Đoạn Kết. Câu 3241- 3254

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.
3245 Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai?
Có tài mà cậy chi tài:
Chữ tài liền với chữ tai một vần!
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
3250 Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Lời quê chắp nhặt dông dài,
3254 Mua vui cũng được một vài trống canh.​




(3241). Gẫm: Suy nghĩ, rút từ những chuyện đã xảy ra một bài học.
Có bản viết : « ngẫm »hay « ngắm ». Hay: Thì biết, thì hiểu.
Muôn sự tại trời: Mọi việc đều được Trời quyết định.

(3242). Câu này nói về thuyết thiên dữ (trời cho): Trời bắt tức là trời cho con người.
Làm người có thân là đã là người thì có một cái xác, hay đúng hơn một định phận.

(3343). Phong trần: Gió bụi, đây chỉ cuộc đời vất vả, nghèo hèn.

(3244). Thanh cao: Trong sạch, cao quí.
Ý cả câu: Trời bắt khổ thì con người phải khổ, trời cho sung sướng thì con người mới được sung sướng.

(3245). Vị: Vì. Thiên: Nghiêng về.
Thiên vị: Nghiêng về một phía vì có thiện cảm riêng, tư vị, không công bằng. Như vậy , Trời rất công bằng, Trời quyết định cho mọi người một cách công bằng, không để ai kém, không cho ai hơn. Do đó mà có luật bù trừ.

(3246). Tài: Tư chất hay năng lực của người ta. Mệnh: Vận số, số phận do Trời định.
Chữ tài chữ mệnh: Cái năng khiếu, cái mệnh, cuộc đời.
Dồi dào: Phong phú, đầy đủ một cách thừa thãi, sung mãn.

(3247). Có tài cũng không nên kiêu căng về cái tài của mình. Tại sao? Vì đó là của Trời chứ không phải là của mình, của cá nhân.

(3248). Tai: Tai họa, hoạn nạn. Ý cả câu: Người tài thường bạc mệnh, gặp nhiều hoạn nạn thử thách. Đây là một câu thơ nổi tiếng đã trở thành ca dao.

(3249). Nghiệp: Bởi chữ “Karma” trong kinh Phật: Đã sinh ra làm người, ai cũng có cái nghiệp của mình.
Nghiệp: Công việc của mình làm kiếp này sẽ cho kết quả ở kiếp sau, dù hay dù dở, cứ luân hồi mãi không bao giờ hết. Mà cái « nghiệp » ấy do tự mình gây ra chứ không phải ai gây cho mình. Hễ có « Thân » là có « Nghiệp » . « Thân » Với « Nghiệp » cứ đeo đẳng nhau mãi, trừ lúc nào đã tu được như Phật, bỏ hẳn được cái « Thân » đi, thì mới giải thoát được cái « Nghiệp ».

(3250). Mình tự trách mình thôi, đừng trách Trời. Đây là một tư tưởng của nhà Nho:
« Thượng bất oán thiên » nghĩa là trên thì đừng oán Trời.


_____ oOo _____​
Trang 517

(3251). Thiện căn: Cái gốc thiện, căn bản của sự lành. Theo nhà Phật, làm nghiệp thiện thì được báo ứng hạnh phúc. Nhưng cái gốc tạo thành nghiệp thiện là ở trong lòng ta, do ta quyết định, vì ta có tự do.

(3252). Tâm: Lòng, bụng. Cốt giữ lấy cái Tâm chứ không nên cậy tài. Làm người nên cố gây lấy nền Đức để cho nhẹ cái Nghiệp kiếp sau. Nếu càng có tài, càng hay sinh sự thì tất Nghiệp nặng thêm mãi. Nền tảng tư tưởng của Nguyễn Du là chữ Tâm hay đúng hơn là Thiện Tâm, tức là lòng lành (như Giác Duyên, như Thúy Kiều), chỉ tìm phục vụ cho người khác chứ không nghĩ đến quyền lợi cá nhân của mình.

(3252). Quê: Ở đây Nguyễn Du nói khiêm tốn, mộc mạc, thực thà, vụng dại.
Lời quê còn chỉ lời nôm, hay nôm na, lời nói của người tầm thường, không suy nghĩ cao xa như các nhà Nho.
Dông dài: Nói vu vơ, bậy bạ, không có hệ thống gì cả.
Nguyễn Du phải nói một cách tự hạ như vậy là để lấy lòng giới Nho sĩ. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đề nghị cải tổ Nho Giáo, đặt lại vấn đề luân lý, vấn đề tự do cá nhân. Từ đó, đề nghị những liên hệ mới về gia đình, về hôn nhân, về chữ trinh, chữ hiếu khác với quan niệm thông thường của các nhà Nho đương thời, tức các nhà Tống Nho giáo điều, thủ cựu và lạc hậu. Để cho tư tưởng của ông không bị giới nhà Nho chống đối, ông đã phải lựa lời mà nói cho vừa lòng họ. (Ý kiến của Giáo Sư Trần Văn Đoàn, tiến sĩ triết học, phát biểu trong Đại học Hè 1997, tại Orsonnens, Thụy Sĩ).

(3254). Trống canh: Trống cầm canh để biết đêm đã khuya hay chưa. Ở đây ý nói vài tiếng đồng hồ, tức chỉ đáng đọc để chơi, để chờ giấc ngủ đến.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.