Tiếng Đàn Tái Ngộ (cc. 3191-3216) Lê Hữu Mục

                      Tiếng Đàn Tái Ngộ

                                               Tiếng Đàn Tái Ngộ
                                                              (cc. 3191-3216)
    
                                                                Lê Hữu Mục



    Bố cục: 3 phần (3191-3216)

    1- Nhập đề (3191-3196):
    Kim Trọng gặp lại Thúy Kiều sau 15 năm xa cách. Sau khi trò chuyện dã dề, chàng ngỏ ý muốn nghe lại tiếng đàn của Thúy Kiều. Thúy Kiều thú nhận ảnh hưởng tai hại của tiếng đàn đối với cuộc đời nàng, nhưng đối với Kim Trọng, nàng không thể không đàn cho chàng nghe dù chỉ là lần cuối cùng.

    2- Thân bài (3197-3214): 2 phần
.    a- Tiếng đàn vui (3197-3206).
    Kiều bắt đầu gẩy đàn. Ngón tay nàng khi thì thoăn thoắt bấm vào phím đàn, khi thì chậm lại, nhưng lúc nào cũng nhịp nhàng và êm nhẹ. Tiếng tơ vang dội trong gian phòng, âm thanh lên xuống như khói trầm đang bay lên. Bài nhạc được chia làm 2 đoạn.
    Đoạn 1 (3199-3200) mô tả mùa xuân, ánh dương chan chứa trong không gian. Trời đất đắm chìm trong một nhiệt độ cao hơn mức trung bình. Ai cũng cảm thấy dễ chịu và muốn sít lại gần nhau để sống một cách thân mật. Khúc đâu đầm ấm dương hòa: dương hòa là không khí ấm áp của mùa xuân, là nắng xuân trải rộng trên các màu hoa vừa hé nụ; đầm ấm nghĩa đầu tiên là nói về số đông nào đó tập trung vào một địa điểm để làm tăng nồng độ của địa điểm ấy, như nói: ấm cây, ấm cành, ấm chỗ. Do đó, đầm ấm là một từ diễn tả một đời sống chung của một số đông người, có tính tập thể cao và có nhiệt tình muốn tăng trưởng quan hệ gần gũi yêu thương nhau. Bài nhạc của Thúy Kiều thiết tha nhấn mạnh về điểm này, tuồng như nàng muốn kêu gọi mọi người hãy sống thân thiết với nhau, đừng phân biệt tôi với anh nữa, đừng chia cách chủ thể với khách thể nữa mà hãy đoàn kết với nhau để đồng hóa thành nhất thể, thành một. Thúy Kiều nhắc lại chuyện hồ điệp và Trang Chu trong sách Trang Tử, thiên Tề Vật Luận để chủ trương rằng không nên phân biệt hồ điệp với Trang Sinh chỉ vì hồ điệp và Trang Sinh là một. Chuyện Trang Chu chiêm bao thấy mình hóa thành bươm bướm. Khi tỉnh dậy, thấy làm ngờ, không biết mình là bươm bướm hay Trang Chu, được Kiều trân trọng dựng thành một nhạc đề chủ yếu trong bài nhạc của nàng. Mục đích rõ ràng là ca tụng tình yêu đã được tâm linh hóa thành tình nhân loại.
    Chủ đề này được khai triển đầy đủ hơn ở đoạn 2 (3201-3206) sau: Khúc đâu êm ái xuân tình: xuân tình là tình của mùa xuân, tức là tình yêu của tuổi trẻ. Đối với Lý Thương Ẩn, tác giả bài thơ Cẩm Sắt, xuân tình là mối tình đầu của ông, mối tình đã không thành và đã làm cho ông đau khổ suốt đời. Nguyễn Du đã dùng nhóm từ êm ái xuân tình để cho người đọc hiểu rằng, đối với mối tình đầu của Thúy Kiều, nàng đã giải quyết xong. Từ êm ái là một thuật ngữ âm nhạc chỉ một cường độ đã gần triệt tiêu nhưng vẫn nghe rõ.  Mối tình đầu của Thúy Kiều trở thành êm ái vì nàng đã tìm ra được một giải pháp cực kì tuyệt vời để quyết định cho đời nàng một hướng đi lên. Chuyện Thục Đế và đỗ quyên được ghi lại rất đúng chỗ để nhắc nhở rằng hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên tuy hai mà là một. Vậy, chỉ ngồi đó mà tiếc xuân thì không bao giờ gỡ mối tơ lòng cho xong mà chỉ gặp toàn đau khổ. Tiếng nhạc êm ái như dung hòa mọi đối nghịch. Mọi mâu thuẫn của đời người phải dẹp đi, và cái còn lại là một xuân tình êm ái, một mối tình hòa hợp êm đềm. Trước kia, khi chưa có kinh nghiệm về đời sống, Thúy Kiều đã để lòng rung động trước tình yêu, nhưng đó chỉ là một thứ tình cá nhân ích kỉ. Tuy hướng về người khác thật đấy, nhưng chỉ là thực sự hướng về mình, để thỏa mãn những nhu cầu tình cảm của mình. Cũng vì thế mà trong bài nhạc đầu tiên đánh cho Kim Trọng nghe, Thúy Kiều chỉ nói đến chiến trường, đến tiếng sắt tiếng vàng chen nhau, đến chuyện oán sầu và bên cạnh những tiếng trong trẻo, còn đầy rẫy những tiếng đục. Bây giờ thì khác hẳn. Trong sao châu nhỏ doành quyên. Doành quyên là dòng nước trải ra như lụa, một dòng nước êm đềm lững lờ trôi cùng năm tháng, dưới ánh trăng thanh. Châu nhỏ doành quyên là hạt châu như những giọt nước mắt nhỏ xuống mặt sông đầy ánh trăng rực rỡ. Đây là một hình ảnh cho ta thấy vẻ trong sáng của tiếng đàn. Ta không cần nghe nhạc nữa, ta thấy những hình ảnh mà tiếng nhạc gợi ra. Đó là nói về thính giác và thị giác. Tiếng đàn còn được mô tả bằng xúc giác: Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông. Lam Điền là núi Lam Điền ở Huyện Lam Điền, Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Khí hậu ở Lam Điền rất ôn hòa cho nên rất phù hợp với việc sản sinh ngọc quý. Sức nóng vừa phải của nắng trời làm cho ngọc dễ đông, tỏa ra một nhiệt độ trung bình rất dễ chịu. Đó gọi là ấm. Tiếng đàn ấm là tiếng đàn có độ cao vừa phải, không cao quá nghe chói tai, không thấp quá mà tiếng nhạc dễ bị chìm, tiếng rung đều dễ gây một cảm giác não nùng, nghĩa là êm ái dễ nghe và dễ làm xúc động. Xôn xao là tiếng đông người làm ồn ào, nhộn nhịp, cùng phát biểu một lúc và dễ gây huyên náo rộn lên từ nhiều phía và xen lẫn vào nhau. Tiếng đàn não nùng xôn xao là tiếng đàn hay, vui, chinh phục được người nghe và dễ làm cho người nghe tán thưởng, không làm cho lòng mình bị dột và lòng người nao nao như tiếng đàn của Kiều 15 năm về trước.
    b- Cảm tưởng của Kim Trọng và quyết định của Thúy Kiều (3207-3214).
    Tiếng đàn vừa chấm dứt, Kim Trọng là người đầu tiên ngạc nhiên về sự biến đổi của cung nhạc “Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy”. Cũng một bản nhạc do Thúy Kiều soạn, Kim Trọng biết chắc như thế, nhưng chàng không thể hiểu được lý do của sự biến cung, đang từ cung nam ai oán sầu thảm trở thành cung bắc êm ả vui vầy. Tại sao? Vì tình cảm vui buồn xuất phát từ tâm hồn mình hay tại vì cảnh khổ đã chấm dứt nhường chân cho hạnh phúc? Tại cái tính chủ quan của mình hay vì những nguyên nhân khách quan? Thúy Kiều cho biết lý do của sự chuyển cung: Trước kia nàng đã quá tự phụ về tài năng cá nhân của nàng cho nên nàng đã khổ và đã gặp nhiều hoạn nạn: Vì chút nghề chơi, Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu. Đoạn trường, nỗi buồn đứt ruột ấy xuất phát từ những động lực cá nhân. Bị tỏa chiết trong cái khung cá nhân hẹp hòi ấy, con người tự cắt đứt mình với mọi liên hệ xã hội, và kết cục là “chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi”. Như vậy, muốn tránh khỏi những di hại của cảnh sống đoạn trường, ta phải làm ngược lại với những cách thường làm là: một phen tri kỉ cùng nhau. Đẹp làm sao chữ tri kỉ, tức là người hiểu biết lòng mình, là người bạn tâm tình cùng chí hướng. Đẹp làm sao hai chữ cùng nhau, hai người hòa hợp như một, hòa lẫn với nhau thành một đơn vị tâm linh mà định mệnh dù khắt khe đến đâu cũng không chia cắt nổi. Với điều kiện này, tiếng đàn bạc mệnh không còn lý do tồn tại nữa. Cuốn dây là tháo dây đàn ra, thu gói lại và chừa, tức là bỏ hẳn không bao giờ chơi đàn nữa.
    Trước kia, có lần Thúy Kiều đã gọi Kim Trọng là tri âm: Đã cam tệ với tri âm bấy chầy (TK, c. 386). Hình như từ tri âm đến tri kỉ, Thúy Kiều còn phải trải qua nhiều chặng đường nữa, và nàng chỉ yên nghỉ khi phát hiện được người tri kỉ của đời nàng, người cùng với nàng cùng hướng về một lí tưởng.
    3- Kết luận (3215-3216).
    Câu chuyện còn kéo dài, chưa nói được gì mà đã hết đêm. Chuyện trò chưa cạn tóc tơ. Thế mà: Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông. Đây là lời Nguyễn Du nói, chứ thực ra, cái thông điệp mà Thúy Kiều muốn gửi cho người đọc đã thành tựu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.