Đòn Ghen Họ Hoạn (cc.1801-1872) Phạm Thị Nhung

 
                                         Đòn Ghen Họ Hoạn
                                                                           (cc.1801-1872)                      
                                                                          Phạm Thị Nhung                        

                  
     Xuất Xứ          
             Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích, vì muốn mau chóng thoát khỏi nanh vuốt của Tú Bà nên đã nhẹ dạ nghe lời quyến rũ của Sở Khanh, theo hắn đi trốn.Bị rơi vào bẫy củaTú Bà, Kiều trở thành gái lầu xanh. Với tài sắc khuynh thành, Kiều được nhiều khách làng chơi ái mộ, trong đó có Thúc Sinh. Thúc Sinh người Huyện Vô Tích, theo cha buôn bán ở Lâm Truy. Vì mê Kiều, Thúc vung tiền cho mụ Tú  để được độc chiếm Kiều ; Thúc còn chuộc nàng ra khỏi thanh lâu và lấy làm thiếp.
          Hoạn Thư, vợ cả Thúc biết tin, cả ghen, sai Khuyển Ưng  bắt cóc Kiều về để chờ cơ hội trả thù.

          Đại Ý
          Nhân dịp Thúc Sinh về quê, Hoạn Thư cho thực hiện kế hoạch trả thù. Nàng Hoạn  truyền gọi Hoa nô (Kiều) ra lạy chào ông chủ, đoạn bắt  hầu rượu, hầu đàn cho vợ chồng nàng.Thúc Sinh và Kiều ở thế kẹt “ Con ở / Chúa nhà’’, đau khổ mà không dám nhận nhau.

          Bố Cục
          Đoạn thơ trên có thể chia làm 3 phần.
          I. Câu 1801-1804 Trận đòn ghen mở màn:
           Thúc Sinh về, Hoạn Thư cho gọi Hoa nô ra lạy chào.

          II. Câu 1805-1864 Diễn tiến trận đòn ghen:
          a/ 1805-1822 Tâm trạng hoang mang và thái độ nhẫn nhục của Kiều.
          b/ 1823-1828 Tâm trạng hoảng sợ của Thúc Sinh.
          c/ 1829-1864 Hoạn Thư hành hạ Kiều, bắt hầu rượu, hầu đàn để đồng thời làm khổ Thúc Sinh.

          III. Câu 1865-1872 Tâm tư Hoạn Thư-Thúc Sinh-Thúy Kiều sau trận đòn ghen.

          Phân Tích
          I- Câu 1801-1804: Trận đòn ghen mở màn.
           Thúc Sinh vừa từ Lâm Truy về tới nhà, Hoạn Thư đon đả ra tận cửa đón chào rất ân cần và vui vẻ (dã dề). Sau khi vợ chồng hỏi han, tâm sự mọi chuyện đã xong, trên “nhà hương”, chỉ nhà khách, nơi thường đốt trầm hương mỗi khi tiếp khách quý, bức màn lụa hàng ngày vẫn buông rủ kín mít nay được cuốn cao để đón mừng ông chủ hồi gia. Hoạn Thư truyền gọi Hoa nô ra lạy mừng.

          II -Câu 1805-1864
          a/ Tâm trạng hoang mang và thái độ im lặng chịu đựng của Kiều. (1805-1822)
          Mới nhìn từ xa, Kiều đã nhận ra ngay ông chủ là Thúc Sinh. Bước chân nàng tự nhiên khựng lại, rồi mỗi bước mỗi dừng. Kiều không bàng hoàng sao được vì sự việc xảy ra bất ngờ quá, thật ngoài sức tưởng tượng của nàng, đến nỗi nàng lấy làm ngờ về thị giác của mình. Nhưng không, ở đây làm gì có “nắng quáng, đèn lòa”  (nắng chói quá, đèn sáng quá làm thị giác rối loạn) mà bảo nhìn không rõ. Sự thật đã rành rành. Người ngồi đó chính là Thúc Sinh, chồng nàng. Kiều hiểu ra ngay là nàng đã mắc vào mưu kế của Hoạn Thư rồi. Kiều nghĩ mà ghê cho người đàn bà quái ác này. Nàng ta đánh ghen bằng thủ đoạn tách biệt danh phận “con ở”/ “chúa nhà” để chia lìa đôi lứa. Nàng ta bề ngoài thì “thơn thớt nói cười”, là nói cười giả lả như cách ăn ở dễ dãi lắm, nhưng trong lòng thì “nham hiểm”, âm thầm mưu kế thâm độc để hại người, theo lối giết người không dao. Bây giờ, Kiều và Thúc Sinh một đàng là con hầu hèn mọn, ai cũng có quyền sai khiến, mắng chửi, đánh đập; một đằng là ông chủ quyền thế cao sang (con rể quan Lại Bộ Thượng Thư, chúa nhà). Như thế, hai người nay đã ở hai giai cấp cách biệt quá rồi, một trời cao, một đất thấp rồi ; Kiều làm sao còn dám mở lời nhận chàng?
          Lí trí dẫu biết thế, song còn tình cảm thì sao? Khi Kiều càng tiến lại gần, càng tỏ mặt Thúc Sinh bao nhiêu, nàng càng ngơ ngẩn như kẻ mất hồn bấy nhiêu. Vì vợ chồng nàng đang thương yêu nhau mặn nòng là thế, rồi hoạn nạn xẩy đến với nàng là thế, nàng mong mỏi tin ai là thế mà giờ đây giáp mặt, nàng phải nín câm, không được cùng ai một lời than thở ! Lòng Kiều “Ruột tằm đòi đoạn, như tơ rối bời” là ruột nàng rối như tơ tằm và đau đớn như đứt ra làm nhiều đoạn.
             Thế rồi, vì sợ uy thế Hoạn Thư, Kiều phải vâng lời, tiến lên cúi đầu lạy chào Thúc Sinh. Đoạn, Kiều đứng nép mình dưới sân mai, đầu cúi xuống trong một dáng điệu chịu đựng, nhẫn nhục:
                                            “Sợ uy, dám chẳng vâng lời
              Cúi đầu, nép xuống sân mai, một chiều”.
          b/ Tâm trạng hoảng sợ của  Thúc Sinh khi nhận ra Kiều. (1823-1828).  
          Còn Thúc Sinh khi nhận ra Kiều, chàng xiết nỗi kinh hoàng (phách lạc, hồn xiêu). Thấy Kiều trong cảnh tôi đòi lam lũ,  chàng chợt hiểu ra là mình đã mắc vào bẫy của người vợ nham hiểm.
                    Cũng vì quá sợ vợ,  Thúc Sinh đã trót giấu giếm chuyện có thiếp nên nay không giám hở môi nhận Kiều. Nhưng vì quá thương Kiều, chàng đã không nén nổi xúc cảm, tiếng khóc nhỏ “sụt sùi” muốn giấu cứ bật ra, cùng với những giọt nước mắt tuôn tràn :
                                                     Sợ quen dám hở ra lời
                                                     Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.       
          c/ Hoạn Thư hành hạ Kiều. (1829-1864)  
          Hoạn Thư từ nãy đến giờ vẫn ngầm theo dõi hai con mồi, nay vừa thấy Thúc Sinh khóc, nàng liền tấn công bằng cách tra hỏi chàng xem mới về có chuyện gì mà mặt mày xúc động như thế? (động dong).
           Thúc Sinh vội nói dối liều là “hiếu phục vừa xong”, “suy lòng Trắc Dĩ, đau lòng chung thiên”. Hiếu phục là quần áo để tang ; Trắc Dĩ, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về lòng nhớ mẹ; chung thiên là hết ngày trời (cho). Ý Thúc Sinh  muốn nói tang mẹ vừa hết, chàng còn thương nhớ mẹ suốt đời. Hoạn Thư hẳn đã cười thầm trong bụng vì biết tim đen của Thúc là xót Kiều mà khóc, nhưng chàng đã nói dối thế, Hoạn Thư cũng vờ tin theo, và còn sốt sắng khen chàng đáng bậc “  hiếu tử đã nên’’ ! Rồi vịn cớ  Thúc Sinh buồn, nàng Hoạn  cho mở tiệc rượu tẩy trần để chàng khuây khỏa. Tẩy trần là rửa bụi bặm,tiệc rượu tẩy trần thường được tổ chức cho khách đi xa mới về để quên mệt nhọc.
          Tiệc rượu chính là dịp để Hoạn Thư hành hạ Kiều trước mặt Thúc Sinh, cho chàng phải khổ sở, đau đớn. Quả vậy, trong khi Hoạn Thư và Thúc Sinh mời nhau uống rượu “chén tạc, chén thù”, chén tạc là chén mời, chén thù là chén mời trả lại. Hoạn Thư bắt Kiều phải đứng trực hai bên, hai tay cầm bình rượu (trì hồ) để rót rượu hầu. Rồi “bắt khoan bắt nhặt đến lời” là bắt bẻ chấp nhất Kiều từng li từng tí. Nàng Hoạn còn bắt Kiều quỳ trước mặt và dâng chén rượu mời tận tay Thúc Sinh .
           Chàng Thúc thấy Kiều bị Hoạn Thư đày ải nhục nhã như thế, thương quá. Chàng như ngây, như dại “giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi”. Chén đầy chén vơi là Kiều đưa chén đầy thì Thúc cạn chén đầy, Kiều đưa chén vơi thì Thúc cạn chén vơi. Chàng uống theo phản ứng chứ không còn ý thức gì nữa. “Ngoảnh đi, chợt nói chợt cười”, là   Thúc Sinh cố ý ngó đi nơi khác vì không nỡ nhìn thấy Kiều bị hành hạ. Chàng cười nói bất chợt, thiếu mạch lạc tự nhiên khi đối đáp lại Hoạn Thư.
           Thúc Sinh muốn giải cứu cho Kiều nên “cáo say” để lấy cớ rút lui, nhưng Hoạn Thư nào đã chịu buông tha. Nàng lớn tiếng ra lệnh cho Hoa nô phải khuyên chàng Thúc cạn chén, bằng không xong sẽ bị đánh đòn. Thúc Sinh hoảng hồn nốc thẳng một hơi ráo chén. Chàng nuốt luôn bao nỗi cay đắng vào lòng, khác nào phải ngậm quả bồ hòn mà uống.
         Chương trình trả thù của Hoạn Thư còn dài. Hai nạn nhân còn phải điêu đứng với nàng hơn nữa kia. Bởi thế, Hoạn Thư vờ
“ cười nói tỉnh say’’ cho ra vẻ tự nhiên. Nàng khen Hoa nô đủ mọi tài và đề nghị Hoa nô dạo chơi một bản đàn để Thúc Sinh nghe thử.
    Kiều nghe Hoạn Thư xuống lệnh bắt nàng đàn thì nàng sợ quá. Tâm thần bấn loạn đến mê mẩn, vì đánh đàn thì nàng sẽ không thể giấu được tình cảm đau buồn của nàng nữa rồi. Dẫu sao, nàng cũng phải vâng lời Hoạn Thư ra trước tấm bình phong căng tơ mỏng, bắt đầu vặn đàn, so đây. Kiều đánh đàn, bốn dây tơ vang lên những tiếng sầu thảm, nghe “như khóc”, “như than”. Thúc Sinh ngồi trên bàn tiệc thấy đau xót quá, chàng tưởng chừng lòng mình rã rời tan nát.
          Thế là cùng nghe một “ tiếng tơ đồng”. Tơ là dây đàn, đồng là gỗ ngô đồng làm thân đàn ; tiếng tơ đồng là tiếng đàn. Hoạn Thư (người ngoại cuộc) mỉm cười thích thú, vì thấy hai nạn nhân đều đã phải đau khổ trước trận đòn ghen trả thù của nàng ; còn Thúc Sinh (người trong cuộc) âm thầm khóc ở trong lòng vì sợ Hoạn Thư hay biết :
                                             Cùng trong một tiếng tơ đồng
              Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
           Thúc Sinh tuy đã có ý che giấu tình cảm đau buồn của chàng, nhưng dòng lệ cảm cứ tuôn rơi; chàng phải cúi đầu thầm lau nước mắt:
                                                     Giọt châu lã chã khôn cầm
                                                     Cúi đầu chàng những bạt ngầm giọt sương.
           Cử chỉ này của chàng Thúc  đâu có qua khỏi đôi mắt xoi mói của Hoạn Thư. Nàng ta vịn ngay vào đó để lấy cớ mắng Kiều, đổ tội cho Kiều gẩy chi “khúc đoạn trường” cho chàng Thúc phải buồn.
           Thúc Sinh chỉ muốn giúp Kiều đỡ khổ, ngờ đâu chính chàng lại là nguyên nhân gây thêm khổ lụy cho Kiều khiến chàng càng rầu rĩ, thống thiết. Tuy vậy, Thúc phải vội vàng cố làm ra vẻ tự nhiên “gượng nói, gượng cười”với Hoạn Thư cho qua lúc này.

          III – Câu 1865-1872
          Tâm tư Hoạn Thư-Thúc Sinh-Thúy Kiều sau trận đòn ghen.
          “Giọt rồng canh đã điểm ba”. Giọt rồng là giọt nước ở chiếc đồng hồ có chạm hình rồng, nhỏ xuống đều đều để đánh dấu thời gian. Canh đã điểm ba: một đêm dài chia làm năm canh. Nay giọt nước đồng hồ đã điểm canh ba. Ở đây, muốn nói tiệc rượu đã kéo dài đến nửa đêm. Hoạn Thư nhìn mặt Thúc Sinh và Kiều (thấy quá thiểu não) nên đã thỏa lòng (cam tâm).
              Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm
              Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.
          Nàng Hoạn “tấp tểnh mừng thầm” là hí hửng mừng rỡ trong lòng vì không ngờ cuộc trả thù của nàng đã thành công mĩ mãn. Cái vui ngày hôm nay khi thấy hai nạn nhân phải khốn khổ vì nàng, đủ để bù lại nỗi đau ngấm ngầm mà nàng phải chịu đựng bấy lâu.
              Sinh thì gan héo, ruột đầy
              Nỗi lòng càng nghĩ, càng cay đắng lòng.
           Thúc Sinh thì gan héo hon, ruột đầy lên vì uất ức. Càng nghĩ, chàng càng cảm thấy “cay đắng” trong lòng.
              “Người vào chung gối loan phòng
              Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài”.
          Trong khi Hoạn Thư và Thúc Sinh vào phòng loan (Loan là chim phượng mái, phòng loan ám chỉ phòng đàn bà) chung hưởng hạnh phúc gối chăn (hạnh phúc lứa đôi), nàng Kiều một mình tựa bóng đèn khuya mà thấm thía cho thân phận hẩm hiu của mình.

          Phê Bình
          Đây là đoạn thơ nói về một cuộc đánh ghen thâm độc, khác thường của Hoạn Thư, người vợ cả, con nhà quyền thế, bản chất khôn ngoan, sắc sảo, nham hiểm, mà hai nạn nhân của nàng là Thúc Sinh, người chồng hèn yếu, nhu nhược và Thúy Kiều, người vợ lẽ thân cô thế cô.
          Hoạn Thư vợ cả của Thúc Sinh, sống ở quê nhà (Vô Tích). Nàng đã nghe lắm lời đồn đãi về chồng nàng (ở xa) đã cưới vợ nhỏ. Vậy mà cả năm rồi chàng không có tin tức cho nàng, bảo sao nàng không ghen tuôn, hờn giận?
          Hoạn Thư hẳn đã có cái mặc cảm tự tôn đối với chồng nàng về địa vị gia thế của mình. Nàng là con quan Thượng Thư, trong khi chồng nàng tuy cũng mạch thư hương nhưng chưa đỗ đạt, chưa nên danh phận gì, nay theo cha buôn bán ở Lâm Truy. Vậy mà chàng không biết điều, dám sinh chuyện trai gái, lấy vợ bé, ăn ở  đơn bạc với nàng, bảo sao nàng không căm hận?
          Sống dưới chế độ phụ quyền duy lí của Nho Giáo, Hoạn Thư là người ăn ở theo khuôn phép, tất nàng hơn ai hết đã rõ làm trai có quyền năm thê bảy thiếp, và tính ghen tuông của người đàn bà đã bị liệt kê là một trong bảy tội khiến người chồng có thể bỏ (thất xuất), nên nàng đã tự nhủ lòng:
                Dại chi chẳng giữ lấy nền
                 Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình !
                                                (cc.1541-1542).
             Giá mà Thúc Sinh khôn ngoan (biết nghe lời Kiều), thời gian về thăm nhà, chàng  thú thực cùng vợ, xin lỗi nàng đã trót dại lấy thiếp  không xin phép trước (xưa có lệ, người thiếp chỉ được chính thức công nhận một khi người vợ cả đi hỏi cho chồng) thì nàng cũng rộng lượng mà dung thứ. Đằng này chàng cứ một mực “bưng bít giấu quanh”, bảo sao nàng không uất ức! Vì thế, Hoạn Thư quyết tâm tìm mưu kế thâm độc để trả thù:
              Làm cho nhìn chẳng được nhau
              Làm cho đày đọa, cất đầu chẳng lên.
              Làm cho trông thấy nhãn tiền
              Cho người thăm ván bán thuyền biết tay!
                                                            (cc. 2549-2552)
          Hoạn Thư trong lòng thì “ngứa ghẻ, hờn ghen” sôi sục căm hận, mưu tính thâm độc như thế mà ngoài mặt vẫn một mực “thơn thớt nói cười” như không, khiến cuộc trả thù được giữ bí mật đến phút chót. Thúc Sinh và Kiều đều bị bất ngờ, có muốn trở tay cũng không kịp.
          Để trả thù tình địch và người chồng bội bạc, Hoạn Thư không chỉ dựa vào sự khôn ngoan ranh mãnh, mưu mô tính toán của mình; nàng còn lợi dụng quyền thế của cha, sai gia nô đắc lực đi phả thuốc mê Kiều rồi bắt cóc đem về cho mẹ nàng đánh đập, huấn nhục. Khi Kiều đã chịu ép một bề, chấp nhận, thuần thục trong thân phận tôi đòi, nàng Hoạn mới chờ ngày chồng về thực hiện mưu sâu:
          - Nàng đặt để chồng nàng và tình địch vào hai địa vị cách biệt “chúa n /con ở” khiến đôi bên ở vào thế kẹt, không thể nhận nhau.
          - Nàng không cho tình địch được ở vai ngang hàng với nàng:“ vợ cả/vợ lẽ” trong vấn đề ghen tuông tranh chấp tình yêu của người chồng, mà nàng dìm đối phương xuống tận đất đen trong thân phận tôi đòi, để biến cuộc đánh ghen tàn nhẫn, sâu độc của nàng (làm cho các nạn nhân phải “than hoán tê mê”, phải “nát ruột tan hồn”, phải “đau đớn ê chề”... nghĩa là phải tởn đến già, không còn dám tơ tưởng có ngày sum họp), trở thành một câu chuyện bình thường, có thể xẩy ra trong mọi gia đình quyền qxưa: trong bữa tiệc rượu tẩy trần, vì muốn chiều người chồng mới đi xa về, bà chủ có “hơi” gay gắt với con ở.
        Và Hoạn Thư đã đóng trọn vai trò  này một cách thông minh, linh hoạt, và xuất sắc. Đối với chồng, khi thì đon đả vui vẻ, khi thì săn đón hỏi han, khi thì mát mẻ xỏ xiên, lúc lại ngọt ngào, lúc lại nói cười say tỉnh tự nhiên như không. Nhất là nàng Hoạn đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để hành hạ Kiều, nào bắt hầu rượu, hầu đàn, bắt khoan bắt nhặt, nào thét mắng, nào dọa đánh đòn… Mục đích để đày đọa tình địch, đồng thời làm cho người chồng bội bạc phải điêu đứng khốn khổ. Quả thật, trước cuộc đòn ghen hiểm độc của Hoạn Thư, Thúc Sinh đã phải đắng cay, uất ức. Tất cả cũng chỉ vì bản tính hèn yếu, sợ vợ đến khiếp nhược của họ Thúc mới nên nông nỗi. Chàng nhìn vợ ghen tuông làm tình làm tội người thiếp yêu trước mắt mà đành bó tay. Thúc Sinh chỉ biết phản ứng một cách yếu ớt bằng nước mắt, hay chống đỡ bằng những phản ứng lúng túng, ngây ngô làm trò cười cho vợ chàng và cho thiên hạ.
             Kết quả, Hoạn Thư đã toàn thắng. Nàng hả hê vì cuộc trả thù đã thành công như dự tính. Cả Thúc Sinh và Kiều đều trải những cơn đau đớn ê chề. Kiều chịu lép mọi bề, còn Thúc Sinh tuy rầu rĩ thương xót người thiếp ra mặt nhưng vẫn sợ vợ cả mà không dám lấn lướt nhìn nhận thiếp.
          Đoạn thơ này còn nói lên thái độ của Thúy Kiều trước định mệnh khắc nghiệt. Ở đây, nói đơn giản hơn là thái độ của Kiều trước những đau khổ do trận đòn ghen của họ Hoạn gây ra. Thúy Kiều, ngay khi còn ở  lầu xanh của Tú Bà, thấy Thúc say mê  và muốn cưới nàng làm thiếp. Nàng liền nắm ngay cơ hội ấy để thoát khỏi kiếp gái lầu xanh, chống lại số mệnh. Tuy nhiên, Kiều không khỏi lo xa vì thấy Thúc là người đàn ông thiếu bản lãnh, trung thực nhưng hời hợt, sợ sau này khó trông mong gì ở Thúc khi phải đương đầu với những chuyện khó khăn, nhất là chuyện ghen tuông của vợ cả. (Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng. c.1352). Vì thế, Kiều đã căn dặn Thúc Sinh đủ điều, bắt thề thốt nặng lời (những là khó khăn, sống chết cùng  nhau ) để được yên tâm phần nào. Khi đã là vợ Thúc, Kiều trộm nghe vợ cả Thúc là người đàn bà mẫu mực, đanh thép nên đã lo trước,  khuyên Thúc về thú thực cùng vợ. Phận Kiều có thua thiệt gì nàng cũng chấp thuận, chỉ mong được yên thân (Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi. c.1512). Thúc Sinh vì quá nhu nhược đã không làm nổi việc Kiều giao phó, khiến Hoạn Thư cả giận lẫn cả ghen, việc trả thù tầy trời đã xẩy ra.
          Đứng trước thực tế quá phũ phàng, lúc đầu Kiều cũng có hơi hốt hoảng, lo sợ, và căm giận Hoạn Thư đã nham hiểm hạ độc kế để chia rẽ Thúc Sinh và nàng. Nhưng chỉ vài phút sau, Kiều đã lấy lại được bình tĩnh. Nàng chấp nhận hoàn cảnh và nhẫn nhục chịu đựng tất cả những nỗi bất bình mà Hoạn Thư sẽ giáng xuống đầu nàng. Vì sao thế? Vì nàng đã dự đoán tất cả, và nàng đã chấp nhận giấn thân chống lại mệnh số. Nay biến cố đến, nàng phải có can đảm đương đầu với thử thách, lấy im lặng mà đối phó với hoàn cảnh, cắn răng mà chịu đựng khổ đau.
         Sự im lặng, nhẫn nhục chịu đựng khổ đau như thế không có nghĩa là đầu hàng nhục nhã mà là thái độ khôn ngoan nhất thời để giữ phẩm cách. Thua keo này ta lại bầy keo khác về sau, lo gì! Chính sự đau khổ đã làm cao cả con người. Nhà thơ Alfed de Musset chẳng đã từng nói: “Rien ne nous rend si grands qu'une grande douleur” (không gì làm chúng ta cao cả bằng nỗi thống khổ ).
         Kiều nhờ kinh nghiệm thống khổ trong trận đòn ghen của Hoạn Thư mà biết thông cảm và thương xót tất cả những ai phải sống kiếp chồng chung. Chắc đây phải là một trong những lí do vì sao trong cuộc trả ân báo oán, câu nói của Hoạn Thư khi nhắc lại chuyện cũ:
             Rằng:  “tôi chút phận đàn bà
             Ghen tuông, thì cũng người ta thường tình”.
                                                               (cc.2365-2366).
                      “ Lòng riêng, riêng những kính yêu
                   Nhưng :Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”.
                                                      (cc. 2360-2370)
đã khiến Kiều thông cảm mà tha bổng Hoạn Thư. Sau này, khi được tái hồi Kim Trọng, Kiều nhất định yêu cầu Kim đổi tình “cầm sắt” ra “cầm cờ” để tránh cho nàng và Thúy Vân, em gái nàng kiếp chồng chung.
          Vấn đề vợ cả, vợ lẽ là một thảm trạng gia đình trong xã hội phong kiến xưa. Ca dao, tiếng nói dân gian đã từng cảnh giác:
             Đói lòng ăn nắm lá sung
             Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
         Cùng thời Nguyễn Du, Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương, nạn nhân của kiếp chồng chung, cũng đã lên tiếng đả kích gay gắt:
                               Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
              Kẻ đắp chân bông, kẻ lạnh lùng!
          Trong Đ.T.T.T., Nguyễn Du cũng muốn qua vai Hoạn Thư, nói lên nỗi hờn ghen khổ sở của người vợ cả bị chồng mê vợ bé, bội bạc. Qua vai Kiều, nói lên nổi thống khổ của người vợ bé bị trả thù, bị đày đọa trong cảnh ghen tuông khủng khiếp của người vợ cả. Ngay đến vai Thúc Sinh, Nguyễn Du cũng muốn nêu gương dở khóc dở cười của một anh chồng, nạn nhân của cảnh ghen tuông.
          Như thế, phải chăng Nguyễn Du có ý, qua Đ.T.T.T., đả kích chế độ đa thê để giải phóng cho người phụ nữ thoát khỏi kiếp sống đọa đày (từ vật chất đến tinh thần) trong cảnh chồng chung?

         Về hình thức, đoạn thơ “Đòn Ghen Họ Hoạn” có khá nhiều đặc điểm riêng, vì đây là một cảnh ngộ bi hài kịch nên Nguyễn Du đã sử dụng văn kịch với nhiều câu đối thoại trực tiếp và độc thoại (tiếng nói nội tâm) cho được linh động và tự nhiên. Cả ba nhân vật Hoạn Thư, Thúc Sinh và Thúy Kiều ở dây, để thích nghi với hoàn cảnh, họ đều phải đóng kịch. Bởi vậy, họ nói, họ làm những điều gì không thực lòng họ nghĩ. Cái hay của Nguyễn Du là ông chỉ đưa ra một vài từ ngữ gợi tả lối nói, giọng nói, cách nói, lời nói, cử chỉ động tác... của nhân vật là địa vị, tính tình, tâm trạng của nhân vật tự bộc lộ ra hết một cách tài tình, linh động.
          * Như về Hoạn Thư, lời đối thoại giữa Hoạn Thư với Thúc Sinh:
               - Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
              Mới về có việc chi mà động dong?
             - Khen rằng - Hiếu tử đã nên.
          Rõ là một người đàn bà có mặc cảm tự tôn đối với chồng qua lời nói trịch thượng “hỏi tra”, “khen rằng”.
          Hoạn Thư còn biết rõ chồng xúc động vì thương gái mà nói dối là nhớ mẹ. Vậy mà nàng cứ khen “Hiếu tử đã nên!”, rõ là khen giả dối, xỏ xiên.
          Lời đối thoại giữa Hoạn Thư với Kiều:
               - Tiểu thư lại thét “con Hoa
                Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.
                  - Tiểu thư lại thét lấy nàng:
              Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi?
              Sao chẳng biết ý tứ gì
              Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi.
          “Thét”: cao giọng ra lệnh hay mắng mỏ, “Thì ta có đòn”: lời nói thị oai, “con”, “ngươi”: lời gọi kẻ dưới với thái độ khinh thường. Những lời đối thoại trên rõ ra là lời nói của người quyền thế, có thái độ hách dịch và đầy vẻ hằn học.
          Về Kiều, những từ ngữ như “cúi đầu”, “nép xuống”, “một chiều” để tả dáng điệu lom khom, khép nép, lễ độ, và lặng lẽ của Kiều khi lên chào ông chủ nhà. Qua đó, Kiều đã lộ ra thân phận thấp hèn trong xã hội, cùng tâm trạng u sầu và thái độ cam chịu, nhẫn nhục của nàng lúc này.
    * Về Thúc Sinh, những từ ngữ chỉ dáng điệu ngây ngô khờ khạo: “như dại/như ngây”, hay những cử chỉ lúng túng, bất chợt, thiếu tự nhiên của Thúc Sinh như : “ Giọt dài/giọt ngắn”,“ chén đầy/chén vơi”,“ chợt nói/chợt cười”, “gượng cười...” tự chúng đã tố cáo tâm trạng bối rối, hốt hoảng, đau khổ của Thúc khi thấy Kiều, người thiếp yêu, bị vợ cả hành hạ mà chàng phải bó tay.
          Như thế, đủ thấy trong văn kịch không chỉ có tiếng nói nội tâm qua độc thoại cho ta biết ý nghĩ thực, tình cảm thực của nhân vật mà còn qua cách nói, lối nói, ngôn ngữ sử dụng cùng dáng điệu, động tác của nhân vật cũng đã tự bộc lộ địa vị, tâm tính, và cảm nghĩ bên trong của họ. Điều này chứng tỏ những cử chỉ, động tác, dáng điệu nhân vật không chỉ phản ứng một cách máy móc đơn thuần theo tình huống bên ngoài mà còn chịu tác động bởi đời sống nội tâm của nhân vật nữa. Nhân vật trong kịch là cả một thế giới phức tạp, đầy mâu thuẫn. Nhờ thế, nó cũng đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn.
          Về từ ngữ đoạn thơ này có nhiều từ ngữ được dùng một cách sắc sảo như “than hoán tê mê”, nói lên tâm trạng hoảng sợ đến bấn loạn, đến mê mẩn tâm thần của Kiều khi nghe Hoạn Thư ra lệnh cho nàng đánh đàn. Tại sao vậy? Vì Kiều đứng trước đòn ghen của Hoạn Thư đã chọn cho mình một thái độ im lặng, đương đầu với thử thách, có đau khổ thì cắn răng mà chịu đựng. Bởi vậy, trong suốt cuộc hầu rượu, Hoạn Thư bắt tình bắt tội thế nào, Kiều vẫn lặng lẽ vâng lời không để rơi một giọt lệ, không tỏ một cử chỉ bối rối, khác hẳn vẻ lúng túng, hoảng hốt đau khổ ra mặt của Thúc Sinh. Nhưng bắt Kiều đàn, thì nàng sợ quá, vì Kiều là người hiểu hơn ai hết,  đánh đàn là động đến mối thương tâm của nàng, nhắc nàng đến số kiếp đoạn trường; vì tiếng đàn là tiếng lòng, đánh đàn là tự phơi bày, tự tố cáo lòng  mình cho người ngoài biết. Đó là điều Kiều hết sức muốn tránh trong lúc này, nhưng Hoạn Thư đã bắt thì nàng phải vâng lời (đóng cho trọn vai trò con hầu của nàng ).
          Quả như rằng khi Kiều đàn, bao nỗi bi thương, thống hận cho kiếp đoạn trường giờ đây theo những ngón tay buông bắt của nàng trên bốn dây tơ đã thoát ra thành những tiếng ai oán, nghe“ như khóc”,“ như than”. Kể từ phút đó, Hoạn Thư mới hoàn toàn thành công. Nàng ta “cười nụ” khoái trá vì  biết rằng trận đòn ghen trả thù này nàng đã đánh gục được cả hai con mồi.
          Lại như từ ngữ “tấp tểnh” đã diễn tả được hết cái tâm trạng mừng vui hí hửng của Hoạn Thư, vì nàng không ngờ cuộc trả thù đã thành công như dự tính. Nàng mừng hí hửng là phải, vì trước khi vào cuộc, nàng hẳn cũng có chút lo ngại, nhỡ Thúc Sinh vì quá yêu Kiều, thương Kiều, thoát ra khỏi cái tính nhu nhược cố hữu, nổi máu anh hùng, đứng lên nhận thiếp, bênh thiếp, Nàng Hoạn tất nhiên phải lúng túng, khó xử!?
           Nói về phép hành văn, ta thấy ở đây, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều phương pháp điệp ngữ như  từ “bắt” được nhắc đi nhắc lại đến 5 lần trong ba câu thơ liên tiếp:
               Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi
               Bắt khoan, bắt nhặt đến lời
               Bắt quỳ tạn mặt, bắt mời tạn tay.
nhờ vậy đã tả được sự cố tình hành hạ tình địch của Hoạn Thư.
          Hai từ “thôi” được đặt liền nhau trong hai câu:
              Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai.
              Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!
có giá trị biểu cảm như những thán từ, diễn tả tâm trạng tuyệt vọng của Kiều và Thúc Sinh khi biết mình đã rơi vào tròng của Hoạn Thư.
          Lại trong những cặp tiểu đối, đặc biệt những tiểu đối có chữ đầu ở hai vế giống nhau, có ý phụ họa nhau như những thí dụ vừa trình bày ở trên. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu tiểu đối khác cũng có lối cấu trúc tương tự như: “ăn làm sao/nói làm sao”, “ càng trong mặt/càng ngẩn ngơ”, “bắt khoan/bắt nhặt”, “bắt quỳ tạn mặt/bắt mời tạn tay”… làm cho tình ý diễn tả thêm mạnh mà còn giúp cho nhạc điệu câu thơ thêm tha thiết.
          Sau hết, ta thấy Nguyễn Du còn dùng nghệ thuật tương phản để làm nổi bật sự khác biệt:
          - Giữa bề ngoài tử tế và mặt trái trong lòng người:
              Bề ngoài thơn thớt nói cười
              Mà trong nham hiểm, giết người không dao.
         - Giữa tâm trạng vui mừng thích thú của Hoạn Thư và tâm trạng buồn khổ âm thầm của  Thúc Sinh khi nghe Kiều đàn:
              Cùng trong một tiếng tơ đồng
              Người ngoài cười nụ/người trong khóc thầm.
          - Giữa tình cảnh sum họp hạnh phúc (?!) của Hoạn Thư với Thúc Sinh và tình cảnh cô đơn buồn tủi của Thúy Kiều sau trận đòn ghen của họ Hoạn:
              Người vào chung gối loan phòng
              Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
          Kết Luận
          Tóm lại, nhờ Nguyễn Du sành tâm lí con người và có một nghệ thuật viết kịch già giặn, tấn bi hài kịch về trận “Đòn Ghen Họ Hoạn” đã được diễn ra một cách linh động, tự nhiên, và đầy sức hấp dẫn.
          Bàn về nghệ thuật viết những đoạn thơ có kịch tính của Nguyễn Du trong Đ.T.T.T, Học Giả Đàm Quang Hậu, trong cuốn Phẩm Chất Hí Kịch Trong Đ.T.T.T (in năm 1965 tại Sàigòn ) đã không ngần ngại cho rằng: Truyện Kiều có những phẩm chất bi kịch cao nhất của hí kịch cổ điển Âu Châu. Sđd, trang 24).                                                                                             

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.