Ba Mối Tình Của Nàng Kiều - Phạm Thị Nhung


Ba Mối Tình Của Nàng Kiều  


Phạm Thị Nhung


I - Trình Bày, Phân Tích Hoàn Cảnh và Sự Diễn Tiến Ba Mối Tình Trong Cuộc Đời Nàng Kiều.
Thúy Kiều là con gái đầu lòng Ông Bà Vương Viên Ngoại, thuộc một gia đình trưởng giả bậc trung. Nàng có một người em gái là ThúyVân và một người em trai là Vương Quan. Cả ba chị em đều xấp xỉ tuổi nhau.
Thúy Kiều có một dung nghi thanh tú, yểu điệu “mai cốt cách”, một khuôn mặt diễm lệ, vừa tươi thắm thanh tao, vừa mặn mà quyến rũ:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
(c.25-26)
Tuy sống trong thời đại phong kiến, bị chi phối bởi nền đạo đức khe khắt của Nho Giáo, Kiều vẫn được hưởng sự giáo dục có phần cởi mở của gia đình. Nàng được theo đòi nghiên bút, hội họa, âm nhạc, và ca ngâm. Nhờ có trí thông minh thiên bẩm, lại thêm tính sắc sảo, Kiều trở thành một thi sĩ tài ba mẫn tiệp và một nhạc sĩ xuất chúng:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trang
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một cung bạc mệnh lại càng não nhân.
(c29-34)
Hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân tuy đã đến tuổi lấy chồng, họ vẫn sống êm đềm dưới gối cha mẹ, trong khung cảnh gia đình nề nếp “trướng rủ, màn che” chưa từng để ý đến một chàng trai nào.
         Rồi một hôm nhân dịp Lễ Tảo Mộ, ba chị em Kiều đi Hội Đạp Thanh. Buổi chiều trên đường về, Kiều đã tận mắt nhìn thấy ngôi mộ hoang phế của Đạm Tiên và được Vương Quan kể cho nghe về cuộc đời vô duyên bạc phận của người ca nhi tài sắc này. Kiều xúc động mãnh liệt, nước mắt lã chã. Kiều làm thơ viếng mộ rồi than khóc. Nàng không chỉ thương xót riêng cho Đạm Tiên mà còn than khóc chung cho số kiếp đàn bà “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (c.84), và đau đớn, lo sợ cho tương lai:
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?
(c109-110)
Giữa lúc chị em Kiều sửa soạn ra về, tiếng nhạc ngựa đâu đây vẳng lại. Chẳng bao lâu, trước mặt Kiều đã hiện ra một trang văn nhân, trông sao mà tuấn tú, hào hoa phong nhã đến thế “Phong tư tài mạo tót vời” (c.151). “Người quốc sắc” và “Kẻ thiên tài” vừa gặp nhau, họ đã bị hấp lực của nhau thu hút mãnh liệt do sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” tạo nên.
Tiếng sét ái tình nổ ra làm cho tâm hồn Kim và Kiều ngây ngất bàng hoàng như mê, như tỉnh. Và rồi vì quá thẹn thùng, e ấp, cả hai đều không dám có một cử chỉ nào biểu lộ, một lời nói nào đổi trao cho nhau:
Người quốc sắc, kể thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê…
(c.163-165)
Cho mãi tới khi Kim Trọng ra về, Kiều mới đưa mắt lưu luyến nhìn theo:
                 Khách đà lên ngựa, người còn nghễ theo (c.168)
Đêm hôm ấy về nhà, Kiều vẫn chưa hết xúc động. Nàng nghĩ đến chàng Kim, bâng khuâng thầm hỏi:
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
(c.181-182)
Những mộng mơ yêu đương vẫn không trấn áp nổi nỗi khắc khoải âu lo cho hậu vận do câu chuyện Đạm Tiên gợi ra, nên khi Kiều vừa chợp mắt ngủ thiếp đi, nàng đã nằm mộng thấy Đạm Tiên báo cho biết nàng có tên trong Sổ Đoạn Trường, đúng như lời người thầy tướng đã quyết đoán ngay từ hồi nàng còn thơ ấu:
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
(c.415-416)
Từ đó, Kiều mới mang nặng hội chứng đoạn trường.
Tuy nhiên, Kiều không phải là một cô gái chỉ biết đa sầu, đa cảm, bi quan yếm thế. Nàng còn có trí thông minh, có tính sắc sảo, liều lĩnh và ý chí phấn đấu mãnh liệt. Nàng luôn luôn vùng vẫy để thoát khỏi số mệnh nghiệt ngã mà giành lấy tự do, hạnh phúc cho đời mình. Khi được tái ngộ cùng Kim Trọng, biết chàng yêu mình chân thành, Kiều đã liều vượt quyền cha mẹ hứa hẹn chuyện trăm năm với chàng, và đã cùng chàng trao khăn, gởi quạt làm tin. Kiều còn khôn ngoan biết nắm cơ hội, tạo hoàn cảnh để xây dựng, nuôi dưỡng cho mối tình của hai người mỗi ngày một thêm gắn bó khăng khít. Nhân dịp bên ngoại có Lễ Sinh Nhật, Kiều kiếm cớ ở nhà một mình để được tự do sang thăm Kim Trọng:
Xắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.
(cc. 391-392)
Hôm ấy, Kiều đã được chiêm ngưỡng nét vẽ già dặn, thần tình của Kim, và đồng thời nàng cũng làm cho Kim phải thán phục về tài “nhả ngọc phun châu” của nàng, khi phóng bút đề thơ trên bức tranh tùng của chàng. Lúc tâm sự với Kim về mặc cảm đoạn trường, Kiều chẳng những được Kim hết sức trấn an mà còn đoan kết sẽ sống thác với tình. Chàng quả quyết: ý chí tuổi trẻ sẽ mạnh hơn định mệnh, và nếu có sự bất trắc gì xảy ra trong tương lai, chàng sẽ bảo vệ lòng thành tín của chàng đến cùng dù phải hy sinh tính mệnh:
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân!”
(cc.420-422)
Kiều sung sướng quá! Tâm hồn lâng lâng như chắp cánh bay lên, và nàng đã cùng người yêu chung hưởng hạnh phúc bên chén rượu nồng “Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng” (c.424)
Buổi chiều trở lại gia trang, dư hương của hạnh phúc tình ái vừa qua còn làm cho Kiều ngây ngất mãi. Vừa hay tin cha mẹ còn dự tiệc chưa thể về ngay, Kiều mừng cuống quýt. Nàng bất chấp bóng đêm đã bao phủ không gian, chân bước thoăn thoắt vượt qua khu vườn khuya vắng lặng, trở sang nhà Kim Trọng để được thố lộ với chàng tình yêu đang sôi nổi, bồng bột trong lòng:
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”
(c.441-442)
         Sau nữa là tâm sự với chàng về nỗi lo lắng cho hạnh phúc cùng ai chẳng được bền lâu:
“Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.
(c.449-452)
Thế rồi Kim Trọng và Kiều đã đi đến quyết định làm lễ thề ước “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” (c. 452). Trên bầu trời đêm ấy, bóng trăng sáng vằng vặc như chứng giám cho tấm lòng chí thiết, chí thành của họ:
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
(c449-452)
Đêm còn dài, đôi tình nhân cũng chưa muốn vội xa nhau. Kiều đã nhận lời thỉnh cầu tha thiết của Kim ở lại đánh đàn cho chàng nghe. Khi bản đàn vừa dứt, dường như Kim Trọng đã bị sóng nhạc, sóng tình lôi cuốn làm cho chàng chuếnh choáng, không tự chủ được nữa “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (c.500). Kiều giật mình tỉnh hồn, nàng vội vàng lên tiếng:
…”Đừng lấy làm chơi
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao…
…..
Ra tuồng trong bộc, trên dâu,
Thì con người ấy, ai cầu làm chi!
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày!
(c.501-522)
để cản ngăn Kim, giúp chàng thoát khỏi cơn sa ngã yếu lòng; và đồng thời Kiều muốn cho Kim hiểu rõ về quan niệm tình yêu đoan chính của mình.
     Kim Trọng tỉnh ngộ. Chính vì Kiều và Kim vượt qua được cơn thử thách này, họ hiểu rõ nhau hơn, nhờ đó tình yêu của họ càng thêm son sắt.
Sau đêm hạnh phúc tuyệt vời đó, nhiều biến cố dồn dập xảy ra: Kim Trọng phải về Liêu Dương thọ tang chú; Vương Ông bị thằng bán tơ vu oan; bọn sai nha ập vào nhà. Chúng một mặt lợi dụng cơ hội vơ vét tiền của, một mặt đánh đập, tra khảo Vương Ông và Vương Quan tàn nhẫn rồi bắt đem đi.
Trước cảnh gia biến đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách, Kiều đành gạt lệ hy sinh mối tình đầu với chàng Kim, chấp nhận bán mình cho Mã Giám Sinh, một khách phương xa, lấy 400 lạng bạc để có tiền lo lót đó đây, cứu cha già em dại khỏi vòng lao lý, và bảo vệ toàn vẹn cho gia đình.
Lúc đầu hăng say với lý tưởng hy sinh, Kiều chẳng quản gì đến thân mình, nhưng nay gia đình đã tạm trở về đời sống bình yên như xưa, đêm hôm trước khi phải về với họ Mã, Kiều mới cảm nhận được hết những nỗi cay đắng cho mối duyên tình giữa nàng với chàng Kim. Kiều đã ngồi khóc suốt đêm. Phận nàng ra sao nàng cũng cam lòng, chỉ thương cho chàng Kim đã vì nàng mà mối tình phải dang dở:


Phận dầu, dầu vậy cũng dầu
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời.
Công trình kể biết mấy mươi
Vì ta khăng khít cho người dở dang.
(c.697-700)
Kiều đã khẩn khoản nhờ Thúy Vân thay nàng lấy Kim Trọng để trả nghĩa cho chàng. Sau khi trao vật làm tin cho em, Kiều đau đớn quá, nàng có cảm tưởng như mình đã chết. Từ đây, hồn oan vất vưởng. Nàng cầu xin sự cảm thông và tha thứ của người yêu:
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
(c.745-748)
Kiều gào khóc thương tiếc cho mối duyên tình ngắn ngủi nhưng “muôn vàn ái ân” của mình, rồi nàng gởi lời lạy tạ Kim Trọng. Sự đau đớn lên đến cực điểm, Kiều đã chết ngất.
Từ đấy, Kiều bắt đầu bước  vào cuộc đời đoạn trường lưu lạc quê người với trăm cay nghìn đắng suốt 15 năm. Suốt 15 năm ấy không một cảnh ngộ nào không gợi cho nàng nhớ nhung đến Kim Trọng.
Khi về trú phường với Mã Giám Sinh, Kiều biết mình rơi vào tay kẻ tiểu nhân. Nàng có ngay cái tâm lý hối tiếc là đã không trao thân cho người yêu từ đêm ấy:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
(c.791-792)
Trên đường theo họ Mã đi Lâm Truy, vừa nhìn thấy trăng tỏ rạng trên nền trời, Kiều chạnh nhớ tới Kim Trọng, tới lời thề nguyền cùng ai mà không khỏi tự thẹn:
Dặm khuya gút tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
(c.915-916)
Theo Mã Giám Sinh về tới Lâm Truy, Kiều mới hay mình bị lừa vào ngôi nhà hành lạc của Tú Bà. Quá đau đớn, nàng đã rút dao liều mình. Tú Bà hoảng hồn, rối rít rước thầy thuốc men rồi lập mưu đưa Kiều ra ở Lầu Ngưng Bích, mụ hứa cho Kiều ở yên đó, chờ tìm được người xứng đáng sẽ gả cho.
Kiều, thân gái bơ vơ, bị giam lỏng lâu ngày trên lầu vắng, bốn bề cảnh giới bát ngát, quạnh hiu khiến tâm trí nàng dường như lúc nào cũng bị căng thẳng. Bao nhiêu nỗi buồn tủi, cô đơn, nhớ nhung, lo lắng cứ thay nhau hiện ra gậm nhấm, đày đọa tinh thần nàng. Nhất là mỗi khi nhớ đến Kim Trọng, Kiều lại cảm thấy đau đớn, day dứt không nguôi, vì giờ này Kim Trọng còn ở Liêu Dương. Chàng vẫn một niềm tin yêu, chờ đợi nàng. Chàng có ngờ đâu nàng đã vì gia biến phải bán mình đi xa. Nàng đã phụ chàng rồi! Dẫu sao Kiều vẫn đoan chắc với lòng là dù hoàn cảnh có đẩy đưa đến thế nào, tình yêu chung thủy của nàng đối với chàng Kim sẽ không bao giờ đổi thay:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
(c.1041-1042)
Lại những khi Kiều nghĩ đến tương lai đầy đe dọa, bất trắc, vì nàng hiện đang sống trong nanh vuốt của Tú Bà, một mụ dầu đanh đá, tráo trở, hiểm độc, có đời nào lại buông tha nàng? Kiều lo sợ quá tưởng đến phát điên, nhưng rồi nàng cố phấn chấn tinh thần để tìm đường thoát thân.
Cũng vì quá nóng lòng muốn rời khỏi Lầu Ngưng Bích, Kiều đã nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của Sở Khanh, theo hắn đi trốn để cuối cùng rơi vào bẫy của Tú Bà. Bắt được quả tang Kiều phá ước, mụ Tú đánh cho Kiều một trận thừa sống thiếu chết, đến nỗi Kiều chỉ vì muốn cầu lấy sự sống mà phải hứa với mụ từ rày xin chừa “tấm lòng trinh bạch”. Bắt đầu từ đấy, Kiều phải sống kiếp gái giang hồ:
Biết bao bướm lả, ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió, cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
(c.1229-1232)
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” (c.1233) là những giờ phút ngoại giới tĩnh lặng nhất. Chỉ có ý thức của Kiều đối diện với thân xác ê chề của nàng, Kiều đau đớn quằn quại và không khỏi cái tâm lý so sánh hiện tại với những ngày sống êm đềm hạnh phúc ở nhà khi xưa, để rồi càng thêm chua xót:
Khi xưa phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió, dạn sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
(c.1235-1238)
Vì thế, Kiều sống trong cuộc vui mà hồn héo hắt, sống giữa cảnh tấp nập mà lòng cô đơn:
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc, mưa mai
Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân.
(c.1247-1250)
Kiều chỉ còn biết đêm đêm hướng vọng về quê hương để gửi niềm thương nhớ đến những người thân. Kiều lại cảm thấy tủi hận biết bao nhiêu, cô độc biết nhường nào, vì giờ đây cha mẹ già ở nhà tuy vẫn nhớ thương Kiều, nhưng là thương nhớ đứa con gái đi lấy chồng xa, chứ không hề thương nhớ một con Kiều làm đĩ ! Còn chàng Kim, thời gian cách xa đã khá lâu, chắc chắn chàng đã trở lại vườn Thúy và hay tin nàng nay đã thuộc về tay người khác “Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay” (c.1262). Thế là tội của nàng, Kim đã biết rồi, chàng có thấu cho tình cảnh của nàng chăng?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
(c.1259-1264)
Dẫu sao, bản án có nặng đến đâu, nạn nhân vẫn cảm thấy được an lòng hơn là lúc chưa được xét xử. Vả lại giờ này, Kiều hy vọng Thúy Vân đã gá nghĩa cùng Kim Trọng:
Tình sâu mong trả nghĩa dày
Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa?
(c.1263-1264)
Còn Kiều, nay đã là gái lầu xanh, đâu còn xứng đáng với chàng? Chính vì Kiều có cái tâm lý và sự suy nghĩ như thế nên kể từ ngày Kiều phải sống ở lầu xanh trở đi, tình cảm của Kiều với Kim Trọng có phần lắng dịu, không còn khắc khoải, day dứt như xưa nữa.
Giữa lúc Kiều đang sống trong tâm trạng buồn tủi cô độc cùng tột thế ấy thì Thúc Sinh xuất hiện.  Vốn người ở Vô Tích, chàng cũng thuộc nòi thư hương nhưng chưa đỗ đạt và đang theo cha mở một ngôi hàng buôn bán ở Lâm Truy. Nghe danh tài sắc Thúy Kiều, Thúc tìm đến. Vừa gặp Kiều, nhan sắc não nùng của nàng đã làm Thúc say đắm ngay:
Trướng tô giáp mặt hoa đào
Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa.
Hải Đường mơn mởn cành tơ
Ngày Xuân càng gió càng mưa, càng nồng.
Nguyệt Hoa, hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
(c.1281-1298)
Thúc quăng tiền ra mua chuộc Tú Bà để được cùng Kiều miệt mài trong cuộc truy hoan:
Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.
Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ hòa đàn.
(c.1295-1298)
Sống ở thanh lâu, giữa những kẻ phàm phu tục tử thì một văn nhân có thi tài và giỏi đàn, kể cũng xứng đáng với tài sắc Thúy Kiều. Mối cảm tình quyến luyến giữa hai người âu cũng là điều dễ hiểu:
Lạ chi thanh khí lẽ hằng
Một dây một buộc ai giằng cho ra.
(c.1287-1288)


Thấy Thúc Sinh ăn chơi ra dáng con nhà cự phú:
Thúc Sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
(c.1303-1304)
Kiều nghĩ ngay đến chuyện Thúc có thể giúp nàng thoát khỏi lầu xanh. Thế nên, Kiều đã cố tình chiều chuộng, quyến rũ Thúc, ngay cả tạo dịp cho Thúc được ngắm nhìn tấm thân ngà ngọc lồ lộ như tượng đúc của nàng khi nàng tắm:
Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà
Giày giày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
(c.1311-1312)
Quả nhiên với tài sắc nhường ấy, lại thêm tính tình đằm thắm, nết na của nàng, Kiều đã hoàn toàn chinh phục được Thúc Sinh, khiến chàng Thúc đã bỏ hẳn ý định “ trăng gió vật vờ” để tính tới chuyện “xây dựng đá vàng” với nàng. Tuy nhiên, qua thói ăn chơi phóng túng, vô độ, và thói si tình đắm sắc say hương của họ Thúc bấy nay, Kiều thừa biết Thúc là một người đàn ông thiếu bản lãnh, thành thực nhưng hời hợt. Vì thế, nàng đã phải đặt ra bao nhiêu vấn đề khó khăn trước mắt từ chuyện tình yêu của Thúc có bền mãi chăng, đến chuyện vợ cả Thúc ghen tuông, chuyện Thúc Ông không chấp nhận… để buộc Thúc phải liệu mà thu xếp sao cho ổn thỏa.  Thúc Sinh đã cam kết, thề thốt đủ điều Kiều mới chấp nhận.
Từ ngày được Thúc Sinh chuộc ra khỏi thanh lâu của Tú Bà, Kiều mới được hưởng những tháng năm êm đềm, hạnh phúc của cuộc sống gia đình:
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.
Hương càng đượm, lửa càng nồng
Càng xuê vẻ ngọc, càng lồng màu sen.
(c.1381-1384)


Huệ lan sức nức một nhà
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.
(c.1471-1472)
Khi chung sống với Thúc Sinh, Kiều đã tính ngay đến chuyện “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm” (c.1506), nên đã hết lời khuyên Thúc về quê thú thực cùng Hoạn Thư, vợ cả Thúc, để mong được hợp thức hóa thân phận lẽ mọn của mình “Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi” (c.1512). Nhưng  là người đàn ông nhu nhược, sợ vợ; về tới nhà chàng cứ một mực giấu quanh khiến nàng Hoạn cả giận và cả ghen mới rắp tâm tìm mưu độc trả thù.
Hoạn Thư ỷ vào thế cha làm quan lớn (Thượng Thư), sai bọn tôi tớ đắc lực đến đốt nhà, phả thuốc mê Kiều rồi bắt về cho Hoạn bà đày đọa, dạy dỗ. Sau Kiều bị Hoạn Bà ép vào vai thị tỳ rồi cho sang hầu Tiểu Thư họ Hoạn. Kịp khi Thúc Sinh từ Lâm Truy trở về, Hoạn Thư bắt Kiều ra chào ông chủ rồi thị oai la hét, hành hạ Kiều tàn tệ. Nàng Hoạn cố tình làm cho người chồng trăng hoa, bội bạc và người tình địch phải đau đớn ê chề, không còn dám tơ tưởng đến ngày sum họp.
Kiều và Thúc Sinh ở thế kẹt “con ở” / “chúa nhà” nên đành ngậm đắng nuốt cay không dám nhận nhau.
Trước trận đòn ghen ghê gớm của họ Hoạn, Thúc Sinh tuy thương Kiều nhưng chỉ biết đối phó bằng nước mắt. Khi Kiều ra giữ chùa, chép kinh tại Quan Âm Các, Thúc Sinh lẻn đến thăm; biết mình không thể che chở được cho Kiều, chàng đành dứt tình, khuyên nàng đi trốn:
Liệu mà xa chạy, cao bay
Ái ân ta, có ngần này mà thôi.
(c.1971-1972)
Kiều vội vàng tìm đường ẩn thân nơi Chiêu Ẩn Am của Sư Giác Duyên. Ít lâu sau,việc Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc  nhà họ Hoạn khi bỏ đi để độ thân, bị lộ, nàng phải lánh nạn nhà họ Bạc. Nàng đã bị hai cô cháu nhà họ Bạc lừa bán vào một hành viện ở Châu Thai.
Kiều sống ở Châu Thai đã lâu năm, nàng quá chán chường, thất vọng vì không tìm ra được một khách làng chơi nào đáng mặt trượng phu, khả dĩ cứu được nàng thoát khỏi kiếp sống ô nhục nơi đây và bảo đảm được cho nàng một cuộc sống yên bình. Thế rồi một hôm Từ Hải, một hiệp sĩ từ biên thùy đột ngột qua chơi. Sự xuất hiện bất ngờ của Từ Hải với tướng mạo uy nghi, lẫm liệt khác thường, khiến Kiều thoáng nhìn đã đoán ra ngay đây là một bậc anh hùng, hào kiệt trong đời. Nàng không khỏi sửng sốt, xúc động:
Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào!
(c.2167-2170)
Còn Từ Hải, một anh hùng cô đơn, từ bao lâu nay chàng vẫn để tâm  tìm kiếm một hồng nhan tri kỷ, nên khi nghe tiếng nàng Kiều, chàng chú ý liền tới tính nết khí khái của người kỹ nữ tài sắc này, lập tức tìm đến. Thế rồi “trai anh hùng”, “gái thuyền quyên” vừa giáp mặt, cả hai tự nhiên quyến luyến nhau ngay:
Thiếp danh đưa đến lầu hồng
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
(c.2177-2178)
Sau buổi trò chuyện tâm đắc, đầy hào hứng giữa Từ Hải và Thúy Kiều, cả hai đều bị hấp lực của nhau thu hút mãnh liệt hơn nữa. Từ Hải đã tìm thấy ở Kiều một phụ nữ khả ái, vừa dịu dàng, duyên dáng, vừa thông minh tế nhị, và nhất là một người tri kỷ, đã cảm thông sâu sắc và hiểu rõ được giá trị đích thực của Từ, một anh hùng đang mang hoài bão lập nên sự nghiệp phi thường:
Cười rằng: “Tri kỷ trước sau mấy người?
Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”!
(c.2200-2202)
Còn Kiều cũng tìm thấy ở Từ Hải một người tri kỷ tâm phúc, vừa chân tình, vừa biết quý mến phẩm cách thanh cao của nàng. Hơn nữa, Từ còn là một đấng trượng phu độ lượng, hào hiệp, sẽ là vị cứu tinh của đời nàng, nên nàng đã không ngần ngại phó thác thân phận:
Thưa rằng: “Lượng cả bao dong
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen
Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”!
(c.2195-2198)
Từ buổi kỳ ngộ ấy, cuộc đời của Thúy Kiều hoàn toàn đổi thay, một thiên tình sử mới bắt đầu.
Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi hành viện Châu Thai, lấy nàng làm vợ. Họ đã trở thành một cặp vợ chồng lý tưởng, xứng đôi vừa lứa, tâm đầu ý hiệp, và cuộc sống của họ tràn đầy hạnh phúc:
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
(c.2211-2212)
Sau nửa năm ái ân mặn nồng, Từ Hải lên đường xây dựng sự nghiệp. Từ đi rồi, Kiều như mất hết cả nguồn vui, cả nghị lực sống. Nàng tự giam mình trong phòng vắng, sống đời cấm cung, đêm ngày héo hắt chờ đợi:
Nàng từ chiếc bóng song mai
Đêm thâu đăng đẳng nhặt gài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày
Cỏ cao hơn thưởc, liễu gầy vài phân.
(c.2231-2234)
Thời gian này, Kiều không hề nghĩ tới Thúc Sinh, còn Kim Trọng thì nàng vẫn tưởng nhớ, nhưng nỗi niềm tưởng nhớ chàng Kim đã thấy có sự phai nhạt rõ rệt:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
(c.2241-2242)
“Tình xưa” nay đã đổi thành “nghĩa cũ”. Trên mười năm trôi qua rồi còn gì! Kiều đoán ở quê nhà, Thúy Vân lấy Kim Trọng cũng đã “tay bồng, tay mang”. Nàng chẳng nên xen vào hạnh phúc gia đình của họ nữa (dẫu chỉ ở trong tâm tưởng). Huống chi giờ đây Kiều đã là người từng trải, và nàng còn có Từ Hải, một người chồng anh hùng rất mực yêu thương, chiều chuộng nàng. Kiều đang mong Từ trở về với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, tha thiết:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
(c.2247-2248)
Khi Từ Hải đã lập nên sự nghiệp vẻ vang, có binh quyền trong tay, Kiều được Từ phong làm Phu Nhân và cho quan quân đi đón rước về đại bản doanh với tất cả nghi vệ cao sang nhất của một bậc Vương Phi về nhà chồng. Kiều không những được Từ Hải cho hưởng một cuộc sống giàu sang, xa hoa sung sướng vật chất, nàng còn được Từ chăm sóc đến cả đời sống tinh thần. Từ đã cho lập riêng một tòa án để giúp Kiều trả xong món nợ ân oán, giải được cho nàng bao nỗi uất kết trong lòng. Kiều mãn nguyện quá đã sụp xuống lạy Từ để tỏ lòng thâm tạ:
“Chút thân bồ liễu nào mong có rày!
Trộm nhờ sấm sét ra tay
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
Khắc xương chíp dạ xiết chi
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây”!
(c.2423-2426)
Kiều còn cảm động xiết bao trước lời nói đầy nghĩa tình của Từ Hải khi chàng ngỏ ý sẽ có ngày giúp nàng thỏa được nguyện ước trở về quê hương, gặp lại mẹ cha:
Xót nàng còn chút song thân
Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa.
Sao cho muôn dặm một nhà
Cho người thấy mặt là ta cam lòng.
(c. 2435-2436)
Năm năm Từ Hải lập triều đình riêng “nghênh ngang một cõi biên thùy” (c. 2447) cũng là năm năm Kiều được sống đời hạnh phúc, cực kỳ cao sang quyền quý bên cạnh họ Từ. Nhưng rồi một biến cố đã xảy ra làm đảo lộn tất cả. Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến được vua nhà Minh ủy nhiệm cho việc đem binh đi chinh phục Từ, và họ Hồ đã dụng kế chiêu hàng. Từ Hải lúc đầu đã khẳng khái chối từ, sau vì quá tin yêu Kiều nên đã nghe lời nàng quy thuận triều đình để rồi đưa tới cái chết oan ức cho chàng.
Kiều cố thuyết phục Từ Hải ra hàng cũng chỉ vì nàng tin tưởng vào lời hứa hẹn của vị trọng thần họ Hồ. Vả lại, nàng cũng nghĩ đây là dịp tốt cho Từ Hải, một anh hùng sứ quân trở về với đại nghĩa dân tộc. Như thế, vừa tránh cho đất nước khỏi nạn đao binh, vừa là dịp để Từ Hải lập công danh đường đường chính chính. Rồi nàng sẽ được trở về cố hương, vợ chồng được vinh hiển, mẹ cha cũng được vẻ vang, còn nàng sẽ không bao giờ bị lưu lạc, gian truân nữa.
Kiều có ngờ đâu việc nàng thuyết phục Từ Hải quy thuận triều đình lại đưa đến hậu quả khốc liệt nhường ấy! Từ Hải khi giải giáp quy hàng đã bị họ Hồ lừa, cho quân đánh úp. Từ bị bắn chết giữa trận tiền. Trước sự tấn công ám muội của đối phương, Từ Hải đã không gục xuống mà chết đứng “Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng” (c.2520) ; chỉ tới khi Kiều biết chuyện, chạy đến gục xuống chân Từ gào khóc đến ngất đi, xác thân Từ mới đổ xuống.
Khóc rằng: “Trí dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này”!
(c.2355-2356)
Trước cái chết oan ức do chính mình gây ra cho Từ Hải, một vị đại ân nhân và cũng là người chồng mà Kiều hết dạ yêu thương, cảm phục, Kiều đau đớn quá đến tê dại cả thần trí lẫn xác thân. Khi Hồ Tôn Hiến bắt Kiều hầu đàn trong bữa tiệc khao quân của hắn, Kiều đã mụ đi. Nàng đánh đàn như kẻ say đồng. Nàng cứ xiết mãi mấy ngón tay trên bốn dây tơ ; mỗi lúc một mạnh thêm cho bật lên, cho trào ra tất cả những đớn đau, oán hận của nàng ; đến nỗi năm đầu ngón tay nứt ra, máu nhỏ xuống thấm ướt cả bốn dây đàn, mà nàng nào có hay,có biết!
Sáng hôm sau, họ Hồ sợ mang tiếng, vội ép gả Kiều cho tên thổ quan. Nàng bị điệu thẳng xuống thuyền đem đi. Kiều vừa kịp tỉnh hồn, đối diện với thực tế, nàng cảm thấy nhục nhã ê chề quá, ân hận sâu xa quá. Nàng chỉ còn biết nhảy xuống sông để kết liễu đời mình cho trọn nghĩa, vẹn tình với Từ Hải:
Rằng: “Từ Công hậu đãi ta
Chút vì việc nước hóa ra phụ lòng.
Giết chồng mà lại lấy chồng
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi
Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông”!
(c.2629-2634)
Rất may, Sư Giác Duyên được Tam Hợp Đạo Cô đoán trước cho biết việc này, nên đã thuê bọn thuyền chài thả thuyền giăng lưới vớt được Kiều lên, đem về cho tu ở am của bà. Nhờ vậy, Kiều có ngày được gặp lại gia đình và người yêu xưa.
Suốt 15 năm Kiều trôi giạt quê người khốn khổ như thế, tình cảnh Kim Trọng cũng rất đáng thương. Từ Liêu Dương trở lại vườn Thúy, được biết Kiều vì gia biến phải bán mình đi xa, Kim vô cùng đau đớn:
Đau đòi đoạn, khóc đòi hồi
Tỉnh rồi lại khóc, khóc rồi lại mê.
(c.2797-2798)
Vì đã đính ước với Kiều, Kim tự thấy có bổn phận nuôi dưỡng Ông Bà Vương Viên Ngoại thay nàng. Chàng còn nghe theo lời dặn dò của Kiều, chấp nhận lấy Thúy Vân để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Tuy đã đẹp duyên với Thúy Vân, nhưng Kim lúc nào  cũng thương nhớ Kiều:
Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa.
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
Tuôn châu đòi đoạn, vò tơ trăm vòng.
(c.2846-2848)
Mỗi khi nghĩ đến Kiều còn đang lưu lạc, chàng không thể đành lòng. Chàng quyết tâm tìm kiếm… Nào là:
Đinh ninh mài lệ chép thơ
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe.
(c.2825-2826)
Nào là:
Rắp mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.
Giấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
(c.2939-2942)
Cuối cùng, sau mười lăm năm thương nhớ, tìm kiếm khổ công, Kim Trọng đã được tái hợp với Kiều.
Trong bữa tiệc đoàn viên, Kiều vì nể lòng cha mẹ quá thương xót, muốn nàng kết duyên với Kim Trọng để có nơi nương tựa; và nhất là trước mối tình sâu sắc, thủy chung của Kim, cũng như nàng không muốn mình là kẻ bội ước nên đã chấp thuận chính thức cùng chàng nên duyên đôi lứa:
Cùng nhau giao bái một nhà
Lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi.
(c.3133-3134)
Tuy nhiên, Kiều cương quyết chối từ sự chung thân với Kim. Vì sao? Theo Kiều, nàng muốn giữ mãi cái kỷ niệm thiên liêng của tấm ái tình trinh trắng, thơ ngây, lý tưởng thuở  ban đầu. Tấm ái tình ấy đã được tạo nên bằng tất cả sự thanh cao của tình cảm, sự chí thành của tâm hồn, không hề bợn nhơ bởi nhục cảm. Vì thế, Kiều mới dám nói với Kim Trọng đến chữ trinh của nàng “Chữ trinh còn một chút này” (c.3161). Huống chi Kiều không nỡ nhẫn tâm giày xéo, làm hoen ố tấm ái tình trong sáng lý tưởng ấy bằng cái thân ô trọc “hoa tàn, trăng khuyết” của nàng. Đó chính là chút giá trị, chút danh dự của Kiều còn sót lại khiến chàng Kim phải nể vì, trân trọng nàng, chứ không phải đến với nàng bằng tình cảm đoái thương (tức là có thái độ coi thường rồi). Có thế, vết tích nhơ nhuốc của những năm tháng phong trần mới mong lắng đọng, lãng quên, Kiều mới có thể sống thư thái, an vui được.
Vậy, nếu Kim thực sự yêu nàng, Kim phải hiểu cho tấm lòng “như tuyết, như băng” đó của nàng và đồng thời phải thông cảm cho nỗi khổ tâm riêng mà bằng lòng “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (c.3110)
Đêm tân hôn, đối diện với người yêu xưa, Kim Kiều cùng xiết bao cảm động:
Những là sen ngó đào tơ
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!
(c.3137-3138)
Riêng Kim Trọng, trước người yêu duyên còn mặn mà tình mình thì còn quá nồng bảo sao Kim thoát khỏi vòng ham muốn ái ân? Nhưng vì thông cảm cho cảnh ngộ của người yêu và để tỏ rõ thái độ quân tử của mình, Kim đành chấp nhận lời yêu cầu của nàng, đổi tình vợ chồng ra tình bằng hữu:
Bấy lâu đáy bể mò kim
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa.
Ai ngờ lại họp một nhà
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!
(c.3175-3178)
Khi nghe Kim Trọng tuyên bố như vậy, Kiều mừng quá. Nàng vội vàng sửa áo, cài trâm, phủ phục xuống đất lạy tạ Kim Trọng “Khấu đầu lạy tạ cao thâm ngàn trùng” (c.3180)
Đối với Kiều, Kim Trọng quả là một người tình quân tử mà Kiều hết dạ tri ân. Lần thứ nhất, hồi Kiều còn trẻ, tình yêu đang độ say mê, bồng bột, Kiều đã dại dột sang nhà Kim Trọng giữa đêm hôm, và còn ở lại chơi đàn đến khuya. Kim Trọng đã tỏ ra quân tử, chịu nghe lời Kiều khuyên can mà giữ được tư cách đứng đắn với nàng. Nhờ vậy, thanh danh Kiều đã không bị hoen ố. Lần này, Kiều sau mười lăm năm lưu lạc, đã tái hợp với Kim trên danh nghĩa vợ chồng. Kim một lần nữa lại vì nàng mà chấp thuận “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (c.3110) để “gạn đục, khơi trong” cho nàng. Đồng thời, Kim vô tình đã giúp nàng giữ được danh tiết với Từ Hải. Đây chính là nỗi khổ tâm riêng của Kiều khi nhận lời lấy Kim mà nàng không thể nói ra, nhưng nay tất cả được giải quyết ổn thỏa, tốt đẹp. Kiều mừng đến nỗi cúi đầu sát tận đất để thâm tạ Kim Trọng và nói với chàng: “Tương tri dường ấy mới là tương tri!” (c.3184). Ý Kiều muốn bày tỏ cùng Kim là chàng đã hiểu thấu lòng dạ của nàng. Như vậy, chàng Kim chẳng những là tri âm, tri kỷ mà còn là tương tri của nàng nữa.
Kể từ đó, Thúy Kiều và Kim Trọng được sống hạnh phúc bên nhau cho đến mãn đời:
Ba sinh đã phỉ mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
(c.3225-3226)
II–   Nhận Xét
Như chúng ta đã biết, Thúy Kiều là một thiếu nữ thuộc gia đình trung lưu nề nếp. Nàng vừa có tài sắc vừa có phẩm hạnh. Nàng đã yêu chàng văn nhân Kim Trọng và những mong được hưởng một cuộc tình hạnh phúc, thủy chung với chàng. Nhưng vì sống trong một xã hội phong kiến đang thời băng hoại, đầy dẫy những sự tàn bạo, bất công, sa đọa mà ở đó đồng tiền có sức vạn năng, Kiều đã bị đưa đẩy đến hoàn cảnh phải bán mình chuộc tội oan cho cha, phải xa lìa quê hương, gia đình, phải phụ tình người yêu và lưu lạc gian truân suốt mười lăm năm.
Trên bước  phong trần, Kiều đã gặp những người yêu thương nàng chân thành, tha thiết như Thúc Sinh và Từ Hải. Họ đã cứu nàng thoát khỏi địa ngục lầu xanh, lấy làm vợ, và cho chung hưởng những năm tháng hạnh phúc. Kiều cũng yêu thương họ theo lẽ tự nhiên của đời sống tình cảm con người. Như vậy, cuộc đời của Thúy Kiều đã trải qua ba mối tình: mối tình với Kim Trọng, mối tình với Thúc Sinh, và mối tình với Từ Hải. Có điều đặc biệt là cả trong ba cuộc tình này Kiều đều tham gia tích cực, và đôi khi còn là người chủ động:
Với Kim Trọng: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.
Với : “Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình”.
Với Từ Hải: “Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”.
Tuy nhiên, mỗi mối tình của Kiều đều có những sắc thái riêng biệt.
1- Với Thúc Sinh:
Mối tình của Kiều đối với Thúc Sinh khởi đầu hoàn toàn do sự tính toán. Kiều muốn mua chuộc tình yêu của họ Thúc để mong được thoát khỏi cảnh sống ô nhục ở thanh lâu, mong được yên thân.
Những điều mà Thúc tưởng rằng “Thanh khí lẽ hằng, một dây một buộc ai giằng cho ra” và “Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình” chẳng qua chỉ là những mánh khóe yêu đương mà Kiều cố tình giăng bẫy để chuyển hóa tâm ý của chàng, và Kiều đã đạt được mục đích:
Sớm đào, tối mận lân la
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
(c.1289-1290)
Chứng cớ hiển nhiên Kiều chưa từng yêu Thúc Sinh là cho mãi tới hôm chàng Thúc ngỏ ý muốn hỏi Kiều làm thiếp, chàng mới được biết Kiều không phải là con gái Tú Bà! Điều này cho thấy, mặc dù Thúc đã lăn lóc, đã “dan díu tình” lâu ngày với Kiều ở hành viện, nhưng Kiều chưa bao giờ thố lộ tâm can với chàng.
Nhưng rồi ngoài cái ơn đã cứu Kiều thoát khỏi cuộc sống xấu xa nhục nhã “đưa người cửa trước, rước người cửa sau” ở lầu xanh, và đã cho nàng hưởng những tháng năm êm đềm, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, Thúc Sinh còn si mê và yêu thương Kiều hết dạ chân thành, đã khiến nàng cảm động thấm thía. Thế nên, dù Thúc đã quá nhu nhược không che chở nổi cho Kiều trước trận đòn ghen tàn nhẫn của họ Hoạn, đã nuốt lời thề xưa dứt tình với nàng, nàng vẫn không hề oán giận (chính Kiều đã dự kiến việc này trước khi nhận lời lấy Thúc). Đây là tất cả những lý do vì sao khi Kiều đã là Phu Nhân của Từ Hải, trước phiên tòa “trả ân, báo oán”, Kiều đã nói với  một câu đầy tình nghĩa:
                 …...  “ Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân”.
(c.2327-2330)
2. Với Từ Hải:
Tình yêu của Kiều đối với Từ Hải nảy nở một cách mau chóng và tự nhiên vì ngoài hấp lực về tướng mạo anh hùng lẫm liệt của Từ, Kiều còn cảm chàng vì đồng thanh khí và tình tri kỷ. Kiều vừa gặp Từ Hải là yêu ngay. Chỉ sau buổi đàm thoại tâm đầu ý hiệp, Kiều được Từ Hải đưa ra khỏi thanh lâu, lấy làm vợ và cho hưởng một cuộc sống vô cùng vinh hiển. Kiều đã được Từ Hải yêu thương với tấm lòng chân thành, nồng nhiệt, bao dung, cảm thông, và đầy tình nghĩa.
           Đáp lại tình yêu của Từ, Kiều cũng đã yêu chàng tha thiết:
         - Bằng sự tin cậy, phó thác cả cuộc đời:
Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau
          -Bằng tất cả trái tim nồng nàn của người vợ trong cuộc sống hạnh phúc lứa đôi:
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
            -Trong nỗi nhớ nhung, trông ngóng khi Từ xa vắng:
           Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
           Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
            -Trong dạ tri ân:
Khắc xương chíp dạ xiết chi
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây.
           - Trong lòng cảm mộ:
Rằng Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi…
(c2549-2550)
      Và bao trùm lên trên tất cả là tình tri kỷ tâm phúc. Kiều cũng như Từ Hải là kẻ phong trần cô đơn, đang khao khát tìm người tri kỷ. Chính Kiều đã thú nhận điều này với Từ:
Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
(c.2187-2188)      
       Và rồi họ đã gặp nhau. Kiều hiểu giá trị và cảm thông sâu sắc hoài bão anh hùng của Từ Hải, và Từ Hải cũng hiểu rõ giá trị và nguyện vọng của Kiều. Từ đó họ yêu nhau. Họ đem cả tấm lòng chân thành mà đối đãi với nhau (tâm phúc tương cờ). Vì thế, họ chấp nhận được những khác biệt của nhau. Khi cần, họ sẵn sàng vì nhau mà hy sinh sở thích riêng. Đây chính là trường hợp của Từ Hải trước tin dụ hàng của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến. Ban đầu Từ Hải đã khẳng định không chấp nhận, nhưng sau vì quá thương yêu Kiều, chàng muốn chiều nàng nên đã nghe lời đề nghị của nàng, bằng lòng giải giáp quy hàng.
         Kiều hiểu rất rõ điều này nên khi nghe tin Từ Hải bị họ Hồ lừa, Từ Hải đã bị bắn chết, và chết đứng giữa trận tiền “Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời” (c.2522). Kiều hoảng hốt chạy đến, gục xuống chân Từ gào khóc:
                      … “ Trí dũng có thừa
         Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này”!
Bấy giờ, thây Từ mới đổ xuống. Giọt nước mắt và tiếng khóc của Kiều đã khiến oan hồn Từ Hải siêu thoát. Từ dẫu chết cũng được an ủi vì Kiều đã thấu hiểu nỗi lòng Từ: Từ chết không phải vì thua tài sức quan quân triều đình mà vì quá tin yêu Kiều!
          Tình yêu của Kiều với Từ Hải tri kỷ, tâm phúc đến thế là cùng!
         Từ Hải chết rồi, Kiều đau đớn khôn xiết. Một sự đau đớn vượt quá sức chịu đựng của nàng, đến nỗi Kiều bị mê muội cả thần trí, tê dại cả xác thân. Nàng đánh đàn trong bữa tiệc khao quân của họ Hồ thế nào mà năm đầu ngón tay đều bật máu, ướt đẫm cả dây đàn, nàng cũng chẳng để ý, chỉ say sưa gào khóc thảm thiết trên mấy đường tơ:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm, vượn hót nào tầy!
(c.2569-2571)
        Đến nỗi khi vừa tỉnh hồn, biết mình bị ép gả cho viên thổ quan, Kiều đã gieo mình xuống dòng sông tìm cái chết để tạ tình tri kỷ của Từ Hải và để được thủ tiết với chàng!


    3.Với Kim Trọng:
Tình yêu của Thúy Kiều đối với Kim Trọng thuở  ban đầu là một tình yêu lý tưởng, trong trắng, bồng bột, và lãng mạn của tuổi trẻ.
Vừa gặp được Kim Trọng trong ngày Hội Đạp Thanh, trước vẻ đẹp văn nhân tuấn tú và phong thái hào hoa, phong nhã của chàng, Kiều đã bị xúc động mãnh liệt. Tiếng sét ái tình đã làm cho nàng ngây ngất “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê”.
Rồi khát vọng tình yêu tự do và hạnh phúc yêu đương đã đưa Kiều đến sự liều lĩnh vượt quyền cha mẹ ước hẹn chuyện trăm năm với Kim, vạch lá rẽ rào sang chơi nhà Kim, tình tứ và nhắp chén rượu ái ân với chàng, trở lại nhà Kim giữa đêm hôm, nói với chàng những lời yêu thương sôi nổi tha thiết. Nàng còn ở lại cùng chàng thề bồi và chơi đàn đến rất khuya. Nhưng Kiều cũng là người con gái có phẩm hạnh thanh cao, có lòng tự trọng nên đã biết tự cảnh giác, và giúp người yêu cảnh giác. Nhờ vậy, tình yêu của họ đã vượt qua được cơn thử thách mà trưởng thành. Sau đó, cuộc tình của họ bị dang dở. Kiều phải trôi giạt xứ người suốt mười lăm năm.              Dù sống trong hoàn cảnh nào, Kiều cũng không quên được tình xưa:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Cũng vì mười lăm năm Kiều phải lưu ly tân khổ nơi xứ người ấy, đã có biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời sống tình cảm của nàng, nên khi được trùng phùng Kim Trọng,  Kiều tuy đã chấp thuận cùng chàng nên danh nghĩa vợ chồng, nhưng… nàng tha thiết khẩn cầu Kim, hãy vì nàng “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”. Kim Trọng đã thông cảm cho cảnh ngộ và nỗi khổ tâm của Kiều mà đồng ý cùng nàng đổi tình vợ chồng ra tình bạn “Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm” (c.3178).
Được đổi tình vợ chồng ra tình bạn mà Kiều mừng đến nỗi vội vàng sửa áo cài trâm, phủ phục xuống đất để thâm tạ Kim Trọng. Như thế, rõ ràng giờ đây tình yêu của Kiều đối với Kim nặng vì nghĩa hơn vì tình, ngả về lý trí hơn tình cảm.
Chuyện Kim Trọng chấp thuận đổi tình “cầm sắt” ra “cầm cờ” đã được Kiều nhấn mạnh đến hai chữ “tương tri”. Kiều muốn chứng tỏ giữa Kiều và Kim Trọng giờ đây không còn phải là hai thế giới cách biệt nữa mà đã nhập làm một. Tình ý của người này cũng là của người kia. Như thế, tình yêu vợ chồng Kim Kiều đã được chuyển hóa thành tình bạn thâm giao, tri kỷ, tương kính, tương tri. Từ đấy, cặp Kim Kiều đã được sống trọn đời hạnh phúc bên nhau.


  1. Kết Luận
Nguyễn Du đã kết luận Truyện Kiều bằng giải pháp cho Thúy Kiều trở về sum họp với Kim Trọng, nhưng lại ép họ phải đổi tình vợ chồng ra tình bạn tương tri. Như vậy, theo thiển ý của chúng tôi, có phần gượng ép. Vì theo mạch văn và hợp lý ra, kết luận chỉ có thể có ba trường hợp:
1. Cho Kiều đi tu, và tu được trọn vẹn. Sau khi Từ Hải chết, nhất là sau khi Kiều chết đi sống lại, nàng mới giác ngộ mà lĩnh hội được cái triết lý nhân sinh thâm diệu của nhà Phật: Đời là bể khổ, thế giới vô thường.
          Con người chỉ khi nào có được thái độ sống an nhiên tự tại, nhờ cái tâm thanh tịnh, không còn vọng cầu tham ái, chấp ngã mới mong giải thoát khỏi khổ đau và đạt tới hạnh phúc chân như. Kiều đã chứng nghiệm được phần nào điều này khi ở thảo am với Sư Giác Duyên:
Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.
(c.2733-2736)
       Chính vì thế, khi tái ngộ với gia đình và người yêu xưa, Kiều đã xin được ở lại tiếp tục tu hành cùng Sư Bà Giác Duyên. Nàng không còn tha thiết trở về đời sống thế tục nữa:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?
(c.3045-3046)
        Nhưng có lẽ vì thực tế, Nguyễn Du là con người đa ưu, đa tình  và đa cảm nên ông đã không chọn giải pháp này.
          2. Cho Kiều quyên sinh và chết thật để trọn tình vẹn nghĩa với Từ Hải, không cần đặt ra vấn đề đoàn viên.
       Nguyễn Du không dám chọn giải pháp này vì sức ép của xã hội muốn kết cuộc phải có hậu. Do đó, tác giả Đ.T.T.T. đã phải gượng ép cho Tam Hợp Đạo Cô đoán trước việc Kiều nhảy xuống Sông Tiền Đường để Giác Duyên thuê người thả thuyền giăng lưới cứu Kiều lên, rồi đem trả nàng về cho gia đình và Kim Trọng.
          3. Phải để Kiều trở về gia đình và Kim Trọng theo tinh thần trật tự và phần thưởng chữ hiếu của đạo Nho.
         Hết loạn đến bình, hết lưu lạc đến đoàn viên, và ai có công tất sẽ được thưởng. Thế nên, Kiều đã vì hiếu bán mình cứu cha, nay hết hoạn nạn Kiều phải được trở về sum họp với gia đình và được tái hợp với Kim Trọng trong tình nghĩa vợ chồng trọn vẹn. Dù Kiều đã phong trần, theo đạo Nho, chữ hiếu cứu được hết. Kim Trọng, một Tiến Sĩ Nho học chẳng  đã dõng dạc gỡ tội cho Kiều:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay”!
(c.3119-3120)
Bởi vậy, theo đạo Nho, Kiều được quyền hưởng hạnh phúc vợ chồng với Kim Trọng mà không phải có một mặc cảm tội lỗi nào.
Có lẽ Nguyễn Du đã không chấp nhận lối lý luận thuần lý trí như thế của nhà Nho, và phần nào ông còn thương tiếc mối tình của Từ Hải, muốn cho Kiều được giữ tiết với chàng, nên đã ép Kim Trọng phải đổi tình “cầm sắt” ra “cầm cờ”. Có vậy, Kiều mới vừa vẹn được chữ “trinh” với Kim Trọng, đồng thời vẹn được chữ “tiết” với Từ Hải. Như thế, vô hình chung, Nguyễn Du cho ta thấy nàng Kiều đã có hai mối tình lớn: mối tình với Kim Trọng và mối tình với Từ Hải.
Lối kết luận không dứt khoát và nửa vời này chứng tỏ trong con người của Nguyễn Du đã có một sự giằng co, mâu thuẫn giữa con người văn hóa, xã hội Nho Giáo Nguyễn Du, và con người thiên tính (tempérament)* Nguyễn Du. Con người Nho gia Nguyễn Du tất đã chọn Kim Trọng là người tình chính của Thúy Kiều, và mối tình Kim Kiều mới là mối tình lớn nhất đời Kiều. Nhưng con người thiên tính Nguyễn Du chắc chắn ông đã chọn Từ Hải là người tình chính của Kiều, và mối tình Từ Kiều mới là mối tình lớn nhất của đời nàng.
Cũng chính lối kết luận nửa vời này, Nguyễn Du đã mặc nhiên cho phép chúng ta, những độc giả của ông, được toàn quyền chọn lựa nhân vật Kim Trọng hay nhân vật Từ Hải làm người tình chính cho Thúy Kiều, tùy theo cảm quan của mỗi người, và dù chọn nhân vật nào thì cũng có lý riêng của nó.


-------------------------------------------------------------------------------------   


             (*) Thiên tính Nguyễn Du: Truyện Kiều là một tác phẩm lớn để Nguyễn Du giãi bày tình cảm và mơ ước của mình. Thế nên, nếu chúng ta muốn hiểu rõ tác giả hơn, chúng ta phải lấy chính con người của tác giả qua tiểu sử, hành động, và thơ văn khác của ông để làm căn cứ đi tìm tâm tình, ý thức, và cả vô thức của ông, mới mong có thể hiểu được vì sao có sự giằng co, mâu thuẫn trong tâm hồn Nguyễn Du khi phải chọn lựa một kết thúc nửa vời cho Truyện Kiều như vậy.
              Ta được biết Nguyễn Du là một nghệ sĩ lãng mạn, đa tình, và có nhiều cảm xúc. Cuộc đời của ông đã có nhiều mối tình, mối tình với cô lái đò họ Đỗ bên Sông Hồng, mối tình với hai cô gái làng Trường Lưu… Nguyễn Du còn hay để lòng cảm thương đến những người đàn bà tài sắc nhưng bất hạnh qua thơ chữ Hán như Long Thành Cầm Giả Ca (Tố Như Thi, An Tiêm, Paris 1995, tr.242), Điếu La Thành Ca Giả (Sđd, tr. 69), Ngô Gia Đệ Cưu Ca Cơ (Sđd, tr.183), Độc Tiểu Thanh Ký (Sđd, tr.109). Khi đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Du cũng thường làm thơ viếng mộ những danh sĩ mà cuộc đời hẩm hiu như: Điếu Khuất Nguyên (Sđd, tr.194), Viếng Mộ Đỗ Phủ (Sđd, tr.201)… Đặc biệt trong bài văn tế Thập Loại Chúng Sinh, Nguyễn Du đã vượt lên trên tâm sự một cá nhân, một thế hệ mà tỏ lòng xót thương vô hạn, và dâng lời kinh cầu nguyện đến tất cả những cô hồn không nơi nương tựa hương khói trên đường thiên cổ. Họ đang bơ vơ phiêu bạt trong cõi u minh… sớm được siêu sinh Tịnh Độ.

                 Ngoài văn chương, Nguyễn Du còn thích võ nghệ, có tinh thần hiệp sĩ. Năm 1786, nhờ tập ấm của cha nuôi họ Hà, ông được nhận chức Chánh Thủ Hiệu, một chức quan võ tại Thái Nguyên. Năm 1787, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Bắc Kinh, Nguyễn Du có ý giúp nghĩa quân phù Lê chống Tây Sơn, những mong xây dựng lại xã hội. Việc lớn không thành, ông phải ẩn náu tại Thái Bình, quê vợ. Năm 1796, khi nghe tin Nguyễn Ánh phản công, ông tính vào Nam mượn tay nhà Nguyễn chống Tây Sơn. Việc bại lộ, ông bị bắt. Trở về Tiên Điền, Nguyễn Du chỉ thích đi săn nên mới có bút hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.