Kiều Gặp Từ Hải (cc.2165-2212) Phạm Thị Nhung

                                             

                               Kiều Gặp Từ Hải
                                                  (cc.2165-2212)


                                             Phạm Thị Nhung



    Xuất Xứ
          Theo lời thỉnh cầu của Thúy Kiều trong tờ trần tình, Hoạn Thư chấp nhận cho nàng ra giữ chùa, chép kinh tại Quan Âm Các. Thúc Sinh lén đến thăm, khuyên Kiều “xa chạy cao bay”. Kiều vội bỏ trốn, tìm đến ẩn náu nơi Chiêu Ẩn Am của Sư Bà Giác Duyên. Ít lâu sau, việc Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc của nhà họ Hoan đem theo để phòng thân bị lộ. Kiều phải lánh nạn tại  nhà Bạc Bà. Nàng bị cô cháu nhà họ Bạc lừa bán vào một thanh lâu ở Châu Thai.


          Đại Ý
         Thúy Kiều đang sống những ngày buồn tẻ không lối thoát trong ngôi nhà hành lạc ở Châu Thai. Bỗng một hômTừ Hải xuất hiện. Từ như vì sao Bắc đẩu chói lọi chiếu sáng đời Kiều. Chàng đem nàng ra khỏi địa ngục lầu xanh, lấy làm vợ và cùng nàng tận hưởng hạnh phúc lứa đôi.

          Bố cục
          Đoạn thơ này có thể chia làm ba phần:

          I- Câu 2165-2174: Giới thiệu Từ Hải
          a- Câu 2165-2166: Từ Hải bất ngờ qua chơi Châu Thai.
          b- Câu 2167-2174: Tướng mạo, khí phách và tính tình Từ Hải.

          II- Câu 2175-2204: Từ - Kiều hội ngộ
          a- Câu 2175-2178: Từ Hải tìm gặp Kiều.
          b- Câu 2179-2204: Cuộc đàm thoại tương đắc và đầy hứng thú.

          II- Câu 2205-2212: Mối lương duyên hạnh phúc giữa Từ và Kiều.

    Giảng
           
           I- Câu 2165-2174:
     a- Từ Hải qua chơi Châu Thai (2165-2166).
          Thúy Kiều ở thanh lâu Miền Châu Thai đã lâu, nàng ngao ngán nhìn thời gian lờ lững trôi. Bỗng một hôm có người khách lạ từ biên giới qua chơi, có thể nói đây là một ngày đẹp nhất đời Kiều. Sự xuất hiện của khách đã làm thay đổi hẳn vận mệnh của nàng.

          b- Tướng mạo, khí phách, và tính tình họ Từ (2167-2174).
          Khách có tướng mạo thật oai phong lẫm liệt, với chòm râu rậm như “râu hùm”, với chiếc hàm dưới vuông và nở rộng như “hàm én”, cùng đôi lông mày đậm sắc, to bản như con tầm nằm ngang ( mày ngài).
          Thân hình khách cao lớn khác thường, vai rộng năm tấc, thân cao mười thước, tức khoảng gần 3 mét hiện nay. Đó là một độ cao ít người có, họa chăng là Chu Văn Vương (trong Đông Chí Liệt Quốc), Hán Cao Tổ, Quan Vân Trường (trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa) hay Goliath người khổng lồ pPhi Lịch Tinh, địch thủ của Vua Do Thái David (trong Thánh Kinh) v.v.
            Khách đi đứng đường bệ trang nghiêm, rõ ra tư thế của một bậc anh hào, tức anh hùng hào kiệt trong đời:
                             Đường Đường một đấng anh hào
                             Côn quyền hơn sức, lược hao gồm tài .
           Anh  hùng hào kiệt là hạng người tài giỏi xuất chúng, thường lập được công danh trong lúc loạn thế.Để giải thích khách là một bật “ anh hào ’’, Nguyễn Du đã cho ta biết, khách chẳng những võ nghệ cao cường, đánh võ bằng gậy (côn) hay bằng tay (quyền), sức lực đều hơn người, mà còn “lược thao gồm tài”. Thao lược là lục thao, tam lược. Lục thao là cuốn Binh Thư của Khương Tử Nha đời Chu nói về chiến thuật chiến lược bày bố trận địa. Tam lược là cuốn Binh Thư của Hoàng Thạch Công đời Tần, nói về kế dụng binh. Cả câu 2170, tác giả muốn nói khách không chỉ có sức khỏe, có võ nghệ mà còn giỏi về cơ mưu bầy binh bố trận.
            Hơn nữa, khách là người có khí phách ngang tàng, có tinh thần độc lập tự chủ quyết liệt,“ đội trời đạp đất” sống hiên ngang giữa đất trời, không chịu khuất phục trước bất cứ quyền lực nào.
            Người khách ấy là Từ Hải, gốc người đất Việt, quê quán miền đông Việt mà tác giả gọi là Việt Đông, thuộc miền cực nam Trung Quốc, sát biên giới  Việt Nam.
            Vốn người vùng bể, Từ Hải quen sống đời tự do phóng khoáng, bay nhảy rày đây mai đó khắp chốn hồ rộng, sông dài:
                                  Giang hồ quen thú vẫy vùng,
                        Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
             Từ ngữ “thú” ở đây chỉ nơi chốn, không có nghĩa là sở thích. Hành trang chỉ cần “nửa gánh”, gồm một thanh gươm với một cây đàn, thêm một mái chèo là họ Từ đủ phiêu du cùng khắp thiên hạ.
                  Hai câu lục bát này lấy ý từ hai câu thơ của Hoàng Sào:
                  Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng
                  Nhất trạo giang sơn tận địa duy.
          (Nửa vai cung kiến, vẫy vùng cả gầm trời; với một mái chèo, tung hoành khắp mặt đất).
          Hoàng Sào, một tướng giặc lớn đời Đường, nhưng là mẫu người anh hùng của Từ Hải. Khi đưa thơ Sào vào tác phẩm ĐTTT, Nguyễn Du đã thêm cho Từ Hải một cây đàn. Tác giả cố tình thay chữ “cung”, một võ khí thành chữ “đàn” một nhạc cụ, với dụng ý nghệ sĩ hoá nhân vật Từ Hải của ông.

          II-  Câu 2175-2204
           a- Từ Hải tìm gặp Kiều (2175-2178).
          Từ Hải qua chơi hành viện Châu Thai  được nghe danh tiếng về tài sắc và tính nết nàng Kiều. Tài sắc khuynh thành của Kiều, Từ tỏ ra ưa thích đã đành, mà tâm tính khí khái của người con gái này cũng đã thu hút mãnh liệt trái tim của khách anh hùng.
          Tấm danh thiếp của Từ Hải vừa đưa tới “lầu hồng” (cũng như lầu xanh), mụ dầu biết là khách quý, vội vã cho Kiều ra tiếp đón. Từ Hải và Kiều mới giáp mặt, hai bên cùng có phản ứng tức khắc là đưa mắt thật nhanh nhìn nhau để quan sát tìm hiểu. Chỉ qua cái nhìn sơ kiến đó,cả hai cùng quyến luyến nhau ngay:
                        Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
                        Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
          b- Nội dung cuộc đàm thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều (2179-2204).
          Kiều tiếp chuyện Từ Hải. Cuộc đàm thoại sôi nổi ngay từ phút đầu. Vừa mở lời, Từ Hải đã khẳng định chàng đến với Kiều bằng một tấm lòng quý mến, muốn được kết thân cùng nàng. “Tâm phúc tương cờ” nghĩa là lấy lòng dạ mà hẹn nhau. Ý Từ muốn nói, chàng đối với Kiều rất chân tình. Chàng tuyệt nhiên không phải hạng người “trăng gió vật vờ”, tức hạng người mê thanh đắm sắc tầm thường, chỉ cốt mua vui trong chốc lát.
           Sau đó, Từ hỏi Kiều về chuyện chàng nghe đồn - Đã bấy lâu nay nàng vẫn chưa chịu để ai lọt vào “mắt xanh”. Mắt xanh dịch từ chữ “thanh nhãn”, lấy điển Nguyễn Tịch đời Tấn. Ai ưa, ông tiếp bằng mắt xanh, tức nhìn thẳng. Ai không ưa, ông tiếp bằng mắt trắng, tức nhìn xéo. Như thế, câu hỏi của Từ Hải “Mắt xanh chẳng để ai vào có, không ?”. Phải hiểu là Kiều vẫn chưa thấy ai vừa ý; nàng chưa chọn được người tri kỉ. Từ nhấn mạnh: “Chuyện đó có (đúng) hay không?”
    Thật ra, Từ Hải hỏi Kiều chỉ là một cách để xác nhận lại mà thôi vì lòng chàng đã tin, ý chàng đã muốn, chuyện đó tất phải có ( đúng).
         Thế nên, Từ không cần đợi Kiều trả lời đã tỏ ý tán thành qua lời phân giải.Theo Từ, ở đời có mấy ai là khách anh hùng, tức người tượng trưng cho tài cao chí cả, sống đời tự do bất khuất, nếu không muốn nói là chỉ có chàng! Còn hầu hết là hạng người tầm thường, chí khí nhỏ hẹp, vì bị mê hoặc bởi bả lợi danh, bị ràng buộc vì nợ cơm áo, họ phải cam chịu sống đời tù túng hèn hạ, không đáng cho Kiều để mắt tới!
          Kiều dịu dàng, khiêm tốn trả lời từng điểm của Từ Hải:
          Nàng là gái lầu xanh, không dám coi thường một ai. Tuy nhiên nàng vẫn âm thầm kén chọn người tài đức để kết thân, song nàng biết ai đâu mà trao gửi tâm tình.
           Câu này Kiều ngầm trả lời cho Từ hiểu là nàng vẫn chưa có bạn tâm giao tri kỉ. Còn chuyện tiếp khách làng chơi thì thân nàng đã bán cho chủ rồi, người ta đâu có để cho nàng được quyền lựa chọn.
           Khi tiếp chuyện Từ Hải, qua lời nói,giọng nói của họ Từ, Kiều nhận ra chàng có khí phách của một đấng trượng phu, nên đã tế nhị kích thích tính hiệp sĩ của chàng khi nói lên cuộc sống tù túng đáng thương hiện tại của nàng.
            Trong thơ Đường có hai câu:
                        Bất tri can đảm hướng thuỳ thị
                        Lương nhân khước ức Bình Nguyên Quân.
             (Chẳng biết tỏ gan mật cùng ai, khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân).
              Kiều mượn câu thứ nhất để nói với Từ:
                         Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
             Từ Hải thông minh hiểu ý, và chàng cũng thuộc điển, thuộc thơ nên đã nói tiếp câu sau mà Kiều có ý bỏ lửng lúc nãy:
                       Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
             Bình Nguyên Quân tên thật là Triệu Thắng, đời Chiến Quốc, vốn người hào hiệp, có tính đãi khách rất trọng hậu. Khi làm Tướng Quốc, xảy chuyện nước Tần đem quân vây đánh Hàm Đan. Ông sang cầu cứu nước Sở, mới kén chọn một đoàn tuỳ tùng đủ tài văn võ đi theo, nhưng còn thiếu một người. Mao Tạo cũng là một trong ba ngàn thực khách trong nhà, xin ra ứng cử. Bình Nguyên Quân tỏ vẻ ngần ngại bảo rằng: “Người có tài cũng như mũi giùi trong tay áo, đầu nhọn nó sẽ thò ra. Vậy, sao lâu nay không thấy tiên sinh lộ ra tài năng gì?” Toại đáp rằng: “Chuyến này ông sẽ rõ”. Quả nhiên, sang nước Sở, Mao Toại đã thuyết phục được vua Sở cho binh tới giúp, phá được quân Tần. Sau đó, Bình Nguyên Quân mới bảo Mao Toại: “Thế mới biết chọn người là khó”.
            Từ Hải nhắc câu thơ Đường này là muốn nhắc lại câu nói của Bình Nguyên Quân, để công nhận với Kiều chuyện chọn người quả là khó. Đồng thời Từ khen lời nói của Kiều hữu tình vì chàng đón được ý nàng. Nàng đã kín đáo ví Từ như Bình Nguyên Quân ở điểm hào hiệp và còn muốn gửi gấm tâm can cho chàng.
               Từ Hải thích chí gọi Kiều lại gần để Kiều nhìn Từ lần nữa cho tỏ tướng mạo của chàng, xem có tin chắc chàng được như thế hay không? Kiều lễ phép thưa rằng:Từ chẳng những có tính “lượng cả bao dong” như Bình Nguyên Quân mà nàng còn tin tưởng một ngày kia sẽ được thấy chàng lập nên sự nghiệp anh hùng như Vua Đường Cao Tổ khi dấy nghiệp ở đất Tấn Dương.
           Khi xưng tụng Từ Hải, Kiều rất thành thực. Nàng không hề có ý tâng bốc viển vông, vì nàng đã đoán ra tướng anh hào của Từ. Tuy nhiên, nàng cũng biết lợi dụng lúc Từ Hải tự ái được vuốt ve, được đề cao để xin chàng đoái thương đến “cỏ nội, hoa hèn”, tức là cỏ ngoài đồng ruộng, hoa tầm thường không sắc, không hương, ý chỉ thân phận hèn mọn của nàng. Nàng vin vào tấm lòng hào hiệp của chàng (có ý vơ vào) mà liều lĩnh xin chàng bảo hộ cho cuộc đời mong manh, bấp bênh như bọt nước, như cánh bèo của nàng trong mai hậu.
           Từ Hải nghe Kiều nói thế, gật đầu tỏ ý rất hài lòng. Chàng cười khoái trá gọi Kiều là “tri kỉ” và bảo Kiều rằng, cả đời chàng dễ đã có mấy ai hiểu được chàng như Kiều. Từ khen Kiều có “con mắt tinh đời”, nghĩa là chàng tỏ ra thán phục tư chất thông minh sắc sảo của Kiều, chỉ gặp nhau mới đó mà Kiều đã hiểu được nguyện vọng cao xa âm ỉ trong tâm khảm Từ và còn dám đoán chắc trước (đoán già) sự thành công của chàng đang khi chàng còn phải lăn lộn giữa chốn “trần ai”, nghĩa là còn đang phải tranh đấu gian nan giữa thế tục đầy ô trọc này.
             Từ Hải nói tiếp, vì Kiều đã có lời nói biết đến giá trị của Từ và muốn phó thác thân phận cho chàng; thì sau này Từ lập nên nghiệp cả, dầu được quyền quý cao sang đến đâu chàng cũng sẽ cho Kiều cùng chung hưởng:
                  Một lời đã biết đến ta.
                  Muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau.
          “Chung” là một loại đồ dùng đong thóc,“ tứ” là cỗ xe đóng có bốn ngựa kéo.” Muôn chung nghìn tứ” là muôn chung thóc lúa, nghìn cỗ xe bốn ngựa. Ý nói khi lập nên nghiệp lớn, được quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý.

          III Câu 2205-2212: Mối lương duyên giữa Từ Hải và Thuý Kiều
          Trong cuộc đàm thoại, Từ Hải và Kiều tình ý rất tương đắc nên họ cảm thấy thân với nhau ngay một cách tự nhiên, chẳng cần cầu cạnh mới được. Từ Hải liền nhờ người đứng làm trung gian (băng nhân) nói với chủ thanh lâu cho chàng chuộc Kiều hoàn lương. Vốn họ bỏ ra mua Kiều hết bao nhiêu (tất phải căn cứ vào văn từ mua Kiều khi trước). Từ Hải hoàn trả sòng phẳng.
          Chuộc Kiều về rồi, Từ Hải lập một nhà riêng, kén nơi mát mẻ thanh tĩnh cho nàng ở. Trong phòng thì cho mua sắm giường cẩn bằng loại châu báu ngọc ngà và màn thêu tám vị tiên (trong bộ bát tiên quá hải) rất sang trọng cho Kiều dùng.
          Từ đấy, cặp “trai anh hùng”, “gái thuyền quyên” (gái đẹp) này tỏ ra rất  mãn nguyện cho mối lương duyên rất xứng đôi vừa lứa và tràn đầy hạnh phúc của họ:
                  Trai anh hùng/gái thuyền quyên
                  Phỉ nguyền sánh phượng/ đẹp duyên cưỡi rồng.
          Ta thấy hai câu thơ này Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp song quan, nghĩa là mỗi câu có hai vế đối xứng nhau: về thứ nhất nói về Từ Hải:
                  Trai anh hùng - Phỉ nguyền sánh phượng.
          Vế thứ hai nói về Thuý Kiều:
                  Gái thuyền quên – Đẹp duyên cưỡi rồng.
    “Sách phượng” là điển lấy trong Tả Truyện. Xưa họ Ý làm quan Đại Phu nước Trần muốn gả con gái cho Kính Trọng. Vợ Ý thị bói được quẻ tốt “Phượng hoàng vu phi, hoà minh tương tương” (chim phượng, chim hoàng cùng bay, tiếng hót hòa vang). Chim hoàng được sánh với chim phượng ý nói lấy được người chồng xứng đáng. Ở đây, Nguyễn Du đổi ra là Từ Hải mãn nguyện vì được người vợ xứng hợp.
          “Cưỡi rồng” là điển lấy trong Sở Quốc Tiên Hiền: Hoàng Hiến và Lý Ưng, hai danh sĩ đời Hậu Hán đều lấy con gái Thái Uý Hoàn Yên. Người đương thời khen hai cô gái được cưỡi rồng (thừa long), ý nói lấy được chồng tốt.
          Tóm lại, câu thơ 2211-2212, Nguyễn Du muốn nói cả Từ Hải và Thuý Kiều đều mãn nguyện cho cuộc tình duyên của họ, vì họ đã lấy được người bạn trăm năm rất xứng đôi vừa lứa.

          Bình
          Khi Kiều sống ở Châu Thai, nàng chẳng những là hoa khôi tài sắc lẫy lừng của hành viện, mụ dầu còn cố tình “treo giá ngọc” cho nàng bằng cách bầy đặt điều lệ là khách nào muốn đến thăm phải đưa danh thiếp trước, Kiều có ưng mới được tiếp. Kiều nghiễm nhiên trở thành một loại gái điếm hạng sang (poule de luxe), không biết bao nhiêu Vương tôn, Công tử, Phú gia nghe danh tiếng Kiều đã đua nhau quăng tiền để mua chuộc nàng. Bất quá họ cũng chỉ xem nàng như một món đồ chơi đắt giá, khiến bao đêm nàng đã phải tủi hờn cho thân phân. Đây chính là lý do vì sao Kiều vẫn giữ thái độ chung chung với tất cả, nghĩa là ơ thờ với tất cả, nàng có vui chăng chỉ là vui gượng:
                     Vui là vui gượng kẻo là
                     Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
                                                           (cc. 1247-1248).
         Thời gian lần lữa trôi qua, Kiều vẫn ở  hành viện. Kiều đã an phận với kiếp gái lầu xanh như vậy rồi sao? Nàng đã sợ thử thách, không còn dám giấn thân tranh đấu tìm tự do nữa sao? Không đâu, sự đau khổ của những lần thất bại trước (từ Sở Khanh cho đến Thúc Sinh) đã khiến Kiều trở nên khôn ngoan hơn, già giặn hơn. Tây Phương chẳng đã có câu: “L'homme est un apprenti, et la douleur son maitre” (người ta là một kẻ tập việc, và sự đau khổ là ông thầy dạy việc). Do đó, dù lòng Kiều lúc nào cũng hướng về cuộc sống tự do, cũng mong thoát khỏi kiếp phong trần, nhưng nàng đã biết tự cảnh giác: phải tỉnh táo,  phải biết kiên nhẫn đợi chờ …
             Rồi một hôm, bỗng Từ Hải xuất hiện nơi hành viện Châu Thai. Đây chính là cơ hội tốt mà Kiều đã chờ đợi từ bao lâu nay.
             Sự xuất hiện đột ngột của Từ với tướng mạo kì vĩ cùng ngôn ngữ dõng dạc của chàng, dù Kiều chỉ mới đưa mắt liếc nhanh quan sát, nàng đã không khỏi sửng sốt xúc động và cảm thấy tin yêu ngay; huống chi Kiều còn đoán được Từ có cái tướng của một bậc đại trượng phu trong thiên hạ. Kiều vội nhủ lòng, phải đem hết khả năng, tài trí để chinh phục bằng được người khách hiếm có này, sao cho chàng phải thuộc về nàng, sẽ là thần hộ mệnh của đời nàng. Được Từ, nàng sẽ thoát khỏi kiếp đoạn trường, sẽ được tự do, sẽ thắng mệnh số! Ý thức tìm tự do lúc này đang bừng dậy trong đầu óc Kiều.
             May mắn cho Kiều, Từ Hải đã cảm tấm lòng khí khái của nàng khi được nghe danh. Thế rồi, Từ đã tìm đến Kiều và tỏ ra hiểu rõ tâm hồn cao quý của nàng. Chàng lại đem cả tấm lòng quý hóa, tâm phúc mà đối đãi, bảo sao nàng không cảm động?
             Dù sao, qua mấy lời thăm hỏi trò chuyện mở đầu của Từ Hải, Kiều vẫn đủ bình tĩnh và sắc sảo nhận ra ngay đặc điểm về lòng tự tin của chàng. Từ tỏ ra khinh thường hết thảy những người khách làng chơi khác và tự cho rằng chỉ có chàng là bậc hào kiệt trong đời:
                   Một đời được mấy anh hùng
                     Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi.
            Kiều thấy Từ Hải nhấn mạnh đến hai chữ “ anh hùng”, Kiều hiểu ngay đây chính là lý tưởng của đời chàng. Nàng thầm nhủ, sẽ lựa dịp để xoáy sâu vào điểm này.           
    Cũng nhờ Kiều có nhiều kinh nghiệm về việc đời nên nàng biết sử dụng cái “nhu” của người phụ nữ qua những lời lẽ:
                 - Khi thì dịu dàng khiêm tốn
                     Thưa rằng: “người dạy quá lời,
                     Thân này còn dám xem ai làm thường”?
                    - Khi thì duyên dáng tình tứ:
                     “ Chút riêng chọn đá thử vàng,
                     Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu”?
                    - Khi thì tế nhị gợi lòng trắc ẩn
                    “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình”
để đối đáp lại cái “cương” của Từ (nam nhi chi khí), khiến Từ đã bị quyến rũ, bị xiêu lòng ngay trước cái hấp lực đầy nữ tính của Kiều.
             Lại đến khi Kiều đề cao Từ Hải, nàng đã biết khen đúng chỗ, tỏ ra hiểu được giá trị đích thực của chàng về tấm lòng hào hiệp của người nghĩa sĩ (như Bình Nguyên Quân), nhất là về hoài bão cao xa của khách anh hùng mà Từ Hải đang ôm ấp và mong sớm thực hiện. Điều đó đã làm cho Từ Hải vô cùng khoái trá. Có thể nói, lúc này Từ Hải đã bị Kiều chinh phục hoàn toàn.
             Tình yêu giữa Từ Hải và Kiều đã nẩy nở một cách thật nhanh chóng và tự nhiên, âu cũng là điều dể hiểu. Vì ngoài diện cảm thường tình giữa trai anh hùng lẫm liệt và gái yểu điệu thuyền quyên, họ còn cảm nhau vì đồng thanh khí vì tình tri kỷ.
Từ Hải và Kiều đều là những kẻ từng trải mùi đời.  Từ thì “phong trần mài một lưỡi gươm”; Kiều thì “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Họ đều cô đơn nên khao khát tìm người tri kỷ. Nay họ đã tìm được nhau và hiểu nhau. Họ cần có nhau để làm bến đậu cho tình cảm, và để cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời. Thế là chỉ sau một buổi gặp gỡ chuyện trò  “ý hợp tâm đầu”, họ đã trở thành một cặp vợ chồng lý tưởng, vô cùng hạnh phúc:
            Trai anh hùng, gái thuyền quyên
                     Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cỡi rồng.
             Qua đoạn thơ trên, chúng ta còn được biết nhân vật Từ Hải với tướng mạo uy nghi, với tài năng xuất chúng, với chí khí ngang tàng, thích sống ngoài vòng cương tỏa cùng mang hoài bảo lập nên sự nghiệp anh hùng. Sự nghiệp anh hùng, theo Từ Hải là sự nghiệp tạo nên giữa lúc loạn thế về cả hai phương diện:
    - Chính trị: giấn thân tranh đấu xã hội để xây dựng cuộc sống công bằng, tự do, an lạc cho mọi người:
                              Phong trần mài một lưỡi gươm,
            Những phường giá áo, túi cơm, sá gì!
                                                            (cc. 2445 – 2446)
                     Anh hùng tiếng đã gọi rằng
                     Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
                                                             (cc. 2429 – 2430)
            - Quân sự: trước hết phải có một đoàn quân tinh nhuệ, dũng mãnh mới mong làm nên đại sự và làm cho người đời phải khâm phục:
                     Bao giờ mười vạn tinh binh,
                     Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường,
                     Làm cho rõ mặt phi thường!
                                                            (cc. 2221 – 2223)
             Từ Hải của Nguyễn Du như thế đã hoàn toàn thay hồn đổi xác, không còn một bóng dáng nào của Từ Hải vốn theo nghề trộm cướp, sau khi làm giặc bể trong Ngu Sơ Tân Chí của Dư Hoài, hay nhân vật Từ Hải trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử. Dẫu ở đấy, Từ Hải đã được giới thiệu là một hảo Hán, nhưng vẫn không thoát khỏi tư cách của phường thảo khấu (giặc cỏ).
             Từ Hải của Nguyễn Du không chỉ là một anh hùng võ hiệp mà còn là một nghệ sĩ.
          Từ Hải quen sống đời tự do, giang hồ lang bạt, hành trang chỉ cần nửa gánh, gồm một thanh gươm, một cây đàn với một mái chèo là đủ phiêu du cùng khắp non sông đất nước.
             Đọc Hán Sở Tranh Hùng, chúng ta đã có dịp được biết Trương Lương, một Tướng Quốc nhà Hán, đã sử dụng tiếng địch (một nhạc cụ) trong chiến thuật tâm lý chiến để gợi lòng nhớ nhà, nhớ gia đình của quân sĩ Hạng Võ mà thắng được đối phương. Lại trong truyện cổ tích Thạch Sanh của ta. Thạch Sanh đã gẩy đàn độc huyền (đàn thần do Vua Thủy Tề tặng) mà vạch được tội vong ân, xảo trá của Lý Thông, giải câm cho Công Chúa Quỳnh Nga và làm nản chí, thối lui đoàn quân xâm lược của mười tám nước chư hầu. Ở Đ.T.T.T., Nguyễn Du không đi xa như thế, ông chỉ muốn thêm một cây đàn cho Từ Hải để làm rõ hơn bản tính nghệ sĩ sẵn có của Từ.
           Vậy, trong bản ngã của Từ Hải cũng có hai khuynh hướng rõ rệt. Khi nào khuynh hướng lý trí thắng, Từ là một anh hùng ngang tàng “đội trời đạp đất ở đời” (c. 2171) không sờn lao khổ “phong trần mài một lưỡi gươm” (c. 2245), khí thế đằng đằng:
                     Thừa cơ trúc chẻ, ngói tan
                     Bình Uy từ ấy sấm ran trong ngoài.
                     Triều đình riêng một góc trời,
                     Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà!
                                                              (cc. 2439 – 2442)
             Khi nào khuynh hướng tình cảm thắng, Từ là một nghệ sĩ, sống đời phiêu lưu giang hồ để thỏa chí vẫy vùng, và hào tình lãng mạn. Từ gặp Kiều là yêu ngay. Khi đã yêu, Từ không hề tính toán “muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau”. Và cũng vì quá tin yêu Kiều (nghe lời nàng ra hàng Hồ Tôn Hiến để  bị lừa) nên Từ phải chết.
    Về hình thức: Từ Hải, một nhân vật anh hùng trong tác phẩm. Sự xuất hiện của Từ Hải đã làm thay đổi hẳn vận mệnh của nhân vật chính Thúy Kiều. Vì thế, đã được Nguyễn Du mô tả theo phương pháp lý tưởng.
             Để tả Từ Hải có tướng mạo anh hùng theo đúng kiểu mẫu thẩm mỹ cổ điển, Nguyễn Du đã phối hợp tướng mày ngài “ngọa tàm mi bát tự” nghĩa là lông mày xếch chữ bát và to bản như con tằm nằm ngang, và tướng cao lớn “thân trường cửu xích” là thân cao chín thước của Quan Vân Trường, cùng với tướng râu hùm, hàm én “hổ tu, yến hạm” của Trương Phi, dựa theo sách Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung.
         Bên cạnh những hình ảnh ước lệ đó, Nguyễn Du đã thêm vào những cử chỉ có tính cách miêu tả hiện thực như “liếc”, “gật đầu”, và “cười rằng” khiến cho những hình ảnh ước lệ kia mất phần nào sự cứng nhắc mà trở nên linh động. Nhất là trong phần đối thoại, Nguyễn Du đã khoác cho nhân vật Từ Hải những lời nói có khẩu khí tự nhiên của loại ngôn ngữ “đàn anh”. Đôi khi, ông còn chêm vào đó những thành ngữ, loại văn chương bình dân truyền khẩu như “cá chậu” “chim lồng”, khiến cho nhân vật Từ Hải trong văn chương sách vở trở thành nhân vật sinh động, có lối nói chuyện quen thuộc trong đời sống dân gian.
             Đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải còn có kịch tính khá cao:
             - Chuyện xẩy ra đột ngột: Từ Hải bất ngờ xuất hiện trong đời Kiều.
             - Ngôn ngữ đối thoại, cử chỉ, động tác của nhân vật đã bộc lộ được khá rõ rệt địa vị, tâm tính, và thái độ của họ.
           Như Từ Hải:
                     . Một đời được mấy anh hùng,
                     Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi.
                     . Khen cho con mắt tinh đời,
                     Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
           Rõ ra lời nói tự tin của một kẻ cả, tự xưng là “anh hùng”, và cũng vì biết rõ giá trị hơn đời của mình nên có thái độ khinh thị những người tầm thường, gọi họ là bọn “cá chậu, chim lồng”:
                           .Một lời đã biết đến ta,
                     Muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau.
    Tuy là giọng nói của kẻ cả, tự xưng “ta”, nhưng có lòng độ lượng, hào phóng.
                     .Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?
                     .Lại đây, xem lại cho gần.
              Vẫn là giọng nói của kẻ cả. Đồng thời còn bộc lộ tính tình bộc trực, ngay thẳng của Từ Hải.
                 Như Thúy Kiều:
                     .Thưa rằng: Người dạy quá lời,
                      Thân này còn dám xem ai làm thường.
                     . Rộng thương nội cỏ, hoa hèn,
                     Chút thân bèo bọt, dám phiền mai sau.
             Rõ ra lời nói lễ phép, từ tốn của một kẻ ở địa vị thấp kém nhưng khôn ngoan, tế nhị, biết lựa lời hạ mình để gợi lòng thương xót của người hiệp sĩ mà nhờ cậy chở che.
             Điểm cuối cùng, về hình thức cần nói ở đây là nhạc tính hùng mạnh của đoạn thơ giới thiệu Từ Hải:
                     1. Râu hùm / hàm én / mày ngài
                     2. Vai năm tấc rộng / thân mười thước cao
                     3. Đường đường / một đấng anh hào
                     4. Côn quyền hơn sức / lược thao gồm tài
                     5. Đội trời / đạp đất / ở đời
                     6. Họ Từ / tên Hải / vốn người Việt Đông
                     7. Giang hồ / quen thú / vẫy vùng
                     8. Gươm đàn nửa gánh / non sông một chèo.
             Nhịp điệu thông thường của thể thơ lục bát là nhịp đôi: 2 / 2 / 2 và 2 / 2 / 2 / 2, trong khi đó suốt 8 câu thơ trên, nhịp điệu biến chuyển không ngừng, khi mau, khi chậm:
                     (1)- 2 / 2 / 2
                     (2)- 4 / 4
                     (3)- 2 / 4
                     (4)- 4 / 4
                    (5)- 2 / 2 / 2
                     (6)- 2 / 2 / 4
                     (7)- 2 /2 / 2
                     (8)- 4 / 4
tạo nên một chuỗi nhạc rộn ràng, linh động. Đặc biệt trong 3 câu (2), (4) và (8), Nguyễn Du đã sử dụng cấu trúc cân đối 4 / 4 gây những nhịp dài, đều nhau khiến cho dòng nhạc chậm lại một cách trang trọng.
             Về âm vận, thơ lục bát chỉ có vần bằng (B) và về âm luật, chỉ có chữ thứ tư trong câu lục và chữ thứ tư trong câu bát mới bắt buộc phải là âm trắc (T)
                               O B O T O B
                              O B O T O B O B
          Như thế, tỉ lệ những âm T quá ít so với số lượng âm B, nên nhạc tính trong thơ lục bát thiên về nhẹ nhàng êm dịu. Để khắc phục điểm này, Nguyễn Du đã sử dụng thật nhiều chữ có âm trắc (T) ở những điểm BT được quyền tự do chọn lựa, khiến đoạn thơ có được nét nhạc rắn rỏi, hùng mạnh rõ rệt:
  
                     Câu (2): chữ thứ 3 (tấc) và chữ thứ 7 (thước).
                                   Câu (3): chữ thứ 3 (một)
                     Câu (4): chữ thứ 5 (lược).
                     Câu (5): chữ thứ 1 (đội), thứ 3 (đạp) và thứ 5 (ở).
                                   Câu (6): chữ thứ  1( họ), thứ 5 (vốn) và thứ 7 ( việt)
                     Câu (7): chữ thứ 5 (vẫy)
                     Câu (8): chữ thứ 3 (nửa) và chữ thứ 7 (một)
             (Có thể xem thêm Phan Ngọc, Tìm Hiểu Phong Cách Nguyễn Du Trong Truyện Kiều, tr.250).
             Thêm vào đó là điệp ngữ “đường đường” làm gia tăng cường độ âm thanh. Sau hết cũng phải kể tới những chữ dùng mạnh mẽ (đội, đạp, vẫy vùng) cùng những hình ảnh hào hùng (tướng mạo Từ Hải, cảnh: đội trời đạp đất, giang hồ vẫy vùng, non sông một chèo).
             Tất cả những điểm này đã khiến đoạn thơ giới thiệu Từ Hải trở thành một đoản thiên anh hùng ca trong tác phẩm Đ.T.T.T.
Kết
           Tóm lại, đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải có thể nói là một đoạn thơ tiêu biểu của Nguyễn Du về sự phối hợp hài hòa giữa văn chương bác học qua điển tích và ngôn ngữ gấm hoa của nhân vật Thúy Kiều với văn chương bình dân qua những câu nói nôm na, tự nhiên, sống động, đôi khi kèm thêm những thành ngữ của nhân vật Từ Hải.
             Đặc biệt đoạn thơ giới thiệu Từ Hải toát ra một vẻ đẹp hùng tráng cả về hình thức lẫn nội dung. Đó là điều dễ hiểu, vì họ Từ chẳng những là  nhân vật anh hùng của vai nữ chính Thúy Kiều mà còn là nhân vật lý tưởng của Nguyễn Du. Sống giữa thời đại loạn, xã hội đảo điên, ông đã phần nào chịu ảnh hưởng các bậc hào kiệt thời đại (Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh...), phần nào do hiệp sĩ tính (thiên tính) của ông, thích giúp nghĩa quân phù Lê để xây dựng lại xã hội nhưng không thành công. Thế nên, tác giả Đ.T.T.T. cũng muốn tạo dựng nhân vật lý tưởng Từ Hải để gửi gấm hoài bão; do đó, ông đã viết với tất cả tài hoa và hào hứng của mình.

1 commentaire:

  1. https://drive.google.com/file/d/0By8y9k0VnETDVDBKSHdZTzA3Q1k/view?usp=sharing

    RépondreSupprimer

Couverture du livre

Bn Internet đánh máy ca Thư Vin Vit Nam Toàn Cu.

Gs Phm Th Nhung kiểm lại tháng 7 Năm 2015.