Kiều Khuyên Từ Hải Ra Hàng (cc. 2461 – 2502) Phạm Thị Nhung

                 Kiều Khuyên Từ Hải Ra Hàng

                      Kiều Khuyên Từ Hải Ra Hàng               
                                                       (cc. 2461 – 2502)  

                                           Phạm Thị Nhung



    Xuất Xứ
            Sau nữa năm cùng Kiều chung sống hạnh phúc, Từ Hải lên đường lập nghiệp. Thành công trở về, Từ đón Kiều rồi phong nàng làm Phu Nhân, cho nàng hưởng một cuộc sống vinh hiển. Nhờ uy thế Từ, Kiều được trả ân, báo oán. Từ Hải hùng cứ một vùng ven bể được năm năm, thì Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến thừa lệnh triều đình đem binh đi đánh dẹp. Biết thế lực của Từ mạnh, không dễ gì hạ nổi, họ Hồ tính kế dụ hàng.

             Đại Ý
             Trước tin chiêu an của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến, bản năng tự cường của người anh hùng trỗi dậy, Từ Hải quyết liệt phản kháng. Sau nghe Kiều phân giải thiệt hơn, Từ đồng ý giải giáp quy hàng.

             Bố Cục
             Đoạn thơ này có thể chia làm 3 phần:
             I- Câu 2461 – 2472: Phản ứng của Từ trước tin dụ hàng.
             a/ 2461 – 2462: Tin dụ hàng tới.  
             b/ 2463 – 2472: Từ khẳng khái không chấp thuận.   
          
             II- Câu 2473 – 2498: Kiều khuyên Từ ra hàng.
             a/  2473 – 2486: Những lý do thúc đẩy Kiều muốn Từ Hải quy thuận triều đình.
             b/  2487 – 2498: Lời khuyên giải của Kiều.

             III- Câu 2499 – 2502: Từ nhận lời ra hàng.
    Phân Tích

             I- Câu 2461 – 2372
             a/ Tin dụ hàng. (2461- 2462)
              Khi tin dụ hàng của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến đưa tới doanh trại, nơi Từ Hải đóng quân, Từ mười phần còn “hồ đồ” cả mười. Hồ đồ là hoang mang, chưa rõ sự thể ra sao.
             b/ Phản ứng của Từ Hải  (2463-2472)
           Nghĩ đến chuyện ra hàng triều đình, Từ Hải thấy tiếc cho cơ đồ sự nghiệp, chàng đã bỏ bao nhiêu công lao, để bao nhiêu tâm huyết và do một tay chàng gầy dựng nên. đồ gồm sản nghiệp và đất đai, chỉ sự nghiệp lớn và vững chắc. Từ Hải còn tiếc hơn nữa cho cuộc sống tự do “Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành”. Sở, Ngô là tên hai nước đời Xuân Thu, nay thuộc miền Đông Nam Trung quốc. Nhắc tới hai địa danh bể Sở, sông Ngô, Từ Hải có ý nhắc đến cả một bờ cõi mênh mông, một địa bàn rộng lớn do chàng ngự trị; chàng từng thỏa chí vẫy vùng ngang dọc từ bấy lâu nay.
           Từ mới tưởng tượng tới khi tự trói buộc mình về đầu phục triều đình, chàng đã nóng mặt nghĩ đến cảnh “Hàng thần lơ láo”, “phận mình ra đâu?” Hàng thần là bề tôi về hàng nhà vua; lơ láo là mặt mày ngơ ngác, sượng sùng. Ý nói kẻ bề tôi mới quy hàng về triều, tránh sao khỏi tâm trạng mặc cảm tự ti, bơ vơ lạc lõng, mặt mày sinh ra ngơ ngác sượng sùng. Còn danh phận mình nữa? Ai kẻ đoái hoài, chắc cũng chẳng ra gì!
          Một khi đã khoác áo xiêm, chỉ phẩm phục của triều đình, chàng tất bị trói buộc vào nghi lễ quan giai, phải theo thứ bực, địa vị quan tước mà xử sự;                                                                               nghĩa là phải “vào luồn, ra cúi”, khúm núm giữ lễ với bề trên. Từ bực tức gắt lên “Công hầu mà chi?” Từ muốn nói: “Như thế thì nhận quan tước làm gì?!
          Suy đi tính lại, Từ Hải thấy về hàng triều đình không thể bằng “riêng một biên thùy”, nghĩa là sống  đời tự trị, một mình làm chúa một cõi như hiện nay. Với binh hùng tướng mạnh đang có trong tay, quân lực của triều đình chưa dễ đã áp đảo được chàng. Trong khi đó chàng được hoàn toàn tự do, muốn tung hoành dọc ngang ra sao tùy thích; đến như “chọc trời, khuấy nước”, tức là có những hành động ngang ngược đến đâu cũng mặc lòng, không cần kiêng nể một quyền lực nào.

             II- Câu (2473-2498)
              a/ Những lý do thúc đẩy Kiều muốn Từ Hải quy thuận triều đình. (2473 – 2486)
             Từ Hải đã quyết chẳng chịu hàng, nhưng Thúy Kiều thì khác.
    Kiều tính tình thật thà nông nổi. Nàng d tin người, huống chi đây lại là lời hứa hẹn của một bậc trọng thần triều đình, làm sao nàng không tin?      Quan thuyết hàng còn đem biếu nhiều lễ vật và nói toàn những điều ngon ngọt, những điều thuận tai (vì hợp ý Kiều) khiến Kiều càng dễ xiêu lòng.
    Thực ra, thâm tâm Kiều đã có ý quy phục triều đình ngay khi nàng được tin quan Thống Đốc Hồ Tôn Hiến muốn chiêu dụ họ Từ. Vì sao? Kiều suy nghĩ thấy thân phận nàng vẫn còn là trôi nổi lênh đênh, chẳng khác nào “cánh bèo” trên “ mặt nước”thường bị ngọn gió đẩy đi phiêu bạt khắp nơi. Chẳng vậy sao? Hiện tại tuy nàng đang là Phu Nhân của Từ Hải, một vị anh hùng sứ quân, đã đánh chiếm được năm huyện thành miền Nam Trung Quốc, đã lập được một triều đình riêng, uy danh lừng lẫy khắp nơi. Nhưng, đối với triều đình chính thống nhà Minh, Từ Hải vẫn chỉ là một tướng giặc! Triều đình lại đang cử Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến đi đánh dẹp Từ.  Nay thế Từ mạnh họ chưa làm gì được, song trong tương lai, binh lực của Từ Hải làm sao đương đầu được mãi với quan quân triều đình? Vậy là cuộc đời của Kiều vẫn chưa yên ổn, vững vàng. Kiều hồi tưởng từ ngày nàng bán mình cho Mã Giám Sinh cho tới khi được gặp Từ Hải, đời nàng đã chịu nhiều “lưu lạc, gian truân”, nghĩa là thân nàng đã phải nhiều phen trôi giạt rày đây mai đó nơi đất khách quê người, và đã phải trải qua biết bao nỗi gian nan vất vả.
             Kiều tin, nếu Từ Hải chịu nhận làm bề tôi nhà vua thì “ thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì”.  Thanh vân là mây xanh, chỉ con đường công danh lên cao trôi chảy; đường cái là con đường chính, hợp pháp; thênh thênh là rộng rãi mênh mông. Ý Kiều muốn nói, con đường công danh đường đường, chính chính sẽ mở rộng dễ dàng, chẳng hẹp gì với Từ. Có lẽ Kiều đã nghĩ, với uy thế của Từ hiện nay, một khi chàng chịu đầu phục triều đình, chàng sẽ được nhà vua ban cho quan chức xứng đáng. Và với tài trí của Từ  “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”, thì con đường công danh sự nghiệp của chàng tất sẽ còn nhiều hứa hẹn về sau.
             Theo Kiều, nhờ Từ Hải quy thuận triều đình mà từ việc công cho tới việc tư, mọi bề đều tốt đẹp. Việc công là việc đất nước khỏi nạn binh đao, vua thêm tôi giỏi phò tá. Việc tư là việc Từ được làm bề tôi triều đình, được vua ban chức tước, gia đình được vinh hiển. Song việc tư quan  trọng nhất và tha thiết nhất đối với Kiều lúc đó là được tự do trở về cố hương.
             Kiều mới tưởng tượng tới lúc Từ Hải được triều đình hậu đãi, ban cho tước trọng quyền cao, nàng đã cảm thấy cả một tương lai xán lạn đang chờ đợi nàng. Nàng xiết bao sung sướng hãnh diện trong ngôi vị một “Mệnh Phụ đường đường”, nghĩa là được ở vào địa vị một bà quan lớn có danh hiệu vua phong đàng hoàng. Cảnh áo gấm về làng mới phấn khởi làm sao, “nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha”. Ý nói vợ chồng nàng được đắc ý, sung sướng hớn hở ra mặt, và cha mẹ nàng nhờ đó cũng được vẻ vang.
    Bởi vậy, nếu Kiều khuyên được Từ Hải ra hàng, nàng sẽ làm trọn được hai nhiệm vụ: “Trên vì nước”, nàng được vẹn chữ “trung” đối với vua; “ dưới vì nhà”, nàng tròn được chữ “hiếu” đối với cha mẹ, bởi người xưa quan niệm, con cái, ai lập được công danh, làm hiển dương phụ mẫu là đạt được chữ đại hiếu.
    Về hàng triều đình được mọi vẻ tốt đẹp như thế có phải hay hơn là Từ Hải cứ khăng khăng đương đầu chống lại thế lực của triều đình? Chống lại thế lực của triều đình,? Kiều thấy nguy hiểm quá! Nghĩ đến tương lai, nàng có ngay cái tâmlo sợ cho thân nàng rồi đây lại bơ vơ trôi nổi trước cuộc đời đầy bất trắc, chẳng khác nào “chiếc bách”  (thuyền làm bằng gỗ bách) mỏng manh ở “giữa dòng nước”,  hết  “e dè sóng gió” là ngại ngùng e sợ gió to, sóng lớn sẽ cuốn trôi chiếc thuyền về bến bờ nào; lại “hãi hùng cỏ hoa”, là kinh sợ cả đến cỏ hoa. Cỏ hoa tuy tầm thường, nhưng cũng có thể gây duyên cớ làm thuyền mắc cạn. Chúng ta còn biết  giống cọp ở rừng sâu rất sợ hoa cỏ, vì có nhiều loại hoa cỏ trông thật tầm thường, hiền lành nhưng có độc tính, có thể làm chết được loài mãnh thú như chơi. Bởi vậy, ai dám bảo cỏ hoa không đáng sợ? Nhất là thân gái lạc loài, ai ai (chỉ chung những kẻ tầm thường bề ngoài hiền lành như cỏ hoa) cũng có thể lừa đảo hãm hại (như Bạc Bà, một phụ nữ thường đi chùa lễ Phật). Thế nên,  theo Kiều nghĩ, về hàng triều đình để được sống cưộc đời yên ổn, tự do, hợp pháp, phu quý phụ vinh, chẳng hơn là chống lại triều đình để sống cuộc đời trôi nổi, lênh đênh như chiếc bách giữa dòng?
             b) Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng. (2487 – 2498)
             Đã có chủ ý muốn hàng, Kiều chờ dịp Từ Hải bàn tính lẽ thiệt hơn, nên hay không nên ra hàng, mới bàn góp ý kiến. Nàng cố ý lựa lời phân giải để hướng Từ ngả theo dự kiến của nàng. Trước hết, Kiều ca ngợi công đức nhà vua. Theo Kiều, đức vua hiện triều là một vị “ thánh đế” nghĩa là một vị vua thông minh, tài trí, và nhân đức. Ơn huệ nhà vua, xưa được ví như mưa móc tưới khắp cây cỏ, cây cỏ nhờ thấm nhuần mưa móc mà được xanh tươi. Kiều muốn nói, ân sủng của Vua Minh đã ban cùng khắp quốc dân, ai ai cũng từng chịu ơn sâu của ngài . Hơn nữa, đã bao lâu rồi nhà vua còn có “công đức bình thành” đối với đất nước. Bình thành do chữ “địa bình, thiên thành” lấy trong Kinh Thư, nghĩa đen là làm cho trời đất được bằng phẳng, nên việc; nghĩa bóng là công trị quốc an dân. Bởi vậy, khắp thiên hạ đều đội ơn ngài.
             Tiếp đến, Kiều nhắc Từ Hải nhớ lại từ ngày chàng khởi binh chống lại triều đình đến nay, chàng đã giết quá nhiều nhân mạng  “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu !” Đống xương Vô Định là đống xương binh lính chết trận bên bờ Sông Vô Định (thuộc Tỉnh Thiềm Tây). Trên bờ sông này, ngày xưa đã xẩy ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa quân Trung Quốc và Hung Nô, người chết rất nhiều.
          Kiều còn tế nhị gợi chuyện “Hoàng Sào”, người anh hùng lí tưởng của Từ Hải, để chàng tự suy ngẫm. (Hoàng Sào, người đất Tào Châu, Sơn Đông, đời Đường, có khí phách ngang tàng, đã từng chống lại triều đình. Sào tự xưng là Hành Thiện Quân Bình Đại Tướng Quân, bộ chúng có đến 10 vạn. Sào đã đánh chiếm được các vùng Hà Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, Triết Giang…Rồi thắng thế chiếm Lạc Dương, vào được Kinh Đô Trường An, lập chính quyền Đại Tề, tự xưng là Tề Vương. Vua Đường Hy Tông phải lánh nạn sang đất Thục. Sào hoành hành được mười năm thì nội bộ phân tán, sau bị Lý Khắc Dụng đánh bại. Năm Trung Hoa thứ tư (881) Sào bị vây khốn ở Thái An, Tỉnh Sơn Đông rồi tự sát).
    Kiều đi tới kết luận, tài giỏi dũng lược như Hoàng Sào, chỉ vì chống lại triều đình, ngàn năm không một ai khen, có chăng chỉ lưu lại tiếng xấu là làm giặc! Làm giặc thì sao bằng theo triều đình, không những được hưởng “lộc trọng, quyền cao” tức là được lương bổng nhiều, quyền lợi lớn, mà còn lập được công danh. Theo quan niệm xưa, người nam nhi chỉ có một con đường lập công danh duy nhất là được nhà vua công nhận, nghĩa là phải theo chính quyền của triều đình.

    III – Câu 2499-2502:
Từ Hải quyết định giải pháp quy hàng
Từ Hải nghe lời Kiều “nói mặn mà”, là lời nói duyên dáng, có ý tứ, biết cách thưa gửi trước sau, tình ý lại chân thành, nội dung lời nói có nghĩa có nhân, hợp với lẽ phải, nên Từ Hải đã nghe theo.
Từ “thế công” là thế chủ động tiến đánh, Từ Hải xoay qua “thế hàng” là thế thụ động, quy phục triều đình. “Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng”, nói về công việc sửa soạn lễ nghi tiếp đón sứ giả, Từ Hải đã cho tiến hành mau lẹ. Chàng còn “hẹn kì thúc giáp” là hẹn ngày bó áo trận. Nói chung là bó các đồ chiến trận như áo giáp, binh khí để nộp chính quyền khi ra hàng, và “quyết đường giải binh” là quyết định giải tán quân ngũ không chống lại triều đình nữa.
   
    Phê Bình
    Như chúng ta đã biết, Từ Hải là một khách anh hùng, quen sống cuộc đời vẫy vùng tự do phóng khoáng và có chí khí chiến đấu mãnh liệt. Thấy xã hội nhiễu nhương, Từ không ngại gian khổ mài gươm dựng nghiệp :
            Phong trần mài một lưỡi gươm
        Những phường giá áo, túi cơm sá gì!
                            (cc. 2445-2446)
Nguyên tắc sống ở đời của Từ Hải là không chấp nhận sự bất công:
        Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
                            (c. 2430).
Cũng vì bênh vực quyền làm người và bảo vệ công lý, Từ Hải đã cho lập tòa án giữa “thanh thiên bạch nhật” để Kiều được trả ân, báo oán một cách quan minh, sòng phẳng. Rồi thừa cơ, Từ đánh chiếm năm huyện Miền Nam Trung quốc và lập nên một triều đình riêng, đối lập với chính quyền nhà Minh, uy thế lẩy lừng:
            Triều đình riêng một góc trời
        Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
        Đôi cơn gió quét mưa sa
        Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam :
                            (cc. 2441-2444)
        Trước cờ ai dám tranh cường
        Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
                            (cc. 2449-2450)
Nhưng nay nhà vua đã đặc cử trọng thần Hồ Tôn Hiến đi chinh phục Từ. Khi tin dụ hàng của họ Hồ đưa tới, vốn tính cương trực, phản ứng tự nhiên và tức thời của Từ Hải là khẳng khái chối từ. Từ Hải chẳng những tiếc cho cơ đồ sự nghiệp do một tay chàng đã gây dựng nên. Từ còn tiếc hơn nữa cho cuộc sống tự do chàng đã mặc sức tung hoành bấy lâu.
Từ tưởng tượng đến cảnh ngộ phải mang mặc cảm tự ti của kẻ hàng thần, cùng cuộc sống bị trói buộc vào nghi lễ quan giai, phải khúm núm mỗi khi ra vào nơi triều trung mà nộ khí xung thiên. Khí phách ngang tàng và bản năng tự cường của người anh hùng trỗi dậy, Từ đã phản kháng mạnh mẽ, biểu đạt bằng hai câu hỏi thách thức mà giá trị là một sự khẳng định quyết liệt đầy tự tôn mặc cảm:
            Sao bằng riêng một biên thùy
        Sức này đã dễ làm gì được nhau?
        Chọc trời, khuấy nước mặc dầu
        Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Riêng với Kiều, Từ Hải trước hết là một đấng anh hùng mà nàng rất ngưỡng mộ :
        Rằng: Từ là đấng anh hùng
        Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi
                            (cc. 2549-2550)
    một vị đại ân nhân đã giúp nàng thoát khỏi kiếp gái lầu xanh, đã lập riêng một tòa án để nàng có cơ hội ân đền, oán trả, giải được cho nàng bao nổi uất nghẹn vẫn hằng đè nặng tâm tư nàng bao lâu nay, Từ còn là người chồng độ lượng và đầy tình nghĩa. Từ yêu thương Kiều hết lòng. Chàng không chỉ cho nàng hưởng mọi sự giàu sang sung sướng vật chất mà còn thấu rõ nguyện vọng tha thiết nhất trong tâm hồn nàng: tình nhớ quê hương, mẹ cha. Từ đã chia sẻ nổi niềm với nàng và tỏ ý sẽ có ngày giúp nàng thực hiện khát vọng này :
            Xót nàng còn chút song thân
        Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa.
        Sao cho muôn dặm một nhà
        Cho người thấy mặt là ta cam lòng.
                            (cc. 2433-2436)
Biết đâu đây chẳng là một trong những lý do tình cảm sâu xa đã thúc đẩy Từ Hải nghe lời Kiều ra hàng triều đình?
Sau hết, Từ còn là một người bạn tri kỉ của Kiều. Chẳng những đã cảm thông sâu sắc nguyện ước trở về cố quận gặp lại gia đình của Kiều, Từ còn hiểu rõ giá trị tâm hồn và tài trí mẫn tiệp của nàng. Từ vẫn tự xưng là anh hùng, là quốc sĩ. Vậy mà Từ rất sung sướng được có Kiều là người bạn tri kỉ trong đời và cho nàng dự bàn việc quân.
Chúng ta cũng biết trong xã hội phong kiến Á Đông xưa, địa vị người đàn bà rất thấp kém, lúc nào cũng bị coi là chưa trưởng thành phải theo đạo tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) nói chi đến việc chính trị đại sự. Xưa ở Trung  Hoa, họa chăng có một Từ Hi Thái Hậu, và ở Việt Nam, một Ỷ Lan nguyên phi, vợ Vua Lý Thánh Tông. Điều Từ Hải cho Kiều dự bàn việc quân phải kể là một quan niệm mới mẻ của Nguyễn Du về địa vị của người phụ nữ trong xã hội, đối với thời đại của tác giả.
Kiều ý thức rất rõ Từ Hải đối với nàng tình cao như núi, nghĩa nặng tựa non, bảo sao nàng không kính, không yêu? Cũng vì kính, vì yêu Từ Hải, Kiều tự nhiên muốn bảo toàn cho chàng. Hiện tại tình thế đã biến chuyển. Từ Hải không còn sống “nghênh ngang một cõi biên thùy” (c 2477), vì Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến đã đem quân tới, sửa soạn tấn công Từ. Nay họ Hồ đang phái người đến thuyết hàng.
Sống trong xã hội phong kiến, Kiều chịu ảnh hưởng đạo đức Nho Giáo nên nàng tự nhiên có quan niệm tôn quân. Nàng hiểu rất rõ ba giềng mối chính của đạo làm người (tam cương) là:  đạo vua tôi, cha con, và chồng vợ. Làm tôi phải trung với vua, làm con phải hiếu với cha mẹ, và làm vợ phải tiết hạnh với chồng. Lại nữa, từ xưa đến nay người tự xưng Vương, sáng lập nên một triều đại mới, chỉ được xem là chính nghĩa nếu có sự nghiệp đánh đuổi xâm lăng, cứu nước. Thế nên Kiều nghĩ, dù Từ Hải sống có lý tưởng, muốn đả phá những áp bức, bất công xã hội để bảo vệ quyền tự do làm người, và xây dựng một chế độ công bằng,nhưng Từ Hải chống lại triều đình chính thống nhà Minh, Từ Hải vẫn bị coi là kẻ sống ngoài vòng pháp luật! Nay Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến đã có ý chiêu dụ Từ. Theo Kiều, đây là một cơ hội tốt giúp Từ quay về với chính nghĩa dân tộc.
    Kiều đã nhủ lòng, phải cố gắng tranh đấu đem hết tài trí để thuyết phục Từ, và Kiều đã giãi bầy thiệt hơn với Từ như thế nào? Trước hết, Kiều đề cao vua nhà Minh là một vị thánh đế, đồng thời ca ngợi công đức lớn lao và lâu đời của nhà vua đối với quốc dân khiến ai ai cũng đội ơn sâu. Sau đó, Kiều van xin Từ hãy chấm dứt chiến tranh, họa binh đao do chàng gây ra từ bấy lâu nay đã thảm sát biết bao sinh mệnh. Kiều còn tế nhị gợi chuyện Hoàng Sào để Từ Hải tự hiểu mà không bị chạm tự ái. Theo nàng, Hoàng Sào chống nhà Đường, chiếm thành, xưng vương, ngàn đời vẫn chỉ để lại tiếng xấu là làm giặc!
    Cuối cùng, Kiều tỏ ra rất thông cảm việc Từ Hải đánh chiếm thành trì là để xây dựng công danh sự nghiệp, nhưng dần dần Kiều đi tới kết luận (theo quan niệm chính thống thời phong kiến) công danh chính đáng nào mà lại không phải qua sự chấp thuận của nhà vua, nghĩa là làm tôi triều đình. Ý Kiều muốn khuyên Từ Hải ra hàng triều đình để vừa có công danh chính đáng, vừa được hưởng sự giàu sang phú quý theo đúng như lời hứa hẹn của quan trọng thần Hồ Tôn Hiến.

    Trong thâm tâm của Từ Hải, hẳn chàng cũng đã nhận thấy xưa nay chàng thích cuộc sống ngang tàng, vẫy vùng ngang dọc nào “bể Sở sông Ngô tung hoành» nào “Huyện thành đạp đỗ năm tòa cõi Nam” nào “Triều đình riêng một góc trời” nào” “Nghênh ngang một cõi biên thùy” v.v…cũng chỉ để thỏa mộng anh hùng cá nhân như Hoàng Sào mà thôi. Hoàng sào mẫu người anh hùng lý tưởng của Từ, Từ có ngờ đâu đối với Thúy Kiều, người vợ tri kỉ của chàng, chỉ là một tên giặc!
    Từ Hải nghe Kiều nói tới Hoàng Sào là giặc thì bao nhiêu nhuệ khí của Từ bỗng tiêu tan hết. Chàng cũng nhận ra rằng những việc chống lại triều đình, giết hại bao nhiêu sinh linh từ bấy đến nay của chàng chỉ là việc «chọc trời khuấy nước», là những hành động ngang ngược, quấy phá sự nghiệp trị quốc an dân của nhà vua. Từ Hải càng nghe Kiều phân giải lẽ phải trái qua giọng nói duyên dáng, tha thiết, qua lời lẽ nhân nghĩa chí tình và cũng đầy tính thuyết phục, Từ càng thấy Kiều có lý. Cũng vì quá tin yêu Kiều, Từ muốn chiều theo ý của nàng. Thế là Từ có ngay quyết định:
            Thế công Từ mới trở ra thế hàng!
    Tâm trạng hoang mang: “hồ đồ” của Từ Hải khi mới được tin dụ hàng của Hồ Tôn Hiến, cùng hành động hấp tấp «vội vàng» của Từ khi cho thi hành gấp rút việc tiếp sứ, việc hẹn ngày nộp khí giới quy hàng, cũng như việc giải binh đã chứng tỏ Từ Hải không còn tự chủ được nữa. Những phản kháng ban đầu hoàn toàn là phản ứng của bản năng và tình cảm. Việc quyết định từ “thế công” trở ra “thế hàng» phần lớn cũng do tâm và tình cảm chi phối.
    Những từ ngữ “hồ đồ” và “vội vàng” này chính là những tín hiệu Nguyễn Du muốn báo trước cho chúng ta biết, cái chết của Từ Hải đã được định đoạt rồi. Chuyện quy hàng triều đình đưa đến cái chết sau này của Từ Hải mặc dầu là do sự bội ước của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến, nhưng người lãnh đạo quân sự mà thiếu bình tĩnh sáng suốt, thiếu suy nghĩ chín chắn, thiếu cảnh giác cẩn trọng, và để cho tình cảm, bản năng chi phối thì sự thất bại không chóng cũng chầy tất phải xẩy ra.

    Còn về chuyện Kiều muốn khuyên Từ Hải ra hàng triều đình nhà Minh nào có phải nàng tầm thường đến độ chỉ vì “lễ nhiều, nói ngọt” mà xiêu lòng. Có chăng đấy chỉ là cái cớ hời hợt bề ngoài, muốn biết rõ lý do sâu xa nào đã thúc đẩy Kiều có ý hướng quy thuận nhà vua, chúng ta phải tìm hiểu đời sống nội tâm của nàng.
    Nếu sự trùng điệp về ngữ âm, về nhịp điệu đã tạo cho nhạc tính của đoạn thơ thêm da diết, lưu luyến và tình ý thêm đậm đà ý vị thì sự trùng điệp về cảm xúc, về ước mơ càng làm cho tình cảm, suy tư thêm xoáy sâu vào tâm khảm con người. Chúng gây nhức nhối và đau đớn khôn nguôi. Chính vì vậy, Nguyễn Du đã sửa soạn lời giải đáp cho câu hỏi trên bằng tình thương nhớ và ước vọng trở về quê hương tha thiết của Thúy Kiều.
    Suốt mười lăm năm Kiều lưu lạc xứ người, tình quê hương qua nỗi nhớ niềm thương về cha mẹ, hai em và chàng Kim, về ngôi nhà thời thơ trẻ lúc nào cũng nung nấu tâm can Kiều, thử hỏi có bao giờ nguôi ngoai? Nào Kiều nhớ nhà trên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Truy (911- 918), nào Kiều nhớ nhà khi ở Lầu Ngưng Bích (1039-1046), nào Kiều nhớ nhà khi ở thanh lâu (1253-1268), nào Kiều nhớ nhà khi ở với Thúc  Sinh (1629-1632), nào Kiều nhớ nhà khi đã lấy Từ Hải (2235-2245). Vì thế, đây là cơ hội duy nhất nàng có thể trở về cố:
            Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
    Tiếng gọi trở về quê hương đã trở thành một động lực chủ yếu.Kiều bám chặt vào đó và đồng hóa nó với sự ra thần phục triều đình của Từ Hải. Kiều đã tìm ra đủ mọi lý lẽ để bảo vệ ý kiến của nàng :
    Về quê hương, một khi Từ Hải đã là bề tôi của nhà vua, chàng có cơ hội lập công danh đường đường chính chính và sự nghiệp của chàng còn nhiều hứa hẹn về sau:
            Bằng nay chịu tiếng vương thần
                   Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì?
    Về quê hương thì phu quý phụ vinh, được áo gấm về làng, hãnh diện với xóm giềng:
            Cũng ngôi Mệnh Phụ đường đường
            Nở nang mày mặt...
    Về quê hương thì cha mẹ cũng vẻ vang.
            ... rỡ ràng mẹ cha.
    Về quê hương thì trung, hiếu vẹn tròn:
            Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
    Về quê hương nàng sẽ không bao giờ còn bị lưu lạc, gian truân nữa:
            Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng
            E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.
     Khi cuộc đời càng tri nhiều khổ đau, trôi giạt, gian nan, con người càng có ý hướng quay về quê hương để tìm sự yên ổn cho bản thân. Có thể nói đây là một tình cảm đầy nhân bản tính, một bản năng tự vệ tự nhiên của con người. Huống chi đây còn  là một cuộc trở về có ý nghĩa đấu tranh chính trị. Kiều phải cố gắng thuyết phục Từ Hải, một anh hùng sứ quân, quy thuận triều đình, tức là trở về với đại nghĩa dân tộc. Đồng thời, nàng còn giúp nhà vua thâu hồi chủ quyền đất nước về một mối.
    Niềm khao khát trở về quê hương của Thúy Kiều thiết tha đến nỗi sau khi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa giết, Kiều xin được chôn cất Từ Hải xong, nàng chỉ còn một ước nguyện cuối cùng là được trở về cố quận :
                              Rộng thương còn mảnh hồng  quần
            Hơi tàn được thấy gốc phần là may.
                                                                 (cc.2587-2588)
    Ác nghiệt thay, họ Hồ lại gán ghép nàng cho một tên thổ quan để hắn đem nàng đi. Mộng trở về cố lí tan tành như mây khói. Kiều đau đớn quá, tuyệt vọng quá, nàng đã gieo mình xuống Sông Tiền Đường để tìm cái chết.

    Về hình thức đoạn thơ này có khá nhiều điểm đặc sắc:
    Ở phần 1. (2463-2472): Nếu những từ ngữ “cơ đồ”, “một tay” biểu thị lòng kiêu hảnh về tài năng cùng tinh thần tự lực, tự cường của Từ Hải trước sự nghiệp lớn lao do chàng gây dựng nên, thì những từ ngữ “ tung hoành”, “ngang dọc” nói lên được sự sảng khoái cùng hào khí của họ Từ trước cuộc sống tự do phóng khoáng, mặc sức bay nhảy cho thỏa chí anh hùng.
    Những từ ngữ mạnh mẽ này bám sát lấy những hình ảnh hùng tráng như "bể Sở, sông Ngô", "một cõi biên thùy", "chọc trời, khuấy nước". Ngoài ra, còn được phụ họa thêm bằng những câu hỏi đanh thép, đầy cao ngạo:
            - Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?
            - Sức này đã dễ làm gì được nhau?
            - Vào luồn, ra cúi, công hầu mà chi?
đều có mục đích làm sáng tỏ thêm cá tính và lối sống hào hùng của Từ Hải.
           Tất cả đó đã tạo cho đoạn thơ cái sắc thái "nhất khí quán hạ" đặc biệt, nghĩa là từ đầu đến chót hơi thơ đi một mạch, ý thơ thông suốt và nhất trí.
    Ở phần 2: Đoạn thơ Kiều biện luận để bênh vực cho quan điểm quy thuận triều đình của nàng. Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp cân đối ở rất nhiều câu (một tỉ lệ rất cao 5/12), mỗi câu chia làm 2 vế cân xứng như:
            Đã nhiều lưu lạc / lại nhiều gian truân.
            Nở nang mày mặt / rỡ ràng mẹ cha
            Trên vì nước / dưới vì nhà
            Một là đắc hiếu / hai là đắc trung
            E dè sóng gió / hải hùng cỏ hoa.
    Sự chia mổi câu làm 2 vế như thế đã tạo ra những nhịp dài 3/3 hay 4/4. Nhờ vậy, nhip điệu câu thơ trở nên chậm rãi, thời gian đọc mỗi vế cũng như thời gian nghỉ giữa hai vế sẽ kéo dài, có mục đich:
    . Tạo điều kiện cho sự suy nghĩ.
    . Mỗi ý gói trọn trong một vế. Ý tứ trình bày rõ ràng, ngắn gọn, tránh được những từ ngữ rườm rà vô ích là điều cần thiết cho văn biện luận.
    Để làm nổi bật sự khác biệt giữa cuộc sống tự do phóng khoáng với cuộc sống trói buộc trong bả lợi danh, Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật tương phản giữa loại hình ảnh hùng vĩ như: "bể Sở, sông Ngô tung hoành", "chọc trời, khuấy nước", "dọc ngang nào biết trên đầu có ai?" đối với loại hình ảnh gò bó như: "bỏ thân", "hàng thần lơ láo”, “áo xiêm buộc trói”, hoặc "vào luồn ra cúi”.

    Kết Luận
    Tóm lại, đây là một đoạn thơ có đề tài lớn và nội dung phong phú, vừa có cái đẹp hài hòa giữa tình và nghĩa, giữa lý trí và tình cảm, vừa có cái đẹp hài hòa giữa cá nhân và gia đình, giữa việc tư và việc công.
         Về nhạc tính, đoạn thơ này có nhiều cung bậc khác nhau. Khi thì hùng tráng sôi nổi, lôi cuốn với những từ ngữ (kể cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa) mạnh bạo, hình ảnh oai hùng, nhịp điệu rắn rỏi; khi thì nhẹ nhàng tha thiết với những từ ngũ biểu cảm, những hình ảnh trữ tình, nhịp điệu kéo dài (Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng; E dè sóng gió/hãi hùng cỏ hoa).
        Tất cả những điểm nêu trên đã tạo nên giá trị của đoạn văn và nói lên sự sắc sảo trong nghệ thuật viết tiểu thuyết bằng thơ của Nguyễn Du.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.