Cuộc Nói Chuyện Giữa Thúy Kiều và Kim Trọng Về Tình Yêu và Hôn Nhân (cc. 3141-3190) Lê Hữu Mục

Trang 8

Cuộc Nói Chuyện
Giữa Thúy Kiều và Kim Trọng
 Về Tình Yêu và Hôn Nhân
(cc. 3141-3190)
Lê Hữu Mục


    Ba phần:
             1- Nhập đề: (3141-3144)

             2- Thân bài: (3145-3186)

             - 3145-3164: Kiều khước từ lời cầu hôn của Kim Trọng
             - 3165-3178: Kim Trọng đồng ý với Kiều
         - 3178-3186: Lời cảm ơn của Thúy Kiều

             3- Kết luận: (3187-3190)

            Đoạn văn này trình bày quan điểm của Nguyễn Du về tình yêu và hôn nhân. Phát ngôn viên của tác giả là Thuý Kiều. Người đồng ý với tác giả là Kim Trọng. Ta thử phân tích và bình luận cuộc nói chuyện giữa Thuý Kiều và Kim Trọng về tình yêu và hôn nhân.

    1- Phần Nhập đề: (3141-3144)
         Lúc này, Thuý Kiều đã nghe Kim Trọng nhận định về chữ hiếu và chữ trinh. Nàng khâm phục tài hùng biện của chàng, Kiều đã phải nhận làm vợ chàng và cả hai đã làm lễ chính thức kết hôn. Đến đêm khuya, trong sự lặng lẽ của gian phòng tân hôn sang trọng và kín đáo (bức gấm rủ thao), Thuý Kiều mới bắt đầu nói lại những điều mà trước đấy nàng cho là chưa nói hết. Dưới ánh đèn động phòng, nàng rất đẹp. Hai người đã yêu nhau ngày xưa bây giờ lại gặp nhau. Tình cảm của họ chứa chan không thể nào mô tả được.
   
           2- Phần thân bài: 3 đoạn nhỏ
    a- Kiều giải thích hành động của nàng khi sáng (3145-3146)
    Nàng nói: số mệnh của nàng đã rõ ràng: phận thiếp đã đành, đã được quyết định, không có gì để bàn thêm nữa. Cái thân thể của nàng, nàng coi là không có giá trị gì nữa: Có làm chi nữa cái mình bỏ đi, cái mình ong qua bướm lại đã thừa xấu xa, cái thân bướm chán ong chường mà chính nàng cũng thấy ghê tởm chứ không cần phải nói đến người khác. Tuy nhiên, vì mối tình mà ngày xưa nàng đã giao kết với Kim Trọng, nàng đã tuân theo lời đề nghị của chàng và bằng lòng làm lễ hôn nhân chính thức. Nàng dùng chữ xướng tùy, tức là phu xướng phụ tùy (chồng xướng vợ theo) để chỉ việc nàng bằng lòng kết hôn với Kim Trọng, nhưng đó chỉ là hình thức. Nàng rất xấu hổ, vì khi nhận làm như thế, nàng phải mặt dạn mày dày lắm mới dám làm. Nàng đã tỏ ra vô liêm sỉ tột độ. Thật là khó coi, nàng nhấn mạnh, vì đó là một hành động dối trá mà không ai có thể chấp nhận được. Thuý Kiều giả thiết nếu đó chỉ là âu yếm vành ngoài, nghĩa là chỉ giả vờ yêu nhau một cách hời hợt thôi thì nàng còn có can đảm để nhìn mặt người khác mà không sợ xấu hổ. Đàng nay, Kim Trọng đã làm như mọi người là nhặt những mảnh hương đã rơi xuống đất, là hái chiếc hoa đã rụng, thì thật là chàng đã phơi bày ra trước ánh sáng tất cả những cái xấu xa dơ bẩn của nàng. Khéo là bày trò, tức diễn ra trước mặt đám đông những hoạt động mua vui bỉ ổi! Thúy Kiều nhấn mạnh: Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi (c.3156). Nàng nặng lời trách móc Kim Trọng khi lấy nàng là bắt nàng phải diễn lại những cảnh ô nhục, là chính chàng muốn được tận mắt trông thấy những cảnh xấu xa mà nàng đã phải nhẫn nhục chịu đựng trong bao nhiêu năm trời! Đâu có phải vì yêu nàng mà Kim Trọng lấy nàng. Chính là chàng ghét nàng nên mới muốn  nàng sống lại những cảnh ô nhục đó. Anh yêu em, mà em chỉ thấy em xấu với anh. Em không xứng đáng với mối tình cao q mà anh dành cho em, thì đó  là anh bắt em phải phụ tình anh. Kiều nức nở: Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau (3158). Trong trí óc của Kiều, chắc chắn nàng đã nghĩ đến sách Tả Truyện, đến câu Giai ngẫu viết phối, oán ngẫu viết cừu, nghĩa là: tốt đôi thì gọi là phối, là hòa hợp, là tình ; xấu đôi thì gọi là cừu, là thù. Đã không tốt đôi, nghĩa là một người xấu và một người tốt mà lấy nhau thì đó không phải là phối hợp, là hôn nhân, mà chỉ là thù hận, là phụ bạc nhau. Kiều đã lí luận rất chặt chẽ: Nếu trước kia, anh và em lấy nhau,  đó là giai ngẫu, đẹp làm sao cái cảnh chúng mình gặp nhau trong ngày Hội Đạp Thanh, rồi anh gửi trả em chiếc thoa, rồi em chạy sang nhà anh, ban đêm, chúng mình thề ước với nhau, rồi em đánh đàn cho anh nghe. Nếu không có cái chuyện thằng bán tơ kia vu cáo cho gia đình em, khi anh ở Liêu Dương trở về, chúng mình đã lấy nhau rồi. Đám cưới của chúng mình sẽ được tổ chức long trọng cho thiên hạ thấy mối tình của chúng ta đẹp như thế nào.
    Tai nạn đã làm đổ vỡ gia đình em. Ngày lưu lạc đầu tiên, em đã hối hận rằng tại sao đêm hôm ấy em lại từ chối anh ; em đã nghĩ: Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung (cc. 791-792). Em đâu có phải là không muốn trao thân cho anh. Nhưng bây giờ tình thế đã khác. Thân em đã từng là trò vui cho bao nhiêu đàn ông, em thấy nó không trong sạch nữa, nó không xứng đáng với anh nữa. Vậy anh đừng bắt em phải trao cho anh cái thân ô uế đó, nếu không, chỉ là oán ngẫu thôi, và oán ngẫu, như anh biết đó, là cừu thù. Cái Vân may mắn hơn em. Nếu anh coi tình yêu chỉ là việc nối dõi tông đường (cửa nhà dầu tính về sau), thì có Vân đó, cần gì đến em nữa (thì còn em đó, lọ cầu chị đây).
          Anh đã nói là em lấy hiếu làm trinh. Thực sự, em đã vì báo hiếu cha mẹ mà phải giấn thân vào con đường trụy lạc, do đó, em cũng tự hào còn một chút trinh (c.3161). Xin anh hãy vì em mà bảo vệ cho chút trinh mỏng manh còn lại đó. Nếu anh lấy emanh “chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan” (cc.3262); là anh phá hoại đến cùng lòng trinh tiết của em. Thúy Kiều đã lưu lạc 15 năm trời, và trong thời gian dằng dặc đó, nàng đã có dịp suy nghĩ về tình yêu. Nàng phân biệt tình yêu khác với tình dục đúng như lời Tam Hợp Đạo Cô đã nhận xét về nàng : Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm (c. 2682).
    Bởi vậy, sau khi quyết liệt từ chối không đáp ứng lời yêu cầu của Kim Trọng, Kiều long trọng hứa với chàng là: “Còn nhiều ân ái chan chan” (c.3163). Ân ái là tình ái, khác với tình dục chỉ là sự chung chạ xác-thịt. Thúy Kiều cũng đã nhiều lần suy nghĩ về tình yêu và gia đình. Nàng đã nói với Kim Trọng: “Gia thất duyên hài, Chút lòng ân ái, ai ai cũng lòng” (cc.3981-3092). Một gia đình vợ chồng hòa hợp, tình yêu của một người mà mình yêu, ai mà không ao ước. Nhưng nàng đã gặp Hoạn Thư và khi nàng tha cho Hoạn thư là nàng đã thấy rằng không có người đàn bà nào muốn chia sẻ tình vợ chồng của họ với một người đàn bà khác. Chính nàng đã nói với Thúc Sinh: “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” (c.1552). Làm vợ lẽ còn ba lần khổ hơn làm đĩ! Như thế, khi tái hợp với Kim Trọng và thấy hạnh phúc của Thúy Vân, Thúy Kiều chỉ nhận thấy tội lỗi của mình và không muốn sum họp với Kim Trọng nữa với tính cách là một người vợ. Nàng đã xin với chàng: “Đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ” (c.3110), đem tình vợ chồng biến thành tình bạn.
   
    b- Quan điểm của Kim Trọng (3165-3178)
    Lời đầu tiên của Kim Trọng khi trả lời Thúy Kiều là nhắc đến lời thề ước: Gắn bó một lời (c.3165). Điều ấy rất quan trọng cho tình yêu của chàng, nhưng tai nạn bất ngờ của gia đình đã làm đổ vỡ tất cả.  Kim Trọng nói bỗng không một cách chua xót, cho rằng cái bất ngờ ấy của hoàn cảnh thật là ác độc. Chàng không dám nói đến tai nạn đã xảy ra cho gia đình chàng hay cho gia đình Thúy Kiều. Chàng chỉ nói bâng quơ: cá nước chim trời lỡ nhau. Tôi thương em khi thấy em vì cha mẹ mà rơi vào nanh vuốt của sự xấu. Chúng ta đã nặng lời thề thốt với nhau, cho nên nỗi khổ của chúng ta lại càng lớn. Chúng ta thương nhau, và đã không kể gì đến sự sống chết. Khi tái ngộ, tôi chỉ mong được hoàn tất cuộc tình của chúng ta. Chúng ta như cây liễu, màu xanh vẫn còn trang trọng, chúng ta đâu đã ra khỏi địa đàng của tình yêu. Em như một tấm gương trong sáng, không hề vướng bụi. Em muốn chúng ta chỉ là hai người bạn, anh vô cùng kính phục và chấp nhận đề nghị của em. Nếu anh lặn lội đi tìm em khắp góc bể chân trời, đó là vì lời thề của chúng ta, chứ đâu phải là anh chỉ nghĩ đến thú vui xác thịt? Bây giờ, chúng ta đã ở với nhau dưới một mái nhà, anh xin tuyên bố: “Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm” (c.3178), cứ gì phải ăn nằm với nhau mới là vợ chồng.
            Lời tuyên bố của Kim Trọng là chủ trương của Nguyễn Du về tình yêu và hôn nhân. Ta chú trọng đến hai điểm:
    - Về tâm lý: vợ chồng phải là bạn với nhau mới thật là vợ chồng. Đó là quan niệm đã có từ ngày xưa, ngay Tả Khâu Minh trong sách Xuân Thu cũng đã từng chủ trương giai ngẫu viết phối như ta đã thấy ở phần trên. Hiện nay, người ta đang cổ cho thuyết Joséphisme, thuyết Giu-se, lấy tên thánh Joseph là giai ngẫu của nữ trinh Maria để đặt tên cho thuyết vợ chồng bằng hữu. Điều này chứng tỏ rằng ở Á hay Âu, cái tinh túy của đời sống là vợ chồng, đúng như Nguyễn Du đã quan niệm, và Thúy Kiều với Kim Trọng đã phát biểu là tình bạn.
    - Về xã hội: thể chế của hôn nhân phải được đặt trên nền tảng nhất phu nhất phụ. Nguyễn Du đã can đảm phá bỏ chế độ đa thê mà chính ông và bao nhiêu thế hệ trong gia đình đã tuân theo. Đây là một tư tưởng độc đáo của thế kỷ XVII, XVIII và XIX trước khi Việt Nam chịu ảnh-hưởng của Tây Phương, nhưng đã được Nguyễn Du tập đại thành và công bố một cách có hiệu quả nhất.
    c- Thái độ của Thúy Kiều (3179-3186)
    Vừa nghe lời tuyên bố trịnh trọng của chàng Kim, Thúy Kiều xúc động mãnh liệt. Nàng điều chỉnh lại y trang và quỳ xuống tận đất để vái lạy Kim Trọng, là người có một tấm lòng cao cả như trời và sâu xa như biển. Cái thân ô uế của nàng sẽ trở nên trong sạch là nhờ lượng hải hà của Kim Trọng. Chàng là người quân tử đúng nghĩa, không giả dối, không chuộng hình thức như những người tầm thường khác. Đó mới là những lời nói chân thật của một người bạn, của một người giống nàng, chẳng những chỉ là tri kỉ, tri âm, mà còn là tương tri. Thuý Kiều nhấn mạnh : Tương tri dường ấy mới là tương tri (c.3184).Kiều cảm thấy bao nhiêu tội lỗi của nàng đã được tha thứ, mà người tha thứ là người nàng yêu và yêu nàng. Lòng trong sạch sau khi đã được gội rửa, nàng sung sướng tuyên bố: Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay (c.3186). Trước kia nàng đã nài nỉ với Kim Trọng: “Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày” (c.510). Bây giờ, cũng với người ấy, nàng nói lên niềm hạnh phúc mới là danh tiết của nàng đã được hoàn toàn bảo vệ.

    3- Đoạn kết (3187-3190)
    Hai người đã thú tội với nhau và đã tha thứ lẫn cho nhau. Như hai người bạn trẻ ngây thơ, họ cầm tay nhau và cảm thấy tình yêu của họ dâng lên cao vút, sôi lên như có men. Để cho gian phòng được sáng lên như tâm hồn của họ, họ thắp thêm nến, đốt thêm hương. Men rượu rót thêm vào lòng họ những giọt tình say sưa và ấm-áp.

    Nhận xét
    1- Nguyễn Du bênh vực toàn diện quyền lợi của tuổi trẻ.
   
    a- Ông tranh đấu cho họ mọi quyền tự do.
    - Tự do vun trồng tình cảm bằng văn nghệ. Chị em Thúy Kiều tha hồ đọc tiểu thuyết diễm tình, tha hồ học đàn, học hát, không hề bị cha mẹ ngăn cấm.
    - Tự do tham dự các đình đám, hội hè, trong đó tài tử và giai nhân tự do dập dìu; dập dìu là gì nếu không phải là đông đảo lượn đi lượn lại như quyện vào nhau một cách nhịp nhàng. Còn ngựa xe thì nối đuôi nhau chạy liên tục như dòng nước chảy; áo quần thì sát vào nhau như cỏ nen. Trước khi đi dự Hội, chị em Kiều chỉ sắm sửa chơi xuân, chiều rồi mới thong thả dan tay ra về.
    - Tự do tiếp xúc thân mật với bạn bè: Nguyễn Du đã cho Thuý Kiều nói chuyện với Kim Trọng chung quanh vấn đề chiếc thoa; đã cho nàng hai lần sang chơi nhà Kim Trọng, lần đầu vào buổi tối và lần thứ hai vào lúc đêm đã khuya. Hai người đã nói với nhau đủ mọi thứ chuyện văn chương: làm thơ, đề tranh, đến chuyện tử vi bói toán. Họ còn uống rượu, chơi đàn, bàn luận về âm nhạc, thề nguyền suốt đời chung thủy với nhau.
    - Tự do cư trú: Kim Trọng rất trẻ, vào tuổi chưa học xong ban Trung Học ngày nay, nhưng chàng được tự do đi tìm nhà để ở riêng, ở ngay đàng sau nhà Thuý Kiều để hi vọng có dịp gặp nàng.
    - Tự do lựa chọn người yêu: Kim Trọng tìm mọi cách để đến với Thuý Kiều. Chàng tìm cho được một căn nhà gần nhà Thuý Kiều, đem sách vở đến như một du học sinh chân chính, nhưng cũng không quên mang theo chiếc đàn kìm trăng để gẩy cho Thuý Kiều nghe. Đang chơi đàn mà thoáng thấy bóng người con gái liền bỏ ngay đàn xuống, sửa lại áo, và chạy ra. Chàng tìm đủ cách để được gặp Thuý Kiều. Không gặp được mặt thì đến nơi đã được gặp nàng trước kia để hi vọng nàng cũng đến đó để tìm mình, dù biết rằng làm như vậy chỉ là vô vọng, và chỉ làm trò cười cho con chim oanh. Riết rồi chàng cũng gặp được người yêu, được nói chuyện với nàng, và thề nguyền chung thuỷ với nhau trọn đời. Tất cả đều đã xảy ra ngoài ý muốn của bố mẹ.
   
    b- Nguyễn Du chống đối sự khe khắt của nền luân lí cũ.
    Qua phần Bối cảnh lịch sử của Truyện Kiều, ta đã biết nền luân lí cổ truyền của Việt Nam, đặt trên nền tảng Tống Nho, đã lỗi thời trầm trọng. Những nguyên lí tam cương ngũ thường tưởng là bất di bất dịch bị các nhà văn, nhà thơ, các nhà trí thức phê bình, xét lại, đòi canh tân khẩn cấp. Nguyễn Du đã ra nhập phong trào chống đối này:
    - Chống lại chủ trương nam nữ thọ thọ bất thân, ông đã cho con trai con gái gặp nhau tự do, đưa tặng nhau đủ mọi kỉ vật, uống rượu chung với nhau suốt đêm, đúng như lời nói đùa của một nhà Nho mới: nam nữ thọ thọ càng thân.
    - Chống lại chủ trương liệt nữ bất canh nhị phu, Nguyễn Du đã cho liệt nữ Thuý Kiều lấy chồng chính thức 4 hay 5 lần, và những lúc mưa Sở mây Tần ở nhà Sở Khanh, ở thanh lâu Lâm Truy, thanh lâu Châu Thai thì không biết bao nhiêu lần nữa. Đó là những sự kiện trình bày thậm xưng, để sau đó đề nghị giải pháp. Việc lấy chồng thì thế, còn về chuyện yêu đương thì ngoài mối tình đầu trong trắng ngây thơ với Kim Trọng, còn mối tình tính toán với Thúc Sinh, còn mối tình ngưỡng mộ đối với Từ Hải. Ái tình là một con chim rừng, không thể nhốt nó trong một cái lồng nhân tạo. Ái tình phải có tính tự do mới là ái tình, nếu không, chỉ là cưỡng bức, là bạo lực, là hiếp dâm bất chính.
           Biết bao lần giới nhà Nho đã phạm tội dâm hãm đàn bà, bắt họ chỉ được lấy một chồng, còn họ tự do đi phá hoại đời sống trinh tiết của biết bao phụ nữ khác. Thúy Kiều đã hai lần mòn mỏi trong các  thanh lâu, nàng đã gặp biết bao nhiêu đàn ông loại này, những người bắt các liệt nữ bất canh nhị phu, không được lấy hai chồng, còn họ thì tự do đi lấy không biết bao nhiêu phụ nữ nữa. Không ai lạ khi thấy Thuý Kiều ghê tởm việc chăn gối, vì nó được diễn ra một cách quá thô bạo, trong những khung cảnh ô uế mà chỉ nghĩ đến thôi, Thuý Kiều đã thấy buồn nôn.
    - Chống lại chủ trương đa thê.
    Nguyễn Du đã cho Thuý Kiều tuyên bố một câu nẩy lửa: Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng. Thuý Kiều đã nói theo sách Tiểu thuyết: Thố Khanh Bất Như Hỏa Khanh. Thố khanh là giấm chua, là cái hang mà Vũ Tắc Thiên đời Đường đã dùng để dìm chết bà Tiêu Phi, tình địch của bà ; nay được dùng để chỉ việc ghen tuông của vợ cả đối với vợ lẽ. Hoả khanh là hang lửa, chữ lấy trong Kinh Phật, nói chung về những cảnh sống đau khổ của loài người ; sau được dùng để chỉ nỗi khổ ở nhà thanh lâu. Thuý Kiều muốn nói cô không chấp nhận thân phận làm vợ lẽ, vì làm vợ lẽ còn khổ ba lần hơn làm đĩ. Nói như vậy để hiểu rằng tại sao Thuý Kiều khi tái ngộ với Kim Trọng, nàng đã không chịu tái hợp với tính cách là một người vợ mà chỉ nhận là một người bạn. Nàng chống lại thể chế đa thê của nhà Nho, và nàng muốn nền hôn nhân mới phải được đặt trên nền tảng nhất phu nhất phụ. Đây là một quan niệm của Tây Phương về hôn nhân, xây dựng trên cơ sở triết lí cá nhân chủ nghĩa. Tài tử chủ nghĩa cũng là một học thuyết sùng thượng cá nhân. Ta không lạ gì khi thấy Nguyễn Du đặt nặng điều kiện nhất phu nhất phụ trong thể chế hôn nhân mà ông quan niệm. Ông hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Xuân Hương khi bà gào thét: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Làm như vậy, chính ông đã phải nghĩ mình mình lại thương mình xót xa, bởi chính thân phụ ông và ông đã sống trong chế độ đa thê bị nguyền rủa ấy.

    2- Những chế tài của tự do.
    a- Tự do phải song hành với trách nhiệm: Thuý Kiều đã yêu Kim Trọng thiết tha say đắm đến nỗi ta có cảm tưởng nàng sẽ đạp đổ hết mọi hàng rào để đến với chàng, để có thể làm vợ chàng ; nhưng khi Kim Trọng hơi tỏ ra suồng sã, Thuý Kiều cự tuyệt ngay. Lời cự tuyệt của nàng rất đanh thép, có dẫn chứng điển tích cổ kim và được thiết lập trên một niềm xác tín mạnh mẽ về vai trò quan trọng của lòng trinh tiết tiền hôn nhân. Lòng trinh tiết này rất cần thiết vì đó là cơ sở của tinh thần tương thân tương trọng. Nếu Thuý Kiều thất thân với Kim Trọng trước khi hai người đi đến hôn nhân, chắc đâu nàng không là một Thôi Oanh Oanh, bị Trương Quân Thụy rời bỏ một cách lạnh lùng, chỉ vì họ Thôi đã quá dễ dãi với họ Trương về vấn đề chăn gối! Thúy Kiều đã không bị thảm cảnh của Thôi Oanh Oanh vì nàng đã biết tôn trọng tinh thần trách nhiệm đối với bản thân nàng. Chính vì được tự do hành động và tự do yêu đương mà nàng thấy cần thiết phải biết tự trọng, phải biết trách nhiệm về hành động và ứng xử của mình.
    Nàng còn có tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa khi gia đình bị lôi cuốn vào một biến cố bi đát. Kiều đã tự hỏi như một cá nhân tự do: Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Câu hỏi tự do được trả lời bằng cả một tinh thần trách nhiệm to lớn: Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Tinh thần tự do của Thuý Kiều đã đẻ ra thái độ tự do, một lòng hiếu tự do mà xã hội cũ không bao giờ có. Chỉ có lòng hiếu ấy mới đánh động được lòng trời. Chỉ có lòng hiếu tự nguyện ấy mới có giá trị luân lí vì nó được xây dựng trên tự do cá nhân.
    Kim Trọng cũng vậy. Nhiều trường hợp đã làm cho ta buồn cười về anh chàng quá si tình này. Anh chạy như điên như dại chung quanh nhà Kiều làm cho mấy cây sậy ở ngoài đường cũng phải cới trêu, cho con oanh trên cành liễu cũng phải học nói mỉa mai, huống là chúng ta. Thế mà chỉ mới nghe thúc phụ qua đời là anh đã bỏ hết, bỏ cả nơi kì ngộ, bỏ cả chiếc đàn kìm trăng, bỏ cả Thuý Kiều yêu quý mà về Liêu Dương thọ tang. Sự đam mê trong tình yêu tự do không hề làm chết ý thức trách nhiệm trong tinh thần của người trai trẻ. Có thể nói chính nhờ ở ý chí tự do mà tinh thần trách nhiệm ấy đã lên cao như thế.
    b- Vai trò của cha mẹ: ý chí tự do cũng không hề giảm thiểu hay khai trừ vai trò của các bậc làm cha mẹ. Vương Ông, Vương Bà là một đôi vợ chồng rất trẻ và rất mới. Họ đã giáo dục con cái trong tinh thần chủ nghĩa tài tử, nghĩa là đã thoát khỏi sự ràng buộc của giáo điều Nho Giáo. Họ cho con cái đọc tiểu thuyết, học đánh đàn, tự do đi dự hội. Khi được biết về mối tình của cô con, ông đã không la mắng như những ông bố khác, lại tự nhận lỗi: Vì cha làm lỗi duyên mày. Rồi ông tự sám hối: Vì ai rụng cải rơi kim? Để con bèo nổi mây chìm vì ai? (cc.767-770). Với những người cha cởi mở như thế, con cái mới dám trình bày tâm sự của chúng. Quả thực, khi Thuý Kiều nghe thấy lời cha, nàng liền lễ sống ông một lạy tỏ lòng yêu mến và kính phục, rồi nàng thú thực với cha: Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi (c.774). Vương Ông đã làm trọn vẹn vai trò của một người cha có đạo đức chân chính. Vương Bà cũng vậy. Trước khi Thuý Kiều ra đi với Mã Giám Sinh, bà đã được cô con tin cậy nói hết những nỗi nghi ngờ của cô về tên buôn người. Đến khi Thuý Kiều lưu lạc, Kim Trọng trở về vườn Thuý, Vương Bà đã thất thanh gọi tên cô con: Chàng Kim về đó, con thì đi đâu? (c.2792). Khi Kim Trọng chưa chính thức xin cưới Thuý Kiều mà Vương Bà đã đối xử với chàng như một người con rể. Điều đó có mới quá không, có vượt lễ nghi hôn nhân không? Thiết tưởng Vương Bà là một người mẹ đã yêu con gái với tất cả tấm lòng của một người mẹ hiền, đã hiểu con gái của mình một cách sâu xa và đã tin cậy con một cách triệt để mới nói với con gái như thế. Bà còn nói to tiếng như vậy là muốn cho mọi người nghe thấy lòng thương con thành thực của bà. Vương Bà là một bà mẹ có giáo dục tân tiến không kém gì các bà mẹ ở Châu Âu hay Bắc Mỹ.
    c- Tình yêu không phải là tình dục
    Tam Hợp Đạo Cô đã đánh giá Thuý Kiều rất đúng: Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm (c.2682). Thuý Kiều đã yêu Kim Trọng một cách say mê. Trong mắt của nàng, Kim Trọng đẹp như ngọc như ngà, như cây quỳnh cành dao. Tuy đã được mô tả như là một quốc sắc thiên hương, nàng vẫn tự thấy bé nhỏ trước người yêu, nàng vẫn thắc mắc  “một dày một mỏng biết là có nên”. Yêu mà gần như là thần thánh hóa người yêu như thế tức là quá yêu rồi, quá đắm say rồi, đã đi hết các chặng đường của tình yêu rồi.
    Có một buổi tối, hình như đã khuya rồi thì phải, nàng còn xăm xăm băng lối vườn khuya một mình đến với Kim Trọng, để nói với chàng một câu mà các nhà Nho như Nguyễn Công Trứ, các nhà khoa bảng như cụ nghè Ngô Đức Kế, các nhà đạo đức như Linh Mục Nguyễn Văn Thích, chủ nhiệm báo Vì Chúa xuất bản ở Huế, đã nghiêm khắc phê phán Thuý Kiều là tà dâm. Câu ấy là: Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa, quá say đắm, quá lãng mạn vì hoa tình. Lúc ấy, nàng chưa làm lẽ Mã Giám Sinh, chưa lạc lõng vào các lầu xanh tội lỗi, chưa thất thân với Sở Khanh, chưa lấy lẽ Thúc Sinh vv..., thế mà đã bị kết án là “con đĩ Kiều”, thì làm thế nào về sau này nàng tránh né được búa rìu của công luận? Làm sao mà giới nhà Nho không nhẩy xổ vào nàng mà thoá mạ như nhà Nho Nguyễn Công Trứ?
            Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Hải,
            Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
            Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu?
            Mà bướm chán ong chường cho đến thế?
            Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
            Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
            Bán mình trong bấy nhiêu năm,
            Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
            Nghĩ đời mà ngán cho đời.
    Đáng kiếp tà dâm, Thuý Kiều thực sự không có cách nào biện hộ cho nàng được trước những lời phê phán thẳng thắn đó, nhất là chính nàng, vì không chịu nổi trận đòn “uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa”, đã phải thề thốt với mụ Tú Bà một lời vô cùng hèn nhát: chút lòng trinh bạch từ nay cũng chừa (c.1148). Câu nầy không có trong nguyên bản Hán Văn. Thanh Tâm Tài Tử chỉ viết: như kim yêu ngã tiếp khách, ngã dã tình nguyện (bây giờ bắt tôi tiếp khách, tôi xin tình nguyện). Nguyễn Du, với phong cách rốt ráo của ông, đã muốn đẩy nhân vật đến bước đường phát triển cuối cùng. Ông để cho nhân vật mặc nhiên tiết lộ tất cả mọi uẩn khúc của nhân tính, đến chỗ cao cả thì thật cao cả như thần thánh, đến mức ti tiện thì ti tiện một cách hèn hạ. Đây là Thuý Kiều trong một lúc hèn nhất đời nàng, hèn nhát đến nỗi phải làm cho ta thương hại. Nguyễn Lạng ngày xưa đọc đến câu này đã mỉa mai một cách xót xa: “Đến sự trinh bạch mà cũng có khi phải xin hối, xin chừa, thì trò đời nghĩ cũng đáng bật cười thật” (dẫn theo Trần trọng Kim, sđd, tr. 114). Các nhà Nho đã căn cứ vào câu này đua nhau thóa mạ Thuý Kiều là một đứa con gái vô luân, và Truyện Kiều là một tác phẩm phô bày mọi nết hư tật xấu của một con người vô đạo: ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi (Đào Nguyên Phổ), trong đó chữ dâm và chữ dục tố cáo nặng nề phẩm cách tồi tệ của Thuý Kiều.
    Nếu Thuý Kiều đã vô luân như thế, lời nhận định về Thuý Kiều của Tam Hợp Đạo Cô có giá trị hay không? Thuý Kiều là một cô gái của tình ái hay tà dâm? Tôi đồng ý với Tam Hợp Đạo Cô xác nhận Thuý Kiều không phải là một thiếu nữ dâm đãng vì chính nàng đã chống lại những hành động dâm đãng để bảo vệ trinh tiết của nàng.
    Nàng đã chống lại hành động sách nhiễu tình dục của Kim Trọng, thần tượng của nàng, ngườì mà nàng đã yêu say mê thắm thiết. Lúc ấy, vì bồng bột chạy theo tiếng gọi của ái tình, nàng đã sang nhà Kim Trọng chơi cả buổi tối lại sang một lần thứ hai vào lúc đêm đã rất khuya. Đọc câu: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình và hiểu xăm xăm là những bước hấp tấp vội vã, băng lối là đi tắt, đi liều lĩnh trong khu vườn hoang, vườn khuya chỉ một thời gian mà một người con gái con nhà lành không nên ra khỏi nhà, một mình là không có Thuý Vân và Vương Quan cùng đi như mọi khi, ta mới thấy sự liều lĩnh của cô gái chẳng những đáng trách mà lại nguy hiểm kể cả cho tính mệnh và danh tiết của cô. Hành động ngây thơ của cô đã bị chính người yêu của cô đánh giá sai như chúng ta đã biết. Thế mà khi sự nguy hiểm xẩy ra, bản ngã thật của cô chồm dậy, cô đã chống lại sự tấn công bất trắc của Kim Trọng và đã giảng cho anh chàng một bài học luân lí cứng rắn. Người ta chê cô là giả tạo, chê Nguyễn Du đã dựng nên một tình huống gượng ép. Ít người chịu khó đi sâu vào tâm tư Thuý Kiều để thấy rằng, hành hành động tự vệ ấy của người con gái thật là bộc phát và tự nhiên. Tất cả mọi người con gái có giáo dục đều phản ứng như Thuý Kiều, phản ứng một cách hoàn toàn vô thức, ngoài sự kiểm soát của lý trí. Nếu con người Thuý Kiều có pha trộn một chút tà tâm về tình dục, tình huống sẽ khác và chúng ta không còn được chiêm ngưỡng một Thuý Kiều xinh đẹp như thuở nào về phương diện đạo đức. Chống đối dữ dội như vậy, trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, để bảo vệ cho giá trị tinh thần của mình như vậy là tà dâm sao? Làm thế nào mà gọi là tà dâm khi Thuý Kiều giắt sẵn một con dao trong người để đề phòng mọi sự bất trắc? Nàng đã rút con dao ấy ra tự vẫn, và thật sự nàng đã lấy dao đâm vào cổ khi nàng biết mình đã bị bán vào lầu xanh. Chỉ vì muốn sống trong sạch mà nàng đã mắc lận Sở Khanh, và vì sự mắc lừa đó mà nàng đã thốt lên câu: Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa. Có bản viết câu văn là: “xin chừa”. Nói xin là viết đúng theo nguyên bản khi nguyên bản dùng động từ tình nguyện, nhưng Nguyễn Du không muốn cho Thuý Kiều tình nguyện ra tiếp khách, hành động ấy quá hèn hạ. Vì có nhiều bản đã chọn câu có động từ xin cho nên Thuý Kiều đã bị đánh giá một cách thấp kém như vậỵ Bản KOM thay vào chữ xin ấy đã viết chữ cũng: chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa. Nhờ vào ý nghĩa bất đắc dĩ do từ cũng nêu ra, ta sẽ thấy sự miễn cưỡng thực sự của Thuý Kiều khi phải làm một việc thiệt hại đến danh tiết của nàng, chỉ vì một sự hấp tấp thiếu suy xét mà đã không có cách nào làm khác được. Thái độ miễn cưỡng ấy đã biện hộ cho hành động của Thuý Kiều. Nàng không phải là thần thánh cho nên đã vấp ngã. Nguyễn Du không muốn cho nàng trở thành một con người máy cho nên đã ngã qu như mọi người trong một trường hợp xảy ra ngoài mọi dự tính của mình. Vả lại, ta phải đến gần Thuý Kiều hơn để nhìn xem Thuý Kiều sống ở nhà thanh lâu như thế nào. Nàng sống giữa tội lỗi, nhưng nàng đã không bị lôi cuốn vào tội lỗi. Nàng đã không tham gia vào cuộc hành lạc của khách làng chơi cho đến khi nàng gặp Thúc Sinh và được Thúc Sinh cứu vớt ra khỏi địa ngục trần gian. Phải thấy những nỗ lực siêu phàm của Thuý Kiều đã làm để Thúc Sinh chú ý đến nỗi khổ của nàng và tìm mọi cách để xin Thúc Sinh giải thoát cho nàng ra khỏi nhà thanh lâu mới hiểu được ý chí cương quyết của nàng muốn giữ mình trong sạch. Những ngày trong sạch nhất của Thúy Kiều kéo dài bên cạnh Từ Hải. Hai người đã lấy nhau chính thức, nghi thức hôn nhân được tổ chức long trọng, cho đến khi Từ Hải bị thất trận, Thuý Kiều được vớt lên khỏi Sông Tiền Đường rồi được đoàn tụ với gia đình và Kim Trọng. Thuý Kiều lại có dịp sống lại những ngày trong sạch thời ấu thơ. Nàng đã sám hối mọi tội lỗi xưa, đã thú thật với Kim Trọng mọi lỗi lầm ô nhục của đời nàng, và nàng đã được Kim Trọng, lúc ấy là một đại diện có thế lực của danh giáo, xoá bỏ mọi tội lỗi cho nàng. Trong tình huống này, Thuý Kiều là một thiếu phụ trong trắng, đã lấy hiếu làm trinh, và xứng đáng để nói lên một câu trái hẳn trước: chữ trinh còn một chút này. Chính Kim Trọng đã gợi ý cho nàng nói lên câu đó, và thực sự vào giai đoạn này của đời nàng, nàng có quyền tuyên bố như vậy vì đó là sự thật. Đúng như Tam Hợp Đạo Cô đã phê phán, Thuý Kiều mắc điều tình ái, nhưng nàng đã tránh khỏi điều tà dâm. Chữ tà dâm là của Tiến Sĩ Phạm Công Trứ, người soạn thảo Đề Cương Văn Hóa theo lệnh của Trịnh Tạc, năm 1663, và đã gọi tiếng nói của ái tình là tiếng nói của tà dâm: Tiếng dâm dễ khiến người say (Lê Triều Tứ Thập Thất Điều, bản dịch Nôm của Nhữ Đình Toản năm 1760), và đã được nhiều nhà Nho sau này nhắc lại. Tỉ dụ Nguyễn Công Trứ trong bài Vịnh Kiều mà ta đã đọc ở phần trên. Sở dĩ nhà Nho khắc khe như thế là vì họ chỉ biết có chữ lí là khuôn vàng thước ngọc của họ, và chữ lí của họ khô khan, trừu tượng, hoàn toàn đối lập với chữ tình của lớp nho sĩ trẻ. Ta đừng lạ khi thấy họ kết án mọi hành động của Thúy Kiều. Ta đừng ngạc nhiên khi thấy họ không hiểu được ý chí muốn sống trong sạch của Thuý Kiều là điều hoàn toàn trái ngược với nếp suy nghĩ già nua lạc hậu của họ.

    d- Hôn nhân không phải chỉ là một sự chung chạ xác thịt.
    Phát ngôn viên của Nguyễn Du là Tiến Sĩ Kim Trọng đã nói một câu rất rõ về hôn nhân: Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm (c.3178), câu nói đối với Thuý Kiều là một câu nói thiêng liêng, đến nỗi nàng đã phải sửa áo cài trâm và quỳ xuống lạy sống Kim Trọng mà nàng coi là một nhân vật cao thâm nghìn trùng (c.3180), nghĩa là như Trời. Ta thử tìm hiểu lời tuyên bố của Kim Trọng về hôn nhân.
    Yêu nhau là kính trọng nhau vì đã cùng thề hứa chung sống. Đó là quan niệm của Kim Trọng về tình yêu. Chàng nói: Bấy lâu đáy bể mò kim, Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa? (cc.3175-3176). Vàng đá, chữ Hán là kim thạch, chỉ tình yêu chân chính và chung thủy; trăng hoa hay hoa nguyệt, là chuyện yêu nhau không chính đáng, tưởng là yêu nhưng thực ra chỉ là đi tìm thỏa mãn nhục dục. Kim trọng đã không để cho mình hèn hạ đi về hướng này. Khi chàng còn quá trẻ, có lẽ đã hơn một lần chàng đã tỏ ra trăng hoa và đã bị Thuý Kiều mạnh mẽ cự tuyệt. Bây giờ, sau 15 năm suy nghĩ và học tập, Kim Trọng đã đỗ Tiến Sĩ và làm quan. Chàng không còn trẻ con như trước nữa, và chàng tìm thấy ở những tình yêu chân chính nhiều yếu tố tinh thần hơn xác thịt. Kim Trọng đáng là một gương sáng cho các bạn trẻ. Kim Trọng đã có một lần sa ngã như tất cả mọi người khác, nhưng hơn nhiều người khác, chàng đã đứng lên một cách can đảm và anh hùng. Ngã xuống là tiểu nhân hèn hạ, đứng lên là bậc quân tử hào hùng anh dũng.
    Hôn nhân không phải chỉ là chuyện chăn gối. Đó là chuyện mà chúng ta hiểu theo danh từ ngày nay là chuyện làm tình. Dĩ nhiên, một trong ba mục đích của hôn nhân là làm tình, tức là để điều hòa đời sống tình-dục, đúng như ca dao đã xác nhận: Yêu nhau chữ vị là vì, chữ dục là muốn, chữ tùy là theo. Nếu chỉ cần có dục mà thôi, đâu là chữ vị, đâu là chữ tùy. Hiểu vị là vì, vì những lí do chính đáng, vì lí trí đã sáng suốt quyết định. Tùy là theo, nghĩa là cùng nhau xây dựng đời sống chung, trong đó đời sống kinh tế là rất quan trọng. Ba điều kiện mà nhà văn học bình dân đưa ra đều quan trọng ngang hàng nhau không thể vì điều kiện này mà bỏ điều kiện kia. Vậy, chuyện chăn gối, chuyện thỏa mãn tình dục phải được tổng hòa theo yêu cầu của lí trí và của đời sống chung. Cho tình dục là yếu tố duy nhất quyết định hạnh phúc lứa đôi là thiếu sót và sai lầm. Các bạn trẻ đừng hiểu sai tư tưởng của Nguyễn Du. Chính Nguyễn Du đã chống đối các nhà Nho đi trước ông vì họ chỉ biết quan niệm hôn nhân không phải là chuyện tình cảm. Do đó, chỉ còn có một chuyện thôi là làm tình, và do đó, họ mới chế ra những nguyên lí lạ lùng để giam giữ người đàn bà trong nhà của họ, dưới uy quyền làm chồng tuyệt đối của họ. Nguyễn Du tuyên bố hôn nhân không phải chỉ là chuyên chăn gối là tuyên bố với các nhà Tống Nho này, trước hết để họ sửa chữa lại những sai lầm của họ và giải phóng cho người đàn bà được tự do hơn trong đời sống gia đình.
    - Hôn nhân không phải chỉ là chuyện nối dõi tông đường.
    Ta thử nghe Thuý Kiều nói với Kim Trọng: Cửa nhà dù tính về sau, Thì còn em đó, lọ cầu chị đây (cc.3159-3160). Rõ ràng, Thuý Kiều muốn dành việc sinh con đẻ cái cho Thuý Vân. Còn nàng, nàng không muốn đóng vai đó. Thuý Kiều có ngụy biện không, như Ông Lê Văn Hòe thường rêu rao? Chẳng những Thuý Kiều đã không ngụy biện, mà chính Nguyễn Du đã rất có lí khi cho phát ngôn viên nữ của ông tuyên bố một câu như thế, một câu tuyên bố nẩy lửa ném vào mặt các nhà Nho. Hôn nhân đâu phải đơn thuần là chuyện nối dõi tông đường. Nói khác đi, người đàn bà đâu có phải chỉ là một cái máy đẻ! Hôn nhân cao quý hơn chứ? Quan trọng hơn chứ? Nhiệm vụ của nó nặng nề đâu có giản dị như các nhà Nho đã ngụy biện và hành động sai lầm. Họ chỉ biết ước lược người vợ của họ thành một  đồ chơi, một cái máy để họ vặn sao thì vặn, muốn vần sao thì vần, không cần biết đến những phản ứng đầy nước mắt của người đàn bà mà ca dao đã từng phản ánh! Nếu không biến được người vợ thành một cái máy đẻ, nhân danh luật “thất xuất”, họ sẽ rẫy vợ, tức là bỏ vợ theo luật pháp quyết định hẳn hoi. Nếu không thì với sự đồng ý của vợ cả, họ có quyền lấy vợ bé. Đàng nào họ cũng có lợi, vừa được tiếng là một người con hiếu vì đã không “vô hậu”, vừa có thêm cô vợ trẻ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt. Nguyễn Du đã thành công liệng một hòn đá thành đôi. Ông vừa chống lại nguyên nhân sâu xa đưa đến tục lệ đa thê, vừa trình bày được một quan niệm mới của ông về hôn nhân: chế độ nhất phu nhất phụ. Có lẽ có người sẽ căn cứ vào việc Kim Trọng và Thuý Kiều ngay sau khi đoàn tụ, đã được gia đình chính thức làm lễ thành hôn. Do đó họ không chấp nhận là Nguyễn Du đã nghĩ ra việc chống chế độ đa thê. Sở dĩ có thái độ như vậy là vì họ đã không biết đến cách viết rất hiện đại của Nguyễn Du, khi ông để cho sự việc tự nó nói ra một điều gì đó trong hoàn cảnh cụ thể của nó, độc lập và có khi mâu thuẫn với những hoàn khác, vì đời sống của con người thường được diễn ra như vậy, diễn ra một cách vô lí đến buồn cười. Theo Truyện Kiều, Kim Trọng và Thuý Kiều đã được đoàn tụ như ta đã biết rõ, và đã chính thức thành hôn, nhưng phải đọc kĩ câu 3130 mới thấy sự miễn cưỡng của Thuý Kiều: Cúi đầu nàng những ngắng dài thở than. Ta để ý, mỗi lần Thuý Kiều tỏ ra nhẫn nhục thì nàng cúi đầu. Chữ những rất quan trọng để hiểu tâm trạng Thuý Kiều lúc đ, những là chỉ làm việc đó chứ không làm việc gì khác, tức là chỉ thở than là mình rất buồn, mình không bằng lòng, chứ không dám tỏ ra bất mãn hay phản kháng như khi ở nhà Tú Bà chẳng hạn. Thuý Kiều biết rằng việc thành hôn này chỉ là một hình thức, và nàng sẽ phá bỏ cái hình thức giả dối ấy một cách rất dễ. Việc phá bỏ ấy, nàng đã làm. Nàng đã thành công khi Kim Trọng tuyên bố long trọng với nàng: Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm. Đó mới là điều quan trọng vì nó xuất phát từ ý chí tự do của cá nhân. Còn Lễ Thành Hôn chỉ là một phong tục làm cho có, không còn quan trọng đối với những thế hệ trẻ nữa.

    Hôn nhân là kết bạn.
    Thuý Kiều nài nỉ Kim Trọng: Chàng dù nghĩ đến tình xa, Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ (cc. 3109-3110. Tình cầm sắt là tình vợ chồng, tình cầm cờ (hay cầm-kì) là tình bạn. Đây là một quan điểm rất mới về hôn nhân. Nếu vợ chồng chỉ là vợ chồng với nhau theo chữ lí của nhà Nho, tức là theo lễ giáo, là theo những quy định ở bên ngoài mình, không phải do tự mình tìm đến sống chung với con người mà mình thương yêu. Sống chung với nhau, dù là dưới danh nghĩa vợ chồng, mới chỉ là bước đầu của hôn nhân, chưa phải la hôn nhân đúng nghĩa. Chỉ là vợ chồng với nhau cũng chưa phải là hôn nhân vì sống chung không chỉ người mà vạn vật vũng có thể làm như vậy, như cây cau cũng có thể sống bên cội đá, như ta thấy trong chuyện Trầu Cau. Nguyễn Du muốn cho đôi vợ chồng phải là đôi bạn vì những lí do sau đây:
    + Hai người phải biết nhau, hiểu nhau: Thúc Sinh là tri âm của Thuý Kiều, Từ Hải là tri kỉ của nàng, chỉ có Kim Trọng là tương tri như Thuý Kiều đã nói: Tương tri dường ấy mới là tương tri (c.3184). Ta để ý đến chữ dường ấy mà Thuý Kiều đã dùng để định nghĩa chữ tương tri. Đầu tiên là hai người thương nhau thực sự, tì dụ Kim Trọng đã xót cho sự lưu lạc của Thúy Kiều (c.3167), đã  đã đau đớn nhiều vì lời thề thốt không thực hiện được (c.3168), đã vào sinh ra tử vì thương nhau (c.3169). Yêu nhau còn là kính trọng nhau nữa (c.3174), kính trọng sự trong sạch của nhau (c.3176) và không coi việc vợ chồng chỉ là một sự chung chạ xác thịt (c. 3178). Vậy yêu nhau là che chở cho nhau, bao bọc lẫn nhau (c.3185), cùng nhau luôn luôn nhắm về một hướng (c.3188). Đó gọi là tương tri. Tương tri bao hàm tri âm và tri kỉ làm một. Mối tình của Thuý Kiều đối với Kim Trọng là một mối tình chân chính, đáng làm kiểu mẫu cho các bạn trẻ.
    + Không bao giờ coi bạn mình là một khí cụ: Thúy Kiều đã có lần phải gắt lên: Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru? (c.1194), chữ giống ở đây theo nghĩa cổ là một khí cụ, một đồ chơi. Có thực người chồng chỉ coi người vợ là một đồ chơi tạo khoái lạc cho anh ta mà thôi không? Thế thì, người vợ có khác gì một con đĩ, mà người chồng có khác gì một khách làng chơi.
    Thuý Kiều nghĩ đến chuyện này mà rùng mình.Nàng tin chắc Kim trọng không thể là một người như thế, không thể coi Kiều như một đồ chơi !      
Đây là sự kiện mà tâm lý học gọi là vật hóa người tình, biến người thương yêu của mình thành thứ đồ chơi. Ta có cảm tưởng như nghe thấy lời phản kháng xa xưa của nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc; hay những lời chửi đổng của Bà Hồ Xuân Hương trong câu: Cọc nhổ đi rồi lổ bỏ không.

    3. Kết Luận.
    Quan niệm của Nguyễn Du về tình yêu và hôn nhân thật là rõ ràng. Nó phải xuất phát từ cá nhân, từ sự lựa chọn của cá nhân, và thành tựu do sự tự do quyết định của con người. Mọi cuộc hôn nhân dù được tổ chức chu đáo đến đâu, cũng chỉ là hình thức, nếu không được xác lập trên một tình yêu nồng nhiệt và tự do. Trong trường hợp cần thiết, hôn nhân đôi lứa có thể thăng hoa, có thể tự do vượt thành một cuộc hiệp hữu. Hai người không phải chỉ là một đôi nhân tình thông thường, mà là một đôi bằng hữu nối kết với nhau trong một mối tình cao thượng siêu vật chất. Đó là thượng tầng kiến trúc của tình yêu nhân loại mà Thúy Kiều và Kim Trọng đã thực hiện được. Nhờ vào chủ trương này và nhiều quan điểm khác mà Nguyễn Du trở thành một đại thi hào với những tư tưởng lớn, có giá trị trong văn học hiện đại thế giới.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.