhạc lớn vì đề tài của cô thuộc vào một loại nhạc mà chủ đề sẽ gây mãi mãi trong lòng người nghe những suy tư sâu xa về vấn đề nhân sinh.
    5/ Cuối cùng, bài nhạc phải gây được những xúc động lớn: lại càng não nhân. Âm nhạc được loài người nghĩ ra không phải chỉ để hát chơi, để giải trí hay để khiêu vũ. Dĩ nhiên, ta cũng thích được nghe những loại nhạc đó, nhưng có nhiều bài chúng ta thích không phải vì âm nhạc mà vì lời ca. Xin để ý rằng những câu ca mà chúng ta thích và học thuộc lòng là những câu ca có liên hệ đến tâm tình, đến lối sống của chúng ta, đến một vấn đề nào đó của tâm lí và tư tưởng. Như vậy, rõ ràng là ta chỉ thích ở bài ca những gì mà ta mơ ước ở nhạc. Nhạc vẫn là cơ sở của ca, cái mà ca phải được xây trên nền tảng mới đứng vững được với thời gian. Muốn như vậy, điều kiện tiên quyết là chính nhạc sĩ phải đã trải qua những tình huống tâm lí, xã hội mà nhạc sĩ muốn diễn tả. Kim Trọng hỏi Thúy Kiều tại sao lại chọn những cung bực tiêu tao ấy, buồn bã ấy để diễn tấu. Kiều trả lời: tại tính tôi nó như thế. Đó là một lời thú tội chân thành và xác nhận nguồn gốc sáng tác phải bắt đầu từ cá nhân người sáng tác, chứ không bắt đầu từ quần chúng. Nó phải phản ánh tâm hồn người sáng tác thì sau đó ảnh hưởng của nó mới tác động được mạnh mẽ trên tâm hồn người nghe. Kim Trọng nghe bài nhạc của Thúy Kiều thì: “Khi tựa gối, khi cúi đầu, Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” (cc.487-488). Có cần đến lời ca đâu mà bài nhạc có uy quyền ghê gớm đến thế đối với người nghe? Hồ Tôn Hiến là một tên quan lại đại gian đại ác thế mà khi nghe tiếng đàn của Thúy Kiều cũng phải nhăn mày, rơi châu (c. 2572). Đến khi Thúy Kiều trở về với Kim Trọng, nỗi vui mừng được trở về đoàn tụ với gia đình, được tự do thoát khỏi nanh vuốt của định mệnh đã được chuyển vào bản Một Cung Bạc Mệnh, và bản đàn sầu thảm năm xưa với những điệu nam ai oán đã trở thành một bản nhạc vui vầy, với một điệu bắc vui tươi lành mạnh, làm cho Kim Trọng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao. Lí do của sự chuyển hệ nằm trong lòng người. Người buồn thì cảnh cũng như nhạc chẳng bao giờ vui. Con người là gốc của nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính, cũng như văn hoá nói chung và luân lí đạo đức nói riêng, phải xuất phát từ lòng người, chứ không xuất phát từ xã hội. Ta có thể chịu ảnh hưởng của xã hội một cách tích cực và dìu dắt xã hội đi theo một con đường mà người nghệ sĩ thấy rõ là phù hợp với trời, đất, người. Do đó, nhà nghệ sĩ như Thuý Kiều phải sáng tác theo nhu cẩu sáng tác của chính bản thân mình chứ không phải của tha nhân, và khi chính mình đã rung động vì sự thật ấy. Tất cả sẽ được gợi ý, được nói lên được là nhờ ở âm nhạc chứ không ở ca nhạc, vì ca nhạc chỉ đánh động được phần bì phu, phần bề mặt nông nổi nhất của tâm hồn con người. Muốn ảnh hưởng tới bề sâu thâm viễn và ẩn mật của con người, phải có âm nhạc, đúng như Nguyễn Du đã chủ trương. Phần âm nhạc ấy, với tất cả kĩ thuật phối âm của nó, phải là công trình của một cá nhân người sáng tác, không thể là công trình hợp tác của một cá nhân nào khác. Thúy Kiều vẫn còn đó với bài Một Cung Bạc Mệnh của nàng sáng tác cho hồ cầm, để làm chứng cho quan điểm của Nguyễn Du về âm nhạc là đúng.

       Kết Luận
      Đoạn văn này rất quan trọng để đánh giá tài năng sáng tác của Nguyễn Du.
      1- Tài năng ấy độc đáo và kiệt xuất, vượt hẳn tài năng của Thanh Tâm Tài Tử rất xa. Truyện Kiều hay đúng hơn Đoạn Trường Tân Thanh là một sáng tác vĩ đại của tác giả Nguyễn Du. Nguyên tác Hán Văn so với Truyện Kiều chỉ là một tác phẩm nhỏ.
      2- Tư tưởng của Nguyễn Du khác hẳn của Thanh Tâm Tài Tử. Khi viết Kim Vân Kiều Truyện, Thanh Tâm Tài Tử bắt chước những người đi trước, như Mao Khôn, Chu Tích, Dư Hoài, Hồ Kháng, Từ Văn Trường, chép lại một chuyện có thực, rồi thêm thắt một vài chi tiết để tiểu thuyết hoá câu chuyện thời sự. Tuyệt nhiên không có một tư tưởng gì đặc biệt. Trong khi đó, tư tưởng của Truyện Kiều làm đảo lộn xã hội cũ khiến cho nhiều nhà Nho bất bình, nhưng dần dần chính các nhà Nho này và con cháu của họ đã phải công nhận những dự phóng văn chương xã hội của Nguyễn Du có giá trị tiên tri.
      3- Văn chương Truyện Kiều là một kiệt tác của văn học Việt Nam. Lời thơ đã canh tân cách viết cổ truyền và làm cho câu thơ lục bát uyển chuyển, gọn ghẽ, tươi tắn, giúp cho văn thơ và tiếng nói Việt Nam càng ngày càng có giá trị diễn đạt cụ thể và rõ ràng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.