Bối Cảnh Lịch Sử Truyện Kiều - Lê Hữu Mục

Bối Cảnh Lịch Sử Truyện Kiều
Lê Hữu Mục

       Truyện Kiều được Nguyễn Du thai ghén vào những năm 1797 sau khi bị tướng Tây Sơn bắt giam 3 tháng rồi tha về vì liên tài. Về Tiên Điền sau đó, giữa cảnh non sông hùng vĩ của đất Hồng Lam, những biến động về chính trị đã làm cho tâm hồn ông nao nao xúc động. Chắc là nhà thơ của chúng ta đã nhiều lần tự hỏi mình: Tại sao ta lại muốn vào Nam để giúp Nguyễn Ánh? Tại sao ta lại bỏ nhà Lê? Tại sao ta chống nhà Tây Sơn mà tướng Tây Sơn lại cứu ta? Ông nhìn về tương lai mịt mù dặm cát đồi cây. Ông chỉ là một cánh “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”Xã hội của ông, xã hội thời Lê mạt, chìm đắm trong bầu không khí u trầm ngột ngạt. Đó là bối cảnh lịch sử của Truyện Kiều. Ta thử đi vào chi tiết.

       1- Tình Hình Chính Trị.
       Từ đầu thế kỉ XVI, nhất là vào những năm 1509-1527, đất nước của chúng ta cực kì hỗn loạn. Năm 1527, nhà Mạc nghênh ngang vào chiếm Thăng Long, lạnh lùng làm sự thoán đoạt (usurpation), gây ra cảnh bắc Mạc, nam Lê. Nhờ sự phù tá đắc lực của Trịnh Tùng, nhà Lê khôi phục Thăng Long năm 1592, đẩy lui quân nhà Mạc về miền rừng núi ; nhưng từ năm 1599 trở đi, khi các tướng Trịnh được mang tước Vương, nhà Lê bắt đầu suy yếu, để mặc cho vận nước bị thao túng trong tay các chúa Trịnh. Cảnh bắc Trịnh, nam Nguyễn diễn ra tàn khốc; cạnh tranh kịch liệt, thù hận ngất trời, nhất là khi năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, năm 1611 lập Phủ Phú Yên, và năm 1620 đình chỉ việc tuế cống. Năm 1627, bùng nổ một cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn lần đầu tiên, và kéo lài đến cuộc chiến thứ 7 năm 1672. Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân năm 1687, lập ra một chế độ tương đối dễ thở hơn miền Bắc, và bắt đầu thu hút các nhân tài Đàng ngoài, như Đào Duy Từ, vào Đàng trong. Cảnh phát triển đất nước ở Miền Nam đang diễn ra tốt đẹp thì năm 1771, anh em Tây Sơn bắt đầu xuất hiện. Năm 1772 hạ Thành Quy Nhơn, năm 1776 hạ Thành Gia Định. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua ở Quy Nhơn. Năm 1785, chiến thắng của Nguyễn Huệ ở Rạch Gầm, Xoài Mút tạo điều kiện cho ông chiếm Thuận Hóa năm 1786 rồi ra Bắc ào ạt tiến vào Thành Thăng Long. Nghiệp nhà Trịnh sụp đổ, làm sụp đổ ngay sau đó cả một hệ thống tư tưởng khuôn theo những  giáo điều cứng nhắc của Tống Nho lạc hậu. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi ào ào tiến quân ra Bắc năm 1789, dẹp tan quân Thanh trong một trận chiến oai hùng. Sự thăng hà đột ngột của Vua Quang Trung năm 1792 làm băng giá mọi thiện chí, trong khi Nguyễn Ánh phản công dữ dội, giành lại Gia Định năm 1788, hạ Thành Huế năm 1801 và năm 1802, rầm rộ kéo quân vào Thăng Long, thiết lập giang sơn nhà Nguyễn. Mộng thống nhất quốc gia của các nhà chính trị được thực hiện, nhưng sự vinh quang của họ không làm cho đời sống nhân dân sáng sủa hơn mà chỉ có tác dụng bần  cùng hóa mọi tầng lớp xã hội. Bốn phương đã phẳng lặng thực chưa? Tại sao lại có chuyện hai kinh vững vàng? Công đức bình thành có được người dân đội lên đầu không hay chỉ giam hãm họ trong một đời sống tang tóc?

          2. Tình Hình Xã Hội.
          a- Những tác hại của Tống Nho
          Tống Nho đã bị Hồ Quý Li công kích từ thế kỉ XIII.  Nguyễn Trãi cũng nặng lời chỉ trích các Nho sĩ chạy theo Trung Quốc, nhưng cả hai nhà trí thức dân tộc này đã chết, và Tống Nho vẫn tiếp tục được coi là khuôn vàng thước ngọc cho mọi giá trị quốc gia. Nạn thất xuất vẫn tiếp tục đè nặng lên thân phận của người đàn bà, bị coi là một vị thành niên kinh niên. Tuổi trẻ buồn bã thấy mọi quyền tự do của mình bị tỏa chiết. Không ai có quyền xây dựng cho mình một tư tưởng riêng. Chế độ giáo dục và thi cử đễ tạo ra nhà trí thức như Trạng Lợn. Bọn vô học như Sở Khanh tự cho phép mình ứng xử như một Nho sĩ; sinh viên đại học như Mã Giám Sinh chỉ sống được nhờ nghề nghiệp học được của Tú Bà. Ngay những Thạc Nho như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng không có khả năng tiếp thu những phát kiến của tuổi trẻ. Tính bảo thủ già nua của ông đã không giúp ích gì cho Vua Quang Trung mà còn gia tốc sự thất bại của ông vua trẻ tuổi tiến bộ này.

       b- Những tệ lậu của quan lại
       Bị nhồi sọ trong một nền giáo dục ngoại lai, các nhà khoa bảng thời Lê mạt đã triệt tiêu mọi ý thức tự do, dân chủ. Họ suy nghĩ theo những mô hình Trung Hoa đã có tự ngàn xưa. Họ không có một ý niệm gì rõ rệt về hiện tại, về những bước chuyển biến của tư tưởng quần chúng. Vô tình hay hữu ý, họ đã xô đẩy những thanh niên lương thiện vào con đường khổ nhục, phá hoại nặng nề hạnh phúc và nhân phẩm của họ. Họ để cho bọn Sai Nha tự do đi cướp bóc, đi hành hạ làm tiền người dân hiền lành vô tội. Thật là đầu trâu mặt ngựa cả lũ ! Công lí nằm trong tay những ông quan mặt sắt đen sì, xử tội một cách kì quặc, bừa bãi, coi “cửa công, phép công”, những “lập nghiêm”, những “chiếu án luận vào” là những trò hề đùa rỡn! Ông quan to nhất trong Truyện Kiều là Hồ Tôn Hiến, một đại diện chính thức của triều đình, thế mà hắn đã không có đủ khả năng để dẹp giặc bằng quân lực. Hắn chỉ biết lung lạc nhân tâm bằng thế lực của đồng tiền, bằng cái đểu cáng của những mưu mô dối trá! Hắn mua chuộc! Hắn hứa hẹn, rồi hắn nuốt lời hứa một cách không xấu hổ! Thắng chiến tranh bằng sự lừa bịp, man trá. Hắn còn không che giấu được thói hiếu sắc của những kẻ nắm uy quyền của nhà vua  trong tay, rồi để giữ sĩ diện, hắn gán người con gái mà hắn đã công khai cưỡng hiếp cho một người thuộc hạ. Thật là ti tiện! Thật là bỉ ổi! Buồn cho Nguyễn Du là ông đã phải “vào luồn ra cúi” với bọn này tại triều, vì nợ áo xiêm! Gia đình quan lại là hang ổ của mọi hành động xấu xa ti tiện. Ta thử đi vào nhà quan Lại Bộ Thượng Thư họ Hoạn xem sao. Hoạn Bà quản trị một cơ ngơi lộng lẫy nguy nga, kẻ hầu người hạ ra vào tấp nập, hô một tiếng thì hàng trăm tiếng dạ ran. Mụ chễm chệ ngồi trên giường thất bảo, và điều mới là hợm hĩnh một cách vô lối. Ban ngày ban mặt mà mụ vẫn cho thắp sáp hai bên chỗ mụ ngồi! Cái ghê gớm đáng sợ trong gia đình này là có nuôi một bọn côn đồ như Khuyển, Ưng làm tay sai. Khi cần thì ép chúng đi đốt nhà, bắt cóc người lương thiện đem về nhà đánh đập, tra khảo, không thèm đếm xỉa đến pháp luật. Chính quyền địa phương không dám ngó tới đã đành, ngay nhà chùa cũng phải kiêng dè, bọn con buôn cũng phải nể mặt!

       c- Thế Lực của Đồng Tiền.
       Đồng tiền tự nó không phải là xấu, nhưng đã trở thành một khí cụ dơ bẩn trong tay của bọn vô lương tâm. Từ khi công ti thương mại Anh được thiết lập tại Ấn Độ năm 1600, công ti thương mại Hòa Lan tại Phố Hiến năm 1637, hệ thống thương mại Châu Âu phát triển cao tới mức độ thượng đỉnh. Nguyễn Du đã thấy bản chất đổi trắng thay đen của đồng tiền, bản chất tha hóa gớm ghê của nó:
- Trong tay đã sẵn đồng tiền,
     Dầu lòng đổi trắng thay đen, khó gì!
                                                 (cc.689-690).
      - Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong?
                                                 (652)
       - Một ngày lạ thói sai nha?
       Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
                                                 (cc.597-598)
       Ba trăm lạng bạc đã đủ giải quyết ổn thỏa mọi khó khăn của gia đình họ Vương. Sức mạnh của đồng tiền là vạn năng: ông quan, nhà nho sĩ, bọn lầu xanh, tất cả đã bị đồng tiền chi phối nghiệt ngã, trừ Sư Giác Duyên.
       Con người cao quý đã bị đồng tiền biến thành một món hàng. Chính đồng tiền đã xây cất các nhà chứa nhan nhản ở Bắc Kinh, ở Lâm Truy, ở Vô Tích. Có những nhà chứa khổng lồ, gồm có cả những ngôi lầu nguy nga như Lầu Ngưng Bích, được xây dựng trên bờ biển sang trọng. Có những hành viện nhỏ hơn như của Bạc Hạnh, Bạc Bà. Tất cả điều hoạt động công khai như được chính quyền bảo trợ. Việc đi mua người hình như được tự do vì không làm cho ai ngạc nhiên. Kinh doanh mua bán gái điếm thu hút được cả Nho sĩ! Thế lực đồng tiền đã làm đảo lộn mọi giá trị. Người lương thiện bị cưỡng bức vào nơi tội lỗi trong khi những con người tội lỗi lại nói lời đạo đức.

       3- Tình Hình Văn Hóa.
       Những chính sách đối nghịch về chính trị, những mâu thuẫn gay gắt về tư tưởng trong một xã hội đang phân hóa trầm trọng đã ảnh hưởng đến văn hóa. Từ thế kỉ thứ XVII trở đi, sau khi văn học Nho điển cáo chung, các nhà văn nhà thơ bỗng thấy nẩy nở trong đầu óc những suy nghĩ, những nhận định mà các lớp đàn anh của họ không hề biết. Họ muốn giũ sạch mọi tư tưởng vọng ngoại. Họ thích đi sâu vào lòng người Việt Nam, tìm hiểu những vấn đề mà đồng bào của họ đang đặt ra, và họ muốn cùng nhau đưa ra những giải quyết tại chỗ còn nóng hổi. Ta thử xem các nhà văn hóa đã làm được những gì cho xã hội thời Lê mạt.
       a- Chống đối chính sách văn hóa của nhà cầm quyền.
       Ngay từ thế kỉ XVII, chính xác là năm 1663, Trịnh Tạc đã dùng đến sức mạnh để ngăn chặn những đòi hỏi của quần chúng. Ganh tị với người em là Trịnh Toàn, người được quần chúng yêu mến suy tôn là Ông Ninh, Trịnh Tạc đã triệu Trịnh Toàn về kinh đô, bỏ ngục, và hành hạ người em ruột cho đến khi chết. Đó là vào khoảng 1660.
Ngay sau đó, để dập tắt những xì xào bàn tán của dân chúng chung quanh vụ án bất công này, Trịnh Tạc đã ra lệnh cho Tiến Sĩ Phạm Công Trứ soạn thảo sắc lệnh Lê Triều Tứ Thập Thất Điều (47 điều giáo hóa triều Lê), tức 47 giáo điều thắt chặt quần chúng trong một đời sống cổ hủ, lạc hậu như những thế hệ trước. Đặc biệt điều thứ 35 liên hệ trực tiếp đến giới cầm bút. Đây là điều thứ 35 ( do Tiến Sĩ Nhữ Đình Toản dịch ra chữ Nôm năm 1760):
       1       Ngũ kinh chư sử xưa nay,
               Với chư tử tập cùng rày văn chương.
               Dạy bèn có ích đạo thường,
        4      Mới nên san bản, bốn phương thông hành.
               Còn như: Thích, Đạo, Phi kinh,
               Lời tà,mối lạ, tập tành chuyện ngoa.
               Cùng là truyện cũ nôm na,
       8       Hết thơ tập ấy, lại ca khúc này.
               Tiếng dâm dễ khiến người say,
       10     Chớ cho in bán, hại nay thói thuần.
       Chỉ tóm tắt có 10 câu, mà 6 câu là những lời cấm đoán gay gắt.
       Từ 1-4 là nói về Nho Giáo và những tác phẩm được viết trong tinh thần Nho gia. Chỉ có Tứ Thư Ngũ Kinh là những sách có ích cho thế đạo, chỉ có những tác phẩm ấy được khắc in để hành thế. Ta để ý đến những chữ: ích đạo thườngmới nên san bản là những mệnh lệnh gắt gao không thi hành không được. Như vậy, triều đình chỉ biết có Nho Giáo, và mọi công dân phải uốn mình nghe lệnh triều đình, chỉ được học một loại sách duy nhất là Tứ Thư Ngũ Kinh, cùng lắm là những kinh truyện xuất phát từ những tác phẩm ấy. Tất cả được viết bằng chữ Hán tuy là một thứ chữ quốc tế thời đó nhưng vẫn là chữ của Trung Quốc. Ai ngu dốt không biết chữ (ý nói chữ Hán) thì đến những nơi công cộng nghe nhân viên của nhà nước cắt nghĩa cho, dứt khoát không được hiểu Nho Giáo theo những lời giải thích xuyên tạc của bọn nhà văn nhà thơ phản động.
       Bọn phản động này là ai? Câu 5 cho biết đó là bọn Thích tức là các Phật tử, những môn đồ của Đức Phật. Đó là bọn Đạo, tức đạo Lão, bề tôi của Ngọc Hoàng, của bọn vô phu vô phụ. Cuối cùng là bọn Phi kinh, tức là bọn Công Giáo, chạy theo tây phương và chỉ biết có Chúa của chúng nó, còn ngoài ra không biết gì đến tam cương ngũ thường, đến tam tòng tứ đức là khuôn vàng thước ngọc của xã hội. Phạm Công Trứ đã vạch mặt chỉ tên những thành phần của ba tôn giáo lớn nhất hồi đó, và đã phê phán các tôn giáo ấy là dị đoan (lời tà, mối lạ), là mê tín (tập tành chuyện ngoa). Ngoa là một tính từ chỉ một lời nói phóng đại, vượt quá sự thật. Nhà Nho chủ trương chỉ có họ mới là chân lí cho nên các đạo khác đối với họ chỉ là chuyện ngoa, là chuyện thêm thắt ra cho có, không quy chiếu được vào sự thật. Đấy là nói chung. Nói riêng về văn học, nhà nước để ý tới những tác phẩm viết bằng chữ Nôm và nhấn mạnh vào loại tiểu thuyết viết bằng thơ lục bát hay song thất lục bát. Nhà nước phàn nàn rằng loại tiểu thuyết nhảm nhí ấy, viết bằng một thứ chữ qué (nôm na cha mách qué) mà sao lại được phổ biến rộng rãi như thế : Hết thơ ấy, lại ca khúc này. Câu 9 cho ta biết lời giải đáp: Tiếng dâm dễ khiến người say. Có gì đâu? Các truyện Nôm có nhiều người đọc là vì đề cập tới những dâm ô, những chuyện trai gái tiếp xúc với nhau suồng sã như : chúa Ba nói chuyện với chúa Thao (trong Chúa Thao cổ truyện), những cảnh Ngọc Hoa mới thoáng thấy Phạm Tải đã xúc động và yêu tha thiết (x. Phạm Tải Ngọc Hoa), Cô Cúc Hoa vừa gặp Phạm Công đã ốm tương tư lăn lóc (x. Phạm Công Cúc Hoa). Làm như vậy là vi phạm nguyên tắc nam nữ thọ thọ bất thân. Yêu như vậy là yêu tự do bừa bãi, vượt quyền cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Và đó là dâm, theo quan niệm của nhà Nho, không cần phải nói đến những khoái lạc nhục dục, những ham muốn xác thịt quá độ và không chính đáng mới là dâm, mới là xấu xa nhơ nhuốc. Kết luận của nhà cầm quyền là cấm không cho in các loại sách đó: chớ cho in bán vì nó gây nguy hại cho người đọc và cho đạo lí con người: hại nay thói thuần.
       Trước lời cấm đoán vô lí, lạc hậu ấy, các nhà văn trẻ đã phản ứng dữ dội. Dùng danh xưng nôm na làm phương châm, họ đứng lên anh dũng. Họ xuống đường ào ạt, bằng cách tung ra thị trường những tác phẩm nẩy lửa. Cả một phong trào văn học nôm na bùng nổ, đòi chấm dứt phong trào Nho điển già nua, đòi nhà nước ban hành tất cả mọi quyền tự do, quan trọng nhất là quyền tự do, tự do học hành, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do chọn người yêu và quyết định hôn nhân. Người phụ nữ cũng nhập cuộc đòi thực thi quyền bình đẳng với nam giới, quyền được đi học và đi thi. Họ còn đòi hỏi nhà cầm quyền bảo đảm hạnh phúc cá nhân của họ, bảo đảm sự an ninh của họ bất cứ ở đâu, khi đi đường cũng như ở nhà trọ, và để họ có quyền làm tất cả gì mà con trai có thể làm được. Về phía các Nho sĩ trẻ tuổi, họ không có tham vọng làm quân tử nữa, điều ấy giả dối và lạc hậu. Với một giai nhân yêu kiều dập dìu bên cạnh, họ tự xưng là tài tử, vừa có học thức vừa có nhiều tài năng và dám biểu lộ công khai những tài ấy và không sợ nhà cầm quyền đàn áp.

       b- Trong tình thế ấy, Nguyễn Du xuất hiện.
       Ông phải làm gì để một đàng vừa giải quyết được những vấn đề của thời đại ông, vừa trình bày được một phương pháp luận có giá trị lâu dài để đáp ứng những vấn nạn của loài người muôn thuở? Ông đã kịch liệt phản đối những giáo điều cứng nhắc của Nho Giáo, nhưng đồng thời ông cũng đòi hỏi các quyền tự do mà thanh niên yêu cầu phải được giới hạn bởi tinh thần trách nhiệm và phải được đặt trên một nền tảng siêu hình.
Những tư tưởng đó, ông sẽ trình bày trong cuốn Đoạn Trường Tân Thanh mà ông đã mang nặng đẻ đau suốt 15 năm trường, kể từ khi ông được 30 tuổi (trải qua một cuộc bể dâu), đến khi ông hết làm Cai Bạ Quảng Bình, vào Huế nhận chức Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1813.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.